Thứ tư, Tháng mười hai 11, 2024

Phát triển du lịch sinh thái tại Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long, Ninh Bình

Với nguồn tài nguyên đa dạng và hệ sinh thái phong phú, cảnh quan thiên nhiên yên bình, thơ mộng, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình có nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long cũng đã được độc giả Sài Gòn Tiếp Thị bình chọn vào “Top 7 điểm du lịch sinh thái” trong khuôn khổ chương trình “Top 7 Ấn tượng Việt Nam” năm 2022. Ảnh: Nguyễn Thanh Tuấn

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long là một trong những vùng đất ngập nước lớn nhất Đồng bằng Bắc Bộ, là khu Ramsar thứ 9 của Việt Nam. Nơi đây cũng đã được độc giả Sài Gòn Tiếp Thị bình chọn vào “Top 7 điểm du lịch sinh thái” trong khuôn khổ chương trình “Top 7 Ấn tượng Việt Nam” năm 2022.

Theo Cổng TTĐT tỉnh Ninh Bình, khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long nằm trên địa phận 7 xã thuộc huyện Gia Viễn là xã Gia Hưng, Liên Sơn, Gia Hòa, Gia Vân, Gia Lập, Gia Tân, Gia Thanh ở phía Đông Bắc tỉnh Ninh Bình. Địa hình Vân Long bằng phẳng, độ chênh không quá 0,5m.

Cuộc sống yên bình bên đầm Vân Long. Ảnh: Nguyễn Thanh Tuấn

Hệ động vật nơi đây có 39 loài, 19 họ, 8 bộ thú; trong đó có 12 loài động vật quý hiếm. Khu vực này đạt hai kỷ lục về thiên nhiên của Việt Nam là “Khu bảo tồn có đàn voọc lớn nhất Việt Nam" và "Khu vực có bức tranh tự nhiên lớn nhất Việt Nam - bức tranh núi mèo cào”.

Khác với Tam Cốc hay Tràng An vốn là những địa điểm nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ thì Vân Long lại mang trong mình vẻ đẹp hoang sơ, tĩnh lặng của một vùng đất ngập nước.

 

Chính nét độc đáo với hệ sinh thái động, thực vật phong phú đã khiến nơi đây trở thành điểm đến được nhiều du khách yêu thích, đặc biệt là du khách nước ngoài.

Để bảo tồn thiên nhiên và giá trị đa dạng sinh học ở nơi đây, các cấp, ngành và người dân sống ở khu vực xung quanh Khu bảo tồn đã tích cực bảo vệ môi trường, cải thiện môi trường sống của các loài động, thực vật, giữ lại những nét hoang sơ vốn có của Vân Long.

Theo TTXVN, thời gian gần đây, UBND huyện Gia Viễn đã triển khai nhiều giải pháp phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường ở Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long.

Thời gian gần đây, UBND huyện Gia Viễn đã triển khai nhiều giải pháp phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường ở Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long. Ảnh: Nguyễn Thanh Tuấn

Theo đó, huyện tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch xanh, tuyên truyền nâng cao nhận thức của chính quyền địa phương, người dân và du khách về xử lý rác thải, nước thải, giữ gìn cảnh quan, xây dựng môi trường xanh-sạch-đẹp theo Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch; gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương trong cải thiện môi trường du lịch; xây dựng chương trình tuyên truyền, giáo dục văn hóa ứng xử của cộng đồng dân cư đối với du khách và bảo vệ tài nguyên môi trường du lịch.

Nhằm bảo vệ tính đa dạng sinh học của Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, các cấp, ngành chức năng địa phương phối hợp xây dựng ranh giới, cắm mốc, thống kê các loại đất trong khu vực; lấy chính người dân làm hạt nhân, nòng cốt để thực hiện mục tiêu bảo tồn bền vững.

Khác với Tam Cốc hay Tràng An vốn là những địa điểm nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ thì Vân Long lại mang trong mình vẻ đẹp hoang sơ, tĩnh lặng của một vùng đất ngập nước. Ảnh: Nguyễn Thanh Tuấn

Địa phương cũng đã triển khai công tác trồng mới và bảo vệ rừng, bảo vệ các nguồn gen quý hiếm, tỷ lệ che phủ rừng tốt đã tạo môi trường sinh sống cho các loài động, thực vật, giúp cho các loài chim sinh trưởng phát triển tốt.

Bên cạnh đó, huyện Gia Viễn tích cực, chủ động phối hợp với các ngành, cấp khai thác các tiềm năng, lợi thế của Khu bảo tồn để phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn thiên nhiên. Hàng năm, huyện thành lập các đội liên ngành kiểm tra các hoạt động tại các cơ sở lưu trú, các điểm du lịch; qua đó góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Gia Viễn an toàn, thân thiện, văn minh.

Đăng Huy

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối