Chủ Nhật, Tháng Năm 5, 2024

Những startup thúc đẩy tính tuần hoàn của ngành công nghiệp cà phê

(SGTT) – Cà phê là thức uống đa năng, kích thích tư duy minh mẫn hơn, giúp kết nối xã hội. Tuy nhiên, ở Colombia, nước sản xuất lớn thứ ba thế giới, cà phê còn có một công dụng khác: làm vật liệu xây dựng.
Công ty khởi nghiệp (startup) Woodpecker ở Colombia sử dụng vỏ trấu của hạt cà phê để sản xuất ván xây dựng nhà cửa. Ảnh: livekindly

Người dân trên thế giới uống 3 tỉ tách cà phê mỗi ngày, với mức tiêu thụ đã tăng gấp đôi kể từ thập niên 1990 nhờ nhu cầu của tầng lớp trung lưu đang phát triển ở các nước như Ấn Độ và Indonesia. Trung Quốc chỉ có một cửa hàng Starbucks vào năm 1999 nhưng hãng cà phê này dự kiến sẽ phát triển mạng lưới ở đây lên 9.000 cửa hàng vào năm 2025.

Cơn bùng nổ tiêu thụ cà phê cũng có nghĩa là hàng triệu tấn bã cà phê tạo ra khí mê-tan được đưa đến bãi chôn lấp, cùng với vô số cốc nhựa cà phê dùng một lần. Xa hơn nữa trong chuỗi cung ứng, hoạt động chế biến quả cà phê thành hạt cũng tạo ra chất thải nông nghiệp, dưới dạng vỏ trấu hay nguồn nước bị ô nhiễm.

Ván xây dựng làm từ vỏ trấu của hạt cà phê

Công ty khởi nghiệp (startup) Woodpecker có trụ sở tại Bogotá, thủ đô của Colombia, chuyên chế biến vỏ trấu cứng của hạt cà phê thành ván xây dựng. Gần 70.000 người hiện đang sống hoặc học tập trong những ngôi nhà và trường học làm từ thứ được coi là phế phẩm này.

Woodpecker không đơn độc trong nỗ lực khai thác thác tiềm năng của các phụ phẩm từ một trong những loại đồ uống được yêu thích trên thế giới. Khi lượng tiêu thụ trên toàn cầu tăng mạnh, các startup trên khắp thế giới đang đề xuất nhiều giải pháp sáng tạo cho vấn đề chất thải ngày càng tăng của ngành.

Các cuộc khủng hoảng về khí hậu và đa dạng sinh học, cùng áp lực liên quan từ nhà đầu tư liên quan các tiêu chí nghiêm ngặt hơn về môi trường, xã hội và quản trị (ESG), đang thúc đẩy các ngành công nghiệp trên toàn thế giới khám phá các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, nhằm mục đích loại bỏ chất thải khỏi hệ thống kinh tế.

Hồi tháng 9, Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO) công bố thành lập Trung tâm Kinh tế tuần hoàn về cà phê. Đặt trụ sở tại Turin (Ý), mục tiêu của trung tâm là “đẩy nhanh quá trình chuyển đổi tuần hoàn trong chuỗi cung ứng cà phê”. Vanúsia Nogueira, CEO của ICO, cho rằng các giải pháp kinh tế tuần hoàn sẽ giúp biến chất thải trong ngành cà phê thành “cơ hội việc làm và thu nhập mới”.

Trong trường hợp của Woodpecker, cơ hội là tạo ra một loại vật liệu nhẹ, dễ vận chuyển, có thể sử dụng để xây dựng ở những vùng xa xôi của Colombia, đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội. Sau khi thử nghiệm với các loại sợi tự nhiên khác nhau, Woodpecker đã sử dụng hỗn hợp bột nghiền từ vỏ trấu của hạt cà phê, có nguồn cung cấp dồi dào ở Colombia, và nhựa, vì chúng mang lại những phẩm chất mà công ty tìm kiếm.

“Vỏ trấu cà phê tạo ra sự chắc chắn , trong khi đó, nhựa mang lại độ bền”, CEO Alejandro Franco của Woodpecker giải thích. Ông cho biết thêm, những ngôi nhà làm bằng ván với thành phần vỏ trấu hạt cà phê được chứng nhận là an toàn với động đất.

“Công trình càng nhẹ thì càng dễ thích ứng với động đất”, ông nói.

Trong khi đó, các startup khác bắt đầu từ đoạn cuối của vòng đời cà phê: bã cà phê đã qua sử dụng.

Bã cà phê biến thành cốc

Tại thủ đô Berlin của Đức, startup Kaffeeform đang thực hiện cách tiếp cận tuần hoàn bằng cách biến bã cà phê thành những chiếc cốc có thể tái sử dụng. Theo CEO và người sáng lập Julian Nachtigall-Lechner, các quán cà phê thường phải trả phí để xử lý bã cà phê. Nhưng hiện nay, họ rất vui khi giao bã cà phê cho đội quân thu gom của Kaffeeform, những người sẽ đưa chất thải này đến một trung tâm xử lý.

Ở đó, chúng biến thành những sản phẩm mới, bao gồm cả những chiếc cốc được đưa trở lại chính những quán cà phê cung cấp nguyên liệu thô để sản xuất chúng. Theo Nachtigall-Lechner, đó là một câu chuyện hay để các quán cà phê ở Berlin kể cho khách hàng.

Tuy nhiên, những thách thức về tính bền vững của ngành cà phê không chỉ dừng lại ở vấn đề rác thải. Tiêu thụ cà phê dự kiến sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay vào năm 2050, với mức tăng trưởng đặc biệt mạnh mẽ ở châu Á và châu Phi. Nhưng nhiệt độ tăng cao đang làm giảm sản lượng và có nguy cơ khiến tới một nửa diện tích đất trồng cà phê hiện tại trên thế giới không thể sử dụng được. Những người trồng cà phê, nhiều người trong số họ sống ở các nước nghèo, đang phải vật lộn để kiếm sống. Các nước sản xuất cà phê chỉ kiếm 10% trong số 200 tỉ đô la Mỹ doanh thu hàng năm của ngành công nghiệp cà phê toàn cầu.

Đồng thời, sản xuất cà phê đang thúc đẩy nạn phá rừng. Cà phê nằm trong những mặt hàng bị nhắm tới bởi các quy định mới của Liên minh châu Âu (EU) cấm nhập khẩu các sản phẩm liên quan đến nạn phá rừng bắt đầu từ cuối năm tới.

Tất cả những điều này làm dấy lên nghi ngờ về việc liệu lĩnh vực cà phê có thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng hay không.

Phân bón, nhiên liệu ethanol làm từ vỏ thịt quả cà phê

Cole Shephard, người sáng lập startup Green Coffee Company (Mỹ), cho rằng cần phải xem xét lại mô hình chuỗi cung ứng hiện tại của ngành công nghiệp cà phê để tạo ra một hệ thống bền vững và có lợi nhuận.

Hầu hết các công ty kinh doanh cà phê thu mua từ các hộ sản xuất nhỏ lẻ thông qua các trung gian. Nhưng Green Coffee, hoạt động ở Colombia, kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng, cho phép công ty mua cà phê của nông dân với giá cao hơn và áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn để tạo ra lợi nhuận lớn hơn.

Hồi tháng 6, công ty đã chốt thành công vòng gọi vốn series C trị giá 25 triệu đô la Mỹ. Công ty đang phát triển các cách để biến lớp vỏ thịt (pulp) của quả cà phê thành nhiều loại sản phẩm, bao gồm phân bón và bột sử dụng trong làm bánh hoặc có thể chuyển đổi thành thức ăn chăn nuôi. Lớp vỏ thịt chính là các mô cứng gắn liền với vỏ quả cà phê (khác với vỏ trấu của hạt cà phê). Green Coffee cũng lên men vỏ thịt cà phê để sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol.

Hầu hết cà phê được trồng bởi những người nông dân có diện tích dưới 1 hecta, vì vậy, cố gắng thu gom vỏ thịt quả cà phê từ họ là một quá trình rườm rà và mất thời gian, không thích hợp để sản xuất ethanol ở quy mô lớn. Green Coffee đã tự phát triển khoảng 4.000 hecta trồng cà phê với gần 14 triệu cây, cho phép công ty tập trung hóa quá trình này.

CEO Boris Wüllner của Green Coffee cho biết, công ty ông đã chi 8 triệu đô la để xây dựng một nhà máy chưng cất ethanol. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ sản xuất 12.000 lít ethanol nguyên chất mỗi ngày.

Wüllner nhấn mạnh, Green Coffee luôn cố gắng thương mại hóa các phế phẩm trong quá trình sản xuất cà phê để kiểm lợi nhuận trả lại cho các nhà đầu tư.

“Đó là cách tiếp cận nền kinh tế tuần hoàn của chúng tôi”, ông nói.

Chánh Tài

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Vì sao các startup đến Singapore lập đại bản doanh?

0
(SGTT) - Vị trí địa lý chiến lược, tiêu chuẩn công bố thông tin cao, khung pháp lý chặt chẽ và danh tiếng ổn...

Quỹ mạo hiểm sẽ chú trọng các startup châu Á ứng...

0
(SGTT) - Các quỹ mạo hiểm nên thay đổi cách cấp vốn cho các công ty khởi nghiệp, vì những startup ứng dụng trí...

Startup châu Á đến CES 2024 gọi vốn và tìm khách...

0
(SGTT) - Nhờ sự hỗ trợ từ chính phủ, nhiều startup của châu Á có cơ hội tham dự Triển lãm Điện tử tiêu...

Startup Đài Loan tìm tương lai phát triển ở Đông Nam...

0
(SGTT) - Tháng 8 vừa rồi, 14 startup cùng nhiều doanh nghiệp và quỹ mạo hiểm Đài Loan đã đến TPHCM tìm kiếm cơ...

Vốn chảy vào các startup công nghệ châu Âu giảm 45%...

0
(SGTT) - Vốn mạo hiểm đổ vào ngành công nghệ châu Âu giảm gần một nửa trong năm 2023 khi các nhà đầu tư...

Từng được định giá 47 tỉ đô la, WeWork chuẩn bị...

0
(SGTT) - WeWork, công ty cho thuê không gian làm việc chung ở New York, có kế hoạch nộp đơn xin phá sản sớm...

Kết nối