(SGTT) - Tình trạng thiếu nhân lực y tế ở tuyến cơ sở đã và đang là vấn đề nhức nhối tại các quận, huyện trên địa bàn TPHCM. Trong các đợt dịch Covid-19 vừa qua, lực lượng y tế tuyến cơ sở đã phải chịu nhiều thách thức lớn; đồng thời cũng bộc lộ ra các yếu kém, bất cập về chất lượng lẫn chuyên môn y tế.
- Hơn 50% doanh nghiệp tại TPHCM gặp khó khăn khi thưởng Tết cho người lao động
- “Dân hỏi – Chính quyền trả lời” tháng 2-2022 giải đáp các vấn đề y tế cơ sở, sức khỏe cộng đồng
Theo số liệu thống kê của Sở Y tế TPHCM vào tháng 12-2021, có khoảng 1.000 nhân viên y tế nghỉ việc. Đáng chú ý nhất, khi các nhân viên đang công tác ở một số tuyến y tế cơ sở cho rằng họ đang phải chịu một áp lực công việc quá lớn, khiến họ kiệt sức nhưng mức lương nhận được chưa tương xứng. Điều này khiến nguồn nhân lực y tế tuyến cơ sở rơi vào tình trạng thiếu hụt trầm trọng.
Thông tin về thực trạng hoạt động của các trạm y tế vào các đợt đại dịch Covid-19, cũng như trong tình hình mới, tại chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” của TPHCM vào sáng 13-2, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết lực lượng y tế tuyến cơ sở đóng một vai trò rất quan trọng trong thời gian các đợt dịch vừa qua như tổ chức xét nghiệm; giám sát, truy vết, điều tra dịch tễ học; chăm sóc F0 tại nhà; hỗ trợ chuyển viện kịp thời các F0 trở nặng…
Trong tình hình dịch bệnh được kiểm soát, y tế cơ sở đã dần khôi phục trở lại chức năng thường quy như trước đây, với khối lượng công việc rất lớn.
Mỗi cơ sở y tế phải đảm đương 19 chương trình y tế mục tiêu của quốc gia như chương trình sức khỏe sinh sản, trẻ em, người cao tuổi; chương trình bệnh lao, HIV/AIDS… Với khối lượng công việc khổng lồ, cũng như biên chế còn hạn hẹp đã khiến nhân viên y tế phải tăng ca, một người đảm đương nhiều công việc khác nhau.
Những vấn đề nêu trên thể hiện sự quá tải và điểm yếu của các đơn vị y tế cơ sở. Từ đó, các cơ quan chức năng cần quan tâm, tăng cường và bổ sung những chính sách để đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đặc biệt chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến y tế cơ sở.
Liên quan đến vấn đề những chính sách thu hút nguồn nhân lực về làm việc tại y tế cơ sở ở TPHCM trong tình hình mới, ông Lâm Hùng Tấn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, cho biết với quy định hiện nay mỗi trạm y tế chỉ có 5-10 nhân viên, không thể đáp ứng được nhu cầu của người dân, chỉ phù hợp với địa bàn với phường xã có 6.000 đến 20.000 dân. Tại TPHCM, hầu hết các địa phương đều nhiều hơn.
Để đảm bảo nguồn nhân lực, TPHCM đã nghiên cứu và đề xuất các bộ ngành liên quan theo hướng mỗi trạm y tế có ít nhất 10 nhân viên y tế/ 20.000 dân, thêm 2.000 đến 3.000 dân thì thêm 1 nhân viên y tế để phù hợp với cơ cấu dân số của từng địa phương.
Ngoài ra, TPHCM tăng cường thêm trạm y tế lưu động và chế độ chính sách để thu hút nguồn nhân lực tham gia công tác tại y tế cơ sở.
Trong chương trình nâng cao năng lực y tế cơ sở, ở mục chăm sóc cho người cao tuổi, người có bệnh mạn tính, trong thời gian sắp tới sẽ mở rộng danh mục khám, phát thuốc này để người dân có thể khám tại trạm y tế.
Minh Thảo