Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Nguồn nước sinh hoạt tại TPHCM: muốn uống phải đun sôi

(SGTT) – Nguồn nước sinh hoạt tại TPHCM dù được xử lý và đạt tiêu chuẩn nước ăn uống trực tiếp nhưng theo ngành y tế, người dân vẫn phải đun sôi trước khi sử dụng cho mục đích ăn uống. Lý do: hệ thống đường ống dẫn nước cũ, nước dễ nhiễm bẩn trong quá trình chảy từ nhà máy đến nhà dân. Vì thế, người dân cần đun sôi nước trước khi sử dụng cho mục đích ăn uống.

Theo thông tin từ Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), nguồn nước dùng cho sinh hoạt hàng ngày hiện nay ở TPHCM được lấy từ sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Sau đó, nguồn nước này được đưa về một số nhà máy nước như Thủ Đức, Tân Hiệp, Kênh Đông… để xử lý.

Cần đun sôi trước khi uống

Nước được lọc tại nhà máy nước Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: Lê Anh

Tại các nhà máy kể trên, nước được xử lý thông qua quá trình khử trùng bằng chlorine, được Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) đánh giá là biện pháp tốt nhất trong vệ sinh nước. Phương pháp này giúp loại bỏ các mầm bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho sức khỏe của người sử dụng.

Sau khi xử lý, nước được kiểm tra chất lượng trước khi bơm ra mạng lưới cấp nước và định kỳ kiểm tra 109/109 chỉ tiêu chất lượng nước dùng để ăn uống trực tiếp theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Nguồn nước sau xử lý tại các nhà máy nước sẽ đạt tiêu chuẩn nước ăn uống, do đó nước này có thể uống trực tiếp tại vòi.

Tuy nhiên, do hệ thống đường ống nước trải qua nhiều năm sử dụng nên còn nhiều ống cũ, chưa kịp thay thế có khả năng tái nhiễm bẩn trong quá trình vận chuyển từ nhà máy nước đến nhà dân. Do đó ngành y tế khuyến cáo người dân cần đun sôi nước trước khi sử dụng để uống trực tiếp.

Hồi tháng 4-2019, Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM công bố kết quả chương trình giám sát chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt với kết quả còn gây lo ngại.

Qua việc tiến hành thu thập 3.155 mẫu nước từ khắp các quận huyện đưa đi kiểm nghiệm, kết quả cho thấy có 57,91% mẫu đạt chỉ tiêu hóa lý, 95,63% đạt chỉ tiêu vi sinh.

Các mẫu nước giám sát không đạt chủ yếu do có chỉ tiêu clo dư tại bồn chứa nước; hàm lượng sắt tổng số không đạt và hàm lượng amoni không đạt.

Những quận huyện xa trung tâm thành phố như quận 12, Bình Tân, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn có số mẫu nước không đạt chất lượng cao. Hầu hết các mẫu nước không đạt là nước từ giếng khoan chưa được xử lý.

Kết quả giám sát cũng cho thấy nguồn nước thô từ sông Sài Gòn, Đồng Nai không đạt theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt – là quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm quản lý, theo dõi chất lượng nước.

Tuy nhiên, nguồn nước sau xử lý tại các nhà máy nước đều đạt theo quy chuẩn nước phục vụ ăn uống. Để bảo vệ sức khỏe, Trung tâm Y tế Dự phòng khuyến cáo, người dân ưu tiên sử dụng nguồn nước sạch được xử lý ở nhà máy, không nên sử dụng nước giếng khoan.

Về lâu dài sẽ ảnh hưởng sức khỏe

Nguồn nước sinh hoạt tại TPHCM được lọc qua các công nghệ chuyên biệt. Ảnh: Lê Anh

PGS.TS. Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ môi trường (ENTEC), cho biết nếu người dân sử dụng nước không đạt các chỉ tiêu về lâu dài sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe.

Việc dùng clo để khử trùng vi khuẩn trong nước chỉ ở mức tối đa cho phép là 0,3-0,5mg/lít. Nếu lượng clo dư không theo tiêu chuẩn, vi khuẩn, vi sinh có thể tái nhiễm và phát sinh.

Tùy theo nồng độ và thời gian tiếp xúc nguồn nước không đạt chuẩn mà mức độ ảnh hưởng khác nhau, như gây bệnh hen suyễn, rối loạn chức năng gan, thậm chí làm đình trệ và suy yếu khả năng miễn dịch. Nếu sử dụng lâu dài, ở mức độ nào đó, dư lượng clo có thể chuyển hóa tế bào, gây ung thư.

Tương tự, đối với nồng độ pH không đạt có thể phá hoại hàng loạt quá trình chuyển hóa trong cơ thể, gây ra các bệnh về thần kinh, thận, dạ dày… Nếu sử dụng lâu dài nước có độ pH không đạt quy chuẩn cũng sẽ chuyển hóa tế bào, gây ung thư.

Trong khi đó, nếu tổng lượng sắt vượt quy chuẩn sẽ ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển máu, hệ bài tiết từ đó gây ra bệnh tim, bệnh gan…

Bên cạnh đó, nồng độ tổng lượng sắt cao sẽ làm rối loạn chuyển hóa đường gây tiểu đường, loãng xương, bệnh Parkinson… Còn bản thân amoni không quá độc, chúng có mặt trong chất bài tiết của cơ thể.

Tuy nhiên nếu tồn tại trong nước với hàm lượng vượt quá quy chuẩn, chất này có thể làm cơ thể thiếu máu, khiến người xanh xao, ốm yếu…

Người dân không nên uống nước lã, nước giếng.

Để bảo đảm sức khỏe, ông Sỹ khuyến cáo người dân không uống nước lã, cần giữ thói quen ăn chín uống sôi.

Đặc biệt, người dân cần lọc nước bằng các vật liệu truyền thống như sỏi, cát, than hoặc sử dụng các thiết bị lọc nước bằng than hoạt tính, bằng màng thẩm thấu nghịch đảo (RO)… ở những khu vực sinh sống có nguồn nước không đảm bảo chất lượng.

Công nghệ lọc nước mới

Theo Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, nguồn nước thô lấy từ sông Sài Gòn, Đồng Nai không đạt theo quy chuẩn nước mặt do tình trạng ô nhiễm đối với nguồn nước sông ngày càng lớn, bắt nguồn từ việc các cơ sở công nghiệp, chăn nuôi xả nước thải chưa xử lý.

Để đối phó với tình trạng ô nhiễm này, thành phố đã đầu tư các thiết bị xử lý nước hiện đại để đảm bảo chất lượng nguồn nước đưa đến cho người dân.

Theo ông Bùi Thanh Giang, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), đơn vị này đã đầu tư kinh phí lắp đặt thiết bị để giám sát chất lượng nước liên tục. Cụ thể, thiết bị sẽ cho thấy những chỉ tiêu biến động của nguồn nước thô, có ảnh hưởng nhiều đến quá trình xử lý nước như độ đục, độ dẫn, amoni, pH, độ mặn.

Các thiết bị này sẽ truyền dữ liệu hằng giờ về phòng quản lý chất lượng nước và có hệ thống cảnh báo khi có biến động xấu về chất lượng.

Ba năm trước, Sawaco cũng đã nâng cấp phòng thí nghiệm và được công nhận đạt chuẩn ISO 17025:2005 – tiêu chuẩn quốc tế về phòng thí nghiệm.

Phòng thí nghiệm được trang bị một số thiết bị phân tích hiện đại như máy phân tích quang phổ để thực hiện các chỉ tiêu hóa lý, hệ thống nuôi cấy và kiểm tra vi sinh để xem xét các vi khuẩn có khả năng gây bệnh hiện diện trong nguồn nước.

Hiện nay, nhà máy nước Thủ Đức được vận hành trên hệ thống thiết bị tự động, điều khiển bằng hệ thống Scada. Đây là công nghệ xử lý nước của Đức.

Sau khi xử lý, chất lượng nước trên mạng lưới được đảm bảo theo quy chuẩn Việt Nam về chất lượng nước ăn uống, do Bộ Y tế ban hành.

Công nghệ xử lý chính tại các nhà máy cung cấp nước sạch sẽ theo các công đoạn keo tụ tạo bông; lắng, lọc để loại bỏ các thành phần tạp chất; làm sạch nước đảm bảo đạt chuẩn quy định. Trước khi đưa nước vào hệ thống mạng lưới cấp nước cho người dân, nước được khử trùng để diệt khuẩn.

Chất lượng nước được kiểm soát chặt chẽ thông qua trạm quan trắc trực tiếp. Việc lấy mẫu đánh giá định kỳ hằng tháng được cơ quan quản lý nhà nước như Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 giám sát độc lập.

Lo ngại ô nhiễm gia tăngPGS.TS. Bùi Xuân Thành, Đại học Bách khoa TPHCM, lo ngại trong tương lai nồng độ ô nhiễm nguồn nước sông Sài Gòn và Đồng Nai sẽ gia tăng nếu không giải quyết và kiểm soát hiệu quả xử lý nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt. Ông Thành cho rằng cần ưu tiên đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy xử lý nước thải đô thị. Đồng thời, cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ việc thu gom, vận chuyển, xử lý phân bùn bể tự hoại ở thành phố, tránh việc chất thải này đi vào sông, rạch…Đối với giải pháp công nghệ trong xử lý nước cần áp dụng công nghệ oxy hóa, nâng cao sử dụng ozone kết hợp than hoạt tính sinh học, hoặc công nghệ khác có thể loại bỏ chất hữu cơ trong nước. Bên cạnh đó, giải pháp công nghệ PAC (power activated carbon) kết hợp lọc màng hoặc công nghệ màng nhằm loại bỏ chất hữu cơ hòa tan có thể áp dụng.Theo ông Thành, hiện nay chất lượng nước của các nhà máy nước ở TPHCM chỉ đáp ứng cho nhu cầu sinh hoạt của người dân. Nếu muốn uống tại vòi thì phải giải quyết triệt để các vấn đề môi trường ở các dòng sông, áp dụng công nghệ xử lý nước tiên tiến.

Lê Anh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Tiền Giang: Hạn mặn làm nông dân trồng rau lo mất...

0
(SGTT) - Hiện nay, tình hình sản xuất cây trồng ở nhiều khu vực ở đồng bằng sông Cửu Long như Tiền Giang, Bến...

Trưa nay ăn gì: Bữa trưa thanh đạm với bún gạo...

0
(SGTT) – Bún gạo lứt kết hợp cùng nước lèo thanh ngọt từ xương heo hoặc gà mang đến cho thực khách bữa trưa...

Sinh viên Pháp đến Huế trải nghiệm múa rối nước

0
(SGTT) - Nhóm sinh viên 10 người đến từ Pháp đã có thời gian học trải nghiệm nghệ thuật múa rối nước truyền thống...

Lễ hội Bánh mì Việt Nam trở lại, sắp xác lập...

0
Sau kỳ tổ chức đầu tiên vào tháng 3-2023, lễ hội Bánh mì Việt Nam sẽ quay trở lại vào trung tuần tháng 5-2024...

Những điều cần lưu ý để đảm bảo sức khoẻ khi...

0
Theo các bác sĩ, những vận động viên nghiệp dư khi tham gia giải chạy đường dài sẽ dễ gặp nguy hiểm nếu không...

Năm 2023, nửa triệu người phải tiêm vaccine phòng dại, chi...

0
(SGTT) - Thời gian gần đây, số người tử vong do bệnh dại liên tục tăng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, cả nước...

Kết nối