(SGTT) – Gần 50 năm vắng xa, bây giờ, bờ xe nước – “cỗ máy” bằng tre vốn là biểu tượng bên dòng Trà Khúc đã có người ngày đêm dựng lại, để một “kỳ quan đồng ruộng” không biến mất.
- Sắc xuân trên những nẻo đường vùng núi Kon Tum, Quảng Ngãi, Quảng Nam
- 6 bãi biển hoang sơ, ít người biết ở Quảng Ngãi
- Khám phá Ba Làng An, vùng biển yên bình ở Quảng Ngãi
Ông Mai Văn Quýt, 79 tuổi, ngụ tại thôn Thống Nhất, xã Tịnh Ấn Tây, thành phố Quảng Ngãi nhiều năm qua vẫn cố gắng dựng lại bờ xe nước, một công cụ đưa nước tưới tiêu từ dòng sông lên đồng ruộng, đã vắng bóng gần 50 năm qua ở đất này.
Ông Quýt kể lại, dọc con sông Trà Khúc mỗi mùa khô, những bờ xe nước được đặt bên sông để guồng nước đưa vào đồng ruộng. Mỗi bờ xe đặt trên sông như thế có khoảng 9-10 bánh xe, mỗi bánh có đường kính khoảng 10-12m. Chiếc bờ xe nước mà ông hoàn thiện bây giờ chỉ bằng một phần nhỏ của những bờ xe nước khi xưa.
Trong ngôi nhà hai tầng cũ kỹ nằm gần bờ sông, những bánh xe nước của ông có đường kính khoảng 2m. Và mỗi bánh xe ấy ông phải làm trong khoảng 1 tháng mới xong. Với một bờ xe nước từ 9-10 bánh xe như thế, ông phải mất cả năm ròng để làm thô, sơn phết chống mối mọt, rồi ráp từng bánh xe vào kệ và hoàn thiện từng phần.
Giống như những “cọn nước” ở vùng núi phía Bắc, điều đặc biệt của những bờ xe nước này là sự liên kết của tất cả các bánh xe, thay vì đặt từng bánh xe rời như đồng bào vùng núi phía Bắc.
Ông Quýt bộc bạch rằng với những bờ xe nước sông Trà thuở trước với đường kính 12m, phải làm trong vài tháng với gần 10 người cùng chung sức, chưa kể nguyên liệu là tre phải được chuẩn bị trước cả năm trời mới đủ.
Những thân tre dài chừng 5-7m được thu gom về, ngâm nước khoảng 6 tháng để chống mối mọt thì mới có thể sử dụng. Người chủ đạo cho công trình phải có kiến thức, phải có kỹ năng để chỉ đạo từng người thực hiện phần công việc của mình.
Để dựng bờ xe nước, từng người thợ phải bắc giàn giáo cao 6-8m, sử dụng những cây tre được ngâm nước để đặt buộc, đan cài nhau làm sao cho bánh xe được dần thành hình và thật chắc chắn.
Những bánh xe nước được dựng lên bên vùng nước được gọi là “bờ cừ”. Xung quanh mỗi bánh xe được buộc lạt kết nối hàng trăm ống tre đặt nghiêng một góc đã được tính toán cẩn trọng, để khi bánh xe quay các ống tre mang đầy nước quay tròn đưa lên cao đổ vào máng nước, dẫn nước về đồng ruộng phía xa. Khi một bánh xe nước hoàn thành, trọng lượng khi ngậm nước có thể nặng tới hơn 1 tấn.
Trong nỗi nhớ bến sông của mình, ông Quýt tiết lộ rằng thông thường mỗi bờ xe nước như thế có tuổi đời 40-50 năm. Tuy nhiên, sau mỗi mùa mưa bão hay nước lũ thượng nguồn sông Trà đổ xuống, nhiều bờ xe nước bị cuốn trôi hoặc hư hỏng. Người dân làng trên, xóm dưới lại cùng nhau sửa chữa, dựng lại để dẫn nước cho vụ mùa.
Lâu dần, những khi xong vụ tưới tiêu, người làng lại huy động ra bên sống để dời bờ xe nước vào gần bờ hơn phòng những cơn lũ lụt. Những bờ xe nước bởi vậy không chỉ đơn thuần là công cụ trong lao động sản xuất, là công trình nghệ thuật mang dấu ấn riêng của bàn tay, khối óc con người, mà còn chứa đựng nét đẹp văn hóa truyền thống, là nút thắt tình cảm đoàn kết thêm thắm đượm, nghĩa tình của xóm làng bên đồng ruộng.
Chính vì thế, bờ xe nước mới được xem là biểu tượng của người Quảng Ngãi về tính cần cù, sáng tạo, được coi là giải pháp thủy lợi quan trọng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp thời khốn khó 40-50 năm trở về trước.
Trong lịch sử, bờ xe nước ra đời sớm ở Quảng Ngãi khoảng giữa thế kỷ 18, sau đó có mặt ở một số tỉnh khác. Tác giả P.Guillenmiet trong sách nghiên cứu: “Một ngành công nghiệp An Nam: Các guồng xe nước ở Quảng Ngãi” (năm 1926) cho rằng, các xe nước xuất hiện sớm nhất ở Quảng Ngãi là ở sông Vệ vào năm 1740, cụ thể là xe nước ở làng Bồ Đề (nay thuộc xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi).
Tuy nhiên số lượng bờ xe nước những nơi khác không nhiều, chỉ chủ yếu tập trung trên lưu vực sông Trà và sông Vệ, nơi hai con sông lớn nhất của Quảng Ngãi này từng có không dưới 114 bờ xe nước, đưa nước tưới tắm cho hàng chục ngàn ha đất, cho người dân no ăn ấm áo một thời.
Nhưng rồi qua thời gian, công trình thủy nông có tầm vóc được tạo nên từ bàn tay, khối óc và tốn không ít thời gian ấy rồi cũng bị thay thế.
Khi kênh thủy lợi Thạch Nham được xây dựng và vận hành, máy bơm nước bằng dầu, rồi bằng điện được đưa vào sử dụng thì bờ xe nước cũng như đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử trăm năm của mình trên vùng đồng bằng duyên hải nhỏ hẹp này.
Nhưng, trong tâm thức của những người lớn tuổi, những người đã sống và lớn lên bên sông Vệ sông Trà, thì bờ xe nước vẫn luôn là điều gì đó gợi nhớ khắc khoải. Mỗi người ai cũng có một con sông quê trong lòng mình, nhưng với người dân xứ Quảng Ngãi này, gắn với con sông còn là bờ xe nước như thế, róc rách và rì rào, chậm rãi mà đều đặn, thô giản mà hiệu quả như vậy.
Bao năm một mình, lão nông Mai Văn Quýt từng ngày cặm cụi vót từng nan tre, tỉ mỉ cắm cài, tỉ mỉ sơn sửa, cẩn thận cân đo từng chút một những khớp nối, chau chuốt từng sợi cước để tạo hình cho sản phẩm của mình.
Với lão nông này, đã ở tuổi gần 80 nhưng những nhung nhớ ruộng đồng với bờ xe nước vẫn còn hiển hiện như thuở nào. Thuở mà bờ xe nước vẫn luôn là biểu tượng ký ức của người Quảng Ngãi. Bây giờ còn ai làm bờ xe nước ở vùng này nữa không? Không, chẳng còn ai ngoài ông lão ấy, cũng chẳng còn ai ngoài ông lão có thể nắm được hết kỹ thuật dựng bờ xe nước với kích thước lớn và kết nối với nhau để đưa nước từ vùng thấp lên vùng cao được nữa.
Và tất nhiên, tất cả những vòng xe nước bằng tre ấy đều được ông lão làm thủ công hoàn toàn bằng tay. Ông Quýt có lẽ được xem là một trong những người cuối cùng nắm được cách thức chế tạo ra bờ xe nước ở đất này.
Bắt đầu làm bờ xe nước từ năm 16 tuổi, người đàn ông gần “bát thập” ở Quảng Ngãi muốn dựng lại cả một công trình tưới tiêu đồng ruộng từng một thời góp phần làm ấm no cho người dân vùng đồng quê đôi bờ sông Trà. Bây giờ, bên triền sông chẳng còn những bờ xe nước công phu và kỳ vĩ như xưa nữa.
Đôi tay của lão nông Mai Văn Quýt cả một đời đã dựng không biết bao nhiêu bờ xe nước, lớn có, nhỏ có. Những bờ xe nước loại nhỏ thì để trưng bày, những cái lớn hơn thì để dựng nước tưới tiêu. Nhưng trong tâm trí của ông, vẫn luôn đau đáu một điều là phải dựng lại công trình bờ xe nước độc đáo ở bên sông này, vốn là biểu tượng bên dòng sông Trà Khúc khi xưa.
Ông Bùi Văn Tiến, Phó giám đốc Sở VHTT&DL Quảng Ngãi, cho biết cuối năm 2023, bờ xe nước với 9 bánh xe của ông Quýt đã hoàn thành với kinh phí hơn 150 triệu đồng, được ông Quýt thực hiện trong nhiều năm đưa vào TPHCM để triển lãm trong chương trình “Sắc quê Quảng Ngãi tại TPHCM lần 1, năm 2024”. Niềm vui của ông Quýt, cũng có lẽ là niềm vui chung của bà con Quảng Ngãi xa quê còn thương nhớ theo ký ức với dòng sông quê nhà với biểu tượng gắn với dòng sông.
Tiêu Dao