(SGTTO) - Xu hướng du lịch cộng đồng, du lịch khám phá văn hóa bản địa đang phát triển mạnh mẽ nhưng để xây dựng được các mô hình thành công, bền vững, nhiều ý kiến cho rằng phải lấy người dân bản địa làm trung tâm.
Nhiều sản phẩm nhưng chưa hấp dẫn
Ông Ngô Thành Đạo, Trưởng ban Kế hoạch Xúc tiến du lịch, Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia Mộc Châu (tỉnh Sơn La), cho rằng đang có sự chuyển đổi mạnh mẽ trong nhu cầu du lịch của du khách. Du khách quan tâm nhiều hơn tới tính độc đáo, khác biệt trong giá trị văn hóa truyền thống, trong giá trị văn hóa thiên nhiên.
Họ mong muốn tìm đến các giá trị văn hóa bản địa, tìm về thiên nhiên nhiều hơn để trải nghiệm cuộc sống đơn sơ, mộc mạc. Đây cũng chính là xu hướng du lịch gắn với xóa đói giảm nghèo, du lịch xanh… mà Việt Nam đang hướng đến.
Nắm bắt xu hướng này, nhiều địa phương xây dựng các sản phẩm du lịch dựa vào cộng đồng, du lịch sinh thái nông nghiệp… Tại Mộc Châu, loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp phát huy lợi thế nông nghiệp của Mộc Châu, là vùng cung cấp nông sản đặc sản độc đáo khu vực phía Bắc. Với loại hình du lịch này, khách đến đây sẽ được trải nghiệm hoạt động thu hái hoa quả, chè, rau củ quả như mận, dâu tây, hồng, cam bưởi… Thông qua đó, họ có trải nghiệm mà ở nơi họ đang sống không có.
Thế nhưng, các sản phẩm du lịch của Mộc Châu dù đa dạng nhưng đều ở dạng tiềm năng, sản phẩm chưa phong phú, chưa hấp dẫn tối đa đối với du khách. Do đó, du lịch Mộc Châu bị xem là du lịch giá rẻ trong mắt du khách và các doanh nghiệp lữ hành.
Không chỉ tại Mộc Châu, hoạt động du lịch cộng đồng Việt Nam đang diễn ra ở hầu hết là ở các vùng nông thôn - miền núi phía Bắc, duyên hải miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long - nơi vẻ đẹp tự nhiên giao thoa với di sản văn hóa. Đặc biệt, tại các khu vực có nhiều dân tộc thiểu số, có nền văn hóa đa dạng và thiên nhiên bao quanh, mang đến sự kết hợp hấp dẫn của các điểm đến du lịch.
Như tại huyện đảo Cần Giờ (TPHCM), ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty du lịch Lửa Việt, cho rằng dù Thiềng Liêng rất đẹp, Cần Giờ có nhiều điều kiện thuận lợi nhưng du lịch cộng đồng vẫn chưa thể phát triển. Sản phẩm du lịch của địa phương này qua nhiều năm vẫn không thay đổi bao nhiêu.
Nhiều thông tin cơ bản như diện tích, quy mô dân số… tại đây cũng khó xác định huống gì là các thông tin quảng bá du lịch. Phương tiện đi lại cho du khách muốn đến với Thiềng Liềng cũng khó khăn. Muốn đi chỉ có cách đi bằng ca nô hoặc tắc ráng (vỏ lãi). Nhưng tắc ráng chỉ được phép chở người dân mà không được phép chở du khách.
Văn hóa bản địa là yếu tố cốt lõi
Với xu hướng du lịch hướng tới các giá trị bản địa như hiện nay, các chuyên gia cho rằng sự tham gia của người dân địa phương vào các sản phẩm du lịch là yếu tố quyết định sự thành công và tính bền vững của ngành du lịch. Văn hóa bản địa chính là yếu tố cốt lõi tạo ra điểm khác biệt giữa các điểm đến.
Ông Ngô Thành Đạo, Trưởng ban Kế hoạch Xúc tiến du lịch, Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia Mộc Châu (tỉnh Sơn La), thông tin, Mộc Châu là ngôi nhà của 12 dân tộc anh em chung sống, hội tụ văn hóa bản địa vô cùng phong phú, từ ẩm thực, cách xây dựng nhà cửa, ngành nghề thủ công và các lễ hội truyền thống. Đây là điểm mạnh của Mộc Châu. Khi khởi động làm du lịch ở Mộc Châu, bản Áng ở xã Đông Sang đã được chọn để xây dựng mô hình du lịch cộng đồng.
Đầu tiên, người dân tộc Thái tại địa phương này đã được chính quyền hướng dẫn sửa sang nhà cửa đón khách du lịch về lưu trú tại nhà mình. Họ cũng được hướng dẫn nấu những món ăn đặc sắc của dân tộc và phù hợp với du khách, hay cách tổ chức những đêm hội múa xòe, giao lưu văn hóa cùng khách du lịch. Đến nay, các bản văn hóa du lịch đang dần được mở rộng thêm tại cộng đồng của người Mông, bản văn hóa của người Thái, Dao...
Các cơ sở kinh doanh du lịch ở Mộc Châu cũng đang tích cực chuyển đổi số, sử dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm của mình. Ngoài ra, còn có nhiều đơn vị đã bán hàng qua các kênh thương mại online, các nền tảng số như booking.com, Traveloka…
Travel blogger Ngô Trần Hải An cũng nhận định khi trở về sau một chuyến đi, điều cuốn hút du khách là con người. Du khách thường nhớ về con người nhiều hơn là những sự kiện diễn ra trong chuyến đi. Theo anh Hải An, phát triển du lịch địa phương cần nhiều mảnh ghép mà trước hết là con người sống tại vùng đất đó.
“Con người ở đó phải làm cho du khách cảm thấy yêu quý vùng đất đó. Nghĩa là người dân địa phương khi tham gia làm du lịch cần được hướng dẫn để tổ chức dịch vụ tốt hơn bằng cách chính họ trở nên thân thiện hơn, hiểu được nhu cầu của du khách, tôn trọng giá trị, sự khác biệt của từng du khách”, blogger Ngô Trần Hải An chia sẻ.
Chính quyền địa phương cũng phải phối hợp với người dân để đưa ra kế hoạch cụ thể, lâu dài cho việc xây dựng, phát triển ngành du lịch tại địa phương. Ngoài ra, khi chính người địa phương đi du lịch, tìm hiểu, khám phá và lan tỏa các thông điệp về nơi mình sinh sống cũng góp phần phát triển ngành du lịch hơn. Tất cả các yếu tố này đều liên quan đến con người.
Nam Bình