Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024

Gắn kết doanh nghiệp vào mô hình du lịch cộng đồng!

(SGTTO) – Các chuyên gia du lịch đánh giá, nếu người Việt Nam vẫn còn thích xu hướng khám phá các điểm đến, thích “check – in” thì ngược lại, khách nước ngoài lại ưu tiên trải nghiệm các văn hóa cộng đồng, muốn được sống cùng với người dân địa phương tại nơi họ đến để hiểu hết được các giá trị văn hóa, con người, thiên nhiên…

.Những ai không nên đi du lịch lặn biển?

.Bỏ tiền để “được” gian nan

Do đó, du lịch cộng đồng đang là xu hướng phát triển ở nhiều nước trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Du lịch cộng đồng giúp tạo ra công ăn việc làm cho người dân địa phương, gắn kết các giá trị văn hóa xưa – nay và tạo điều kiện để phát triển kinh tế cộng đồng.

Tại buổi workshop “Giải pháp du lịch cho người địa phương” do tổ chức Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0 tổ chức trực tuyến ngày 25-11, ông Nguyễn Châu Á, người sáng lập kiêm Tổng giám đốc Oxalis Adventure, đơn vị chuyên tổ chức các tour khám phá hang động, các tour du lịch mạo hiểm ở Quảng Bình, cho rằng, đã có nhiều mô hình du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp, nông thôn, dựa trên các giá trị văn hóa sẵn có tại các địa phương hình thành. Thế nhưng cho đến nay, vẫn chưa có nhiều mô hình hoạt động thành công và có hướng phát triển bền vững.

Vây theo anh, vai trò của người dân địa phương trong phát triển du lịch cộng đồng là gì? Cần làm gì để phát huy vai trò của người dân địa phương đối với phát triển du lịch?

Ông Nguyễn Châu Á: Người dân địa phương đóng vai trò then chốt trong các hoạt động du lịch của Oxalis Adventure. Hiện nay, chúng tôi đang ưu tiên 3 mục tiêu chính trong chiến lược kinh doanh của Oxalis, thứ nhất là vấn đề an toàn, thứ hai là vấn đề bảo tồn hệ thống hang động cũng như bảo vệ rừng. Ưu tiên thứ 3 là các hoạt động của Oxalis đều phải có sự tham gia của người dân địa phương.

Quy mô của Oxalis là khoảng 500 nhân viên, trong đó, chúng tôi sử dụng hơn 350 người là người dân lao động tại địa phương để thực hiện các công việc như khuân vác, nấu ăn, dẫn đường, trợ lý an toàn…

Ông Nguyễn Châu Á – Tổng giám đốc Oxalis Adventure. Ảnh: Oxalis.

Sự tham gia của người dân địa phương góp phần đóng góp lớn vào thành công của Oxalis, vì chúng tôi hiểu rằng, người dân địa phương họ nhớ được từng gốc cây, am tường cánh rừng. Họ biết khi nào nước lũ về, khi nào có mối nguy nào… Do đó, trong tương lai, Oxalis sẽ tiếp tục đưa người dân địa phương vào chiến lược kinh doanh để cùng phát triển du lịch địa phương.

Nói về du lịch cộng đồng, đã có có nhiều mô hình hình thành nhưng chưa có nhiều mô hình hoạt động thành công và tồn tại được lâu dài. Vậy theo ông, điều gì đang cản trở sự phát triển của mô hình du lịch cộng đồng?

Những từ ngữ như “community based tourism” hay “du lịch trách nhiệm” được hình thành từ các cuộc hội thảo, hội nghị liên quan tới du lịch của lãnh đạo các nước dọc sông Mê Kông. Họ muốn giúp đỡ người dân sống ven hạ lưu sông Mê Kông tận dụng tài nguyên sẵn có để làm du lịch.

Tuy nhiên, không có nhiều mô hình thành công và duy trì hoạt động bền vững được. Nguyên nhân là du lịch cộng đồng ở Việt Nam thường dựa trên các nhóm nông dân, mà nông dân thì chỉ có sở trường làm nông nghiệp, rất khó để họ tiếp cận công nghệ mới hoặc các kỹ năng kinh doanh, kỹ năng kế toán trong quản lý một dự án du lịch… Do đó, khi dự án qua đi, họ gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì các mô hình đã xây dựng như khách sạn, nhà nghỉ…

Du lịch cộng đồng
Đội ngũ porter người bản địa là một phần rất quan trọng cho sự thành công cho các tour khám phá hang động của Oxalis. Ảnh: Ryan Deboodt.

Tôi nghĩ rằng, du lịch cộng đồng cần có sự gắn kết với doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể dẫn dắt, hướng dẫn các nhóm cộng đồng cùng phát triển du lịch địa phương. Trong mối liên kết này, doanh nghiệp phải thể hiện cam kết hỗ trợ cộng đồng, cùng phát triển du lịch địa phương, cho họ tham gia vào hoạt động du lịch của mình để từng bước hướng dẫn, tạo sự thuần thục cũng như xây dựng kiến thức về cách làm du lịch của doanh nghiệp.

Cũng cần bắt đầu từ những việc đơn giản nhất, sau đó tăng dần độ khó để các nhóm này có thể từng bước tự duy trì được các dự án tại cộng đồng mình. Ngược lại, nếu một tổ chức chỉ đến một địa phương nào đó, thực hiện dự án trong thời gian 1 – 2 năm rồi rời đi thì sau đó, rất khó để người dân địa phương tiếp tục vận hành mô hình đó.

Vài năm gần đây, các ngành nghề đều có xu hướng ứng dụng 4.0. Vậy, xu hướng ứng dụng công nghệ trong du lịch địa phương là gì? Công nghệ đã giúp cho doanh nghiệp du lịch địa phương tiếp cận khách hàng, phát triển kinh doanh, quảng bá hình ảnh như thế nào thưa ông?

Nếu nhìn lùi lại 10 năm hoặc xa hơn là 20 năm, chúng ta thấy du lịch Việt Nam có sự khác biệt lớn so với hiện nay. Cụ thể, trước đây các doanh nghiệp thường xây dựng tour và bán cho các đại lý, đối tác ở nước ngoài. Các đối tác nước ngoài đó có trách nhiệm tiếp thị, tiếp cận khách hàng rồi gom khách, sau đó gởi qua doanh nghiệp ở Việt Nam để thực hiện chương trình lữ hành theo như tour đặt ra.

Thời điểm đó, các hoạt động du lịch ở Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào các đại lý ở nước ngoài, số lượng khách đều do đại lý nước ngoài gởi đến. Rất ít các công ty du lịch Việt Nam có thể tự tiếp cận khách du lịch nước ngoài để đưa họ đến Việt Nam, trừ một số lượng nhỏ khách tự do, họ tự đến Việt nam và tự tìm đến doanh nghiệp địa phương.

Do đó, khi một doanh nghiệp địa phương có một sản phẩm du lịch độc đáo, họ muốn giới thiệu đến khách nước ngoài cũng rất khó. Nguyên nhân là vì các đại lý họ không thường xuyên thay đổi các sản phẩm họ bán. Vì để đưa một sản phẩm mới ra thị trường tốn rất nhiều chi phí quảng bá và tiếp thị.

Du lịch cộng đồng
Một nhóm nông dân ở xá Trung An (huyện Củ Chi, TPHCM) học nấu ăn để phục vụ khách du lịch đến địa phương này. Ảnh: Nam Bình.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào hệ thống kinh doanh trực tuyến của ngành du lịch hiện nay, có rất nhiều cách để các doanh nghiệp nhỏ, du lịch cộng đồng hay các homestay, các cơ sở kinh doanh rất nhỏ tiếp cận khách du lịch.

Thông qua các nền tảng số, khách du lịch đang ngồi ở New York vẫn có thể book được phòng ở một vùng xa xôi nào đó tại Việt Nam, họ cũng có thể đặt vé xe buýt hay vé máy bay, vé xe lửa hoặc bất cứ dịch vụ du lịch nào khác ở Việt Nam mà không phải qua các khâu trung gian. Đây là một cơ hội cho các doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp mới có cơ hội giới thiệu sản phẩm trực tiếp đến khách nước ngoài.

Theo ông, giải pháp nào cho doanh nghiệp du lịch địa phương cũng như các nhóm du lịch cộng đồng khi muốn chuyển đổi số?

Hiện nay, các nền tảng kinh doanh trực tuyến rất phát triển, đa dạng, dễ tiếp cận. Có thể kể đến như booking, agoda, Traveloka… Các nền tảng này cho phép chủ khách sạn, homestay nhỏ giới thiệu sản phẩm, sau đó, các nền tảng này sẽ hỗ trợ quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng.

Tuy nhiên, những nền tảng này vẫn tính phí. Họ được xem như những đại lý du lịch nhưng linh hoạt hơn, nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp nhỏ, cho du lịch cộng đồng. Theo tôi, nền tảng mới cho phép doanh nghiệp tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn, mở ra nhiều cơ hội hơn so với trước đây.

Tôi cho rằng, nhiều người Việt Nam cũng đã dùng thành thạo các mạng xã hội như Facebook, Insgram… Đây là kênh đơn giản nhất. Doanh nghiệp có thể tạo các kênh, trang dành riêng cho cơ sở của mình, từ đó thực hiện quảng bá sản phẩm.

Tiếp theo đó, doanh nghiệp có thể nghĩ đến việc xây dựng website, giới thiệu chi tiết hơn các dịch vụ mình có, cung cấp thêm hình ảnh, video…  Trong tương lai, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, nếu cả doanh nghiệp và cộng đồng cùng chung tay trong việc xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn, cùng với việc quảng bá, tiếp thị rộng rãi, du lịch Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để phát triển hơn nữa.

Xin cảm ơn ông!

Du lịch trách nhiệm” phải thể hiện bằng hành động!Nhiều doanh nghiệp du lịch cũng hay nhắc đến cụm từ “du lịch trách nhiệm” và cho rằng làm du lịch thì phải có trách nhiệm. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm tròn được vai trò của mình. Theo tôi, nếu doanh nghiệp nói rằng, chúng tôi là đơn vị du lịch có trách nhiệm, chúng tôi sử dụng lao động địa phương vào hoạt động kinh doanh của mình thì lời nói này phải được cụ thể hóa bằng các kế hoạch cụ thể như đào tạo lao động địa phương như thế nào, cho họ tham gia vào hoạt động du lịch của doanh nghiệp ra sao, phát huy thế mạnh của họ đến đâu để trở thành một giá trị cho doanh nghiệp…Điều này khác với việc chúng ta nói rằng chúng ta có trách nhiệm với địa phương. Vì khi nói tới trách nhiệm nghĩa là chúng ta bị buộc phải làm hơn là tự nguyện đảm nhận trách nhiệm. Tôi thích dùng câu “du lịch cộng đồng là chiến lược trong phát triển kinh doanh, thay vì “du lịch trách nhiệm” hay là trách nhiệm xã hội”.

Nam Bình (ghi)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Kể chuyện làm du lịch cộng đồng ở ngoại ô TPHCM

0
(SGTT) - “Hồi trước chưa biết làm du lịch là gì, mình toàn lo chuyện nội trợ hoặc làm lụng ruộng vườn, với ở...

Ra ngoại thành, ngồi chiếu cói mạn đàm du lịch cộng...

0
(SGTT) - Ngày 15-4, chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn thuộc Tạp chí Kinh Tế Sài Gòn cùng Công ty TNHH Thuyền...

Khi du khách ‘say’ cùng lễ Pơ Thi ở làng du...

0
(SGTT)  - Về Tây Nguyên vào những ngày tháng 3 này, các bản làng nơi đây đang bước vào lúc “ăn năm uống tháng”...

Điều gì khiến Tân Hóa từ ‘vùng rốn lũ’… đến Làng...

0
(SGTT) - Trong hành trình trở thành "làng du lịch tốt nhất thế giới", Tân Hoá được định hướng phát triển theo mô hình...

Trải nghiệm du lịch cộng đồng tại thành phố Hà Tiên,...

0
Xã đảo Tiên Hải và đầm Đông Hồ là hai điểm du lịch cộng đồng đang được đầu tư, phát triển tại thành phố...

6 điểm du lịch cộng đồng được công nhận tại Thái...

0
(SGTT) - Tính đến nay, UBND tỉnh Thái Nguyên đã công nhận 6 điểm du lịch cộng đồng là Khu bảo tồn Làng nhà...

Kết nối