Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Ngược dòng sông Lô, sông Gâm ngắm ‘Hạ Long giữa đại ngàn’

(SGTT) - Vài năm trở lại đây, khu du lịch sinh thái Na Hang - Lâm Bình dần được nhiều du khách biết đến với vẻ đẹp ấn tượng, hoang sơ, được ví von như 'Hạ Long giữa đại ngàn' Tuyên Quang.

Theo trang Thông tin Đối ngoại tỉnh Tuyên Quang, trong thời gian qua hai huyện Na Hang và Lâm Bình đã tập trung đầu tư xây dựng, quy hoạch và phát triển du lịch các loại hình dịch vụ, du lịch với những tiềm năng sẵn có, coi đây là một trong những thế mạnh để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Khu vực thủy điện Na Hang. Ảnh: Nguyễn Khải Trung

Khu du lịch sinh thái Na Hang - Lâm Bình, có tổng diện tích 15.000ha trong đó diện tích mặt nước là 8.000ha. Sự hội tụ của sông Gâm, sông Năng trên khu vực lòng hồ thủy điện và hình ảnh dãy Pác Tạ trên dòng sông Gâm với 99 ngọn núi hùng vĩ sừng sững giữa biển nước tạo nên sự uy nghi, tráng lệ.

Bên cạnh đó, hình ảnh này lại hòa quyện cùng những ngọn thác nghiêng mình trắng xóa, tạo nên bức tranh thiên nhiên vừa ngoạn mục, vừa lãng mạn. Với vẻ đẹp ấy, nhiều du khách đã ví von Na Hang như "Hạ Long giữa đại ngàn" Tuyên Quang.

Vẻ đẹp ấn tượng của thác Nặm Me. Ảnh: Ngoc Cao

Cộng với các địa danh, những sự tích đã đi vào lịch sử nơi bản địa như đền Pác Tạ, đền Pác Vãng, hang Phia Vài, hang Khuổi Pín, hang Nặm Thuổm, Cọc Vài Phạ, vách đá Nàng Tiên - Chú Khách, thác Khuổi Nhi, thác Mơ, thác Năm Me, thác Khuổi Thung, thác Song Long, thác Pác Ban… đã hình thành nên những tour, tuyến du lịch dã ngoại, ngắm cảnh thiên nhiên bằng du thuyền đầy thi vị, ngày càng thu hút du khách.

Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình mới được công nhận là Khu danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt. Với diện tích bảo vệ hơn 40 nghìn ha, nằm ở 14 xã, thị trấn thuộc hai huyện Na Hang và Lâm Bình. Giữa những cánh rừng đại ngàn dọc đôi bờ sông Gâm và sông Năng, có hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài động, thực vật quý hiếm, hệ thống hang động độc đáo.

Na Hang được xem như 'Hạ Long giữa đại ngàn' Tuyên Quang. Ảnh: Trang Thông tin đối ngoại tỉnh Tuyên Quang

Khu bảo tồn có hệ động vật phong phú và đa dạng sinh học về thành phần, chủng loại, cũng như về số lượng cá thể. Trong đó có loài Voọc mũi hếch là loài đặc hữu của Việt Nam, đã được ghi trong sách đỏ thế giới.

Tại đây có gần 1.200 loài thực vật bậc cao và là khu vực nhiều rừng nguyên sinh có nguồn gen thực vật phong phú, tính đa dạng sinh học cao. Sự đa dạng về cảnh sắc thiên nhiên và phong phú về động thực vật là đặc điểm quan trọng để thu hút du khách, các nhà nghiên cứu khoa học, khảo sát thực địa, du lịch địa chất và địa hình, du lịch về nguồn, du lịch khám phá, thám hiểm... thảm thực vật phong phú với nhiều loại gỗ quý như nghiến, đinh, lát, trai…

Sự giao thoa giữa các nền văn hóa, các dân tộc tạo nên sức lôi cuốn du khách bởi nét văn hóa bản địa truyền thống đặc sắc của nhiều dân tộc được thể hiện qua các lễ hội cổ truyền như Lễ hội Lồng Tông (người Tày), lễ Cấp sắc, lễ Tơ Hồng, lễ rước Dâu (người Dao) trong trang phục thổ cẩm độc đáo.

Vừa qua, UBND tỉnh Tuyên Quang đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận bổ sung một vị trí cảng hàng không, sân bay tại tỉnh Tuyên Quang vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.Theo kế hoạch, đến năm 2025, Tuyên Quang sẽ đón trên 3 triệu lượt khách du lịch, năm 2030 là 5,5 triệu lượt khách. Tỉnh cũng tập trung đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp, tăng cường hợp tác đầu tư nước ngoài, do vậy số lượng người nước ngoài đến tỉnh công tác, làm việc sẽ tăng nhanh trong thời gian tới, nhu cầu đa dạng hóa các hình thức giao thông vận tải là cần thiết.

Khôi Nguyên

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối