(SGTT) – Nồi lẩu được lót giấy đốt không cháy, trên mặt giấy thả vào đủ loại thịt thà, hải sản, rau, củ ngập trong phần nước dùng sôi ùng ục. Đó là những gì mà người dân Nhật Bản giới thiệu đến du khách một nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của họ - lẩu giấy (Kami nabe).
- Trưa nay ăn gì: Bữa lẩu dọn sẵn cùng nước lẩu riêu đóng gói và thịt bắp lõi rùa bò mới lạ
- Lâu lâu phá lệ ăn món lẩu “thèm nhưng quá bổ dưỡng”
- Ẩm thực quốc tế: Vị cay bùng nổ cùng lẩu Trùng Khánh
Từ thời xưa, món lẩu này chỉ được phục vụ cho vua chúa bởi cách chế biến độc đáo. Điểm nhấn ở món ăn này nằm ở tờ giấy có tên (washi) làm thủ công từ cây gai dầu, tre, vỏ cây gampi… Chính nhờ đặc điểm chế tác và chất liệu trên mà khi tiếp xúc lửa, giấy không bị cháy. Tuy nhiên, tờ giấy vẫn cần cố định trong một rổ bằng kim loại dạng lưới, tạo hình như nồi lẩu.
Ngoài độ chịu nhiệt, giấy còn thấm hút tốt nên khi thưởng thức, thực phẩm nào có dầu mỡ chảy ra thì giấy sẽ tự thấm hút. Yếu tố này đối với các đầu bếp chuyên nghiệp rất quan trọng bởi nó kiểm soát được độ thanh của nước dùng khi nấu cùng thực phẩm. Không chỉ là dầu mỡ, giấy thấm hút các vị đắng, chát nếu dùng loại thực phẩm có vị đặc trưng đó.
Nước dùng cho món lẩu này thường có hai kiểu chế biến: chua cay và thanh ngọt. Nếu yêu thích vị chua cay, mọi người có thể gọi nước dùng chua cay osaka hoặc nước dùng miso mang vị thanh ngọt từ rong biển, đậu hũ.
Cũng như các món ăn khác, lẩu giấy vẫn chú trọng yếu tố trình bày bên cạnh độ thơm ngon trước khi dọn ra cho thực khách. Đó là từng đĩa thức ăn, rau, củ ăn kèm dọn riêng, kèm nồi lẩu nhìn là biết ngay lẩu giấy. Thực phẩm ăn kèm thì đa dạng như thịt heo, thịt bò, thịt gà, hải sản; rau nhúng lẩu thường thấy là các loại nấm, rau xanh tươi mát.
Món ăn ngon không chỉ đến từ nguyên liệu, cách bài trí mà nó còn nằm ở yếu tố thưởng thức. Cụ thể, lẩu giấy thưởng thức đúng điệu là nấu cho nước lẩu sôi từ 6-9 phút. Sau đó, thêm rau vào trước, rồi mới nhúng thịt, cuối cùng mới đến hải sản. Tuần tự các bước này có vẻ đơn giản nhưng nếu không nhớ, món ăn sẽ giảm phần ngon miệng bởi rau có thể mềm nhừ, thịt thì chưa chín hoặc chín quá thành dai.
Tất cả những đều kể trên chỉ hoàn hảo cho món lẩu giấy khi phần nước chấm được pha đúng vị. Đó là trộn các gia vị như nước tương, hành và tỏi băm nhuyễn, ớt vào chung một chén, thêm ít nước lẩu và khuấy đều. Tùy vào nhóm khách mà giá món lẩu dao động trong khoảng 300.000 – 600.000 đồng. Thức uống kèm theo là nước mát để cân bằng độ đạm từ các món thịt trong lẩu.
Gia Hân tổng hợp