(SGTT) - Bằng việc bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống và giữ rừng để làm du lịch của người dân địa phương, làng Vi Rơ Ngheo (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) vừa được độc giả Sài Gòn Tiếp Thị bình chọn vào “Top 7 điểm du lịch sinh thái” năm 2023 trong khuôn khổ chương trình “Top 7 Ấn tượng Việt Nam”.
- Nhìn lại 8 điểm đến ở Thừa Thiên Huế vào ‘Top 7 Ấn tượng Việt Nam’ qua các năm
- Ngắm ‘Top 7 cảnh đẹp bất ngờ nhìn từ không trung’ năm 2023
- Hội An vào top 7 điểm đến thịnh hành nhất thế giới năm 2024
Làng Vi Rơ Ngheo nằm ở độ cao 1.250m so với mặt nước biển, được bao bọc bởi những dãy núi Ngọc Măng Chu ở phía Nam, Ngọc Ki Ruông, Ngọc Chăng ở phía Tây; còn ở phía Đông và Bắc là những thửa ruộng bậc thang nép bên những cánh rừng nguyên sinh gần như còn nguyên vẹn.
Vi Rơ Ngheo theo tiếng Xơ-đăng có nghĩa là một vùng đất có khí hậu lạnh, đây cũng là tên một con suối chảy qua làng. Từ xa xưa, người Xơ-đăng đến vùng đất trù phú này để sinh sống và lập làng đã sử dụng tên con suối này đặt tên cho làng của mình như là một chỉ dẫn cụ thể, rõ ràng về vị trí của cộng đồng cư dân đầu tiên đến đây sinh cơ, lập nghiệp.
Chính những ngọn núi cao hùng vĩ, những cánh rừng nguyên sinh, con suối, cánh đồng và những ngôi nhà nhỏ xinh xắn đã góp phần tạo cho Vi Rơ Ngheo như là một bức tranh sơn thủy, hữu tình và nên thơ.
Người Vi Rơ Ngheo vẫn còn giữ nhiều lễ hội truyền thống như lễ làm máng nước, lễ mừng lúa mới, lễ làm chuồng trâu, nhà rông mới, lễ gieo mạ… Ẩm thực của dân làng là các loại rau rừng và thực phẩm tự sản xuất như gà, dê, heo, lúa nếp, gạo rẫy, mì, sâm dây và các loại cá, cua, ốc tự bắt ở suối, rượu cần tự làm.
Điều đặc biệt chỉ có ở Vi Rơ Ngheo mà các làng khác không có, đó là gần như nhà nào cũng trồng phong lan. Các loại phong lan ở đây chủ yếu được người dân mang về từ những cánh rừng ở xa và được trồng trong những bọng cây đặt xung quanh nhà, hàng rào hay trước cổng.
Khí hậu mát mẻ cộng với ẩm độ cao quanh năm là điều kiện tự nhiên tuyệt vời cho các loại phong lan phát triển. Lan ở đây có nhiều loại, nhưng chủ yếu là loại địa lan kiếm hồng và cọp vàng.
Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng người làng rất có ý thức giữ gìn môi trường sống xung quanh. Ở các ngã ba, ngã tư trong làng đều có sọt đựng rác được làm từ những cây lồ ô lớn, người dân ở đây không xả rác ra rừng, ra sông suối, ra đường. Nhà nào cũng có nơi để rác sinh hoạt hàng ngày.
Người dân ở đây không bao giờ bẫy thú rừng hay dùng kích điện, phương pháp đánh bắt cá có tính hủy diệt mà chỉ dùng các dụng cụ truyền thống như lưới, cần câu, đơm, vợt...
Với phong cảnh đẹp và văn hóa truyền thống được lưu giữ khá đầy đủ, từ năm 2020, làng Vi Rơ Ngheo được UBND huyện Kon Plông đưa vào kế hoạch phát triển xây dựng thành làng văn hóa – du lịch cộng đồng với định hướng phát triển nhiều loại hình du lịch đặc thù như du lịch sinh thái, dã ngoại, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa bản địa.
Đến nay, các hạng mục giao thông, địa điểm tham quan dã ngoại, cơ sở lưu trú, phục vụ ẩm thực, đội nghệ nhân cồng chiêng đã cơ bản hoàn thành, sẵn sàng phục vụ các hoạt động du lịch tại làng.
Nguyên Phong - Trúc Nhã
Video: Trung tâm VH-TT-DL&TT huyện Kon Plông