(SGTTO) – Ngày Tết Trung thu đã cận kề, bạn đã nghĩ ra mâm cơm đoàn viên nào để chiêu đãi người thân hay chưa?

Sài Gòn Tiếp Thị xin gợi ý mâm cơm cho ngày Tết Trung thu với đầy đủ những món ăn từ khai vị, món chính tới tráng miệng do chị Phan Bao Van chia sẻ cùng bạn đọc. Giờ thì trổ tài đầu bếp ngay thôi nhé!

Khai vị – Gỏi bưởi tôm thịt

Nguyên liệu

  • 1 trái bưởi khoảng 1,2kg
  • 150g thịt ba chỉ
  • 150g tôm tươi
  • 1/2 củ cà rốt
  • 1 trái dưa leo
  • 1/2 củ hành tây
  • 50g hành phi
  • Ớt, tỏi, dầu ăn, chanh, đậu phộng rang, đường, nước mắm..
  • Rau răm,rau thơm
  • Bánh phồng tôm

Cách làm

Bước 1: Bưởi có thể chọn bưởi ruột hồng hoặc trắng. Có thể cắt trái bưởi thành giỏ hoa hoặc cắt làm đôi để gỏi bưởi vào trang trí (tùy thích) rồi lột sạch vỏ, tách bưởi thành tép và gỡ nhỏ. Khi tách bưởi, tránh làm dập nát nếu không gỏi bưởi sẽ không ngon.

Bước 2: Tôm tươi rửa sạch rồi để ráo nước. Sau đó,cho tôm vào nồi luộc cùng 1 ít muối và dầu ăn.Tiếp theo bóc vỏ tôm. Thịt rửa sạch để ráo và luộc chín; khi thịt chín,vớt ra cho ngay vào nước lạnh rồi cắt từng miếng nhỏ dài.

Bước 3: Hành tây đem bóc vỏ, cắt mỏng rồi ngâm với hỗn hợp nước cốt chanh và đường cho hành bớt hăng. Cà rốt gọt sạch vỏ, cắt hoặc bào sợi, bóp cùng ít muối, sau đó rửa sạch và ngâm với hỗn hợp nước cốt chanh và đường như hành tây. Dưa leo rửa sạch rồi cắt từng miếng mỏng, để trang trí hoặc có thể trộn vào gỏi. Rau răm,rau thơm rửa sạch cắt vừa. Ớt trái rửa sạch,cắt sợi và 1 ít bằm nhỏ cùng tỏi để làm nước mắm.

Bước 4: Làm nước mắm chua ngọt: Đây là công đoạn quan trọng nhất và là linh hồn của món gỏi bưởi. Cho 100g đường cùng 100g nước mắm rồi nấu sôi, sau đó để nguội. Tiếp theo, vắt nửa trái chanh làm nước cốt chanh rồi cho vào hỗn hợp nước mắm với đường, nêm nếm cho vừa khẩu vị để nước trộn gỏi có vị chua chua ngọt ngọt rồi cho ớt và tỏi băm nhỏ vào là hoàn thành nước mắm chua ngọt.

Bước 5: Trộn gỏi: Cho tất cả nguyên liệu gồm hành tây, cà rốt vắt ráo nước vào tô. Tiếp theo, cho bưởi và tôm thịt vào, cho phần nước mắm chua ngọt rưới đều lên gỏi trộn đều hỗn hợp lên.

Bước 6: Cho gỏi bưởi ra đĩa hoặc cho vào trái bưởi, thêm hành phi cùng rau răm và rau thơm lên trên,có thể trang trí dưa leo xung quanh vài lát ớt trên mặt rồi thưởng thức cùng bánh phồng tôm. Lưu ý: Trước khi ăn khoảng 10 phút mới bắt đầu trộn các nguyên liệu để các loại rau và bưởi không bị nát, không ra nước mới ngon.

Món chính – Gà nấu đậu

Nguyên liệu

  • Nửa con gà
  • 300g đậu (đậu ngự,đậu đỏ hạt to,đậu hai màu…)
  • 2 trái cà chua
  • 4 muỗng canh xốt cà chua
  • 1 củ cà rốt
  • Hành lá,ngò rí,dầu mè
  • Hành tím,nước mắm,đường,hạt nêm,bột ngọt,tiêu..
  • 1 trái dừa tươi chặt lấy nước

Cách làm

Bước 1: Gà làm sạch chặt miếng vừa ăn rồi ướp với hành băm, đầu hành lá cắt nhỏ, tiêu, nước mắm, đường, bột ngọt, dầu mè trong khoảng 30 phút.

Bước 2: Cà rốt gọt vỏ rồi rửa sạch để ráo và cắt hoặc tỉa hoa. Các loại đậu rửa sạch để ráo và cho vào nồi nấu chín.. Cà chua rửa sạch để ráo và cắt nhỏ.

Bước 3: Bắc nồi lên bếp cho ít dầu ăn vào chờ dầu nóng cho ít hành băm vào phi thơm rồi cho cà chua cắt nhỏ vào xào rồi. Thêm 4 muỗng xốt cà chua trộn đều nêm vào ít đường cho đậm đà, cho gà vào xào sơ rồi thêm nước dừa tươi vào nấu cho gà chín.

Bước 4: Cho cà rốt vào, cà rốt gần chín thì cho các loại đậu vào nấu cho các nguyên liệu chín mềm nêm nếm gia vị cho vừa ăn rồi tắt bếp. Cho gà nấu đậu ra thố hoặc tô cắt thêm ít hành lá cắt nhỏ vào cho thơm và trang trí ít cọng ngò rí lên,rắc ít tiêu. Ăn kèm với bánh mì hoặc cơm nóng.

Món chính – Mì Ý bay lơ lửng

Nguyên liệu

  • 1 gói mì Ý
  • 300g thịt bò
  • Hành, tỏi băm
  • Dầu hào, nước tương, tiêu, bột ngọt, đường…
  • Cà chua, hành tây cắt hoặc băm nhỏ
  • Hành lá, ngò rí
  • Cà chua bi, xà lách rửa sạch để ráo
  • 1/2 củ khoai tây gọt vỏ rửa sạch để ráo

Cách làm

Bước 1: Nấu nồi nước sôi cho ít dầu ăn vào, cho mì Ý vào luộc chín rồi vớt ra rổ để ráo trộn ít dầu ăn. Thịt bò cắt nhỏ rồi băm nhỏ, cho hành, tỏi băm nhỏ vào ướp cùng 1 muỗng cà phê dầu hào, 1 muỗng cà phê nước tương, 1/2 muỗng cà phê tiêu, 1 xíu đường và bột ngọt rồi đảo đều cho thấm gia vị.

Bước 2: Cho chảo lên bếp, thêm ít dầu ăn vào chờ dầu nóng cho ít hành băm vào phi thơm rồi thêm cà chua băm nhỏ, hành tây vào đảo đều. Cho tiếp thịt bò vào xào cùng cà chua và hành tây. Nêm nếm lại cho vừa ăn rồi tắt bếp cho ít tiêu và hành lá cắt nhỏ vào.

Bước 3: Cho mì ý ra tô rồi thêm thịt bò sốt cà chua vào trộn đều. Chuẩn bị 1 cái đĩa,xếp xà lách lên trên. Cho đôi đũa luồn vào cái nĩa rồi cắm đôi đũa vào nửa củ khoai tây.

Bước 4: Tiếp tục cho từ từ mì ý đã trộn thịt bò sốt cà chua vào đĩa để lấp củ khoai tây lại và giữ được đôi đũa không bị ngã. Cho lần lượt mì Ý lên trên cái nĩa để che luôn phần đôi (khi nhìn vào không thấy đôi đũa). Trang trí thêm ít trái cà chua bi và vài cọng ngò rí.

Món chính – Lẩu Thái hải sản

Nguyên liệu

  • 1 gói gia vị nấu Lẩu Thái
  • 300g mực ống
  • 300g tôm
  • 1 kg nghêu
  • 100g nấm bào ngư
  • 100g nấm kim châm
  • 1kg bún tươi
  • 100g bông so đũa
  • 1 bó rau cần nước
  • 4 cây sả
  • 2 trái cà chua
  • 200g rau tần ô (cải cúc)
  • 200g cải xanh
  • Hành lá, ớt trái, hành tím
  • Nước mắm, đường

Cách làm

Bước 1: Rau tần ô nhặt, rửa sạch để ráo và cắt từng đoạn ngắn; rau cần nước nhặt phần non từng đoạn ngắn rồi rửa sạch, cải xanh rửa sạch để ráo và cắt từng đoạn ngắn. Nấm bào ngư và kim châm rửa sạch để ráo và cắt nhỏ. Bông so đũa lấy nhụy bỏ đi rồi rửa sạch để ráo. Hành lá cắt gốc nhặt và rửa sạch để ráo.

Bước 2: Hành tím bóc vỏ rửa sạch để ráo và cắt nhỏ. Cà chua rửa sạch cắt múi câu. Sả rửa sạch để ráo và cắt khúc rồi đập dập. Nghêu rửa sạch để ráo. Tôm rửa sạch để ráo và cắt đầu và đuôi. Mực làm sạch, rửa sạch để ráo và cắt khoanh vừa ăn.

Bước 3: Bắc nồi lên bếp cho ít dầu ăn vào chờ dầu nóng thì thêm ít hành băm vào phi thơm rồi cho sả cây đập dập vào, cho tiếp cà chua vào xào. Đổ khoảng 3 lít nước vào nồi nấu sôi lên.

Bước 4: Cho gói gia vị nấu Lẩu Thái vào nêm thêm ít đường và nước mắm nêm nếm lại cho vừa ăn rồi tắt bếp. Cho nồi lẩu lên bếp điện, bếp ga mini hoặc bếp lẩu. Bày tất cả các loại rau, nấm và hải sản ra bàn. Khi ăn cho bún vào tô, nhúng hải sản và rau cho chín rồi múc nước lẩu kèm hải sản và rau chan lên tô bún rồi thưởng thức cùng nước mắm mặn cắt ớt trái vào chua chua cay cay nóng hổi.

Tráng miệng – Bánh Trung thu rau câu

Nguyên liệu

Vỏ bánh trung thu rau câu
  • 1 gói rau câu Agar
  • 1-1,5 lít nước lọc
  • 180g đường gia giảm tùy theo ăn ngọt nhiều hay ít
  • Nước cốt lá dứa
  • Nước cốt thanh long ruột đỏ hoặc củ dền
  • Nước cốt khoai lang tím
  • Nước cốt cà phê hoặc cà phê sữa
  • Nước cốt bí đỏ

Phần nhân bánh flan

  • 3-5 cái bánh flan

Phần nhân khoai lang tím

  • 200g khoai lang tím
  • 20-30g đường
  • 20g dầu ăn

Phần nhân đậu xanh

  • 200g đậu xanh
  • 30-50g đường
  • 20g dầu ăn

Cách làm

Bước 1: Rửa sạch đậu xanh, loại bỏ các hạt lép và ngâm nước 4 – 6 tiếng. Hấp hoặc luộc đậu xanh đến khi đậu nhuyễn nhừ. Cho phần đậu vào máy xay nhuyễn lúc còn nóng. Thêm đường vào canh cho vừa khẩu vị của bạn và gia đình. Cho hỗn hợp đậu xanh lên chảo không dính để sên trên lửa vừa (lưu ý khuấy đều tay cho từ từ dầu ăn vào). Khi nhân đậu xanh sánh lại thành khối mịn màng thì tắt bếp đợi nhân nguội rồi chia thành nhiều phần bằng nhau vo tròn lại.

Bước 2: Nhân khoai lang tím: Khoai lang tím rửa sạch rồi gọt vỏ, cắt thành từng đoạn nhỏ cho mau chín. Ngâm khoai trong nước muối khoảng 10 phút rồi đem đi hấp chín. Khoai lang sau khi hấp chín thì cho đường vào rồi nghiền thật nhuyễn. Sau đó, rây qua rây để loại bỏ xơ trong khoai. Cho hỗn hợp khoai lang tím lên chảo không dính để sên trên lửa vừa (lưu ý khuấy đều tay cho từ từ dầu ăn vào). Khi nhân khoai lang tím sánh lại thành khối mịn màng thì tắt bếp đợi nhân nguội thì nặn thành những viên tròn.

Bước 3: Nấu rau câu: Cho 1 lít nước vào nồi và 1/2 lượng đường và 1 gói bột rau câu, khuấy đều tay, để yên khoảng 5 phút cho bột nở ra. Nấu trên lửa nhỏ và lưu ý vừa nấu vừa khuấy đều để bột tan hoàn toàn không bị vón cục. Nấu cho rau câu sôi rồi tắt bếp.

Bước 4: Đóng khuôn: Cho rau câu vào 1/2 khuôn bánh đã chuẩn bị và pha màu theo sở thích, chờ rau câu hỏi đông lại. Sau đó, cho nhân đậu xanh hay nhân bánh flan hoặc nhân khoai lang tím vào giữa, đổ tiếp lớp rau câu đã pha màu hoặc không pha màu (tùy ý thích) lên trên.

Bước 5: Để nguội cho khuôn bánh vào tủ lạnh và đợi khi đông hoàn toàn thì cắt bánh ra và có thể thưởng thức. Vậy là đã hoàn thành cách làm rau câu trung thu nhân đậu xanh, nhân bánh flan, nhân khoai lang tím thơm ngon,mát lạnh và hấp dẫn.

Phan Bao Van (Bếp Mẹ Vân)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây