Nói đến Nara là nói đến chuyện nai sống chung với người; ở bất cứ nơi đâu trong thành phố này đều có thể bắt gặp nai. Nhưng thủ đô đầu tiên của Nhật này nào chỉ có nai.

Thật dễ thương. Vừa thấy người đến, những đàn nai lững thững đi tới, không có vẻ gì gấp rút. Một số con còn chẳng buồn để ý đến khách lạ. Chắc chúng đã quá quen với việc “bị” cho ăn; hẳn cũng đã có những du khách khác cho chúng ăn trước rồi.

Và vợ chồng chúng tôi đút từng miếng bánh quy vừa mua bên đường cho những con nai lông vàng hung, điểm đốm trắng đó, hệt như đang cho chó nhà ăn vậy. Điều thú vị là những con nai ở đây khá “ý tứ”. Chúng chỉ gặm nhẹ vào bánh mà thôi. Hình như, để lỡ có nhằm vào ngón tay của người cho ăn thì người đó cũng không bị gì. Quả đúng thế. Hai lần bị một con nai già cắn, nhưng tôi chỉ có cảm giác nhồn nhột ở đầu các ngón tay.
Nai – sản phẩm du lịch
Nai vàng ngơ ngác nhưng… không sợ bị bắt cưa sừng, xẻ thịt.
Khi chúng tôi rời sân ga Nara, những tia nắng vàng ươm đã đổ dài xuống phố thị. Lúc ấy đã cuối tháng tư. Không có mưa, dù là mưa nhỏ, ở thành phố nai sống chung với người này. Quả dễ chịu cho một chuyến đi thật ra không mấy xa Kyoto, nơi chúng tôi dừng chân trong một hành trình thăm thú nước Nhật hồi năm 2016. (Từ Kyoto đi tàu lửa đến Nara – cách 42 cây số về phía Nam – chỉ hết chưa tới một tiếng đồng hồ).
Rời sân ga, chúng tôi đến công viên Nara, cách đó không xa, đi bộ chừng 10 phút là tới. Gió thốc từng cơn hất tung những đám lá bên những con đường mòn của công viên. Nhìn lá bay mà lòng cảm thấy bình yên. Và cảm thấy yên bình hơn nữa với những con nai bu quanh chúng tôi để ăn bánh.
Tự nhiên tôi khẽ hát bài “Tiếng Thu” do Phạm Duy phổ nhạc theo bài thơ cùng tên của Lưu Trọng Lư.
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?
Nara là thủ đô chính thức đầu tiên của Nhật, từ năm 710 đến năm 784. Vậy đến nay, thành phố nhỏ nhắn, xinh đẹp với chưa tới 400.000 dân này – nơi bắt nguồn của nhiều ngành mỹ thuật, văn học, văn hóa và cả sản xuất của Nhật – đã được hơn 1.310 năm tuổi. Nai tiếp tục là “sản phẩm du lịch” chính thu hút khách đường xa, không những chỉ trong hiện tại, mà còn cả trong tương lai dài nữa?
Theo thống kê không chính thức của tờ Japan Times, tại Nara, có khoảng 1.300 con nai sống trong lòng phố xá. Nhưng tập trung nhất là ở công viên lớn nhất của thành phố với 511 héc ta, thường được gọi là “Công viên Nai”. Hàng năm, trước khi xảy ra dịch Covid-19, công viên này đón đến 13 triệu khách du lịch.
Nơi đây không những chỉ đẹp nhờ nai, mà còn vì “khung cảnh lãng mạn với hoa anh đào rộ nở, mỗi khi trời vào xuân”, theo lời giới thiệu của một hãng du lịch Nhật.
Nhưng chúng tôi lại tới đây khi trời sắp sang hè – hoa anh đào đã dần tàn ở Tokyo, Kyoto… Tại công viên của Nara thì không còn thấy loài hoa này nữa. Chỉ thấy công viên đẹp nhờ nai.
Có những con nai đứng cô đơn; có những con nằm một mình bên hồ nước, trên bồn cây cảnh hoặc ghế đá. Chúng cũng “ngự” ngay trên đường mòn thành đàn. Chúng khá thân thiện. Nhưng vẫn thấy những tấm bảng cảnh báo khách cẩn thận bởi có thể bị nai đá hoặc húc vào người.
Nhưng không thấy biển báo việc nai, sau khi ăn xong, có thể sẽ… ị ngay tại chỗ. Vì thế mà không khí ở những chỗ có nai luôn phảng phất cái mùi thum thủm. Tuy rằng thấy có những công nhân đi hốt phân liên tục.
Ở Nhật, ngay từ thủa xa xưa, nai đã được xem như những con thú đưa tin của thần thánh. Bởi thế, hồi nào đến giờ và chắc cả trong tương lai nữa, chúng không phải lo trốn chạy để khỏi bị săn bắt, nuôi nhốt và xẻ thịt như ở nhiều xứ sở khác. Tại Nara, thấy cả những bảng chỉ dẫn nơi nai hay băng qua đường, để xe hơi đứng lại, nhường đường cho chúng.
Gần đây, theo một nghiên cứu của Đại học Hokkaido, do trang mạng Nippon.com tóm tắt, thì “bầy nai sống trong Công viên Nara đã trở lại với thói quen hoang dã khi số lượng khách du lịch giảm đi vì đại dịch”. Ông Shiro Tatsuzawa, Phó giáo sư Đại học Hokkaido, chỉ rõ rằng nai ở Công viên Nara “đang quay lại trạng thái tự nhiên, ăn thức ăn tìm thấy trong môi trường tự nhiên, không phụ thuộc vào con người”.
Chúng tôi cũng từng nhìn thấy nai từng đàn xuống núi, tại thị trấn Hatsukaichi nằm trên một hòn đảo thuộc địa phận Hiroshima, nổi tiếng với đền thờ thần đạo Itsukushima. Cùng cái cổng truyền thống của Nhật Torii khổng lồ màu cam được cắm xuống biển gần bờ, mà mỗi khi thủy triều dâng thì cái cổng là lối vào tượng trưng của Itsukushima đó trông như nổi lên, bềnh bồng trên mặt nước.
Đồ lưu niệm cũng toàn… nai là nai cách điệu.
Nara còn có đền, chùa
Thành phố Nara còn nổi tiếng với đền, chùa, mà lại đến bảy đền và chùa. Cùng những gì còn sót lại của cung điện Heijo-kyu ngày xưa.
Ngay trong “Công viên Nai”, đã có thể tham quan một kiến trúc tôn giáo rồi. Đó là chùa Todaiji được xem như ngôi chùa bằng gỗ lớn nhất thế giới, nằm trong danh mục di sản thế giới của UNESCO.
Khi vào đến khuôn viên chùa, chúng tôi đã “nghe” được sự tĩnh lặng, thanh bình. Nai cũng lang thang tới đây luôn! Vào trong chính điện, thấy khá là sáng sủa, không nhang đèn được thắp giống như chùa của Việt Nam. Những ai đến viếng chùa mà muốn thắp thì chỉ được thắp ở bên ngoài, trong khuôn viên chùa.
Chính điện có phần hơi ồn ào do đông người. Vào trong đó, hẳn ai cũng bị choáng ngợp bởi pho tượng Phật ngồi bằng đồng đã ngả màu đen. Tượng được cho là lớn nhất thế giới với cân nặng trên 500 tấn, chiều cao gần 15 mét, và đế dài trên 25 mét.
Nét mặt của tượng rõ là hiền hòa tương phản với nét mặt dữ tợn của tượng hai vị thần hộ pháp canh gác bên ngoài chính điện.
Ở góc cuối bên phải của chính điện có một thân cây ngắn ruột rỗng. Theo nhà chùa, những ai chui lọt lỗ thân cây, và qua hết sẽ gặp nhiều may mắn.
Chúng tôi cũng muốn chui qua để lấy hên, nhưng không được, bởi trẻ em xếp hàng trước đó quá đông. Không biết có bạn nào đến đây, chui qua được – và đã gặp hên?
Mở ngoặc ở đây. Không biết người Nhật có mê tín dữ dội hay không, mà hễ ở đâu có chùa hay đền thì lại thấy bày bán những món được cho là đem lại may mắn, nhờ chúng sẽ “cầu gì được nấy”.
Trong chuyến đi Nhật kéo dài ba tuần năm đó, từ Tokyo đến Hiroshima, Kyoto và Nara, vợ chồng chúng tôi đã viếng đến gần 20 ngôi chùa cùng đền thờ Thần đạo. Đâu đâu cũng thấy bùa may mắn hay những miếng gỗ nhỏ ghi lời ước nguyện để người đến viếng mua, treo ngay trong khuôn viên chùa hoặc đền. Bùa để cầu may, từ tình duyên, gia đạo cho đến sự nghiệp. Miếng gỗ cũng để hai người yêu nhau ghi lời hẹn ước trăm năm, hoặc người kinh doanh viết vào đó ước nguyện “mua may bán đắt”… (Riêng những miếng gỗ ở chùa Todaiji ở Nara thì có thêm những miếng cắt giống đầu nai nữa).
Thấy cả tại một ngôi đền, bày bán một vật giống như con chip máy tính nhằm cầu cho máy tính được bảo vệ khỏi virus cùng những sự cố khác!
Giờ đây, khi viết những dòng này, nhìn qua song cửa, thấy bầu trời đùng đục vì ô nhiễm, tôi tiếp tục nhớ đến cái ngày đi thăm Nara. “Nghe” được mùi ký ức. “Nghe” rõ lại cả tiếng thở nhẹ của mình trong cái nắng vàng ươm cùng bầu trời xanh lơ với mây trắng lững lờ bay, và những bước chân nai như vọng lên từ những con đường mòn ở Công viên Nai.
Chân in dấu chỉ một lần thôi mà giờ vẫn thấy bồi hồi, bâng khuâng. Và tự hỏi: “Khi nào có dịp trở lại Nara?” Giống như những người mê xê dịch giờ đành bó gối vì Covid.

Ngọc Trân

Theo KTSG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây