Những người ở xứ nhiệt đới dù chỉ một lần được sống trong khung cảnh mùa thu nước Đức, có thể nói là đã hưởng được một đặc ân lớn trong đời. Tôi đã từng nghe nói như vậy. Nhưng văn chương, thi ca mô tả làm sao sánh bằng thực tế!

Ước hẹn mùa thu

Giáo đường ở Eschborn.

Hàng năm, tâm trạng nôn nao đến với hội sách toàn cầu có lịch sử 500 năm luôn đi cùng với một hẹn ước được trải nghiệm những ngày tháng tuyệt vời của Frankfurt vào thu. Thay vì chọn trung tâm để có thể đến với Messe Frankfurt nơi diễn ra hội sách cho gần, chúng tôi lại đặt homestay lưu trú ở các vùng ngoại ô, trong các thị trấn cổ, cách đó chừng 20 phút tàu điện. Mỗi ngày chỉ ngồi tàu điện từ nhà vào trung tâm để đảm bảo các lịch hẹn làm việc với đối tác, đã là một chuyến tham quan đầy hứng thú.

Eschborn ở quận Main-Taunus là một thị trấn cổ như hàng trăm thị trấn cổ trên đất nước này. Nhưng một bà già cho thuê homestay trong thị trấn đó nói với tôi điều làm cho Eschborn đặc biệt là vào tháng 2-1795, văn hào Đức Heinrich von Kleist đã từng đóng quân tại đây và viết cho chị gái của mình hai bức thư nổi tiếng.

Thời điểm mà ông Kleist viết thư cho bà chị không phải giữa mùa thu, và hẳn nhiên khác với tâm trạng của nhóm khách Sài Gòn đang dạo bước trên những con đường lát đá, gửi về quê nhà những hình ảnh đẹp như mộng. Trên những hàng rào, cây kiwi giấu những chùm quả sau bờ lá xanh um. Những cây tùng, cây bách và mảng xanh định vị các cao điểm không gian trong thị trấn, chứ không phải là cao ốc. Thị trấn nhỏ này có những khu vườn duyên dáng, vào mùa thu, màu vàng cam của táo chín hòa làm một với những chiếc lá phong trở màu chầm chậm.

Chỉ với độ cao 880 mét so với mặt nước biển, nhưng những con đường ở Eschborn gợi cảm giác dốc đồi, có những khúc quanh co với đôi bờ hoa hồng dẫn vào các khu cư xá. Đường trung tâm là một bờ kè lát đá chạy hai bên dòng kinh nhỏ nước trong vắt, có thể nhìn thấy cá lội bên dưới. Chính giữa thị trấn là ngôi giáo đường trầm mặc. Xa xa, sau rặng tiêu huyền là ngôi trường mà mọi trẻ em ở đây đều có thể tự đi bộ đến học hàng ngày một cách an toàn.

Ống khói trên những ngôi nhà cổ khung gỗ đang thở ra hơi khói trắng vào bầu trời xanh thăm thẳm không một gợn mây. Những sáng có sương mù hay mưa nhẹ, Eschborn bình yên và vắng lặng đến nỗi đứng trên đầu dốc có thể nghe tiếng bước chân của người đi cuối dốc, nghe tiếng chuông xe đạp của người bưu tá đi giao thư, báo cho từng nhà.

Một ngày mới thật hoang phí nếu khách không chịu dậy sớm tản bộ đến một tiệm bánh, gọi một ly cappuccino, một ổ bánh mì nóng và tận hưởng cái lạnh ba, bốn độ C ngấm sâu vào da thịt.

Buổi sáng của người Đức làm việc văn phòng thật đơn giản. Như ở Eshborn, trước giờ đến sở làm, người ta đút túi áo khoác tờ báo mới của địa phương (như ở Eschborn có tờ Eschborner Nachrichten) để đọc tin tức, rồi xếp hàng mua bánh mì. Cuộc sống lặp đi lặp lại như vậy theo một sự sắp đặt gần như ổn định và ít thay đổi. Bánh mì lúa mạch là lương thực thiết yếu, không thể thiếu trong ngày của người dân. Riêng lò bánh mì ở Eschborn cũng có thể làm ra hơn hai trăm loại bánh mì khác nhau. Nhưng người ta nói vậy là ít. “Kho tàng” bánh mì nước Đức có đến hơn 600 loại.

Với khách phương xa, buổi sáng sớm được lạc vào một tiệm bánh ở một thị trấn cổ nhẩn nha thưởng thức vị bánh mì Brezel (loại bánh mì hình em bé chắp tay cầu nguyện) mằn mặn, thơm bơ bên ly cà phê thơm, là đã mở được một cánh cửa bước vào khẩu vị Đức rồi.

Tiếng chuông của mùa thu

Cũng như Eschborn, phố cổ Hofheim, trung tâm quận Main-Taunus cũng có những tiệm bánh mì, cà phê thật lãng mạn nhìn ra con đường Hauptstraße dẫn đến nhà thờ Chánh tòa Thánh Phêrô Phaolô (Die Pfarrkirche St. Peter und Paul) cổ kính. Hai ngày cuối tuần, con đường biến thành khu chợ trời để bán hàng lưu niệm cho du khách, còn lại các ngày khác trong tuần thì khá vắng lặng, bình yên.

Cây phong lớn ở trong sân nhà thờ chuyển màu như một đống lửa khổng lồ sẽ bốc cháy và tàn nhanh. Khách ngồi ở những chiếc ghế đá thưởng thức một ly cà phê và có thể nhìn thấy màu vàng thu đang chuyển động và nhuộm khắp không gian Hofheim cổ kính.

Vào mùa này, nhiều gia đình ở Hofheim dọn đồ đạc lên xe pickup ra bìa rừng thuê trại ở, để lại ngôi nhà, mảnh vườn của họ cho khách du lịch thuê. Tôi đã may mắn được ở một căn nhà như thế của vợ chồng cô Mona. Buổi sáng cuối cùng, Mona hẹn tôi đến một tiệm kem nằm trong ngôi làng sát bìa rừng, nơi cô và cậu con tám tuổi đang tận hưởng thiên nhiên của những ngày đẹp nhất trong năm. Ở đó, cậu con trai được đi câu cá, hái nấm, sống với thiên nhiên trong lành, còn cô thì được tách khỏi công việc nhưng vẫn có thu nhập từ căn nhà lúc nào cũng kín lịch đặt phòng.

Đời sống ở những thị tứ cổ kính xa trung tâm thường nhẹ nhàng và chậm rãi. Những sân ga ẩm ướt bởi những đợt sương đậm và mưa phùn. Tháng mười, bên ngoài khung cửa tàu điện, ta có thể cảm nhận các khu rừng đổi màu lá từng ngày. Mới hôm qua chỉ lác đác vài đốm vàng thì nay đã nhuộm màu vàng, đỏ như những bức họa được đổi tone uyển chuyển bởi màn phù thuật của một danh họa.

Khu trung tâm Frankfurt.

Dạo phố trung tâm Frankfurt vào chiều mùa thu cũng là một điều thú vị. Là kẻ không tha thiết với các trung tâm thương mại, tôi thường dành thời gian lang thang những tiệm cà phê và bia tươi, nơi có ngôi nhà thờ với tháp chuông cổ và chỉ đi vài trăm thước là đến nhà bảo tàng thi hào Goethe. Nhiệt độ những buổi chiều se lạnh, với chút nắng vàng và gió nhẹ được xem là lý tưởng để ngồi bên một ly bia thưởng thức món xúc xích nướng với một người bạn mới quen. Âm nhạc từ gánh hát rong đường phố rộn ràng gợi không khí bohemian. Thỉnh thoảng, cây tiêu huyền trên đầu bất giác thả xuống trên chiếc bàn gỗ dài một chiếc lá vàng như bàn tay mùa thu khe khẽ nhắc. Và khi chiều muộn, từ tháp chuông nhà thờ trung tâm, những hồi chuông ngân nga. Tôi sực nhớ rằng một lần nào đó trong kịch của Goethe, tiếng chuông nhà thờ đã kéo Faust ra khỏi tuyệt vọng và từ bỏ ý định tự sát. Rõ ràng, chúng ta không thông thái và đau đáu khắc khoải về tri thức như Faust, nhưng tiếng chuông một chiều mùa thu Frankfurt lại là một sự thanh lọc để thêm yêu từng khoảnh khắc sống giữa miền nhân gian thơ mộng.

Rồi những ngày lang thang đến các lâu đài trên đồi cao, các thị trấn tịch mịch hay đạp xe men theo con đường mòn dọc sông Main, băng qua những cánh đồi nho và đồng lúa mạch vừa gặt xong… Mùa thu Đức là ngàn câu chuyện kể, mà chuyện nào cũng phải được kể với tất cả năng lực thi ca trong tâm hồn.

Ai có thể vẽ hết được màu lá tiêu huyền, rẽ quạt hay những thảm rừng phong tĩnh tại đang chuyển sắc độ chậm rãi? Tôi hiểu vì sao Frankfurt là một thành phố trung tâm kinh tế tài chính nhưng lại kịp sinh ra những thiên tài như Goethe và Kleist.

Nguyễn An Nam

Theo KTSG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây