(SGTT) – Vụ mùa đến, những đụn rơm vàng óng trải khắp nơi. Lúa về nhà trước, rơm rạ về sau. Niềm hân hoan chân chất từ ruộng đồng khiến cho mỗi khi được mùa, nông phu như lặn chìm đâu mất sự vất vả nắng mưa.
“Cỗ bài tam cúc mép cong cong. Rút trộm rơm nhà đi trải ổ”, hai câu thơ đầu trong bài thơ Cây tam cúc của thi sĩ Hoàng Cầm được đọc thuở nào như vọng về với tôi, khi nhìn cảnh những nùi rơm được xoắn lại, được xóc, được nâng chất lên xe trong chiều tắt nắng ở đồng ruộng quê nhà.
Đã vào kỳ thu hoạch vụ mùa của lúa đông xuân. Người bà con trong họ khoe “năm nay lúa tốt, nhà nhà cũng vội vàng thu hoạch để tránh những cơn mưa lớn chuyển mùa”. Tôi ngồi bồi hồi nhớ và hình dung những con đường làng trải đầy rơm rạ. Và phơi phóng lúa đầy sân để rồi cho vào bồ vào lẫm.
Ngày trước, tầm khoảng giữa tháng 5 Dương lịch, tôi thường nhận lãnh một công việc lúc chớm hè. Ba tôi và một, hai người nông dân hàng xóm phụ nhau trồng một cây cột cao vững chãi, rồi bắt đầu rải rơm xung quanh gốc cột.
Tôi cứ vịn tay vào cây cột đi quanh, giẫm lên đám rơm được đắp càng lúc càng cao, cho rơm nén chặt lại. Người lớn đứng ở dưới dùng cây mỏ xảy (một dụng cụ có cán bằng tre dài, tra vào cây sắt có hai cái chĩa), dùng để xóc từng nùi rơm lớn đưa lên cao. Rơm được đưa lên, lại được đôi chân tôi giẫm cho chặt xuống.
Cứ đi quanh chiếc cột, dần dà cây rơm được xây thành hình lên cao. Dưới gốc thì to, lên cao dần thì nhỏ lại. Xây xong, lại dùng một chiếc thùng sắt úp đậy trên đầu trụ cột, để nước khỏi theo chiếc cột mà chảy xuống. Vậy nên dù có mưa, nước cứ chảy theo bên ngoài cây rơm mà không thể thấm vào trong, cây rơm lúc nào cũng khô ráo. Mỗi lần cần dùng lại dùng hai tay nắm từng nắm rơm mà rút ra. Thi sĩ Hoàng Cầm viết “Rút trộm rơm nhà đi trải ổ”, là thế.
Mới đây, khi đọc tiểu thuyết của cụ Hồ Biểu Chánh, tôi được biết trước đây cả trăm năm, miền Nam cũng có dùng chiếc dụng cụ để xóc rơm ấy, và cũng gọi nó là cây mỏ xảy. Cụ Chánh còn mô tả vài điều về giá lúa thời Pháp thuộc.
Ví như trong giai đoạn các năm của thập kỷ 1920, giá lúa được bán với giá từ 4,8 đồng đến 5,9 đồng bạc Đông Dương/một giạ (20 ki lô gam). Vì vậy, trong một cuốn tiểu thuyết, có đoạn cụ mô tả ông cai tổng Bình bán 2.000 giạ lúa vào lúc giá 4,8 đồng/giạ. Sang năm tới, khi giá lúa vụt tăng lên 5,7 đồng/giạ, ông bị “mất” gần 2.000 đồng bạc, tiếc đứt ruột. Nhưng có một vị hương chức trong làng an ủi, rằng số lớn lúa của ông vẫn còn trữ lại đến 14.000 giạ, thì cũng chẳng nên lo.
Vì sẽ còn “lời đến hàng muôn bạc”. Mỗi muôn là 10.000 bạc, như vậy, ông cai tổng sẽ có đến hàng chục ngàn bạc, nếu bán hết số lúa hàng trăm tấn. Nghe cách cụ nhẩn nha kể chuyện về lối làm ăn của các điền chủ miền Nam thuở ấy, mới hiểu biết thêm về cái xứ thường được nhắc đến trong câu “đồng ruộng thẳng cánh cò bay” !
Ở quê nhà, ruộng đồng hẹp. Nên nhìn xa xa, sẽ thấy dọc theo con sông nhỏ là các doi ruộng, chạy một quãng lại đến chân đồi. Nhưng vì không rộng mênh mông nên mỗi chiều xuống, phong cảnh lại rất nên thơ. Trên đồi dưới ruộng là đặc tính nhiều vùng của dải đất miền Trung. Thỉnh thoảng lại có một vài cây đa hay cây sanh cổ thụ mọc cô đơn giữa đồng, che bóng mát cho những nông phu khi muốn nghỉ ngơi lúc trời nắng. Đó là cảnh đẹp hiếm thấy, mà với con mắt của những người yêu hội họa, họ ít khi bỏ qua dịp vẽ lại trên khung toan của mình một vài bức tranh, vì cho rằng nó… “rất art!”.
…Rơm rạ quê nhà, đôi khi len vào tôi những hồi ức mùa màng ngày thơ trẻ. Để bây giờ thầm nghĩ, với những người bước chân ra đi từ đồng ruộng quê nhà dạo ấy, có ai không từng một lần cuộn mình trong hơi ấm ổ rơm, mà cũng trong bài thơ bất hủ Cây tam cúc của mình, Hoàng Cầm đã viết một câu tuyệt hay: “Ổ rơm thơm đọng tuổi đương thì”.
Đọng vào trong ký ức, là một nỗi nhớ nhung vu vơ xa vắng lắm!