Thứ Hai, Tháng Năm 13, 2024

Món súp Thái Lan thất truyền 300 năm sẽ được phục vụ tại TPHCM

(SGTTO) – Mới đây, một nhà hàng chuyên món Thái trên đường Mạc Thị Bưởi, quận 1, TPHCM đã giới thiệu đến thực khách Sài Gòn hương vị đặc biệt của món canh cá chuyên phục vụ hoàng gia Thái Lan hơn 300 năm trước.

Món canh cá thất truyền hơn 300 năm của hoàng gia Thái do đầu bếp Thaninthorn “Noom” Chantrawan phục chế. Ảnh: Thủy Triều.

Để mỗi thực khách tại TPHCM có thể trải nghiệm cảm giác trở thành người của hoàng tộc, nhà hàng chuyên món Thái có tên Spice Temple đã mời ông Thaninthorn “Noom” Chantrawan, đầu bếp Thái Lan đầu tiên đạt sao Michelin sang Việt Nam chế biến The Lost Recipe (tạm dịch là công thức thất truyền) – món canh cá thất truyền hơn 300 năm của hoàng gia Thái.

Chia sẻ về ý tưởng phục chế món ăn này, ông Chantrawn cho biết, sau khi đọc được tư liệu về món canh cá từng có mặt trong các bữa ăn của hoàng gia Thái hơn 300 năm trước, ông đã rất tò mò nên tìm cách phục dựng lại nó. “Tôi hy vọng một lần nữa đưa món ăn trở lại thực đơn để mỗi thực khách có cơ hội thưởng thức cũng như trải nghiệm cảm giác trở thành thành viên hoàng tộc”, vị đầu bếp nói.

Trong suốt quá trình tìm hiểu, ông Chantrawn đã tiếp cận rất nhiều sách cổ, tư liệu nhắc đến món ăn, tham khảo rất nhiều công thức chế biến món ăn cung đình, thử nghiệm hàng trăm, thậm chí hàng ngàn lần cách kết hợp các loại cá, nguyên vật liệu, gia vị để tìm ra hương vị hoàn thiện nhất. “Không ai có may mắn biết rõ hương vị của món ăn, tôi cũng vậy nên có thể món ăn sẽ không giống 100% với nguyên bản nhưng tôi tự tin món ăn gần giống nhất”, ông khẳng định.

The Lost Recipe là món canh cá có ba lớp vị. Đầu tiên là độ cay mạnh của ớt xào cùng dầu nóng; kế đến là vị chua đậm được kết hợp từ chanh, khế, cà chua và cuối cùng là những khối cá lóc không tẩm ướp gia vị, hấp chín. Tông màu chính của món ăn đến từ ớt xào cùng dầu nóng nên ngay khi phục vụ, món canh khiến người dùng khó kiềm lòng với màu đỏ bắt mắt, lại vừa gây e sợ về độ cay của nó.

Chị Đức Phong, thực khách ở quận 3 cho biết ban đầu hai lớp vị chua – cay của The Lost Recipe khiến chị liên tưởng đến tomyum – món canh nổi tiếng của Thái nhưng vị chua, cay của món canh cá này đậm hơn. Món canh này cũng không có độ ngọt, béo đặc trưng của nước cốt dừa như tomyum. Chị kể rằng sau khi chia sẻ với người quản lý nhà hàng món canh khá cay, chị nhận được câu trả lời được chuyển ngữ từ người đầu bếp rằng hiện món ăn chỉ cay khoảng 1/3 so với nguyên bản. “‘Món ăn cay đến mức người có thể ăn cay như tôi muốn chảy nước mắt. Nếu cay thêm một phần nữa, món canh càng kén người dùng, cay đúng chuẩn chắc không ai dám ăn luôn”, chị nói vui.

Khác với chị Phong, chị Thư, nhà ở quận 1 cho rằng độ cay của món ăn vẫn trong giới hạn có thể thưởng thức của nhiều thực khách. Chị chia sẻ mình khá thích thú với việc ông Chantrawn nướng chín hành tím và hành tây rồi để nguyên hay cắt thành khối lớn, cho vào món canh để vừa giúp tăng độ ngọt của nước dùng, vừa giúp khắc chế mùi tanh của cá vừa để thực khách có “thứ gì” đó để nhấm nháp. Dành nhiều lời khen cho món canh, song chị Thư cũng kiến nghị phần cá lóc trong món canh cần được xử lý tốt hơn. “Nếu cá lóc không được ướp gia vị là có ý đồ của đầu bếp hay tuân thủ công thức chuẩn thì khi chế biến, đầu bếp có thể xắt khối cá nhỏ hơn hay canh chỉnh thời gian sao cho cá chỉ vừa chín tới. Hiện cá chín khá kỹ nên hơi khô và xơ, không có độ tươi ngọt”, chị Thư nhận định.

Ngoài món canh thất truyền 300 năm, vị đầu bếp đầu tiên của Thái Lan đạt sao Michelin cũng giới thiệu đến thực khách hàng loạt món ăn khác do chính ông chế biến tạo thành một bữa ăn hoàng gia hoàn chỉnh.

Món khai vị được trình bày đơn giản nhưng đẹp mắt. Ảnh: Thủy Triều.
Bò hầm 24 tiếng. Ảnh: Thủy Triều.
Tôm càng xanh nướng ăn kèm với cơm được nấu cùng nước dừa nướng. Ảnh: Thủy Triều.

Mỗi món ăn đều có hương vị và điểm riêng. Có thể bạn sẽ thích cảm giác viên trứng cá vỡ trong miệng cùng vị mặn nhẹ trong máng tráng miện hay thích vị tươi mát trong món sốt sò điệp, hay vị ngon đặc trưng của tôm càng xanh kết hợp với cơm được nấu cùng nước dừa nướng – dừa được nướng nguyên trái, khi đủ lửa, vạt dừa, lấy nước, nấu cùng gạo. Nhờ được nướng trước nên khi chế biến, cơm có vị ngọt, thơm và đủ sức mê hoặc gần như tất cả thực khách, kể cả những ai đang trong chế độ kiêng hoàn toàn tinh bột hay sự cầu kỳ trong món tráng miệng.

Được biết, công thức các món ngon này được ông Chantrawn để lại cho Spice Temple và dự kiến sẽ được đưa vào thực đơn chính của nhà hàng trong vòng từ ba đến sáu tháng tới.

Lan Nhã

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Trưa nay ăn gì: Salad đu đủ Thái chua cay chuẩn...

0
(SGTT) – Nếu yêu thích văn hóa ẩm thực Thái Lan, mọi người có thể thưởng thức món papaya salad (salad đu đủ Thái)...

Năm món Thái “hot trend” từ lớp học nấu ăn chuyên...

0
(SGTTO) - Văn hóa ẩm thực Thái Lan có rất nhiều món ăn ngon, lạ miệng và hấp dẫn. Trong đó, có một số...

Trổ tài làm món Thái cho bữa tối Valentine

0
(SGTT) - Một bữa tối lãng mạn cùng nửa kia nấu nướng và thưởng thức tại nhà là sự chọn lựa lý tưởng cho...

Món ăn ngoại tại TPHCM: dễ ăn, dễ tìm

0
(SGTT) - Hiện chưa có số liệu chính thức về số lượng nhà hàng bán món ăn nước ngoài ở TPHCM nhưng có thể...

Kết nối