Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024

Mang “siêu thị” hàng gia dụng tới tận nhà dân nông thôn

(SGTT) – Thỉnh thoảng tôi đi trên quốc lộ 1A từ Tam Kỳ trở ra Đà Nẵng hoặc trên một số đường huyện trong tỉnh Quảng Nam, rất dễ thấy khi là nam giới lúc thì nữ giới tuổi trung niên chở theo sau xe máy cái tủ nhựa hoặc bàn học sinh, bộ bàn ghế inox… chạy bon bon. Có khi họ dừng lại chợ ven đường hay đi sâu vào tận các xóm thôn. Và nếu chú ý sẽ thấy ký hiệu biển số xe máy hầu hết đều mang số 76 (ở tỉnh Quảng Ngãi).

Đi tìm… người hát câu hát Lý thương nhau!

Người bán hàng gia dụng kiểu mới ở nông thôn Quảng Nam.

Một lần trên đường lên một huyện miền núi, tôi ghé quán bún bên đường, địa bàn phường Điện Phước, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Bàn trước mặt có chị tuổi xấp xỉ 50 đang chờ phục vụ, chắc vui miệng hát nho nhỏ mấy câu bài “Đi tìm câu hát Lý thương nhau” của Vĩnh An, thấy ngộ ngộ. Gợi chuyện với cô chủ quán được biết chị khi nãy và nhiều người nữa quê Quảng Ngãi chuyên chở tủ quần áo, tủ chén bát, bàn học sinh… bán dạo là khách quen. Tôi nghĩ rồi phải đi gặp người hát để tìm hiểu về cái dịch vụ chở hàng đi bán này. Cô chủ quán nhiệt tình chỉ chỗ trọ của họ.

Tôi đến chỗ trọ là căn nhà hai tầng vừa là kho chứa hàng trên địa bàn xã Điện An, thị xã Điện Bàn. May quá, chị “ca sĩ” vừa đi chợ sáng về. Trông chị rất vội, tôi chỉ hỏi về quê quán, công việc. “Cái tủ ngó kềnh càng vậy thôi chứ nhẹ hều! Ngày bán cũng được ba, bốn cái. Tính ra khỏe hơn làm phụ hồ, sống qua ngày thôi. Em làm việc này hơn 10 năm rồi”.

Chị giấu tên, chỉ nói quê xã Hành Trung, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi. Tôi lân la đến nhóm đang ngồi ăn sáng hỏi chuyện. Anh tên P.T.T, 50 tuổi, có 4 năm nghề, kể có người trong nhóm ở đây thâm niên 10 năm như ông T.V.L. Đụng đâu đi đó, có khi ra các tỉnh phía Bắc, lên các huyện miền núi Tây Giang, Nam Giang của Quảng Nam và họ buôn bán hên xui, có ngày không bán được cái nào. Dò hỏi mới biết còn một nhà trọ nữa ở xã kế bên. Thấy họ tất bật cột hàng lên xe, chuẩn bị ba lô, nước chai lên đường, tôi không hỏi thêm.

Hôm sau từ Đà Nẵng tôi đến nhà trọ ở Điện Phước rất sớm. Một thanh niên đang cột chiếc tủ nhựa đựng quần áo lên xe máy. Nghe tôi hỏi anh ta có vẻ vồn vã, đáp: “ Em chỉ chạy đến điểm bán xa nhất là An Điềm, huyện Đại Lộc, có khi ra đến Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng”.

Tôi nghĩ phải tìm cách khai thác thêm thông tin về cái công việc khá là vất vả này của những người lao động là người cùng quê đang lặn lội mưu sinh.

Chở hàng đi chào, bán trả góp

Nghỉ chân dọc đường.

Trong vai người đi tìm việc cho thằng cháu ruột, tôi gặp vài người làm dịch vụ này nhờ giúp đỡ.

Một người kể hơn 20 năm trước, có một anh quê Nghĩa Hành, một huyện trung du của tỉnh Quảng Ngãi, làm quản lý nhân sự cho một công ty (không rõ tên) có trụ sở ở huyện Bình Chánh, TPHCM, trong một lần về quê ăn tết đã rỉ tai người quen sẽ chỉ cho việc làm. Nghe thoát khỏi cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” một số người đã tìm đến nhờ giúp.

Thời gian ngắn sau, số người đăng ký xin việc được tiếp nhận, được hướng dẫn cách chào bán hàng, thỏa thuận lương hướng, ăn ở, sinh hoạt… rồi tạm biệt gia đình, quê hương lên đường ra thị trường tỉnh Quảng Nam.

Họ chủ yếu là hàng bán trả góp. Mỗi sản phẩm, người mua chỉ trả trước từ 90.000 đến 490.000 đồng tùy sản phẩm, sau đó trả từng tháng theo quy định như hợp đồng. “Hợp đồng mua bán hàng gia dụng trả góp” , “Hợp đồng theo dõi trả góp” chỉ là một tờ giấy in chữ đỏ, không có dấu má. Cơ bản là trên đó thể hiện tên người mua, địa chỉ, số điện thoại, số tiền, sản phẩm và mức trả góp hàng tháng.

Nếu “mua đứt bán đoạn”, tức người mua trả tiền tươi sẽ được giảm 10% giá trị sản phẩm. Người bán hàng sẽ chỉ địa điểm người mua cho người chuyên đi thu nợ. Những người này sẽ không bán hàng cho các nhà trọ nếu biết rõ được người mua trả góp không có việc làm ổn định.

Hỏi có khi nào bị xù không, một người bán nói người mua mà người ta vỡ nợ, bán nhà đi mình mới mất, trình bày cụ thể với quản lý, công ty cũng cho qua. Khách ở Thừa Thiên Huế, Quảng Trị mà đặt mua thì những người này cũng chở hàng ra tận nơi. Giá sản phẩm như bàn ghế inox cao nhất 2,2 triệu đồng/bộ, thấp nhất 1,15 triệu đồng/bộ (1 bàn và 10 ghế), kệ 4 tầng giá 1,35 triệu đồng/cái, tủ nhôm cao cấp giá 1,89 triệu đồng/cái…

Một người bán hàng dạng này tuổi đã 60, có thâm niên hơn 10 năm kể: “Nếu vượt khoán chỉ tiêu thì cứ 10 sản phẩm được tính 1,6 triệu đồng, 20 sản phẩm được thêm 1 triệu đồng nữa. Tết là bán sướng nhất và người bán vượt khoán cũng nhiều”.

Theo đó, người bán sẽ chở hàng chào bán theo từng khu vực do công ty bố trí. Có ô tô chở hàng đến điểm “trung chuyển”. Nếu bán hết hàng, người bán đến nhận tiếp rồi tỏa đi mà không có chuyện chạy về lại kho lấy hàng. Cứ phấn đấu ngày nào trong tháng cũng bán từ 2 sản phẩm trở lên là thu nhập có dư. Người bán nếu sau 3 tháng không vượt khoán chỉ tiêu là cho nghỉ việc.

“Có khi trong một ngày em bán đến 6 sản phẩm! Tủ chén có, nệm bông có, bàn học sinh cũng có”, một người bán tên S, kể.  Người bán hàng thu nhập tháng gần 5 triệu đồng, vượt chỉ tiêu giao khoán sẽ được thưởng thêm, còn người thu nợ không có lương tháng mà sẽ nhận 10% tiền thu được của sản phẩm và có hỗ trợ tiền xăng 30.000 đồng/lần/ngày như đối với người bán hàng. Khi sắp xếp hàng lên xe, nổ máy mới được nhận tiền xăng hỗ trợ, nghỉ ở nhà thì khỏi. Có người đi thu nợ ngày chạy cả trăm cây số rồi về “mo” vì đến nơi người ta nói kẹt tiền, hẹn gặp tháng sau thì là xem mất ngày công.

Công ty chủ hàng lo chỗ ở và đó cũng là nhà kho chứa hàng luôn. Như ở thị xã Điện Bàn có ít nhất 3 điểm, mỗi điểm trên dưới 15 người, có cả nam và nữ, có vài gia đình hai vợ chồng cùng là người bán hàng, tự đi chợ nấu ăn. Trong nhóm có quản lý, người bán hàng, người thu nợ và thủ kho. Công ty bao hết tiền điện, nước sinh hoạt, sắm cho bếp gas để người lao động tự nấu ăn. Cứ sau thời gian 4 đến 5 năm gần hết hợp đồng thuê kho, công ty cho người đi khảo sát điểm khác và “bầu đoàn thê tử” sẽ khăn gói chuyển vùng hoạt động. Có người bán gắn bó với công việc bán hàng này dễ hơn 15 năm!

Một người bán hàng tuổi 50, quê xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi  kể: “ Nói thiệt với anh, làng em mà chừ có người già đau hoặc chết chắc sẽ không có ai khiêng! Còn khỏe thì đi bán như bọn em hết rồi. Mình chữ nghĩa không có chỉ mong có sức khỏe thôi anh. Thu nhập nói chung là được”.

Ông Đoàn Ngọc T. quê xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam nói: “Có thể số hàng bán không qua đại lý, cửa hàng mà bán trực tiếp đến người tiêu dùng nên mới cho trả góp cả năm trời. Chất lượng thế nào mình chịu nhưng thấy giá rẻ cũng giựt mình !”. Một cán bộ Công đoàn huyện Đại Lộc, góp chuyện: “Tôi thấy họ mang tủ bàn lên bán ở vùng cao. Giá mềm, bà con dân tộc thiểu số cũng chuộng. Đi đâu xa cho mệt, trong khi người bán chở đến tận cửa nhà mắc chi không mua, lại trả góp nữa!”.

                                                                              Lê Kung Diễm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Hà Nội: du lịch nông nghiệp khó phát triển vì thiếu...

0
Hà Nội có tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy phong trào xây dựng nông...

[Tọa đàm trực tuyến]: Nông nghiệp, nông thôn: Để nông dân...

0
(SGTT) - Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn phát triển so với cùng kỳ...

Thức đêm đi tìm “vua” nấm mối

0
(SGTT) - Ở Phú Yên, nấm mối mọc nhiều ở vùng miền núi huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân, nhiều người thức nửa...

Đẹp lạ lùng ngỏ đá xứ Tiên

0
(SGTT) - Chỉ là những viên đá tự nhiên được cư dân ở huyện Tiên Phước, Quảng Nam đào lấy lên từ nền đất...
Cargill

Cargill của Mỹ quyên góp hơn 130 tỉ đồng xây 100...

0
(SGTTO) – Tập đoàn Cargill của Mỹ tại Việt Nam sáng ngày 11-12 đã khánh thành trường Tiểu học Văn Thành khang trang, hiện...

Mua hàng qua mạng ở nông thôn sẽ bỏ xa thành...

0
Báo cáo “Tìm kiếm cho ngày mai của Việt Nam” phát hành lần đầu từ Google nhận định khu vực nông thôn sẽ là...

Kết nối