Thứ Năm, Tháng Chín 12, 2024

Liên kết du lịch giữa TPHCM và ĐBSCL: Cần sản phẩm liên tuyến mới hơn

(SGTT) – Thời gian qua, các hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL đã đi vào thực tiễn, mang lại những hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức phía trước để phát huy thế mạnh từng địa phương và tạo sản phẩm du lịch liên kết mới, đặc sắc hơn.

Sáng ngày 17-4, tại thành phố Bến Tre đã diễn ra Diễn đàn liên kết phát triển du lịch vùng TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL lần thứ 3 – năm 2024 với chủ đề “Du lịch ĐBSCL, hướng đến phát triển du lịch xanh và bền vững”.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã nêu ra thực trạng và kiến nghị để hoạt động liên kết phát triển du lịch vùng giữa TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL đạt hiệu quả hơn nữa.

Quang cảnh Diễn đàn liên kết phát triển du lịch vùng TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL lần thứ 3 – năm 2024 sáng 17-4 tại thành phố Bến Tre. Ảnh: Nguyên Phong

Những “trở ngại” mãi vẫn chưa được giải quyết

PGS TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch, Thành viên Tổ chuyên gia Tư vấn Quy hoạch Quốc gia, cho biết ĐBSCL có thế mạnh chung là du lịch sông nước, có những nét văn hóa tương đồng nên sản phẩm du lịch ở các địa phương có sự trùng lặp nhau, chưa có dấu ấn riêng.

“Để tránh sự trùng lặp này, các địa phương cần thúc đẩy sự liên kết phát triển du lịch nhằm phát huy được thế mạnh đặc trưng riêng của từng địa phương, quảng bá điểm đến của nhau cho du khách”, ông Lương nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Lương cho rằng hoạt động liên kết du lịch giữa TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL cần chú trọng xây dựng các chương trình hành động, kế hoạch cụ thể; đầu tư phát triển nguồn lực; có chính sách khuyến khích liên kết và xây dựng được mô hình quản trị, điều phối vùng.

Khách du lịch đi vỏ lãi tại khu du lịch Người giữ rừng ở Bến Tre. Ảnh: Nguyên Phong

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND TPHCM, cho rằng dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng các sản phẩm du lịch trong chương trình liên kết vùng vẫn chưa thật sự hấp dẫn, chưa có sản phẩm “chủ lực”. Thời gian qua, tuy khách du lịch nội địa đến ĐBSCL tăng mạnh, nhưng khách quốc tế vẫn còn quá ít.

Ông Dũng dẫn ra con số chỉ khoảng 2,12 triệu lượt khách quốc tế đến ĐBSCL trong năm 2023, dù trước đó đã có nhiều chính sách thu hút như miễn thị thực và cấp thị thực điện tử; chính sách đối ngoại song phương và đa phương với khu vực và thế giới.

Ông Dũng cũng cho rằng, công tác quản lý điểm đến tại một số địa phương chưa kịp thời xử lý các vấn đề về ô nhiễm môi trường, rác thải, tình trạng “chặt chém” du khách… làm ảnh hưởng đến hình ảnh, thương hiệu du lịch vùng; hệ thống hạ tầng còn thiếu, chưa đồng bộ; thời gian khách du lịch lưu trú trong các chương trình du lịch ngắn… là những thách thức trong công tác liên kết du lịch mà TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL phải giải quyết.

Đi tìm giải pháp liên kết du lịch hiệu quả

Du khách đạp xe khám phá cù lao Tam Hiệp, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Nguyên Phong

Để hoạt động liên kết du lịch giữa TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL đi vào thực chất hơn, PGS TS Phạm Trung Lương cho biết điều đầu tiên là cần xác định rõ mục tiêu liên kết, đảm bảo lợi ích hài hoà giữa các bên; cần có chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối, phát triển vật chất kỹ thuật du lịch tại các địa phương trọng điểm và xây dựng sản phẩm du lịch liên kết vùng ĐBSCL.

“Chúng ta có tài nguyên, chúng ta có sản phẩm tốt, nhưng chúng ta không kết nối được thì đó vẫn chỉ là tiềm năng”, PGS TS Phạm Trung Lương nói.

Đặc biệt, ông Lương cho rằng cần nâng cao vai trò của Hiệp hội du lịch các địa phương – vì đây là nơi tập hợp các doanh nghiệp du lịch – thành tố mà ông Lương cho rằng là “linh hồn” của hoạt động liên kết vì doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào việc xây dựng sản phẩm du lịch.

Khách du lịch tại nông trại Hải Vân – sân chim Vàm Hồ. Ảnh: TL

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND TPHCM, nhận định phát triển du lịch phải gắn kết chặt chẽ với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa đặc trưng bản địa. Về sản phẩm du lịch, ông cho rằng cần tăng cường xây dựng các sản phẩm liên tuyến giữa TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL mới hơn, đặc sắc hơn, hấp dẫn hơn; phát triển sản phẩm du lịch đường sông đa dạng hơn nhằm phát huy lợi thế sông nước.

Bên cạnh đó, trong công tác liên kết, cần triển khai hiệu quả các mô hình quản trị, hợp tác công – tư trong phát triển du lịch trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; đồng thời, huy động hiệu quả nguồn lực của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn đầu tư cho phát triển du lịch. Các tỉnh, thành cần có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích khởi nghiệp du lịch, tạo điều kiện kinh doanh du lịch thuận lợi để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng lượng khách du lịch đến với vùng ĐBSCL.

“Các địa phương cần đẩy mạnh sử dụng công nghệ trong xúc tiến như quảng bá trên nền tảng số, quảng bá thông qua phim ảnh và truyền hình. TPHCM sẽ đóng vai trò dẫn dắt các tỉnh, thành ĐBSCL trong việc xúc tiến, quảng bá đến các thị trường khách nước ngoài, đặc biệt thị trường Úc rất thích du lịch ĐBSCL”, ông Dũng nói.

Homestay Út Trinh tại Bến Tre. Ảnh: Nguyên Phong

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Anh Vũ, Giám đốc truyền thông Công ty cổ phần Du lịch Việt, nhìn nhận việc liên kết du lịch giữa TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã có hiệu quả tích cực trong thời gian qua. Tuy nhiên, ông Vũ cho rằng cần có những giải pháp sâu hơn cho từng địa phương, cũng như từng doanh nghiệp lữ hành.

“Lấy ví dụ như việc phát triển các sản phẩm du lịch xanh, các doanh nghiệp lữ hành cần hành lang pháp lý để thực hiện. Song song đó, điểm đến tại địa phương cũng phải xác định những tiêu chí “xanh” một cách cụ thể để xây dựng sản phẩm. Ngoài ra, cộng đồng dân cư tham gia như thế nào, họ được lợi gì, công tác bảo tồn văn hoá, di tích lịch sử… triển khai ra sao cũng cần phải làm rõ”, ông Vũ nói.

Thông qua các hoạt động liên kết du lịch, ông Vũ kỳ vọng sẽ có những chính sách cụ thể, chi tiết hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các sản phẩm du lịch xanh, bền vững tại từng địa phương.

Tại diễn đàn, lãnh đạo các địa phương và các chuyên gia cũng đã nêu nhiều giải pháp khác nhằm thu hút khách du lịch nội địa và quốc tế đến ĐBSCL trong thời gian tới.

Diễn đàn liên kết phát triển du lịch vùng TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL được tổ chức định kỳ 2 năm/lần, luân phiên tại các địa phương trong vùng liên kết. Đây là dịp để các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, các chuyên gia cùng các cơ quan quản lý Nhà nước gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ và cùng đặt ra mục tiêu cho thời gian tới.Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch TPHCM, cho biết chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL 2024 hướng đến 5 nội dung trọng tâm, bao gồm việc liên kết, hợp tác trong công tác quản lý nhà nước; phát triển sản phẩm du lịch; quảng bá, xúc tiến du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch và xúc tiến đầu tư phát triển du lịch.

Nguyên Phong

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Học nấu món miền Tây bên dòng sông Tiền

0
(SGTT) - Nằm êm đềm bên dòng sông Tiền, du khách đến Mekong Riverside Boutique Resort & Spa (thành viên Sáng kiến Điểm đến...

Phát triển du lịch địa phương cần dựa vào ‘sắc màu...

0
(SGTT) – Ngoài yếu tố tâm linh, đa số các địa phương vùng Tây Nam Bộ, do có nét tương đồng về cảnh quan...

Bức tranh du lịch ‘đất chín rồng’ dần hoàn thiện

0
(SGTT) - “Thời gian tới du khách tìm về vùng đất Cửu Long sẽ đông hơn trước” là chia sẻ từ đại diện một...

Hòa nhịp cuộc sống thương hồ với mô hình thuyền phòng...

0
(SGTT) - Nép mình trong không gian yên ả, thanh bình của miệt vườn Tây Nam bộ, khu nghỉ dưỡng Mekong Silt Ecolodge (thành...

Đưa trẻ đi du lịch về những miền quê

0
(SGTT) - Với mong muốn bảo tồn, phát huy di sản và bản sắc văn hoá Việt Nam, HaiAu Educursions (thuộc Công ty TNHH...

Để du lịch Hậu Giang không chỉ là ‘điểm dừng chân’

0
(SGTT) - Hậu Giang nằm ở trung tâm tiểu vùng Tây Nam sông Hậu và được xem là một trong những trung tâm lúa...

Kết nối