(SGTTO) – “Hành trình nối những miền xanh” là chuỗi nội dung về du lịch xanh do Sài Gòn Tiếp Thị Online (thuộc nhóm báo Thời báo Kinh tế Sài Gòn) thực hiện nhằm khuyến khích, vinh danh những địa điểm, ý tưởng làm du lịch có ý thức đóng góp trở lại cho môi trường, hay chỉ đơn giản tạo cơ hội cho du khách hòa mình, tìm hiểu thiên nhiên. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, người đã gặp SGTT ở ý tưởng cùng xây dựng một nền du lịch xanh tại Việt Nam.
Sài Gòn Tiếp Thị Online: Theo quan điểm của ông, dưới góc độ là một doanh nghiệp, thế nào là điểm đến xanh (green destination)?
Ông Phan Xuân Thanh: Hiện nay nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, tác động mạnh mẽ đến môi trường sống, tác động tiêu cực đến sức khoẻ con người và hệ sinh thái tự nhiên. Đây là thách thức của tất cả chúng ta, thúc đẩy con người cần phải nhìn nhận, thay đổi thói quen sinh hoạt hay chiến lược phát triển của mình. Đồng thời, cần xác định phát triển kinh tế không tổn hại đến môi trường, hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững.
Và trong ngành du lịch, kinh tế tuần hoàn chính là phải hướng đến du lịch xanh, điểm đến xanh. Du lịch xanh là phải thực sự xanh trong nhận thức, xanh trong suy nghĩ. Việc đầu tư các dự án du lịch và các hoạt động liên quan đến du lịch phải không ảnh hưởng đến môi trường và góp phần kéo dài tuổi thọ của môi trường xung quanh.
Theo tôi đây là xu hướng bắt buộc.
Chúng ta sẽ bắt đầu từ những công việc nhỏ như phân loại và tái chế rác. Sau đó, chúng ta đầu tư trạm xử lý nước thải và dùng năng lượng tái tạo. Dần dà, chúng ta xem xét đầu tư dung hòa với môi trường xung quanh chứ không phá hoại thiên nhiên – ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam
Tuy nhiên, thực tế cho thấy có vẻ việc thực hiện du lịch xanh ở Việt Nam nói chung vẫn là một thách thức. Theo ông, vì sao?
– Thách thức lớn nhất là ý thức. Khi đầu tư, hầu hết các doanh nghiệp đều muốn thu hồi vốn nhanh. Và khi đó, những yếu tố về bảo vệ môi trường bị xem nhẹ đi.
Một thách thức khác là cơ chế tại các địa phương. Việc tăng trưởng hiện nay của các địa phương vẫn còn chủ yếu dựa vào GRDP (tổng sản phẩm quốc nội theo vùng).
Điều này vẫn có ích. Tuy nhiên, bên cạnh thực hiện các rổ giá trị để đảm bảo tăng trưởng GRDP, chúng ta cũng cần suy nghĩ lại một chút về phát triển bền vững, chạm đến sự tử tế trong phát triển kinh tế. Điều này hoàn toàn có thể làm được. Ở góc độ doanh nghiệp, họ có thể xây ít phòng hơn, nhưng đồng thời suy nghĩ để tạo ra những giá trị về dịch vụ cao hơn, cho du khách những trải nghiệm gần gũi thiên nhiên hơn. Lúc đó, du khách sẽ chấp nhận chi trả với giá cao hơn.
Riêng tại Quảng Nam, việc thực hiện du lịch xanh đang ở mức độ nào?
– Nếu tính theo thang điểm 10, mức độ du lịch xanh thực thụ tại đây chỉ đang ở mức 1-2 điểm. Tại Hội An và Quảng Nam nói chung, nhiều người có xu hướng tiếp thị làm du lịch xanh là chính, chứ họ chưa thực sự làm xanh. Một số ít cơ sở có điều kiện xây theo hướng sinh thái nhưng vẫn chưa thật sự xanh trong hoạt động. Trong khi đó, ngày càng nhiều hơn các khách sạn, cơ sở lưu trú chủ yếu bằng bê tông được xây lên, điều này còn làm tăng hiệu ứng nhà kính.
Phải chăng đây cũng là thách thức lớn cho các doanh nghiệp du lịch tại Quảng Nam để nâng thang điểm và hướng đến định vị địa phương là điểm đến xanh?
– Đúng vậy. “Xanh” thực sự phải là cam kết về tái tạo sử dụng rác thải. “Xanh” phải là tiết kiệm năng lượng và giảm sử dụng điện năng. Đồng thời, người quản lý phải đau đáu nghĩ đến “xanh” để truyền cảm hứng và lan tỏa hành động thiết thực cho nhân viên của mình, từ những điều nhỏ nhặt nhất trước khi làm anh hãy suy nghĩ đến mẹ thiên nhiên. Ví dụ như hạn chế sử dụng giấy in. Việc này sẽ giúp hạn chế sử dụng mực in và giấy, góp phần bảo vệ môi trường.
Làm được điều này thì thang điểm mới cao hơn được.
Theo nhiều ý kiến, Covid-19 là cơ hội để ngành du lịch làm lại từ đầu. Trong đó, du lịch xanh là một trong những hướng đi. Dưới góc độ là Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, ông nghĩ các doanh nghiệp du lịch tại Quảng Nam sẽ bắt đầu như thế nào để hướng đến định vị địa phương là điểm đến xanh trên bản đồ du lịch toàn cầu?
– Du lịch xanh là xu hướng hiện nay trên thế giới, cùng nhau đẩy mạnh bảo vệ tài nguyên thực thụ trong khi đi du lịch.
Theo nhiều khảo sát, ngày càng nhiều người du lịch muốn du lịch theo dạng hướng về thiên nhiên và đi biển. Đây là những giá trị trường tồn theo thời gian nếu chúng ta biết cách giữ gìn. Tại sao chúng ta không theo hướng đó? Khi chúng ta (các doanh nghiệp) bắt tay vào làm, du khách sẽ thấy và tham gia cùng.
Cụ thể tại Quảng Nam cũng như những địa phương khác trên cả nước, thay đổi nhận thức của con người là điều đầu tiên cần phải làm. Một cơ sở tiên phong, kéo theo một nhóm cùng làm và từ đó cả cộng đồng cùng làm.
Chúng ta sẽ bắt đầu từ những công việc nhỏ như phân loại và tái chế rác. Sau đó, chúng ta đầu tư trạm xử lý nước thải và dùng năng lượng tái tạo. Dần dà, chúng ta xem xét đầu tư dung hòa với môi trường xung quanh chứ không phá hoại thiên nhiên. Khi đầu tư chúng ta phải suy nghĩ về giảm thiểu tối đa tác hại đến cảnh quan và môi trường xung quanh. Ví dụ, Hội An cho chúng ta sự trù phú, tại sao chúng ta không làm du lịch theo kiểu cộng hưởng để Hội An dần phát triển hơn, thay vì chỉ khai thác một chiều những di sản mà người xưa đã để lại.
Ông cũng là một doanh nghiệp trong ngành du lịch Quảng Nam. Ông đã và đang làm gì để hiện thực hóa “điểm đến xanh” cho du lịch tỉnh nhà?
Bản thân tôi cùng một số doanh nghiệp tại Hội An đang tạo thành một nhóm doanh nghiệp tiên phong thực hiện kinh tế tuần hoàn và du lịch xanh. Chúng tôi làm để chạm tới trái tim của du khách, từ đó thu hút du khách nhiều hơn theo hình thức “hữu xạ tự nhiên hương”. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng muốn trả ơn lại cho di sản, trả ơn lại cho thiên nhiên.
Tôi lấy ví dụ, có một cơ sở ở Hội An, những quy trình phân loại rác, đo lường khối lượng chất thải hàng ngày đang được áp dụng. Rác phát sinh từ bếp như rau củ được ủ thành phân hữu cơ bón vườn rau và cây xanh, sau đó thành phẩm lại quay trở lại bàn ăn để phục vụ khách. Khách vừa có rau hữu cơ để ăn, vừa thấy hài lòng hơn vì giá trị đóng góp cho môi trường mà cơ sở du lịch này đã tạo ra.
Không chỉ vậy, để giảm thiểu rác thải nhựa, một nhà hàng cũng đã tổ chức các buổi gặp gỡ, chia sẻ triết lý kinh doanh với cộng đồng nhà cung ứng. Đến nay, nhà hàng đã từ chối được hơn 90% rác thải nhựa dùng một lần, giảm thiểu 90% bao bì dùng một lần từ các nhà cung ứng và 50% từ bếp phát sinh ra môi trường.
Những mô hình này sẽ được nhân rộng trong cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn trong thời gian sắp tới.
Còn nhiều doanh nghiệp chưa đồng tình với cách làm này vì hệ quy chiếu lợi ích đang được đặt lên cao hơn. Nhiều doanh nghiệp vẫn còn lấy du lịch làm bất động sản. Vì vậy, nếu chúng tôi không tạo nhóm, tiên phong sẽ khó lòng thay đổi. Việc thực hiện du lịch xanh, điểm đến xanh không thể ép buộc mà phải mang tinh thần tự nguyện… Vì vậy chúng tôi sẽ mở ra nhiều khóa huấn luyện, hỗ trợ cộng đồng.
Khi Hội An và Quảng Nam thực hiện tốt điều này sẽ có thể tiến tới trở thành “Điểm đến xanh” (Green Destination)?
– Đây không chỉ là ước mơ của chúng tôi, của Hội An mà theo tôi là ước mơ lớn của cả thế giới, của những nền kinh tế tiên tiến như châu Âu hay Nhật Bản.
Tôi tin tưởng Hội An sẽ làm được vì Hội An có nhiều điều kiện thuận lợi để làm điều đó. Và để làm được, chúng ta phải liên tục truyền tải thông điệp này đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp, khách du lịch và chính quyền về “điểm đến xanh”. Theo tôi, khoảng 5-10 năm nữa, ước mơ của chúng tôi sẽ thành sự thật.
Nói một cách khác, người dân, doanh nghiệp, chính quyền cùng hành động, kiên quyết thay đổi thói quen nhỏ thì mới làm được. Hãy ít nói đi, làm thực sự, tử tế nhiều hơn, tạo được giá trị bền vững với thế kiềng 3 chân: môi trường – kinh tế – xã hội.
Ngày 10-6-2020, UBND tỉnh Quảng Nam và Hiệp hội Du lịch Quảng Nam sẽ tổ chức buổi hội thảo với chủ đề “Tái cơ cấu thị trường du lịch Quảng Nam” nhằm thông tin về những bước đi đột phá sắp tới để đưa du lịch Quảng Nam phát triển theo hướng xanh – bền vững. Sài Gòn Tiếp Thi sẽ là nhà bảo trợ truyền thông cho sự kiện.
Nhân Tâm thực hiện
[…] Làm du lịch “xanh” là chạm đến sự tử tế trong phát triển kinh tế […]