Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Không gian “thở” cho nhà phố

Giếng trời được xem là giải pháp hữu hiệu để lấy ánh sáng tự nhiên và làm thông thoáng cho những ngôi nhà phố, đồng thời giúp cho không gian sống luôn ôn hòa, tạo cảm giác thư thái, thoải mái. Lựa chọn vị trí và thiết kế giếng trời sao cho hợp lý sẽ giúp gia chủ kiểm soát được lượng nhiệt cũng như ánh sáng trong ngôi nhà của mình.

Cấu tạo và vị trí

Kiến trúc sư Trần Tuấn Long, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư kiến trúc và xây dựng Thiết Thạch, cho biết giếng trời hoạt động theo nguyên tắc đối lưu, không khí nóng di chuyển lên trên, không khí lạnh di chuyển xuống dưới; nghĩa là không khí không ập xuống từ nóc giếng mà lùa theo phương ngang vào nhà rồi hút lên những khoảng thông gió ở trên cao.

Công năng chính của giếng trời là lấy sáng và thông khí. Giếng trời có chiều thẳng đứng, thông suốt từ tầng trệt lên đến mái nhà. Cấu tạo giếng trời thường có ba phần gồm phần chân tiếp xúc mặt đất, phần lưng và phần mái. Phần chân giếng ở tầng dưới cùng thường được sử dụng để trang trí, làm tiểu cảnh, bố trí cây cảnh hoặc hòn non bộ để tạo mảng xanh và có thể hòa lẫn vào một không gian chức năng nào đó của công trình như phòng khách, phòng ăn hay không gian sảnh. Phần lưng là nơi chiếu sáng cho các tầng bên trên. Các phòng hoặc khoảng không gian tiếp xúc với giếng trời ở phần lưng nên có các cửa sổ, ô thông gió để thông gió và lấy sáng tối đa. Phần mái là phần phía trên cùng của giếng trời, là nơi lấy ánh sáng và gió. Tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng của chủ nhà mà dùng mái che di động hoặc mái che cố định. Để tăng công năng của giếng trời, vật liệu sử dụng là mái bằng kính hay mái nhựa thông minh có khung sắt bảo vệ. Nếu nhà quá chật hẹp, thiếu sáng có thể dùng kính hay nhựa trong suốt để tăng ánh sáng vào bên trong nhà. Cũng có thể giảm mức độ tiếp nhận ánh sáng của giếng trời bằng cách dùng các vật liệu màu cho mái, vừa tạo đủ độ sáng vừa làm dịu mát không gian nội thất trong nhà. Mái che cần phải cách mặt sàn 1-5 tấc để lấy đủ sáng và bảo đảm an toàn.

gocnhacopy

tu-van-thiet-ke-nha-ong-co-gieng-troi-3

Một số nhà, do cách sử dụng diện tích bề mặt sàn khác nhau nên giếng trời không phải lúc nào cũng thẳng đứng, đồng trục. Giếng trời có thể lệch trục ở mức độ cho phép nhưng phải đảm bảo việc thông gió. Tuy nhiên, trong trường hợp này ánh sáng có thể sẽ không đạt hiệu quả cao như giếng trời đồng trục theo chiều thẳng đứng.

Thông thường, để tiết kiệm diện tích trong nhà phố, giếng trời thường được kết hợp với cầu thang, ở vị trí trung tâm hoặc bên cạnh cầu thang. Phổ biến nhất là giếng trời nằm trên khu vực cầu thang. Đây là nơi thích hợp bởi cầu thang thường đặt ở giữa nhà và gần kề với các phòng chức năng như phòng ngủ, phòng sinh hoạt chung, phòng học, phòng làm việc… “Nhà có không gian rộng thì nên thiết kế giếng trời ở góc riêng biệt, độc lập. Độ rộng của giếng trời tùy thuộc vào diện tích khu đất. Đối với nhà ống có chiều dài nhỏ hơn 10 m thì nên thiết kế giếng trời tối thiểu là 1 m2. Đối với nhà đã xây dựng và cần cải tạo, lắp đặt thêm giếng trời thì tùy vào cấu trúc ngôi nhà và độ thẩm mỹ mà thiết kế giếng trời cho thích hợp”, kiến trúc sư Long cho biết.

Tùy thuộc vào cấu trúc của ngôi nhà, nhu cầu và sở thích của gia chủ cùng với quan điểm thiết kế của kiến trúc sư, không gian giếng trời được thiết kế ở những vị trí khác nhau. Theo kiến trúc sư Phạm Quốc Thắng của Công ty TNHH Kỹ thuật xây dựng Ngô Phan, thường thì giếng trời không nên đặt ở phần trước ngôi nhà bởi mặt tiền luôn thoáng và cũng là đường lưu thông của không khí, ánh sáng. Giếng trời lấy sáng nên đặt ở những không gian tối, cần ánh sáng như nhà bếp, phòng khách. Ở các nhà phố hiện nay, giếng trời thường được đặt ở khoảng giữa nhà. Vị trí trung tâm đó làm cho giếng trời hút tầm nhìn, gây ấn tượng về thị giác. Tuy nhiên, theo ông Thắng thì tùy vào kết cấu ngôi nhà, có những trường hợp khi đặt giếng trời như vậy chỉ có phần trước nhà được thoáng khí, còn phần khí từ phía sau nhà không thoát ra được gây ngột ngạt, bí thở. Chính vì thế, khi bố trí và thiết kế giếng trời cần chú ý sự thông thoáng xuyên suốt từng khu vực, từng không gian cho ngôi nhà.

Trang trí và thiết kế

lphoi

Trên thực tế, tự thân giếng trời đã là một bộ phận, một không gian đặc biệt, cùng với ánh sáng khá mạnh từ phía trên chiếu xuống, đã trở thành điểm nhấn. Chính vì thế, không nên trang trí, sắp đặt quá phức tạp, rườm rà, làm rối mắt. Giếng trời nên thông thoáng, nhẹ nhàng. Hạn chế tối đa những thứ đặt ở giếng trời có thể làm ảnh hưởng đến vai trò chiếu sáng và khả năng làm thông thoáng khí cho ngôi nhà. Để tạo không gian thư giãn, có thể tạo ra những mảng xanh trong nhà với chậu treo hoặc dây leo xanh trên bờ tường. Dưới sàn nhà, xen với cây cảnh có thể làm những hồ cá nhỏ để tạo sự cân bằng về mặt phong thủy, tạo nên không gian sống động.

Do có hình ống nên nhược điểm của giếng trời là tiếp nhận luôn cả tiếng ồn. Vì vậy, cần chọn các vật liệu chống ồn khi thiết kế giếng trời. Các mảng tường trong giếng trời không nên làm phẳng, trơn mà cần có một số mảng nhám, sần để tiêu âm như ốp đá tự nhiên, gạch thẻ… Ngoài ra, bố trí thác nước nơi đáy giếng cũng là một giải pháp khá hiệu quả để hạn chế tiếng ồn.

Nếu giếng trời không có mái che, thì đáy giếng phải tổ chức thoát nước thật tốt. Ngoài ra, đáy giếng phải đủ rộng, đồng thời khu vực xung quanh phải có hệ thống che chắn (tường, vách, cửa) để nước mưa rơi xuống sàn đáy giếng không bắn vào những không gian sinh hoạt xung quanh. Với giếng trời có mái, cần có giải pháp hợp lý để phòng khi mưa, có gió to sẽ tạt nước mưa qua các khe cửa xuống nhà. Những khe hở, vách tường của giếng trời phải trong tầm tay với hoặc có giải pháp an toàn để kiểm soát, tránh gặp khó khăn khi cần bảo dưỡng, sửa chữa đèn, điện, chăm sóc cây cảnh.

Nếu đáy giếng trời không phải là khu vực cố định như hồ cá, vườn cảnh, mà là nơi qua lại, hoặc không gian sinh hoạt thì không nên treo những chậu cây, đèn, vật trang trí to, nặng phía trên vì có thể gây nguy hiểm. Các hệ thống cửa sổ, hành lang, cầu thang tiếp giáp với giếng trời phải có lan can đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn (chiều cao, khoảng cách khe hở).

Minh Anh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Phố… hẻm

0
TƯỜNG VI - Sài Gòn có những thứ đặc trưng mà nhiều nơi khác khó thể nào có được. Ví như những bình trà...

Vườn rau bên phố

0
Trương Huỳnh Như Trân Nhà phố, tôi cũng ráng chen chúc bày biện khay mồng tơi, chậu hẹ, mớ rau thơm. Buổi sáng nắng lên...

Nhà phố không thích qua “cò”

0
Mạnh Tùng Việc mua bán nhà ở mặt tiền hoặc trong hẻm tại TPHCM vẫn diễn ra âm thầm với nguồn cung dồi dào, nhu...

Kết nối