Thứ tư, Tháng mười hai 11, 2024

Không có công ty viễn thông nào nộp hồ sơ đấu giá tần số 4G, 5G

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đã không có nhà mạng nào nộp hồ sơ và tiền đặt trước đăng ký tham gia đấu giá băng tần 4G, 5G dù đã hết thời hạn.
Chuyên gia kỹ thuật đo kiểm tốc độ thử nghiệm mạng 5G. Ảnh: Cổng thông tin Bộ Thông tin và Truyền thông.

Cổng thông tin Bộ Thông tin và Truyền thông đưa tin, liên tiếp trong các ngày 15-5, 25-5 và 2-6, bộ này đã tổ chức đấu giá băng tần 2300MHz, gồm 3 khối băng tần A1 (2300-2330 MHz), A2 (2330-2360 MHz), A3 (2360-2390 MHz). Tuy nhiên, không có bất cứ doanh nghiệp nào tham gia dù đã hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký đấu giá của từng khối. Do đó, cuộc đấu giá quyền sử dụng tần số đối với các khối băng tần A1, A2, A3 không thành.

Trước đó ngày 24-2, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành công khai phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số đối với băng tần 2300MHz. Khi đó đã có 4 doanh nghiệp viễn thông nộp hồ sơ, gồm: VNPT, Viettel, MobiFone và Vietnamobile. Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp giấy xác nhận đủ điều kiện tham gia đấu giá. Cả 4 doanh nghiệp đều được phép nộp hồ sơ theo quy định của Nghị định 88/2021/NĐ-CP. Tuy nhiên trong lần đấu giá tần số 4G và 5G, không có doanh nghiệp nào tham gia.

Theo TTXVN, việc cấp phép tần số trước đây do các cơ quan nhà nước phê duyệt cho doanh nghiệp, tiếp theo đó là hình thức thi tuyển để lấy tần số. Mỗi năm, các nhà mạng chỉ phải trả phí băng tần theo quy định của Bộ Tài chính.

Sau khi Luật Tần số vô tuyến điện có hiệu lực và các nhà mạng muốn có băng tần tốt để cung cấp dịch vụ cho khách hàng sẽ phải tham gia đấu giá công khai, minh bạch.

Theo công bố của Cục Tần số vô tuyến điện, giá khởi điểm đấu giá tần số 2300-2400 MHz cho 3 khối băng tần là 17.394 tỉ đồng. Cụ thể đối với khối băng tần A1 (2300 – 2330 Mhz), A2 (2330 – 2360 Mhz), A3 (2360 – 2390 Mhz) đều có giá khởi điểm 5.798 tỉ đồng và thời hạn sử dụng là 15 năm.

Với giá khởi điểm kể trên, mỗi nhà mạng sẽ trả phí tần số trên lý thuyết ít nhất là 386 tỉ đồng/năm. Con số này không hề nhỏ với tất cả các mạng di động. Thêm một khó khăn nữa là để có thể cung cấp dịch vụ, nhà mạng sẽ phải đầu tư hạ tầng và xây dựng các mô hình kinh doanh mới cho 5G. Việc này cũng chiếm một khoản đầu tư rất lớn cho các nhà mạng.

Bên cạnh đó, để xây dựng một mạng di động phủ sóng toàn quốc, nhà đầu tư cũng phải bỏ ra vài tỉ đô la Mỹ đầu tư ban đầu. Trong bối cảnh dịch vụ viễn thông truyền thống như thoại và SMS đang suy giảm, doanh thu đến từ 5G sẽ khó có thể có lãi trong tương lai, nên việc bỏ một số tiền lớn để đầu tư là điều các doanh nghiệp phải cân nhắc.

Số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có 126 triệu thuê bao di động và thị trường đến ngưỡng bão hòa. Ngoài ra, mỗi năm các nhà mạng đang giành nhau khoảng 800.000 thuê bao mới gia nhập thị trường.

Thái Huy

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối