Thứ ba, Tháng mười hai 10, 2024

Khó khăn nguồn nhân sự khách sạn sau dịch

Các khách sạn hiện nay đang gặp thách thức trong việc tuyển dụng và giữ chân nhân sự, đặc biệt ở các vị trí cần số lượng nhiều như lễ tân, phục vụ hay buồng phòng, khi du lịch mở cửa trở lại.

Trong tình hình khó khăn về kinh doanh như hiện nay, có những khách sạn chỉ cần số lượng nhân viên phục vụ từ 30% đến 50% công suất phòng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này. Các nhân viên đi làm nghề khác và không muốn quay lại nghề cũ, khó tuyển người mới và các khách sạn thu hút người đã có kinh nghiệm đang làm từ nơi khác.

Việc đào tạo nhân sự khách sạn sau dịch là một thách thức lớn cho các doanh nghiệp. Ảnh: Nhân Tâm

Những thông tin trên được ông Nguyễn Quang, Chủ tịch CLB Quản lý buồng Việt Nam (VEHA) – thuộc Hội Khách sạn Việt Nam, chia sẻ bên lề chương trình đào tạo Leadership Skills 2022 tại Citadines Pearl Hội An, tỉnh Quảng Nam trong hai ngày 18 và 19-5, do VEHA tổ chức dành cho khu vực miền Trung.

“Đợt lễ vừa qua là bài học rõ ràng nhất”, ông Quang nói. Ông phân tích, với số lượng nhân viên như đã đề cập ở trên thì các khách sạn có thể hoạt động bình thường những ngày trong tuần, tuy nhiên, vào những ngày lễ hay cuối tuần vừa qua, công suất phòng lên đến 90-100% thì mỗi nhân viên phải làm vượt công suất của mình nhiều lần. Hơn nữa, việc này chỉ giải quyết tạm thời trong 1-2 tuần, chứ không thể đảm bảo chất lượng xuyên suốt trong nhiều tuần.

“Họ (các nhân viên) cũng sẽ tìm cách để tìm nơi khác có môi trường tốt hơn. Đây là thách thức mà các khách sạn cần giải quyết để phục vụ khách trong mùa hè – mùa cao điểm du lịch nội địa sắp tới”, ông Quang nói.

Một thách thức khác mà các khách sạn cần giải quyết là tuyển dụng và đào tạo nhân sự mới để bù đắp thiếu hụt.

Ở miền Trung, theo ông Quang, vẫn còn có các lớp đào tạo nghề housekeeping (buồng phòng), nhưng ở Hà Nội trong nhiều năm trở lại đây, rất hiếm người tham gia học nghề này.

Một phần do cách nhìn nhận của xã hội với nghề này chưa được tôn trọng. Họ vẫn thường được xem là nghề dọn vệ sinh. Chế độ quyền lợi dành cho nhân viên này cũng ở mức thấp.

Và để có thể tuyển dụng đối tượng này để phục vụ cho mình, các khách sạn buộc phải tuyển người với tiêu chí chung chung sau đó sẽ đào tạo lại không chỉ về kỹ năng mà còn sự yêu nghề, xem housekeeping là một ngành nghệ thuật.

Thách thức thứ ba được nhắc đến là kỹ năng quản lý.

Trong thời kỳ du lịch bùng nổ, khan hiếm nguồn nhân sự, dẫn đến tình trạng “chín ép”. Một số người đang làm ở vị trí giám sát buồng phòng ở khách sạn này được mời sang khách sạn khác làm trưởng bộ phận buồng phòng khi chưa qua đào tạo. Điều này dẫn đến họ thiếu một số kỹ năng đặc thù trong quản lý và vận hành.

Vì vậy, hai năm vừa qua là dịp tốt để các cơ sở kinh doanh cũng như nhân sự nhìn nhận lại vấn đề này để có những ứng xử phù hợp hơn, nâng cao kiến thức bản thân, kỹ năng nghề và lãnh đạo…

Theo ông Quang, những nhà quản lý cơ sở lưu trú sẽ phần nào tìm được những giải đáp phù hợp cho những thách thức trên khi tham gia hai buổi đào đạo do VEHA tổ chức. Hơn nữa, các nhà lãnh đạo sẽ biết cách truyền cảm hứng, tạo cho nhân viên niềm đam mê trong công việc để hoàn thành công việc hiệu quả cũng như chia sẻ những kinh nghiệm trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh khách sạn thời hậu Covid-19 nhằm đạt những mục tiêu ngắn và dài hạn.

Tại sự kiện, VEHA ký kết với các đối tác, bao gồm Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, để hợp tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

Nhân Tâm
Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối