Doanh nghiệp du lịch tại Đà Nẵng lo ngại khi mùa du lịch hè (cũng là mùa cao điểm của du lịch nội địa) qua đi, thị trường lại rơi vào tình trạng trầm lắng, nhiều khách sạn đóng cửa trở lại, nếu không có những giải pháp ngay từ lúc này.
- Đà Nẵng quảng bá sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP trong dịp lễ 30-4 và 1-5
- Đà Nẵng đón trở lại khách quốc tế từ thị trường lớn nhất của mình
- Quy hoạch Đà Nẵng đến năm 2030: Không muốn chỉ là ‘cửa đến’
Tính đến tháng 5 đã có khoảng 1.114 doanh nghiệp du lịch hoạt động trở lại, đạt tỷ lệ gần 70%, theo thông tin cập nhật từ Sở Du lịch Đà Nẵng.
Trong đó, có 700 cơ sở lưu trú du lịch với 27.000 phòng, chiếm 70% số lượng cơ sở lưu trú tại thành phố biển miền Trung này. Tất cả 16 khu điểm du lịch đã hoạt động trở lại bên cạnh 210 đơn vị lữ hành, 170 đơn vị vận chuyển với 2.100 xe phục vụ du lịch và 18 trên tổng số 21 tàu du lịch phục vụ khách.
Các doanh nghiệp này quay lại hoạt động phục vụ khách du lịch trong hai đợt lễ vừa qua (giỗ Tổ Hùng Vương và Ngày Quốc tế lao động), tạo tiền đề để phát triển du lịch trở lại.
Theo ghi nhận, những doanh nghiệp này vẫn đang tích cực tuyển dụng nhân sự cũng như quảng bá các gói sản phẩm để thu hút khách trong ba tháng hè sắp tới (mùa cao điểm khách nội địa).
“Sau thời gian đó, thị trường du lịch tại Đà Nẵng có thể sẽ rơi vào trầm lắng nếu chưa có khách quốc tế bù vào”, ông Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Công ty du lịch Omega Tours và cũng là Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng, nhận định. Ông đưa ra viễn cảnh nhiều khách sạn, nhà hàng sẽ lại đóng cửa và chờ đợi để chờ khách quay trở lại.
Ông Ngọc Anh giải thích thêm, sau mùa cao điểm du lịch nội địa, thường các tháng cuối năm là mùa du lịch quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay, theo ông Ngọc Anh, tuy rằng chủ trương mở cửa quốc tế đã có nhưng thị trường du lịch Đà Nẵng vẫn chưa thể chào đón nhiều đoàn khách từ các chuyến bay quốc tế vì những lý do khác nhau.
“Tết Trung Thu của người Hàn Quốc rơi vào khoảng rằm tháng 8. Đây cũng được xem là một trong ngày Tết truyền thống lớn nhất và là ngày nghỉ lễ chính thức trong năm của đất nước xứ kim chi này”, ông Ngọc Anh nói và cho biết nếu Đà Nẵng không nhân dịp này xúc tiến mạnh điểm đến, thu hút khách Hàn Quốc, tạo tiền đề để chào đón thị trường khách quốc tế lớn nhất của mình quay trở lại thì khách hàng sẽ suy nghĩ chọn một điểm đến khác.
Ông Nguyễn Minh Xoang, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành quốc tế Hải Vân Cát, cho hay các cơ sở lưu trú, nhà hàng sẽ tính toán các vấn đề chi phí vận hành khi mở cửa thường xuyên.
Nếu sau các đợt cao điểm, lượng khách không đủ bù chi phí, các cơ sở sẽ phải tính toán thu nhỏ quy mô hoạt động hoặc thậm chí chấp nhận đóng cửa trở lại và chờ khách nội địa đầu năm mới. Hiện nay, sau các đợt lễ, đa phần các công ty du lịch đón nhiều khách vào ba ngày cuối tuần và hầu như “nghỉ ngơi” vào bốn ngày đầu tuần.
Vì vậy, theo ông Xoang, để giải quyết vấn đề này, tất cả các bên – doanh nghiệp, ngành du lịch và chính quyền – ngay lúc này phải cùng bắt tay nhau, đưa ra các giải pháp để có thể thu hút hài hòa các nguồn khách nội địa lẫn quốc tế.
Đại diện một số doanh nghiệp du lịch tại Đà Nẵng khi được hỏi cũng cho biết họ cũng lâm vào tình cảnh tương tự và mong muốn đón được những lượng khách nội địa lẫn quốc tế chứ không chỉ là những kế hoạch triển vọng.
Nhân Tâm
Theo KTSG Online