Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024

Khi không còn “xuân” nữa…

Trong cái sinh động của mùa xuân, mùa vạn vật bừng lên sức sống mới sau những ngày đông giá, những người không còn trẻ nữa nên hưởng nhịp điệu thanh xuân ấy như thế nào cho hợp lý để mang lại sự vui vẻ cho bản thân, không để đau đớn bệnh tật cản trở lộ trình “du xuân” của gia đình.

Ảnh minh họa: Sáng sớm, đi dạo ở một số công viên như Tao Đàn, Lê Văn Tám, Gia Định… du khách sẽ dễ dàng bắt gặp cảnh người dân tập thể dục, chạy bộ, nói cười rôm rả. Những nơi này có cả những câu lạc bộ thể dục thể thao sinh hoạt lẫn những người tập luyện tự do. 

Mùa xuân theo Âm lịch được tính từ tiết lập xuân (bắt đầu từ khoảng ngày 4-2 Dương lịch) đến tiết lập hạ (bắt đầu từ khoảng ngày 5-5 Dương lịch). Trong khoảng thời gian này, mùa xuân được chia thành sáu tiết khí chính là: Lập Xuân – Vũ Thủy – Kinh Trập – Xuân Phân – Thanh Minh – Cốc Vũ.

Tuy nhiên, trên thực tế, mùa xuân cũng như những tiết khí nói trên thể hiện rõ ở những nước có khí hậu bốn mùa thay đổi rõ rệt, còn ở Việt Nam, nhất là TPHCM, sự thay đổi đôi khi khó cảm nhận. Nhưng dù không cảm nhận rõ thì sự vận hành luân chuyển của khí tiết bốn mùa theo dòng chảy của vũ trụ vẫn vậy, chúng ta cần chú ý để sống thuận theo đạo dưỡng sinh của trời đất.

Hoàng Đế nội kinh, một tài liệu y học cổ của Trung Quốc, có viết: “Ba tháng mùa xuân, băng tuyết đã tan dần, khí dương trong thế giới tự nhiên bắt đầu thăng phát, vạn vật hồi sinh, vạn sự vạn vật đều lộ rõ cảnh tượng hân hoan hướng tới sự phồn vinh…”. Theo triết học Phương Đông, con người với vũ trụ là một (thiên nhân hợp nhất). Chính vì vậy, khi dương khí thăng phát, lan tỏa trong vũ trụ vạn vật thì dương khí trong cơ thể chúng ta cũng thuận theo tự nhiên, phát tiết, lan tỏa ra bên ngoài. Đây là giai đoạn phải chú ý bảo vệ, bồi dưỡng dương khí toàn thân cho thật dồi dào, sung thịnh. Phải tránh tất cả những yếu tố, mọi tình huống gây hao tổn hay trở ngại cho dòng dương khí đang luân lưu thông suốt trong cơ thể về mọi phương diện: ăn uống, vận động, ngủ nghỉ, trang phục, cách làm việc, sinh hoạt tình dục, nghệ thuật dưỡng thần, tập luyện sức khỏe, phòng bệnh…

Như vậy, trong mùa xuân, những người lớn tuổi phải bảo dưỡng dương khí của mình như thế nào cho phù hợp?

Khi khí phong làm chủ

Theo y học cổ truyền, trong mùa xuân, khí phong (gió) làm chủ. Dĩ nhiên mùa nào cũng có gió, nhưng đặc biệt mùa xuân nhiều gió độc (phong tà) rất dễ gây bệnh nếu không biết cách phòng tránh.

Khi cơ thể nhiễm gió thì chuyện gì xảy ra?

(1) Khi gió tác động vào phần bên ngoài của cơ thể (phần biểu) sẽ có một số biểu hiện như đau đầu, ngạt mũi, chảy nước mũi, đau họng, ho khan hoặc có ít đàm trắng mỏng… Những triệu chứng này giống như cảm cúm theo y học hiện đại. Nếu sau một thời gian chủ quan không điều trị và vẫn tiếp tục những hoạt động thể chất gây đổ nhiều mồ hôi; hoặc tắm biển, tắm hồ bơi, ăn uống ngoài trời ở những nơi có nhiều gió (sông hồ, bờ biển, rừng núi…) hay trong phòng máy lạnh nhiệt độ thấp…, phong tà sẽ dần dần tiến vào sâu hơn trong cơ thể (phần lý) gây sợ gió, sợ lạnh, gây ho, viêm họng nhiều hơn, đàm nhớt nhiều, gây đau tức ngực khi ho…

(2) Bệnh có thể diễn biến phức tạp hơn vì chúng ta biết bản chất của gió là di chuyển và di chuyển liên tục. Cho nên khi vào cơ thể nó sẽ tràn đi mọi hướng, cả những hướng mà sức đề kháng của cơ thể bị yếu kém. Phong tà có thể gây dị ứng da như nổi mề đay (urticaria). Những vết nổi mẫn cứng và ngứa trên da có thể lan tràn nhanh cả toàn thân. Đa số trường hợp là bệnh nhẹ hoặc vừa và tự khỏi hoặc biến mất sau khi điều trị. Nhưng cũng có một số ít trường hợp mề đay có thể nặng đến mức phải cấp cứu vì khó thở!

(3) Phong tà có thể lan tràn vào sâu hơn đến cơ, khớp, đến các cơ quan tạng phủ gây những triệu chứng bệnh lý liên quan đến vận động như viêm đau các khớp, gây giới hạn vận động. Đặc tính của phong tà là di chuyển cho nên bệnh nhân sẽ bị đau từ các khớp này đến các khớp khác mà không theo một trình tự nào cả. Ví dụ đau cột sống cổ lan xuống vai, cánh tay. Khi triệu chứng ở cổ vai, cánh tay biến mất thì sẽ xuất hiện đau vùng thắt lưng hay khớp gối…; có thể đau từ các khớp bên phải chuyển sang bên trái, từ các khớp phần trên cơ thể xuống phần dưới hoặc ngược lại.

(4) Tính chất của phong còn được Hoàng Đế nội kinh mô tả “phong thắng ắt động”, có nghĩa bệnh do phong thường gây ra những rối loạn về vận động. Chính vì vậy, khi thấy các cơ bị co giật, run rẩy hay rung giật cơ (fibrillation) hoặc các cơ bị yếu liệt (đột quỵ, liệt mặt ngoại biên…) thì y học cổ truyền xếp vào hội chứng bệnh lý do phong tà.

(5) Phong còn có thể kết hợp với nhiệt (nóng) để thành phong nhiệt, kết hợp với hàn (lạnh) để thành phong hàn, kết hợp với thấp (ẩm thấp) thành phong thấp, kết hợp với những chất đàm dãi bên trong cơ thể thành phong đàm…, gây ra những bệnh cảnh rất phức tạp.
Như vậy, vào mùa xuân, mọi người, đặc biệt những người lớn tuổi cần phải phòng tránh gió trong mọi hoạt động du lịch, vui chơi, giải trí… để không bị mắc phải các bệnh lý do phong tà như vừa nêu.

“Sinh mà chớ sát”

Mùa xuân khí dương vượng lên, vạn vật sinh sôi, nên theo đạo dưỡng sinh, cần giữ tinh thần luôn nghĩ đến chữ “sinh” như Hoàng Đế nội kinh đã nói: “Sinh mà chớ sát, cho mà chớ đoạt, thưởng mà chớ phạt”. Mục đích là giữ cho tinh thần luôn khoan dung, khoáng đạt, lạc quan, vui tươi, yêu người, yêu đời; hạn chế tâm trạng giận hờn, uất ức, bất mãn, bực dọc. Điều này nghe có vẻ lý thuyết suông, nhưng nếu ai đạt được trạng thái tinh thần đó thì có thể nuôi dưỡng dương khí, nguyên khí tạo nên sức mạnh tinh thần cho chính mình. Trong gia đình, nếu người lớn tuổi có được trạng thái tinh thần thanh thản, an lạc thì cả nhà sẽ được hạnh phúc và an vui.

Mùa xuân nên đi ngủ muộn rồi dậy sớm để thuận với dương khí đang phát sinh của vạn vật. Sau khi thức dậy nên đi bộ nhẹ nhàng trong sân nhà hay công viên trong tâm thái điềm đạm, an nhàn để nương theo dương khí trong trời đất mà phát sinh nguyên khí trong thân tâm của mình. Ăn mặc cần kín đáo để giữ ấm cơ thể (tuyệt đối không được để nhiễm lạnh), tuy nhiên áo quần phải rộng rãi mềm mại, thông thoáng, vì mặc quá chật sẽ ảnh hưởng đến sự lưu thông khí huyết trong cơ thể.
Mùa xuân, tập luyện thể dục thể thao là cần thiết. Tuy nhiên, đối với những người lớn tuổi, không nên thức dậy quá sớm để tập luyện, bởi tập luyện khi khí trời còn âm u se lạnh rất dễ bị phong tà xâm nhập cơ thể.

Ảnh: champion-nutrition.com

Mùa xuân, ăn uống như thế nào là phù hợp? Y học cổ truyền thường tuân thủ nguyên tắc “xuân hạ dưỡng dương”, có nghĩa nên dùng nhiều hơn những loại thực phẩm có khả năng ôn bổ khí dương. Mùa xuân, can khí thường vượng có khả năng khắc chế tỳ thổ, vì vậy nên ăn ngọt nhiều hơn (trừ những bệnh nhân bị đái tháo đường) để dưỡng tỳ khí (là hệ tiêu hóa), bồi bổ cho nguồn hóa sinh khí huyết trong cơ thể.

Tóm lại, dưỡng sinh tâm thể mùa xuân là cả một nghệ thuật sống mà khó có thể nói rõ trong một bài viết ngắn. Tuy nhiên, những người lớn tuổi cần nhớ: để có thể hưởng thụ trọn vẹn một mùa xuân an vui thì cần phải tránh nhiễm gió; ăn mặc, ngủ nghỉ, tập luyện sức khỏe một cách phù hợp và đặc biệt là tu dưỡng để có một trạng thái tinh thần điềm đạm, an nhiên, tự tại, chỉ nên ban tặng, dâng hiến mà không tước đoạt, cho thuận với sức sống đang dâng tràn của mùa xuân.

BS. Lê Hùng

Theo TBKTSG Xuân Tân Sửu

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Hậu Covid, quảng cáo phòng tập cũng phải gắn mắc Covid

0
(SGTT) - Khỏe đẹp, giảm cân, hay tăng cơ… là những lợi ích mà các cơ sở kinh doanh hoạt động thể dục, thể...

Để chấm dứt chuyện ‘hông giống con giáp nào’

0
Dạo gần đây cứ khi Tết đến, hình tượng linh vật là con giáp năm đó được trưng bày và người dân và báo...

Bến Bình Đông nay và xưa 

0
(SGTT) - Bến Bình Đông, một bến thuyền hiện hữu từ thời xa xưa, là nơi mang dấu ấn sông nước Sài Gòn xưa...

Ngay từ thời thực dân, cấm đốt pháo nhưng cho… đua...

0
(SGTT) - Vào cuối năm 1861, chỉ hơn hai năm sau khi chiếm được Sài Gòn, thực dân Pháp đã ban hành lệnh cấm...

Hàng Tết đầy kệ, siêu thị tại TPHCM dần nhộn nhịp

0
Trong những ngày này, không khí mua sắm Tết tại các siêu thị ở TPHCM đã dần nhộn nhịp, người dân có nhiều lựa...

Khởi sắc hoa tết Bình Thuận những ngày đón xuân về

0
(SGTT) - Chỉ còn hơn một tuần là đến Tết Âm lịch 2022, các nhà vườn trồng chuyên canh hoa, cây kiểng ở Lagi,...

Kết nối