Thứ Sáu, Tháng Chín 20, 2024

Khi Indonesia cấm bán hàng trên mạng xã hội…

(SGTT) – Indonesia đã ban hành lệnh cấm bán hàng trên mạng xã hội, với mục đích bảo vệ hàng triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước. Tuy nhiên, các biện pháp này có đủ hiệu quả để giúp đỡ các thương nhân?

Khi mạng xã hội và thương mại điện tử phải tách rời

Chính phủ Indonesia mới đây đã ban hành quy định mới nhằm kiểm soát hoạt động thương mại điện tử trên các nền tảng truyền thông xã hội, với lý do hoạt động này đã gây tổn hại cho các doanh nghiệp nhỏ, chủ yếu bán hàng hóa trực tiếp.

Động thái này được đưa ra nhằm đáp lại những khiếu nại trong suốt thời gian dài của những người buôn bán trực tiếp quy mô nhỏ. Những người này cho rằng, thu nhập của họ đã bị ảnh hưởng do sự gia tăng doanh số bán hàng trực tuyến.

Trong cuộc họp báo hôm thứ Tư tuần trước, Bộ trưởng Bộ Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan cho biết, bước đi này được thực hiện nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa cạnh tranh trong một hệ sinh thái kinh doanh công bằng, lành mạnh và có lợi.

Theo quy định mới do Bộ Thương mại Indonesia ban hành, mạng xã hội chỉ được sử dụng làm nền tảng quảng cáo cho hàng hóa, dịch vụ chứ không được dùng cho các giao dịch. Các công ty không tuân thủ trước hết sẽ bị cảnh cáo và cuối cùng là có thể bị thu hồi giấy phép kinh doanh tại đảo quốc này.

Bộ trưởng Hasan nói: “Mạng xã hội có thể được dùng để quảng cáo sản phẩm, nhưng không được phép thực hiện giao dịch. Bạn không thể kết hợp mạng xã hội và thương mại điện tử. Chúng phải có sự tách rời”.

Ông khẳng định: “Bất kỳ chính phủ nào cũng sẽ bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ tại địa phương”, đồng thời cho biết thêm rằng quy định này nhằm mục đích đảm bảo “sự bình đẳng trong cạnh tranh kinh doanh”.

Lệnh cấm áp dụng cho các nền tảng truyền thông xã hội hoạt động trực tiếp với các cửa hàng trực tuyến liên kết, chẳng hạn như trên ứng dụng truyền thông xã hội TikTok của Trung Quốc. Indonesia hiện là một trong những thị trường lớn nhất của “TikTok Shop”.

TikTok đã chọn Indonesia, quốc gia đông dân thứ 4 thế giới và có khoảng 125 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, là nơi đầu tiên để triển khai TikTok Shop từ năm 2021. Tính năng này cho phép người dùng mở gian hàng trên chính giao diện của tài khoản, mọi thao tác chọn hàng và thanh toán đều được thực hiện trên TikTok.

Sau khi lệnh cấm được công bố, người phát ngôn của TikTok Indonesia cho biết công ty sẽ tuân thủ luật pháp và quy định của nước này, nhưng đồng thời cũng bày tỏ “quan ngại sâu sắc” vì quyết định của Jakarta sẽ “ảnh hưởng tới sinh kế của 6 triệu người bán hàng địa phương” hoạt động trên TikTok Shop.

Ông Dedi Dinarto, nhà phân tích hàng đầu về Indonesia tại công ty tư vấn chính sách công Global Counsel, nói rằng Indonesia là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên thực hiện việc cấm các công ty truyền thông xã hội đồng thời hoạt động như nền tảng thương mại điện tử.

“TikTok dự kiến sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất vì TikTok Shop hiện cho phép người mua Indonesia mua hàng trực tiếp trong ứng dụng, trong khi các nền tảng như Facebook, Instagram và WhatsApp thiếu các tính năng giao dịch tích hợp”, ông nói.

Trong khi đó, Công ty Nghiên cứu BMI đánh giá quy định mới chủ yếu sẽ khiến TikTok bị ảnh hưởng nhưng không gây tổn hại lớn cho sự tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử tại Indonesia. Thị trường này hiện bị chiếm lĩnh bởi các công ty công nghệ như Tokopedia (GoTo), Shopee (Sea) và gã khổng lồ thương mại điện tử Lazada (Alibaba). Theo dữ liệu từ Công ty tư vấn Momentum Works, các giao dịch thương mại điện tử ở Indonesia lên tới gần 52 tỉ đô la Mỹ trong năm 2022 và trong số đó, 5% diễn ra trên TikTok.

Người tiêu dùng lo ngại vì mất nguồn mua hàng giá rẻ

Lệnh cấm của Indonesia đã khiến nhiều người tiêu dùng như anh Subairi – một công nhân 38 tuổi tại Karawang, Tây Java, cảm thấy lo ngại. Suốt hai tháng qua, anh đã dựa vào TikTok Shop để mua những sản phẩm cần thiết hàng ngày. Từ sữa bột cho trẻ nhỏ cho đến dầu ăn, anh đều tích trữ những mặt hàng này vào mỗi ngày lĩnh lương.

“Với việc TikTok Shop bị cấm, tôi sẽ khó tìm được những sản phẩm rẻ như vậy nữa”, anh Subairi chia sẻ với Channel News Asia. “Trên các nền tảng thương mại điện tử khác, phí dịch vụ là gần 10.000 rupiah (0,64 đô la Mỹ) nhưng trên TikTok Shop thì hoàn toàn miễn phí, không kèm điều kiện”.

Subairi nói thêm rằng các chương trình giảm giá chớp nhoáng và khuyến mãi chờ ngày lĩnh lương, thường được đưa ra vào cuối tháng khi người lao động nhận lương, trên TikTok Shop, khiến giá rẻ hơn nhiều. Anh đã so sánh giá hàng hóa trên nhiều nền tảng thương mại điện tử khác nhau và nhận thấy giá hàng hóa được bán trên TikTok Shop là rẻ nhất.

“Hôm qua tôi mua sữa bột cho con. Ở những nơi khác, giá rẻ nhất là 320.000 rupiah nhưng trên TikTok, với nhiều mức giảm giá khác nhau, tôi có thể nhận được sữa công thức khoảng 300.000 rupiah”, ông bố hai con này cho biết.

Nadya Aulia Arma, một người mua TikTok Shop khác nói rằng mặc dù không đồng ý với quy định mới nhưng cô ấy sẽ chấp nhận thực tế và chuyển sang sử dụng các nền tảng thương mại điện tử khác.

“Tôi thực lòng không đồng ý, vì tôi sẽ mất chỗ mua đồ giá rẻ. Nhưng nếu vì lợi ích của người dân Indonesia thì không sao cả. Tôi sẽ quay lại mua sắm trên eBay”, cô nói.

Phản ứng của các thương nhân truyền thống

Trong khi đó, một số người bán hàng tại các cửa hàng truyền thống ở Indonesia đã bày tỏ sự hoan nghênh động thái của chính phủ. Người bán hàng dệt may Iyal Suryadi cho biết, hoạt động bán hàng trực tuyến đã làm giảm thu nhập của ông.

“Ở chợ địa phương nơi chúng tôi bán hàng, đôi khi chúng tôi chỉ bán được một hoặc hai mảnh vải trong một tuần… Nếu cứ tiếp tục như vậy thì thậm chí đừng nghĩ đến việc phát triển kinh doanh, mà chỉ cần có thể tồn tại là tốt rồi”, ông nói.

Ông cũng nói thêm rằng giá của các mặt hàng được bán trên TikTok Shop là hoàn toàn không thể chấp nhận được. “Họ bán hàng theo giá xuất xưởng trực tiếp cho người tiêu dùng chứ không phải cho nhà phân phối hay đại lý. Đúng là chúng ta đã bước vào thị trường tự do nhưng đừng đi quá xa”.

“Chính phủ phải hành động nếu không muốn nền kinh tế đất nước bị phá hủy. Lý do là tiền ở đất nước này xoay quanh những thương nhân nhỏ bé như chúng tôi chứ không phải người giàu”, vị chủ cửa hàng tại Pasar Cipeundeuy, Subang, Tây Java, cho biết.

Ông Raden, một người bán hàng tại Jakarta, cũng đồng ý rằng TikTok Shop đã làm ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của ông do giá rẻ được đưa ra trên nền tảng mạng xã hội. Tuy nhiên, ông lại bày tỏ quan điểm không đồng tình với lệnh cấm mới.

“Điều này là bởi vì có những người buôn bán truyền thống cũng đã tiến hành bán hàng thông qua TikTok. Họ buộc phải bán hàng trên TikTok vì các khu chợ truyền thống đang bắt đầu bị người mua bỏ rơi”, ông Raden cho biết.

Trao đổi với DW, Nada Agi, một thương gia buôn bán quần áo truyền thống 25 tuổi ở chợ Tanah Abang tại Jakarta, cho biết cô không mong đợi quy định mới của chính phủ sẽ có tác động lớn vì doanh số bán hàng vốn đã rất thấp trong những năm gần đây do nhiều nguyên nhân khác.

Ngoài cửa hàng truyền thống ở Tanah Abang, cô còn bán quần áo trực tuyến thông qua nền tảng thương mại điện tử. Theo cô, doanh số bán hàng trực tiếp giảm chủ yếu do đại dịch Covid-19 khiến nhiều người không cảm thấy thoải mái khi mua hàng trực tiếp tại chợ. Hệ quả là Tanah Abang – từng là một trong những chợ dệt may lớn nhất Đông Nam Á, nay lại đang gặp khó khăn trong việc thu hút khách hàng.

Yasril Umar, Chủ tịch Hiệp hội Thương nhân chợ Tanah Abang, chia sẻ với DW rằng: “Nhiều cửa hàng đóng cửa và mọi người ngừng bán hàng trực tiếp. Điều này ảnh hưởng đến các cửa hàng hiện có, vì mọi người không thực sự quan tâm đến việc ghé thăm bất kỳ khu chợ vắng vẻ và yên tĩnh nào”.

Theo ông Umar, có khoảng 20.000 cửa hàng trong và xung quanh Tanah Abang. Hiện tại, khoảng 20% trong số này bị bỏ trống. Ông cho biết hầu hết các thương gia đã gặp khó khăn kể từ khi đại dịch bắt đầu vào tháng 3-2020.

Ông nói: “Mọi người có sức mua ít hơn kể từ đại dịch, vì vậy doanh số bán hàng của chúng tôi thấp”, đồng thời cho biết thêm rằng thói quen mua sắm của người dân đã thay đổi kể từ đại dịch và doanh số bán hàng tại chợ vẫn ở mức thấp, bất chấp nền kinh tế đang khởi sắc hơn.

Cần nhiều biện pháp hơn để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ

Ông Hedy Djaja Ria, đại diện Hiệp hội Các nhà bán lẻ tại trung tâm mua sắm Indonesia (Hippindo), cho biết hiệp hội này ủng hộ mạnh mẽ quyết định của chính phủ, bởi sẽ rất khó để các thương nhân có thể cạnh tranh với các nhà bán lẻ trực tuyến.

Ông nói với DW: Mua sắm trực tuyến “giúp người tiêu dùng mua hàng dễ dàng hơn và giá cả phải chăng hơn”. Tuy nhiên, ông cũng chắc chắn rằng nhiều khách hàng Indonesia vẫn “sẽ muốn đến các cửa hàng bách hóa để trải nghiệm”.

Ria tin rằng thị trường trực tuyến và trực tiếp ở Indonesia có thể cùng tồn tại trong một môi trường kinh doanh lành mạnh, miễn là các cửa hàng trực tuyến được cấp giấy phép hợp pháp và đáp ứng các yêu cầu tương tự như các cửa hàng truyền thống.

Ông nói: “Chúng tôi hy vọng các cửa hàng trực tuyến sẽ không bán hàng dưới giá thị trường. Điều đó chắc chắn sẽ có tác động đến các cửa hàng truyền thống”.

Trong khi đó, nhà kinh tế Bhima Yudhistira từ Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và luật (CELIOS) có trụ sở tại Jakarta cho biết việc cấm bán hàng trên mạng xã hội chỉ là một phần trong các biện pháp để giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ông Yudhistira cho biết: “Chính phủ cũng cần giám sát hoạt động nhập khẩu bất hợp pháp thông qua hành khách đi máy bay, và cũng cần hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa bằng cách hạ lãi suất cho vay, tăng sức mua trong nước và mua sắm công đối với các sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa”.

Toto Prastowo, một người dân Jakarta thừa nhận giá hàng hóa được cung cấp trên TikTok Shop dễ chịu hơn so với khi mua ở các cửa hàng. Tuy nhiên, anh cũng tin rằng, chính phủ vẫn có thể cung cấp các biện pháp hỗ trợ, biến việc mua sắm trực tiếp tại các cửa hàng truyền thống trở thành một trải nghiệm thú vị và sẽ thu hút khách hàng hơn.

“Ví dụ như: bằng cách bổ sung các cơ sở để cải thiện trải nghiệm mua sắm thú vị, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc cấp giấy phép tổ chức các sự kiện thú vị tại các khu chợ thương mại hoặc hạn chế những người buôn bán bất hợp pháp sẽ tạo ra một môi trường lành mạnh và do đó khiến mọi hoạt động mua sắm trực tiếp trở nên hấp dẫn hơn với chúng tôi”, anh Prastowo cho biết.

Ngân Diệp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Malaysia và Singapore siết chặt quản lý mạng xã hội, trang...

0
(SGTT) - Malaysia và Singapore đang mở rộng việc giám sát các trang mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin và nền tảng thương...

Cơ hội gặp gỡ các nhà sáng tạo nội dung ‘triệu...

0
(SGTT) - Nắm bắt nhu cầu được tiếp cận và học hỏi cách sản xuất những sản phẩm sáng tạo trên mạng xã hội...

TikTok xoay xở thế nào trước nguy cơ bị cấm hoàn...

0
(SGTT) - TikTok, nền tảng chia sẻ video ngắn trực thuộc hãng công nghệ ByteDance của Trung Quốc đang đối diện thách thức tưởng...

Sẽ tăng mức xử phạt với nghệ sĩ, KOLs phát ngôn...

0
(SGTT) - Thời gian tới, ngành chức năng sẽ tăng mức phạt tiền cũng như hình phạt bổ sung đối với những phát ngôn...

Cảnh giác trước những chiêu trò lừa đảo trực tuyến dịp...

0
(SGTT) - Trong khoảng thời gian cận Tết Nguyên Đán, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng gia tăng, các chiêu trò lừa...

TikTok đầu tư 1,5 tỉ đô la vào nền tảng thương...

0
(SGTT) - Nền tảng tạo và chia sẻ video TikTok của Công ty công nghệ ByteDance (Trung Quốc) đồng ý đầu tư 1,5 tỉ...

Kết nối