Chủ Nhật, Tháng mười một 3, 2024

Hoài niệm mứt Tết

(SGTT) - “Tôi nhớ những ngày cận Tết ở Huế. Trời vẫn còn lạnh, mưa phùn không ngớt. Mạ đã chuẩn bị cho chúng tôi những hũ mứt gừng, mứt vỏ cam sành, vừa giữ ấm vừa làm món tráng miệng tốt cho tiêu hóa. Lúc ấy, còn một hơi ấm khác luôn tỏa ra từ gian bếp, hơi ấm của những chảo mứt đã bắt đầu đỏ lửa từ đầu tháng Chạp cho kịp Tết. Tôi vẫn nhớ cái mùi từ những chảo “sên” mứt ấy, có lúc là mùi cay nồng của gừng, có lúc là mùi thơm ngát của trái thơm, có lúc thoang thoảng mùi thanh mát của kim quất, có lúc lại là mùi khói từ những bếp than. Mỗi khi nhớ về những ký ức ấy, tôi bất giác lại cay cay nơi sống mũi, dẫu chẳng có bếp than nào đang nổi lửa lúc này".

Bìa sách

Đó là những dòng chia sẻ của nghệ nhân ẩm thực Nguyễn Thị Phiên trong cuốn “Hoài niệm mứt Tết” vừa được Nhà xuất bản Phụ Nữ phát hành và ra mắt bạn đọc vào ngày 9-1 vừa qua.

Mứt củ sen

Một cuốn sách đẹp và mang hơi thở của những ngày Tết đoàn viên, ấm áp đến mức cứ muốn nhón lấy một quả kim quất vàng ươm và để cho vị ngọt tan vào nỗi nhớ những ngày thơ. Điều đặc biệt là cuốn sách được viết nên bởi hai mẹ con đồng thời là hai nghệ nhân ẩm thực xứ Huế.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Phiên

Các bí quyết được trao truyền từ ông bà, đến mẹ và nay là con. Họ nâng niu gìn giữ công thức của các thức quà ngọt ngào chốn cung đình xưa và quyết định chia sẻ để hồi tưởng vẻ đẹp Tết xưa và truyền lại nếp sống tốt đẹp của nếp nhà.

Mứt cà rốt

Với 27 món mứt, từ mứt gừng nổi tiếng của Huế, đến mứt chùm ruột, mứt cóc bình dị, “Hoài niệm mứt Tết” là sự song hành của hai thế hệ và sự đồng hành của người mạ - người bà trong ký ức.

(Từ trái qua) Nghệ nhân Nguyễn Thị Phiên, Nghệ nhân Đỗ Thị Phương Nhi

“Tất cả mứt bánh khéo đẹp, mạ làm được nhờ công của ba tụi con đó. Ba tụi con tính vui vẻ,sống chan hòa, hay chia sẻ với mọi người những bài thuốc hay, những gói hoa ướp trà như hoa sói, hoa mộc, hoa hồng tường vi, cúc tỉ muội đến bà con lối xóm. Từ đó mạ được những O nấu ăn cho phủ bà Chúa và Bà Đốc Mậu chuyên nghề mứt bánh đã dạy cho mạ. Bà cho mạ đến nhà, phụ và học trực tiếp. Khi đến công đoạn khó, bà có câu nói mạ nhớ đời “Mợ ơi tui làm được, mợ cũng làm được, đừng ngại ngăn sông cách núi, chỉ ngại lòng mình không quyết tâm thôi. Khi mợ làm được mợ sẽ mỉm cười với những lát mứt đẹp mình đã làm. Mợ sẽ sung sướng với những lời khen thưởng của gia đình và bạn bè, nhất là tạo được nồng ấm của gia đình, tạo được lòng thương yêu và trân trọng của chồng con”, tác giả viết trong sách.

Mứt chùm ruột

Nghệ nhân Nguyễn Thị Phiên

Sinh ngày 30-5-1945, học nữ công gia chánh tại trường Nữ Trung học Đồng Khánh Huế. Năm 1997-2005 bà chuyên làm món ăn cung đình và món ăn truyền thống Huế tại nhà hàng Cung Đình, khách sạn Rex. Từ năm 2004 đến nay: Giảng dạy tại Saigontourist, Vinpearl…

Nghệ nhân Đỗ Thị Phương Nhi

Sinh ngày 4-7-1967, giảng viên trường Saigontourist, Hướng nghiệp Á Âu, Hội đầu bếp Sài Gòn, trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, Vingroup…

Bảo Hướng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Tiến sĩ Lý Quí Trung ra mắt sách ‘Khác biệt để...

0
(SGTT) – “Khác biệt để thành công” là tựa cuốn sách thứ 10 của Tiến sĩ Lý Quí Trung, Viện trưởng Viện Doanh nhân...

Những khác biệt giữa phở Hà Nội và phở Nam Định

0
Mới đây, hai món phở Hà Nội và phở Nam Định được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di...

Nhờ đâu ẩm thực Việt gây thương nhớ với du khách...

0
(SGTT) – Không chỉ là một phần quan trọng của văn hóa địa phương, ẩm thực Việt Nam còn là điều hấp dẫn đối...

Nguyên liệu làm món bún đậu mắm tôm chuẩn vị

0
Bún đậu mắm tôm là món ăn đặc trưng trong văn hóa ẩm thực Hà Nội. Ngày nay, tại TPHCM, có nhiều quán ăn...

‘Đỏ lửa’ giữ gìn hương vị Việt

0
(SGTT) - Dù nằm giữa những con phố hiện đại và đông đúc, là điểm đến của nhiều khách phương Tây nhưng Spice Viet...

Nhóm tác giả ‘Vì một Việt Nam dân giàu nước mạnh’...

0
(SGTT) - Sau Hà Nội, Bình Dương, TPHCM, cuốn sách “Vì một Việt Nam dân giàu nước mạnh” (NXB Đại học Quốc gia Hà...

Kết nối