Thứ Tư, Tháng Mười 9, 2024

Hành trình 5 ngày khám phá Nam Lào, yên bình và đầy cảm xúc

(SGTT) - Chuyến trải nghiệm năm ngày bốn đêm tại khu vực phía Nam của nước Lào đã cho các thành viên trong đoàn caravan (xe hơi tự lái) những cung bậc cảm xúc khác nhau, từ cái lạnh của cao nguyên Bolaven đến sự ấm áp của đồng bào người Việt tại Lào.

Gần 7:00 sáng ngày 21-9, mọi người đã tập trung đầy đủ tại Cung thể thao Tuyên Sơn để tham gia chương trình caravan Đà Nẵng – Cửa khẩu Đắc Tà Ọoc – Paksong – Pakse – Cửa khẩu Lalay kéo dài năm ngày bốn đêm với sự tham gia của 11 xe ô tô cùng hơn 40 thành viên.

Chương trình do Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và Hiệp hội Du lịch Quảng Nam phối hợp tổ chức, Hội Lữ hành Đà Nẵng thực hiện với mục đích kết nối các doanh nghiệp thành viên.

Đoàn caravan với các thành viên tham gia chủ yếu là doanh nghiệp du lịch chuẩn bị xuất phát tại Đà Nẵng trong cơn mưa nhẹ. Ảnh: Nhân Tâm

Khoảng 7:30, 11 xe xếp theo thứ tự, chụp hình lưu niệm trước trước khi xuất phát. Từ Cung Thể thao Tuyên Sơn, đoàn xe theo quốc lộ 14B đến thị trấn Thạnh Mỹ, huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.

Ngày 1: Săn mây trên cao nguyên

Nếu 70km đầu tiên có nhiều dân cư hai bên thì đoạn đường từ thị trấn Thạnh Mỹ đến Cửa khẩu quốc tế Nam Giang (xã La Deê, huyện Nam Giang) men theo quốc lộ 14D dài gần 100km chủ yếu là đường đèo với cảnh núi rừng là chủ đạo. Đoàn đi qua một số điểm khá nổi tiếng như cầu Bến Giằng, Vườn quốc gia sông Thanh…

Đoàn đi ngang qua những cảnh sắc đẹp và yên bình của vùng núi Nam Giang. Ảnh: Nhân Tâm

Khoảng gần 12:00 trưa, đoàn caravan đến Cửa khẩu quốc tế Nam Giang. Mất gần hai tiếng đồng hồ để xe và người hoàn thành thủ tục xuất cảnh Việt Nam để nhập cảnh vào Lào qua Cửa khẩu quốc tế Đắc Tà Ọoc, tỉnh Sekong, Lào với sự hỗ trợ nhiệt tình từ hải quan của hai nước. Cửa khẩu này vừa được nâng lên thành cửa khẩu quốc tế vào đầu năm 2021.

Trước khi tiến vào Cửa khẩu quốc tế Nam Giang. Ảnh: Nhân Tâm

Mọi người không quên chụp hình “check-in” cột mốc biên giới Việt Nam – Lào mang số hiệu 717 được thiết lập vào năm 2008 trong thời gian chờ đợi làm thủ tục xuất và nhập cảnh cho 11 xe và hơn 40 người.

Trong khi chờ hoàn thành thủ tục xuất nhập cảnh cho 11 xe và hơn 40 người, một số tranh thủ chụp hình với cột mốc biên giới. Ảnh: Nhân Tâm

Mất khoảng thêm hơn 30 phút nữa để đoàn caravan rời Cửa khẩu quốc tế Đắc Tà Ọoc tiến sâu vào tỉnh Sekong của Lào để dùng cơm trưa. Tại đây, có những thành viên trong đoàn lần đầu tiên được thưởng thức những món ăn truyền thống của Lào như xôi chấm với gỏi đu đủ, rau rừng, heo chiên, gà chiên…

Một số khác tranh thủ đổi tiền. Ảnh: Nhân Tâm

Sau khi ăn trưa, nghỉ ngơi lấy lại sức, đoàn tiếp tục hành trình đến tỉnh Champasak. Trước khi đến khách sạn Paksong Dangnarm, khách sạn lớn nhất tại huyện Paksong, nằm trên Cao nguyên Bolaven của tỉnh Champasak, được ví như cao nguyên Lâm viên tại Việt Nam,  vào lúc hơn 6:00 giờ chiều, đoàn đã trải qua đoạn đường gần 200km với nhiều cung bậc cảm xúc.

Xe bắt đầu lăn bánh trên đất nước Lào. Ảnh: Nhân Tâm

Đó là những đoạn đường tưởng chừng như xa thăm thẳm, thi thoảng mới thấy những căn nhà rông của người bản địa. Đó là những đoạn đường đèo với độ cao có lúc đến 40 độ. Đó là những đoạn đường xấu, với nhiều “ổ gà” và “ổ voi” mà các thành viên phải liên tục dùng bộ đàm để nhắc nhở nhau.

Nụ cười khi đặt chân trên đất Lào. Ảnh: Nhân Tâm

Đặc biệt, vượt trên tất cả là cảm giác sung sướng như được “lên chín tầng mây” khi hướng dẫn viên tại Lào dẫn đoàn đến khu vực “săn mây” ngay trên đèo. Những chùm mây dày nằm trên các mõm núi bên cạnh con đường đèo đã thực sự làm “say lòng” các thành viên trong đoàn. Những bức ảnh đẹp đã được “sáng tác” tại đây.

Cảnh đẹp như tranh trên cao nguyên Bolaven tại Lào. Ảnh: Nhân Tâm

Sau khi dùng bữa tối tại khách sạn và giao lưu nhẹ nhàng giữa các thành viên của 11 xe, mọi người lên phòng nghỉ ngơi sau một chặng đường dài.

Các thành viên tranh thủ chụp cùng mây. Ảnh: Nhân Tâm

Ngày 2: Thú vị thác đôi lúc ẩn lúc hiện

Sáng ngày thứ hai, Lào đón những người anh em đến từ Việt Nam với không khí đặc trưng của vùng cao nguyên, có gió, khá lạnh, mưa phùn và những rừng thông bạt ngàn.

Sau khi dùng bữa sáng, đoàn tham quan một ngôi chợ truyền thống của người Lào tại huyện Paksong. Tại đây, các thành viên bắt gặp khá nhiều người Việt đang sinh sống và buôn bán. Họ đã ở đây hàng chục năm và thi thoảng mới về Việt Nam.

Một thành viên trải nghiệm làm món gỏi đu đủ Lào tại chợ. Ảnh: Nhân Tâm

Sau khi thưởng thức một vài món ăn dân dã tại chợ như cá suối nướng, bò một nắng nướng, bột chiên… nhiều người không quên mua cho mình những đôi dép Lào làm kỉ niệm. “Đã qua Lào là phải mua dép Lào”, một thành viên trong đoàn đã nói như vậy khi mua hơn 10 đôi để tặng mọi người ở Việt Nam.

Một thành viên khác khoe mua hơn 10 đôi dép Lào để ủng hộ cô chủ người Việt bán hàng tại đây. Ảnh: Nhân Tâm

Rời chợ, chúng tôi đến hai khu thác nước nổi tiếng nằm cách chợ không xa, Tad Fane và Tad Yuang (trong tiếng Lào, Tad nghĩa là thác). Trong đó khu thác nước đôi Tad Fane thực sự là một điều thú vị.

Thác Tad Fane mờ ảo trong sương. Ảnh: Nhân Tâm

Vì hai thác chảy xuống thung lũng với cường độ mạnh nên thường xuyên tạo ra những màn sương dày che khuất hai dòng chảy của hai thác.

Cứ cách khoảng 10-15 phút, có những cơn gió đi ngang qua hay mây bay đi, nắng rực rỡ hơn, thì thác đôi lại dần xuất hiện và sau đó lại “biến mất” trong làn sương mờ. Ngồi uống café đặc trưng của Lào, chờ chụp những khoảnh khắc ẩn hiện của cặp thác nước Tad Fane là điều thú vị.

Thác hiện ra đẹp như tranh vẽ. Ảnh: Nhân Tâm

Thác Tad Yuang lại mang đến cho các thành viên trong đoàn một trải nghiệm khác. Trên đầu thác là những cây cầu tre và bãi cỏ xanh mướt để mọi người để thể hòa mình vào không khí thiên nhiên trong lành.

Sau đó, mọi người theo lối mòn, đi bộ xuống khoảng hơn 50 bậc thang để chụp hình cùng thác nước hùng vĩ. Tại khu Tad Yuang, có nhà hàng và khu mua sắm. Mọi người có thể lựa chọn ăn rồi ngắm thác hoặc ngược lại tùy khung chương trình.

Khung cảnh thiên nhiên yên bình trên thác Tad Yuang. Ảnh: Nhân Tâm

Paksong Highland và Agro Café là những điểm tham quan tiếp theo của đoàn trong ngày thứ hai trước khi kết thúc hành trình. Tại đây, các thành viên đã có dịp thưởng thức các loại cà phê của Lào (có vị đặt trưng riêng của vùng đất cao nguyên) và tìm hiểu các nông phẩm đặc trưng được trồng theo phương thức nhà kính.

Khu vực rộng lớn trồng hoa và nông phẩm trong nhà kính. Ảnh: Nhân Tâm

Ngày 3: Đến vết tích của kinh thành xưa

Sáng ngày thứ ba, chúng tôi tạm biệt Paksong, nơi giúp các thành viên trong đoàn có những trải nghiệm thú vị trong không khí lành lạnh của cao nguyên, để đến Wat Phou, Di sản văn hóa thế giới tại Lào. Sự mệt nhọc của ba tiếng đồng hồ ngồi trên xe dường như tan biến đi khi chúng tôi càng đến gần Wat Phou.

Quán cafe nằm trên cánh đồng trên đường vào khu di tích Wat Phou. Ảnh: Nhân Tâm

Theo các nhà sử học của Lào, Wat Phou có niên đại từ thế kỷ thứ 5 là đền thờ xưa nhất ở Lào, từng là trung tâm của đạo Hindu, thờ thần Shiva. Trong khi đó, theo dân gian, nơi đây còn có thành Crethapura, kinh đô đầu tiên của vương quốc Chân Lạp. Và trong tâm thức của những người bản địa Lào, Wat Phou rất linh thiêng khi nằm tựa lưng vào núi Voi và quay mặt ra dòng sông Mekong huyền thoại.

Từ cổng chính vào khu đền tháp khá xa nên các thành viên trong đoàn đi tuk tuk hoặc xe điện. Ảnh: Nhân Tâm

Vì vậy, trên đường đến Wat Phou, đoàn đi qua những ngôi làng thanh bình, những cánh đồng trù phú đậm nét thôn quê Lào. Cả đoàn thưởng thức cà phê, chụp hình tại quán cà phê nằm trên cánh đồng yên bình trước khi tham quan di sản.

Trên đường vào đền, tháp là khu cảnh đẹp và yên bình. Ảnh: Nhân Tâm

Theo những người làm việc tại đây, trải qua hàng chục thế kỷ tồn tại, khu di tích vẫn lưu lại nhiều dấu tích văn minh cổ với các khu đền bằng sa thạch, các chùa chiền thờ Phật giáo Nam tông và trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước nhờ vẻ đẹp kỳ vĩ của công trình kiến trúc độc đáo cũng như sự huyền bí của yếu tố tâm linh.

Và đến năm 2001, Ủy ban Di sản thế giới thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận Wat Phou là di sản thiên nhiên thế giới, giúp nơi đây được gìn giữ tốt hơn và tạo điều kiện phát triển du lịch.

Một góc khu Wat Phou. Ảnh: Nhân Tâm

Trước khi vào đền, cả đoàn đi qua hai hồ nước lớn. Hai bên đường là hai hàng trụ đá được tạc theo hình linga dẫn lối du khách vào. Ở đây có hai ngôi đền lớn nằm đối xứng xây bằng đá sa thạch nguyên khối nặng hàng tấn được lắp ráp một cách tinh xảo.

Các thành viên theo từng nhóm lên đền thờ chính, đi bộ và leo hàng trăm bậc cấp được xếp từ đá. Hai bên đường là hai hàng trụ đá hình linga và hàng cây hoa chăm pa cổ thụ có đến trăm năm tuổi xòe tán, tỏa bóng mát dẫn lối du khách lên khu đền chính.

Các du khách Thái Lan đến khu Wat Phou để tham quan và cầu nguyện

Cũng chính vì vậy mà đến 13:00 giò, cả đoàn mới tập trung trở lại để di chuyển đến Pakse – thành phố lớn nhất của tỉnh Champasak, cách đó hơn 40km để ăn trưa và nghỉ ngơi.

Buổi chiều, trong khi các tài xế tranh thủ rửa và chăm sóc xe sau ba ngày đi hơn qua hơn 400km để tiếp tục cho chặng đường tiếp theo thì một số thành viên còn lại tranh thủ nghỉ ngơi hoặc dạo phố.

Một trong những điểm tham quan tại trung tâm Pakse chính là chợ Đào Hương, ngôi chợ người Việt nổi tiếng nhất tại tỉnh Champasak.

Chợ Pakse mới hay còn được biết đến là chợ Đào Hương - doanh nhân Việt kiều nổi tiếng tại Lào. Ảnh: Nhân Tâm

Ngày 4: Đến nơi người Việt sinh sống

Trong lúc nói chuyện với một cô chủ (người Việt) tại một quầy hàng bán vải tại chợ Đào Hương, chúng tôi được biết tại Pakse có rất nhiều người Việt sinh sống và làm ăn tại đây. Có những người từ Việt Nam qua đây từ thời còn trẻ (hơn 20 tuổi) và kinh doanh sinh sống hàng chục năm, trong khi đó có những người sinh ra tại Pakse có ba mẹ là người Việt.

Tại Lào có nhiều hội người Việt. Hội người Việt tại Champasak là một trong số đó. Ảnh: Nhân Tâm

Vì vậy, tôi quyết định thuê hai chiếc xe máy cùng ba thành viên khác trong đoàn “lang thang” các khu phố tại Pakse để tìm hiểu cuộc sống người Việt tại đây nguyên ngày thứ 4.

Theo chỉ dẫn, chúng tôi đến khu phố gọi là Ban Thong, nơi tập trung nhiều người Việt sinh sống và kinh doanh, cách chợ Đào Hương khoảng 1,3 km.

Con, cháu ông Đặng Văn An sinh ra tại Lào và hiện nay đang sinh sống tại khu Ban Thong - một trong nhiều khu người Việt tại Pakse. Ảnh: Nhân Tâm

Tại đây, chúng tôi đã nghe nhiều câu chuyện khác nhau về người Việt tại Lào. Cô Bảo Hân làm nghề cắt tóc tại khu Ban Thong đã nhiều năm. Hằng năm, cô quay trở về quê mình (Thừa Thiên Huế) khoảng 2-3 lần trong những dịp đặc biệt vì kinh tế không cho phép.

Hay ông Đặng Văn An từ nhỏ theo cha của mình (làm nghề xây dựng) sang Lào sinh sống. Khi lớn lên, ông theo nghiệp cha làm kỹ sư xây dựng, sau đó là buôn bán. Năm nay, ông An đã hơn 70 tuổi. Hằng ngày ông phụ giúp con mình kinh doanh một quán ăn tại một ngôi chợ trong khu Ban Thong.

Đình làng Tân An, nơi sinh hoạt của người Việt tại làng Tân An, thành phố Pakse. Ảnh: Nhân Tâm

Trong câu chuyện, ông An lại chỉ cho chúng tôi một nơi khác tại Pakse ngoài Ban Thong cũng tập trung đông người Việt sinh sống. Đó chính là làng Tân An (hay có tên Lào là Bung Udom), có nghĩa là vùng ao tù nước đọng. Ngày trước làng chuyên làm gạch nên có thêm một cái tên khác là Xóm Lò Gạch, nằm ngay bên dòng sông Xe Don chạy dọc theo thành phố Pakse.

Thế hệ các người Việt tại Lào tại một quán bún tại làng Tân An. Ảnh: Nhân Tâm

Được biết, từ thập niên 1950, một số người từ Sài Gòn sang đây mở lò gạch nên có tên gọi mới là Xóm Lò Gạch. Tên gọi Tân An bắt đầu được sử dụng vào khoảng năm 1954 khi một nhà thờ Thiên Chúa giáo được xây dựng. Nhà thờ mở một trường tiểu học dạy song ngữ Lào – Việt. Hiện nay, tại đây có một ngôi đình làng và một ngôi chùa là nơi sinh hoạt của người Việt.

Bên cạnh lang thang qua các phố người Việt và tìm hiểu, trong ngày chúng tôi cũng đã đến hai ngôi đền nổi tiếng khác ở Pakse là Wat Luang và Wat Phom Phet (Wat trong tiếng Lào có nghĩa là đền, chùa). Nếu ngôi đền Wat Luang mang đậm nét đặc trưng văn hóa truyền thống của người Lào thì Wat Phom Phet nổi tiếng với bức tượng phật khổng lồ cùng 100 tượng phật nhỏ xung quanh.

Nếu Wat Luang là ngôi chùa mang nét đặc trưng truyền thống của Lào... Ảnh: Nhân Tâm
...thì Wat Phom Phet có tượng phật khổng lồ và nhiều tượng phật nhỏ nằm dưới chân. Ảnh: Nhân Tâm

Xung quanh ngôi đền là các xưởng chuyên đúc các hình tượng phật khác nhau bằng đá. Trong chuyến đi chúng tôi bắt gặp một doanh nhân Lào đi cùng một nhà sư Lào tại một xưởng đúc tượng phật. Chị doanh nhân này cho biết chị muốn thỉnh một tượng phật tặng cho một ngôi chùa ở Attapeu (một tỉnh nằm ở Đông nam Lào) và nhờ nhà sư chọn giùm. Được biết, các xưởng ở đây chủ yếu làm tượng phật để bán cho những người muốn mua để tặng lại cho các ngôi đền, chùa tại Lào.

Chiều về chúng tôi hội ngộ cùng các thành viên trong đoàn tham gia đêm tiệc chia tay trước khi lên đường về lại Việt Nam.

Sáng ngày thứ 5, xuất phát từ khách sạn Arawan tại trung tâm Pakse vào lúc 7:15, trải qua chặng đường dài hơn 250km, chúng tôi đến cửa khẩu La Lay (cửa khẩu quốc tế tại vùng đất thôn La Lay, xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) vào lúc 12:00, ăn trưa và làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam.

Đoàn tiến vào Cửa khẩu quốc tế La Lay để làm thuc3 tục về Việt Nam. Ảnh: Nhân Tâm

Sau đó, đoàn caravan theo QL 14, sau đó là QL 49, ngang qua thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế để đến thị trấn Lăng Cô ăn tối trước khi về Đà Nẵng. Khoảng 7:30 tối ngày 25-9, các thành viên của đoàn về đến Đà Nẵng, kết thúc một hành trình tốt đẹp và đầy thú vị.

Ẩm thực Lào

Món ăn của người Lào có khẩu vị chua và cay hơi kén người ăn nhưng đa số cũng giống Việt Nam.

Xôi là một món ăn rất quan trọng của người Lào, không thể vắng mặt trong các bữa tiệc và các bữa cơm gia đình. Người Lào không có thói quen ăn cơm hằng ngày như người Việt, thay vào đó, họ dùng xôi.

Nộm đu đủ trong tiếng Lào được gọi là Tam Maak Hung. Đu đủ được chọn là quả không xanh quá nhưng cũng không được gần chín. Sau khi đu đủ được nạo thành sợi sẽ cho vào cối để đâm nhẹ. Gia vị cho vào bao gồm nước cốt chanh, mắm tôm, cà pháo, tiêu, ớt. Tại các chợ của Lào, du khách có thể tìm thấy các món nướng đặc trưng làm từ bò, cá, ếch, dê, gà…

Tiền tệ: Tại Lào, du khách có thể dùng tiền Thái, tiền Việt và hoặc đô la Mỹ. Tỷ giá quy đổi hiện tại 1 Thai Baht = 680 đồng hay 1 Lao Kip = 1,5 đồng (có thể thay đổi tùy thời điểm).

Nhân Tâm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Khám phá 7 công viên quốc gia tại Mỹ vào mùa...

0
(SGTT) - Mùa Thu là thời điểm lý tưởng để khám phá vẻ đẹp thiên nhiên các công viên quốc gia tại Mỹ. Dưới...

Lặn biển cùng ‘bức tường’ cá ở đảo Balicasag

0
(SGTT) - Balicasag là một đảo nhỏ thuộc tỉnh Bohol, Philippines, nổi tiếng với bãi biển trắng mịn và làn nước trong xanh. ...

Gợi ý những điểm check-in khi đến đảo Nusa Penida, Indonesia

0
(SGTT) - Nusa Penida, hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Nusa của Indonesia là điểm đến thu hút nhiều du khách ghé thăm...

Bức tranh thanh bình của làng Hospental ở Thụy Sĩ

0
(SGTT) – Nằm ở độ cao gần 1500 mét so với mức nước biển, thuộc bang Uri của Thụy Sỹ, làng Hospental nổi tiếng...

Khách quốc tế gây ‘áp lực’ cho các hãng thẻ tín...

0
(SGTT) - Khách quốc tế đang đổ xô đến Nhật Bản, mạnh tay chi tiêu cho mua sắm và ăn uống. Thế nhưng, khách...

Khám phá 13 thành phố có cuộc sống về đêm tuyệt...

0
Thành phố Rio De Janeiro của Brazil, thủ đô Manila của Philippines hay Singapore… là những nơi vừa được tạp chí Time Out đưa...

Kết nối