(SGTT) – Hà Giang là điểm đến nằm trong danh sách 52 điểm đến được New York Times, Mỹ gợi ý ghé thăm trong năm nay. Dưới đây là gợi ý hành trình khám phá miền đất này trong ba ngày hai đêm mà du khách có thể tham khảo, lên kế hoạch cho chuyến đi sắp tới.
- Ghé thăm tu viện Bát Nhã, nơi có hàng phượng vàng rực rỡ độ Xuân về
- Thác nước màu xanh ngọc bích đẹp ảo diệu ở Lào
- Du lịch sẽ là ngành then chốt trong năm 2023
Hà Giang khiến du khách say mê bởi những cung đường đèo quanh co, uốn lượn, kèm cảnh sắc hùng vĩ của những dãy núi đá vôi sừng sững. Phong cảnh rừng, núi, sông đan xen tạo nên bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng.
Du khách đến Hà Giang mùa nào cũng đẹp. Mùa Xuân có hoa mơ, hoa mận, hoa đào nở khắp núi rừng. Tháng 5, vào mùa nước đổ những thửa ruộng vùng cao.
Tháng 6, 7 núi rừng trở nên xanh mướt vì những cơn mưa hè bất chợt. Tháng 10, 11 và 12, tam giác mạch, hoa cải thay màu áo mới cho cao nguyên đá…
Để đến Hà Giang, du khách có thể di chuyển bằng xe máy theo lộ trình Hà Nội – cao tốc Bắc Thăng Long Nội Bài – QL 37 – QL 2 – TP Hà Giang. Nhưng để giữ sức khỏe tốt nhất, nên chọn xe khách giường nằm với thời gian khoảng 6-7 tiếng. Giá xe là 300.000 đồng/chiều.
Đến TP Hà Giang, du khách nên thuê xe máy và bắt đầu tận hưởng chuyến khám phá vùng cao của mình. Chi phí thuê xe máy dao động từ 150.000 – 300.000 đồng/xe/ngày. Vì cần đổ đèo an toàn nên chọn xe số hoặc tay côn để an toàn.
Tuy nhiên, nếu không đủ thời gian và sức khỏe, hoặc đoàn có người già và trẻ nhỏ thì bạn nên thuê ô tô dịch vụ 7 – 16 chỗ.
Tất cả các điểm du lịch, thăm thú tại Hà Giang cách xa nhau, chính vì thế du khách nên chọn hành trình ít nhất là ba ngày hai đêm, hoặc nếu dư dả thời gian, du khách nên dành năm ngày để khám phá nhiều hơn.
Dưới đây là lịch trình tham khảo cho chuyến đi ba ngày hai đêm.
Ngày 1: TP Hà Giang – Đồng Văn
Đi theo lộ trình này, du khách thể ghé thăm những địa điểm nổi tiếng như Cổng trời Quản Bạ, cây thông cô đơn (Yên Minh), nhà của Pao, dinh thự vua Mèo và dốc Thẩm mã.
Khu dinh thự của vua Mèo (Dinh thự họ Vương) tọa lạc trong một thung lũng thuộc xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn. Nơi đây có kiến trúc độc đáo, mang sự ảnh hưởng của ba nền kiến trúc Trung Quốc, người dân tộc Mông và Pháp.
Dốc Thẩm Mã là con dốc từng dùng thẩm định sức kéo của ngựa. Ngày xưa, con ngựa vượt qua được con dốc sẽ được giữ lại phục vụ sản xuất, ngựa không vượt qua được sẽ bị giết thịt.
Theo lộ trình của ngày thứ nhất, các du khách nên chọn nghỉ qua đêm tại phố cổ Đồng Văn, thưởng thức một số món ăn hấp dẫn có trong phố cổ.
Ngày 2: Lũng Cú – Cụm đá cổ Thiên Hương – Làng H’mông
Sáng ngày hai, thưởng thức bữa sáng tại Đồng Văn, du khách có thể xuất phát đến cột cờ Lũng Cú. Sau đó đi thăm cụm đa cổ Thiên Hương, quay về trả phòng khách sạn và vượt đèo Mã Pí Lèng về làng H’mông tại Mèo Vạc.
Đèo Mã Pí Lèng hay còn gọi là đường Hạnh Phúc, nối liền Đồng Văn và Mèo Vạc. Đây là cung đường đẹp và nổi tiếng, là một trong “tứ đại đỉnh đèo” hùng vĩ bậc nhất ở vùng núi phía Bắc nước ta.
Ngày 3: Sông Nho Quế – TP Hà Giang
Ngày thứ ba trong hành trình, từ làng H’mông, du khách có thể di chuyển lên đèo Mã Pí Lèng thưởng thức bữa sáng trên đèo, sau đó đi xuống sông Nho Quế.
Người trải nghiệm nên bắt đầu di chuyển về lại TP Hà Giang muộn nhất lúc 12:00 trưa. Vì đặc thù Hà Giang là vùng cao, đoạn đường từ Mèo Vạc về lại TP Hà Giang khá xa (khoảng 140km), nếu không đi sớm, sau 16:00 trời sẽ tối khó chạy xe đường đèo núi.
Trần Hữu Tài