Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024

Góc học tập kích thích sự sáng tạo

Mùa tựu trường đang đến. Ngoài việc học ở trường, học sinh còn phải tự học, tự ôn tập ở nhà. Bộ bàn học là đồ dùng quan trọng nhất trong không gian học tập của các bé, nhưng việc bố trí ở đâu trong căn phòng, đồng thời tạo được không gian thoải mái cho việc học tập của con em là điều nhiều bậc phụ huynh băn khoăn.

Chọn mua và sắp xếp bàn học

Ngoài giờ học trên lớp thì việc học ở nhà cũng rất quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả học tập cũng như sức khỏe của các bé. Vì thế, khi chọn bàn học ở nhà cần lưu ý về sự tương xứng giữa chiều cao của trẻ và chiều cao của bàn, ghế để tránh các bệnh về cột sống, lưng và các bệnh về mắt.

Ông Phan Văn Dụ, chủ cửa hàng đồ nội thất Nam Khôi, quận Gò Vấp, TPHCM, cho biết các bộ bàn ghế học tập hiện nay thường được sản xuất với những kích cỡ theo hướng dẫn của Bộ Y tế về bàn ghế đúng quy cách. Từ đó, phụ huynh có thể đối chiếu với thể trạng của con em mình mà chọn mua cho phù hợp. Cụ thể, với các trẻ mẫu giáo, nên chọn ghế có chiều cao khoảng 30 cm và bàn cao 50 cm. Còn đối với học sinh tiểu học (6-11 tuổi) thì chiều cao của bàn ghế cần điều chỉnh linh hoạt theo từng năm vì giai đoạn này trẻ lớn rất nhanh. Do đó, có thể chọn loại ghế cao khoảng 33 cm, bàn cao 55 cm hoặc ghế cao 38 cm, bàn cao 61 cm. Đối với học sinh cấp 2, có thể chọn ghế cao 44 cm, bàn cao 64 cm, Cũng theo ông Dụ, trong việc chọn mua bộ bàn học cho con em, các bậc phụ huynh có thể áp dụng công thức được các nhà nghiên cứu đưa ra là chiều cao của ghế bằng 0,27 chiều cao của trẻ, và tỷ lệ này đối với bàn học là 0,46.

Ông Dụ cũng khuyên các bậc phụ huynh không nên mua những loại bàn học bằng kính hoặc bằng kim loại vì có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Thay vào đó, nên sử dụng các loại bàn ghế có chất liệu bằng gỗ hoặc ván ép, có viền nhẵn bóng. Thông thường, một bộ bàn ghế cho trẻ mẫu giáo hoặc những lớp đầu cấp tiểu học có giá từ 700.000 đồng đến 1,5 triệu đồng, với các cấp học cao hơn sẽ có giá dao động trong khoảng 1-3 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Dụ cho rằng, phụ huynh nên mua bàn ghế dưới 2 triệu đồng/bộ để tiết kiệm chi phí phòng khi trẻ lớn quá nhanh, buộc phải thay bộ bàn ghế mới. Ngoài ra, với những gia đình có hai trẻ cách nhau khoảng 3-4 tuổi thì có thể “tái sử dụng” bàn ghế bằng cách tân trang.

Về việc bố trí bộ bàn học trong không gian của căn phòng, kiến trúc sư Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn thiết kế Tỷ Lệ Vàng (quận Bình Thạnh, TPHCM), cho rằng quan trọng nhất là vị trí đặt bàn học.

Cụ thể, ông Châu cho rằng không nên đặt bàn học tại cửa sổ vì lâu dài, điều đó sẽ không tốt cho sức khỏe của trẻ bởi ánh sáng của tự nhiên không phải lúc nào cũng tốt. Ngoài ra, trẻ sẽ có tâm lý rụt rè, đề phòng nếu hướng mắt nhìn luôn đối diện trực tiếp với cửa sổ. Do đó, nên đặt bàn học dựa vào một góc tường gần cửa sổ, thoáng khí và kế bên bàn học sẽ được bố trí giường ngủ. Cũng theo ông Châu, bàn học không nên đặt ở vị trí nhìn thấy đầu tiên khi bước vào từ cửa căn phòng vì điều này cũng ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ khi đang ngồi học bài.

Thông thường, các loại bàn học hiện nay sẽ có thêm những giá sách gắn liền với bàn. Tuy nhiên, các giá sách này thường nhỏ và sẽ không đủ để đựng hết sách vở, đồ dùng của trẻ trong nhiều năm học. Do đó, ông Dụ ở cửa hàng Nam Khôi cho rằng, phụ huynh nên mua thêm một giá sách riêng đặt kế bên bàn học để trẻ có thể đựng các loại sách vở cũ từ những năm học trước hoặc sách tham khảo, truyện tranh…

 Vị trí đặt bàn học trong một căn phòng cho trẻ chừng 20 m². Ảnh: Nguyễn Văn Châu
Vị trí đặt bàn học trong một căn phòng cho trẻ chừng 20 m². Ảnh: Nguyễn Văn Châu

Không gian học tập sáng tạo

Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung, trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TPHCM), tính tập trung của trẻ học mẫu giáo hoặc tiểu học chưa cao vì hay bị phân tán bởi nhiều yếu tố như sức khỏe (học lâu bị mệt, đói bụng) hoặc những yếu tố giải trí (xem phim hoạt hình trên ti vi, các bạn đồng lứa đi chơi trong khi mình học, thích nói chuyện khi học bài)… Do đó, bà Nhung cho rằng phụ huynh nên đảm bảo loại trừ mọi “yếu tố gây nhiễu” khi trẻ đang học bài, làm bài ở nhà, đồng thời góc học tập nên thoáng đãng để trẻ không có cảm giác ngột ngạt, trang trí những màu sắc, tranh ảnh rực rỡ, liên quan đến các thần tượng, anh hùng của trẻ và những vật trang trí này nên thay đổi theo học kỳ hoặc theo năm học để trẻ không cảm thấy nhàm chán.

Kiến trúc sư Châu thì khuyên phụ huynh nên hướng dẫn con em trang trí không gian học tập một cách sáng tạo theo từng chủ đề. Cụ thể, nếu trẻ thích một nhân vật trong truyện tranh hay phim hoạt hình thì tất cả các màu sắc của căn phòng, bàn ghế, các vật dụng như hộp bút, bảng… có đường nét, màu sắc liên quan đến nhân vật đó. Điều này sẽ kích thích sự sáng tạo và say mê học tập cho trẻ. Dĩ nhiên, chủ đề này sẽ thay đổi theo thời gian, theo độ tuổi vì trẻ con thường chóng chán.

Ngoài ra, ông Châu cho rằng màu sắc của bộ bàn học cũng có ảnh hưởng lớn đến sự sáng tạo và tập trung của trẻ trong việc học. Theo ông Châu, màu sắc của bàn ghế không nên quá nhiều màu, lòe loẹt bởi sẽ gây mất tập trung, đồng thời phá vỡ không gian của căn phòng. Do đó, phụ huynh cần cân đối hài hòa các sắc màu đã có trong căn phòng như màu sơn tường, màu của giường, tủ quần áo… để chọn mua bàn ghế có màu phù hợp. Tốt nhất, phụ huynh nên chọn bàn ghế có màu nhẹ như xanh lá cây, vàng nhạt hay màu đỏ nâu cho trẻ nhỏ học mẫu giáo, tiểu học. Với các cấp học lớn hơn, khi trẻ đã bước vào tuổi thiếu niên thì màu sắc càng tối giản càng tốt như màu xám, màu gỗ tự nhiên.

Đừng theo dõi con như thám tử

Hiện nay, hầu hết các bậc phụ huynh đều quan tâm đến việc học hành của con một cách kỹ lưỡng và kiểm soát việc học để tránh tình trạng chúng sa đà vào những yếu tố dễ gây xao lãng như chơi game, xem phim, tham gia quá đà vào các mạng xã hội…

Tuy nhiên, bên cạnh những cách kiểm soát có chừng mực và khoa học thì nhiều bậc phụ huynh lại có những biện pháp kiểm soát một cách quá chặt chẽ như làm lỗ kính ở cửa để theo dõi con, hoặc thường xuyên vào phòng con đột xuất để kiểm tra xem con đang học hay đang làm chuyện khác…

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung đánh giá, những hình thức kiểm soát này sẽ không mang lại hiệu quả vì trẻ có cảm giác bị cha mẹ theo dõi, nên sẽ nảy sinh tư tưởng chống đối hoặc “qua mặt” bằng rất nhiều hình thức mà chỉ có chúng mới nghĩ ra được.

Theo bà Nhung, ngày nay trẻ em thường hình thành ý thức cá nhân rất sớm nên những hình thức kiểm soát như trên có thể khiến cho trẻ cảm thấy không được tôn trọng hoặc cho rằng cha mẹ đang xâm phạm đời sống cá nhân của mình một cách quá đáng.

Do đó, bà Nhung khuyên phụ huynh thay vì bố trí góc học tập quá riêng tư, khép kín thì nên thiết lập góc sinh hoạt học tập-làm việc của cả gia đình để phụ huynh có thể dễ dàng và công khai kiểm soát trẻ. Tại góc học tập-làm việc này, phụ huynh nên đưa ra những quy tắc cho trẻ và chính mình cũng phải thực hiện nghiêm túc như cả nhà cùng học tập, làm việc, đọc sách… trong một khoảng thời gian nhất định.

Điều này sẽ giúp trẻ có cảm giác mình không bị bắt buộc phải học trong khi cha mẹ hoặc anh chị em khác đang giải trí, thoải mái chơi game, xem ti vi… Từ đó, phụ huynh có thể theo sát việc học của con em rất tiện lợi mà không tạo áp lực tâm lý với trẻ.

Ngoài ra, bà Nhung cho rằng việc học của trẻ ngày nay gắn liền với khá nhiều thiết bị công nghệ nên việc tách trẻ khỏi các thiết bị này gần như là nhiệm vụ “bất khả thi”. Do đó, phụ huynh chỉ có thể hạn chế trẻ tiếp cận những thiết bị này trong thời gian học hành chứ khó có thể (và cũng không nên) cấm hoàn toàn. Hiện nay, phụ huynh có thể sử dụng các phần mềm giúp quản lý lịch sử lên mạng của con cái hoặc thiết lập thời gian lên mạng để kịp thời điều chỉnh cho con em mình đảm bảo đúng “giờ nào-việc đó”.

Tùng Lê

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Khởi động chương trình thể thao vì cộng đồng cho thanh...

0
(SGTT) – Để khuyến khích học sinh, sinh viên, người yếu thế xây dựng thói quen vận động, tập luyện và tiếp cận được...

Thế giới riêng: Nhiều kết nối, nhiều ảo tưởng

0
(SGTT) - Ngày nay, khung cảnh sum vầy của bữa ăn gia đình Việt Nam đã bị công nghệ tước đi một cách dễ...

Phát hiện không ít mối quan ngại về bữa sáng của...

0
Sau khảo sát dinh dưỡng Đông Nam Á (SEANUTS II), Viện Dinh dưỡng quốc gia đã công bố thực trạng dinh dưỡng phổ biến...

Sân chơi cho trẻ em TPHCM: Nhiều mà vẫn thiếu

0
(SGTT) - Tại TPHCM, sân chơi cho trẻ em khá đa dạng từ các công viên công cộng đến các khu vui chơi trong...

Các khu vui chơi thu hút đông đảo ‘thượng đế nhí’...

0
(SGTT)- Vào dịp Quốc tế thiếu nhi năm nay, nhận được thông tin ưu đãi từ các địa điểm như Suối Tiên, Thảo Cầm...

Nhịp tim Việt Nam giúp chữa lành 10.000 trái tim trẻ...

0
(SGTT) – Qua 17 năm, chương trình Nhịp tim Việt Nam do tổ chức VinaCapital Foundation (VCF) thực hiện đến nay đạt cột mốc...

Kết nối