Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024

Giữa mùa dịch Covid-19, shipper trở thành “thợ đụng”

(SGTT) – Sáng sớm ngày 17-8, đường phố Sài Gòn có vẻ đầy sinh khí hơn bởi một số cơ sở sản xuất thực phẩm và dịch vụ thiết yếu được hoạt động trở lại. Cũng trong mùa giãn cách này, tôi lại kiêm thêm nghề sửa máy lạnh bất đắc dĩ.
Shipper giúp chở cơm từ thiện. Ảnh: Nguyễn Văn Mỹ

Nói về cánh shipper, tôi thấy mặt ai cũng tươi rói vì không còn phải rối ren khai báo “Di chuyển nội địa” mà còn được ship hàng liên quận. Trước đây vẫn tranh thủ được nhưng phải lách đường, tìm lý do hợp lý và trông chờ lực lượng chốt chặn du di. Thành phố nhộn nhịp hơn nhưng nguy cơ lây nhiễm cũng cao hơn. Nguồn cung cấp thực phẩm dồi dào hơn, không khí bớt ngột ngạt nhưng âu lo cũng nhiều hơn.

“Tát nước theo mưa”, một số người tranh thủ bung ra đường với đủ thứ lý do và giấy tờ hợp lệ. Từ giấy công vụ (nhưng đi làm việc riêng) cho đến giấy đi đường (nhân viên giao nhận nhưng không quy định mặt hàng). Có những cặp đôi vô tư luồn lách chốt, có khi không thèm đội nón bảo hiểm. Nhân viên chốt chặn chỉ nhắc nhở, buộc quay xe chứ không thể xử phạt (trách nhiệm này của cảnh sát giao thông).

Ngoài nghề bán gạo, nước mắm, mật ong, cá, thịt, tôi vừa có thêm nghề sửa máy lạnh. Có lẽ dùng nhiều hơn ngày thường nên mấy thứ này lại nhanh hỏng. Lò viba không nóng, tôi gọi điện thoại mấy tiệm sửa đều ò, í, e; thật ra tiệm đóng cửa, thợ về quê. Trong khi đó, máy lạnh trở chứng, cái thì không lạnh, cái thì chảy nước. Trước đây chỉ alo là thợ tới nhà ngay nhưng giãn cách, thợ không có giấy đi đường. Gọi ban quản lý chung cư thì được báo “Bộ phận kỹ thuật tạm nghỉ” nên đành tự làm thợ.

Sau khi điện thoại, được hướng dẫn kỹ, tự làm luôn. Tính chỗ nào bí sẽ dùng Facetime (ứng dụng gọi video trực tuyến của Apple) nhờ chỉ trực tuyến. Mày mò một lát cũng khắc phục được, không cần tới Facetime. Thì ra, mấy việc này không khó, chẳng qua do lâu nay ỷ lại vào thợ, không ngờ dịch bệnh buộc mình phải trổ tài và nhận ra là mình cũng không quá tệ.

Vẫn tiếp tục công việc làm shipper, tôi xin có thêm mấy góp ý về dịch Covid-19

1. Chủ trương mở cửa dần là hợp lý nhưng phải đảm bảo an toàn cho cư dân, cần siết lại việc di chuyển. Mua vài cái bánh cam, ly chè hay trà sữa, bánh ngọt và trái cây ngoại… mà phải đi liên quận trong khi cả thành phố giãn cách thì vô lý. Chỉ ưu tiên gạo, nước chấm, rau, cá, thịt, mì gói, bánh mì, tàu hủ… các món ăn vặt, ăn chơi cần hạn chế. Nhìn xe, thùng hàng, đồ nghề là biết ngay hàng thiết yếu hay không.

2. Thành phố vừa có những chủ trương rất ý nghĩa như “Hỗ trợ tiền trọ và lương thực cho các hộ khó khăn trong tháng 8 và tháng 9”; “Phát hiện F0 nhẹ hoặc không triệu chứng là cách ly ngay tại nhà, kèm túi thuốc và túi an sinh” cho từng hộ. Cần có ngay những biện pháp cụ thể và quy định trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện các chính sách an dân này. Làm đúng và công bằng thì dân an, yên tâm ở lại. Việc rời thành phố, phải có kế hoạch cả nơi đi và nơi đến chứ không thể tự phát.

3. Đang giãn cách xã hội, đường phố vắng, xe cứu thương chỉ cần chớp đèn và bấm còi lúc cần thiết. Không hụ còi inh ỏi như báo động dồn dập, tạo cảm giác chết chóc thường trực. Có những người già khó ngủ còn đếm được mỗi tối có mấy chục xe cứu thương qua nhà mình. Đêm khuya thanh vắng, còi hú ầm ĩ như tra tấn tinh thần người yếu bóng vía, tôi còn thấy một xe chở rau và một xe bảng số xanh cũng hụ còi ưu tiên.

4. Giảm nhân sự, bớt chốt chặn ngoài đường; tăng cường lực lượng quản lý tại khu phố, ấp, tổ dân phố dạng tự quản. Chốt chặn đường phố là của cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động, công an chính quy. Huy động toàn bộ hệ thống chính trị, các đoàn thể, hội nghề nghiệp cùng hợp lực với chính quyền địa phương, cụ thể là UBND phường xã chống dịch.

Lấy khu phố, ấp và tổ dân phố làm đơn vị tự quản, từ việc tự quản giãn cách xã hội, chăm sóc F0 tại nhà đến việc tương trợ bà con lối xóm. Các khu nhà trọ công nhân, sinh viên, cư xá bình dân thì điều thêm lực lượng hỗ trợ thiết thực. Cách làm này giảm áp lực “Trăm dâu đổ đầu phường xã”, thực tế, một số nơi đã làm rất tốt. Giãn cách từ tổ dân phố chứ không chỉ ngoài đường.

5. Ngoài shipper kinh doanh, tôi có làm thêm shipper từ thiện. Hôm qua, đi Thủ Đức nên nhờ xe bán tải của học trò, cũng là nhóm thiện nguyện chở giúp giao được 600kg (mỗi phần 5kg) để nhà tài trợ tặng hộ dân. Hôm nay, đi nội thành, dự kiến tự ship 500kg tặng bếp ăn từ thiện. Bếp ăn này vốn là tiệm cơm chay ở quận 10, dịch bệnh đóng cửa, nấu luôn đồ mặn từ thiện. Ban đầu chỉ vài trăm suất mỗi ngày, giờ lên tới gần 2.000 suất, hoạt động liên tục suốt 70 ngày qua. Vừa mới chở được 150kg, tôi báo nhà tài trợ tạm ngưng vì nhà kho của bếp chất đầy gạo, phải điều bớt qua bếp khác.

Đa phần, nhà tài trợ muốn tặng hiện vật, người nhận tài trợ muốn nhận tiền. Hỏi thì bảo cho gì cũng lấy. Lắm khi người vận động tài trợ cũng không nắm rõ thực tế nên đôi bên dễ hiểu lầm nhau. Để tránh tình trạng thừa, thiếu bất cập; khi vận động tài trợ nên nói rõ mặt hàng ưu tiên. Nhà tài trợ tự mua hoặc nhờ mua cũng được nhưng phải minh bạch, cần thiết có bộ phận điều phối giữa các địa phương (của cho không bằng cách cho và thời điểm cho).

Những đội tình nguyện, những bếp từ thiện này, đã chia sẻ bớt gánh nặng an sinh cho thành phố, thiết thực giúp nhiều người vượt qua ngặt nghèo, rất cần được biểu dương và khuyến khích.

Shipper Nguyễn Văn Mỹ (Chủ tịch Lửa Việt Tours)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Lượng hàng tồn trên thế giới tăng gần 30% so với...

0
(SGTT) - Lượng hàng tồn trên toàn cầu đạt 2.200 tỉ đô la vào tháng 3-2023, mức cao nhất trong 10 năm. Đến tháng...

Chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B

0
Trong phiên họp thứ 20 diễn ra chiều 3-6, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thống nhất chuyển bệnh Covid-19 từ...

Các loại vaccine phòng Covid-19 “made in Vietnam” giờ ra sao?

0
(SGTT) - Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020, các công ty trong nước tham gia quá trình nghiên cứu và phát...

Đà Nẵng: Chợ Hàn hút du khách trở lại sau hai...

0
Chợ Hàn – ngôi chợ truyền thống tại Đà Nẵng được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến – bắt đầu thu...

Khi nào đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc?

0
Hôm 5-5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với đại...

Đại dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y...

0
Tối ngày 5-5 (giờ Việt Nam), Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus chính thức tuyên bố đại...

Kết nối