Thứ năm, Tháng mười hai 12, 2024

Gia hạn đăng ký lưu hành thuốc hết hiệu lực

Quốc hội đồng ý gia hạn đăng ký lưu hành một số loại thuốc, nguyên liệu hết hiệu lực đến hết năm 2024. Theo Bộ Y tế, có hơn 9.000 số đăng ký thuốc hết hạn ngày 31-12-2022, nếu không gia hạn kịp thời, bệnh viện không được đảm bảo thuốc sẽ dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh phục vụ người dân.
Nếu không gia hạn đăng ký lưu hành một số loại thuốc, nguyên liệu kịp thời, bệnh viện không được đảm bảo thuốc sẽ dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh. Ảnh minh hoạ: M.T

Kỳ họp bất thường lần thứ hai Quốc hội khóa XV đã thông qua nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết hiệu lực.

Theo TTXVN, đăng ký lưu hành được gia hạn đến hết năm 2024 gồm: Thuốc, nguyên liệu làm thuốc bị thu hồi theo quy định của pháp luật về dược; thuốc có dấu hiệu không an toàn cho người sử dụng mà bị tạm ngừng kinh doanh, sử dụng và niêm phong bảo quản; thuốc đăng ký lưu hành thời hạn 3 năm.

Ngoài ra, chính sách chi trả công tác phòng, chống dịch của cơ sở y tế, cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 và chế độ đối với người được điều động, huy động tham gia phòng, chống dịch được kéo dài hết năm 2023. Kinh phí được chuyển nguồn sang để thanh toán và hạch toán, quyết toán vào niên độ ngân sách năm 2023.

Quốc hội cũng đồng ý tiếp tục thanh toán chi phí phòng, chống dịch cho cơ sở y tế và chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh Covid-19 theo Nghị quyết 268/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và văn bản liên quan đến hết năm 2023.

Đối với nhiệm vụ phòng, chống dịch đã thực hiện theo các quy định Nghị quyết 30/2021/QH15, Quốc hội yêu cầu khi thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, thanh toán, quyết toán và hoạt động thi hành pháp luật khác cần đối chiếu, áp dụng theo đúng quy định đặc thù tại nghị quyết này.

Quốc hội cũng giao Chính phủ rà soát và xử lý việc mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế, phòng dịch bệnh diễn biến phức tạp; đưa số thuốc, vật tư, sinh phẩm đã mua từ ngân sách nhà nước cho khám bệnh, chữa bệnh Covid-19 chuyển sang khám bệnh, chữa bệnh thông thường.

Chính phủ tập trung xử lý vướng mắc trong thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh, chế độ, chính sách; mua sắm thuốc, vật tư, hóa chất đã thực hiện; rà soát khả năng dự báo, thúc đẩy nghiên cứu y sinh học, phát triển công nghiệp dược, vaccine, sinh phẩm, thiết bị y tế trong nước. Điều này giúp Việt Nam chủ động phòng, chống dịch bệnh, ứng phó với các biến chủng mới, bệnh nguy hiểm.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến tháng 12-2022, có hơn 9.000 số đăng ký thuốc (trên tổng số 21.000) hết hạn ngày 31-12-2022. Bộ Y tế nhận định nếu không gia hạn kịp thời, bệnh viện không được đảm bảo thuốc sẽ dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh phục vụ nhân dân.

Thái Huy
Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối