Thứ Ba, Tháng Mười 8, 2024

Ghé thăm ngôi đình hơn 300 năm tuổi, lâu đời nhất Sài Gòn

(SGTT) - Được xây dựng khoảng năm 1698, đình Thông Tây Hội được xem là ngôi đình cổ nhất ở TPHCM. Trải qua hơn 3 thế kỷ, từ thuở những người dân đầu tiên đến vùng Sài Gòn - Gia Định mở cõi, đình cổ Thông Tây Hội là nơi duy trì nhiều giá trị văn hóa, tín ngưỡng và kiến trúc truyền thống độc đáo.

Đình Thông Tây Hội tọa lạc tại số 319 Thống Nhất, phường 11, quận Gò Vấp, được xem là ngôi đình cổ nhất Sài Gòn, với hơn 3 thế kỷ gắn bó qua bao thăng trầm cùng người dân trên mảnh đất này.

Khu đình tọa lạc trên một khu đất rộng khoảng 1.500m², quay về hướng Đông, cổng xây theo kiểu tam quan. Đình được xây dựng với quần thể kiến trúc với hơn 150 cây cột, vẫn giữ được gần như nguyên vẹn cấu trúc và vật liệu xây dựng của những ngôi đình cổ ở Nam Bộ xưa.

Nét độc đáo nhất trong kiến trúc của đình thể hiện ở phần chính diện, gồm hai tòa nhà kiến trúc tứ trụ mái giáp nhau theo kiểu “trùng thiềm điệp ốc”. Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, ngôi đình đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa và có kiến trúc như hiện tại.

Một gian khác trong đình Thông Tây Hội thờ Bà Chúa Xứ cùng các vị Tiền hiền, Hậu hiền, Thần nông, Bạch mã thái giám... Với những giá trị kiến trúc độc đáo, đình Thông Tây Hội được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia vào ngày 26-9-1998.

Theo Trang tin điện tử Đảng bộ TPHCM, đình Thông Tây Hội thờ Thành Hoàng theo tục thờ thần của người Việt Nam. Vị thần chính được thờ trong đình là Đông Chinh Vương và Dực Thánh Vương là Hoàng tử con vua Lý Thái Tổ.

Giá trị văn hóa của đình Thông Tây Hội không chỉ nằm ở kiến trúc mà còn ở những hoạt động truyền thống được tổ chức hàng năm tại đây. Theo đó, lễ Kỳ Yên là lễ hội quan trọng nhất được tổ chức tại đình Thông Tây Hội, diễn ra vào ngày 14 và 15 tháng 8 Âm lịch hàng năm.

Đây là lễ hội mang ý nghĩa tâm linh, cầu quốc thái dân an và là nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân địa phương, thu hút đông đảo người dân khắp nơi về dự.

Người dân đến với Lễ Kỳ Yên, ngoài mục đích cầu phước, cầu tài... còn là dịp ôn lại truyền thuyết lịch sử ông cha ta khai hoang xây dựng và bảo vệ nước.

Phương Ly

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Nhiều người quan tâm



Cùng chủ đề