Thứ Năm, Tháng Tư 18, 2024

Gặp chàng sinh viên đam mê gìn giữ, quảng bá văn hóa áo dài Việt xưa

(SGTT) – Để mọi người dễ dàng hiểu rõ hơn về văn hóa xa xưa, Lương Hoài Trọng Tính cùng các thành viên trong Đại Nam hội quán đã tái dựng lại các lễ nghi, văn hóa và trang phục xưa.

Cảm hứng từ ông bà ngoại

Với niềm yêu thích những nét độc đáo của văn hóa ở Nam bộ xưa, anh Lương Hoài Trọng Tính 23 tuổi, hiện là sinh viên của trường Đại học Tôn Đức Thắng (TPHCM), đã thành lập ra Đại Nam Hội Quán (quận 3, TPHCM), cùng với những người bạn có niềm yêu thích văn hoá truyền thống. Họ đã cùng nhau đã tìm hiểu về văn hoá, nếp sống, lễ nghi của người dân Nam bộ và tổ chức chương trình biểu diễn tái hiện nếp sống xưa như đám cưới truyền thống Nam Bộ, nhạc lễ, đờn ca tài tử.

“Từ nhỏ mình sống với ông bà ngoại ở Trà Vinh, nên được thừa hưởng những giá trị văn hóa Nam bộ xưa. Được sống với nếp văn hóa xưa trong gia đình nên từ đó mình tự tìm tòi và học hỏi thêm từ sách và thêm yêu văn hóa Việt”, Trọng Tính chia sẻ.

Trọng Tính trong ngày hội Việt phục. Ảnh: Minh Hoàng

Mới đây, Đại Nam hội quán đã góp mặt trong ngày hội “Việt phục Tóc xanh – Vạt áo” được tổ chức tại trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM và được đông đảo bạn trẻ yêu thích.

Áo dài xưa và áo dài nay

Trọng Tính cho biết, trải qua nhiều năm tháng, áo ngũ thân (5 vạt) ngày xưa chính là tiền đề của áo dài ngày nay được mọi người mặc, được Trọng Tính tìm hiểu trong cách tựa sách như Việt Nam phong tục của tác giả Phan Kế Bính, Phong tục miền Nam của tác giả Vương Đằng và Tự vị tiếng nói miền Nam của tác giả Vương Hồng Sển. Đặc trưng dễ nhận biết nhất của áo dài Việt xưa chính là áo dài ngũ thân, có năm nút và cổ áo thường sẽ đứng.

Với quan niệm xưa về cách ăn mặc, thì mặc càng nhiều lớp áo càng thể hiện sự danh giá giàu có của gia chủ, các loại áo được dùng bằng vải tốt, may rộng rãi thể hiện sự giàu có đủ ăn đủ mặc. Áo dài xưa thường được người mặc phân làm hai loại, đó là áo thụng và áo chẹt.

Trang sức của phụ nữ Nam bộ xưa. Ảnh: Minh Hoàng

Áo thụng là loại áo được may rộng rãi, tay áo dài tới vạt váo thường dùng vào việc lễ nghĩa, tế tự được coi như là dạng lễ phục.

Còn áo chẹt là loại áo dài với dáng áo với tay áo ôm, vạt áo thường trên đầu gối một vài tấc với áo của nam giới, còn áo nữ thường độ dài có thể đến mắt cá chân. Áo chẹt có nghĩa là áo bận vừa vào người, xưa áo này dùng để bận thường ngày, sinh hoạt, ruộng đồng, đi bán chợ búa, đều dùng loại áo dài chẹt này, có thể coi đây là dạng trang phục thường ngày, Trọng Tính chia sẻ thêm.

Đối với nam giới đi kèm với một chiếc áo dài không thể thiếu một cái khăn vấn đầu, dùng để vấn thành các vòng trên đầu và trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, khăn đóng được làm sẵn như dạng cái nón để đội vào đầu cho tiện lợi, thay thế cho khăn vấn theo dạng truyền thống.

Những nét văn hóa xưa cũ được nhiều các bạn trẻ yêu thích. Ảnh: Minh Hoàng

Phụ nữ thường bới tóc tô điểm bằng các loại trâm, lược được làm bằng vàng, ngà, đi ra đường dùng nón, dù hoặc một vuông khăn buộc chéo xuống dưới cằm.

Trọng Tính cho biết: “Áo dài xưa và nay khác nhau hoàn toàn về chất liệu vải, thời xưa chất vải thường sẽ là vải gấm hay vải sa, còn với thời đại hiện nay, chất vải thường co giãn, mang lại sự dễ chịu nhất cho người mặc”.

Tái hiện không gian sinh hoạt xưa. Ảnh: Minh Hoàng

Áo dài hiện nay không còn rộng thùng thình mà được may nhỏ lại, được bóp eo, rộng rãi từ cổ áo và không còn may tay liền như áo dài truyền thống xưa, tà áo sẽ nhỏ vừa người và phô trương hình thể nhiều hơn so với áo dài xưa vạt áo sẽ che khuất cơ thể, mang lại sự kín đáo cho người mặc, Trọng Tính cho biết.

Ước mơ quảng bá rộng rãi văn hóa Việt xưa

Nói về những khó khăn trong quá trình tìm hiểu và phục dựng các lễ nghi, văn hóa, trang phục xưa, Trọng Tính cho biết, tất cả chi phí hoạt động của Đại Nam hội quán đều do các thành viên đóng góp.

Trọng Tính giới thiệu áo dài đến mọi người. Ảnh: Minh Hoàng

Đến nay, Trọng Tính cùng các thành viên trong Đại Nam hội quán đã tổ chức được các hoạt động phục dựng lễ cưới xưa, Tết xưa Nam bộ, cũng như phục dựng các trang phục văn hóa xưa và được đông đảo các bạn trẻ lẫn những người bạn quốc tế quan tâm.

Hiện nay, mong muốn lớn nhất của Trọng Tính và Đại Nam hội quán là sẽ quảng bá được hình ảnh tươi đẹp của Việt Nam với bạn bè quốc tế và những người Việt yêu quý giá trị văn hóa Việt xưa. Nhóm cũng mong muốn tìm được những người đồng hành cùng phát triển hơn nữa những dự án liên quan đến văn hóa của người Việt.

Minh Hoàng

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

800 mẫu Áo dài được trình diễn trong ‘Lễ hội Áo...

0
(SGTT) - Tối 7-3, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TPHCM), Lễ hội Áo dài TPHCM lần thứ 10 năm 2024 với...

Nhiều hoạt động tại lễ hội áo dài TPHCM năm 2024

0
(SGTT) - Năm nay, lễ hội áo dài TPHCM sẽ diễn ra từ ngày 7 đến 17-3-2024. Người dân và du khách có thể...

Những mẫu áo dài Tết đang thịnh hành trước thềm năm...

0
(SGTT) - Áo dài không chỉ là trang phục truyền thống, mà đã dần trở thành thiết kế được giới trẻ ưa chuộng khi...

Áo dài in 3D, thêu tay được ưa chuộng mùa Tết...

1
(SGTT) - Cuối năm, nhiều cửa hàng trên địa bàn TPHCM lại tất bật cho ra mắt những bộ sưu tập áo dài Tết...

Bảo tàng Áo Dài – gìn giữ văn hóa cổ truyền...

0
(SGTT) – Cách trung tâm thành phố khoảng 30km, tọa lạc trên cù lao phường Long Phước, TP Thủ Đức, trong quần thể không...

Cửa hàng áo dài 0 đồng: ‘Ai thừa đến cho, ai...

0
(SGTT) - Tại TPHCM, có một cửa hàng áo dài rất đặc biệt, chỉ có giá 0 đồng. Hằng ngày, nơi đây sẽ nhận...

Kết nối