Thứ Tư, Tháng Mười 9, 2024

Duyên nợ với ghe bầu

Thanh Quang

Ghe bầu – loại thuyền buồm đi lại trên biển, nhờ đó mà xưa kia xứ Đàng Trong phát triển mạnh giao thương đường thủy, mở rộng quan hệ giữa miền Trung và miền Nam, cùng với hành trình mở cõi của cư dân Việt; biến vùng đất phía Nam nhanh chóng trở nên giàu có. Ở Phú Yên có lão ngư dân tên Lương Thững là một trong số ít người còn biết đến kỹ thuật đóng ghe bầu. Ngoài việc đóng mới, sửa chữa tàu thuyền cho ngư dân ra khơi, nhiều năm qua ông còn say mê đóng những chiếc ghe bầu mô hình, như những di vật giữ lại cho con cháu một cách sống động.

Làng biển Đông Tác nằm ở hạ lưu sông Ba, tỉnh Phú Yên, một trong những nơi hình thành nghề biển khá sớm ở các tỉnh Nam Trung bộ. Cứ hai ba ngày, người trong làng lại thấy lão ngư dân Lương Thững có mặt ở xưởng đóng tàu của mấy người con trai. Ông là người thợ đã đóng không biết bao nhiêu chiếc ghe bầu ngày trước.

Một thời của thuyền trưởng ghe bầu

Ghe nhỏ và thúng là những phương tiện đánh bắt gần bờ hoặc nó như những chiếc “taxi” chuyển hàng ra tàu lớn đánh bắt xa bờ ở Phú Yên.
Ghe nhỏ và thúng là những phương tiện đánh bắt gần bờ hoặc nó như những chiếc “taxi” chuyển hàng ra tàu lớn đánh bắt xa bờ ở Phú Yên. Ảnh: Mai Lĩnh

Với chiếc ghe bầu, ông Lương Thững đã đi khắp các vùng biển từ Đà Nẵng đến Cần Thơ. Ông hay nói vui rằng ông xem biển đảo là nhà, còn gia đình là quán trọ, bởi dạo ấy ông là thuyền trưởng, ngày tháng lênh đênh trên biển, rất ít khi ở nhà được lâu. Ông tâm sự: “Hồi đó, đi một chuyến từ Phú Yên vào Cần Thơ để chở gạo mất cả tháng trời, nếu trời không thuận thì mất hơn tháng rưỡi, toàn là ghe bầu chớ đâu có xe cộ như bây giờ, còn tàu lửa là nó tới Sài Gòn thôi mà! Khi gặp sóng to, gió lớn, tui phải neo thuyền tránh bão, làm cho chuyến đi càng kéo dài ngày thêm”.

Thời đó, ông lái ghe bầu cho lái buôn chở gạo, mắm, muối, cá, vải vóc… mua đi bán lại ở nhiều địa phương từ Đà Nẵng xuống tận Cà Mau. Lênh đênh trên biển, rày đây mai đó mãi nên vợ con không vui, vì vậy ông quyết định chuyển sang nghề đóng ghe bầu. Năm 25 tuổi, chàng trai làng biển Đông Tác bắt đầu đi làm công cho các xưởng đóng ghe bầu nổi tiếng tại Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận... Đến năm 35 tuổi, Lương Thững trở về làng biển Đông Tác mở xưởng để đóng ghe bầu, tàu thuyền cho ngư dân. Cùng với Sông Cầu, Đông Tác trở thành địa phương thứ hai ở Phú Yên sớm hình thành nên nghề đóng loại ghe từng nổi tiếng khắp xứ Đàng Trong. Theo ngư dân Huỳnh Rin cùng nhiều người ở lạch Đông Tác, tại các làng biển hiện nay không còn ai biết nghề và có thể đóng được ghe bầu truyền thống như ông Thững.

Không còn lênh đênh trong lộng, ngoài khơi, không còn những chuyến biển dài ngày, nhưng nghề đóng và sửa chữa tàu thuyền cũng giúp ông được mãn nguyện sống, chết với nghề. Từ năm 1968, ông đã mày mò, độ chế ra tời kéo ghe lên bờ bằng sức người như kiểu che ép mía thủ công ở miền Trung. Không hiệu quả, ông trốn vợ con mấy ngày liền rong ruổi khắp nơi để tìm mua máy nổ, dụng cụ về làm chiếc tời kéo ghe bằng máy, chạy trơn tru cho tới bây giờ.

Lão ngư dân Lương Thững không nhớ mình đã đóng, đã sửa bao nhiêu chiếc ghe bầu, bao nhiêu chiếc tàu câu cá ngừ đại dương. Bốn người con trai của ông đều nối nghiệp cha một cách thành thạo. Nhớ nghề, ông lại có mặt ở xưởng như một vị tổng lái, hướng dẫn con cháu hợp sức đưa ghe thuyền lên sửa chữa, rồi hạ thủy, ra khơi…

Có một câu chuyện mà ông vẫn giữ kín trong lòng suốt 50 năm qua. Đó là việc ông sửa một chiếc tàu vận chuyển lương thực, vũ khí mà địch không hề hay biết trong hải trình của những con tàu không số huyền thoại trên đường cập vào bến Vũng Rô. Ngày đó, giữa lòng địch, ông giữ kín được chuyện sửa chữa tàu cho cách mạng quả là một điều không dễ.

Lão ngư dân Lương Thững với những chiếc ghe bầu, tàu câu cá ngừ đại dương mô hình trong nhà mình.
Lão ngư dân Lương Thững với những chiếc ghe bầu, tàu câu cá ngừ đại dương mô hình trong nhà mình.

Lão ngư dân 85 tuổi đóng tàu không bản vẽ

Nhà của lão ngư dân Lương Thững ở phường Phú Đông, Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Nhiều năm qua, người trong làng quen với hình ảnh ông ngày ngày cặm cụi bên những chiếc tàu mô hình. Những thăng trầm trong cuộc đời ông, đều trải dài theo con sóng. Nhớ biển, nhớ nghề, ông dốc hết tuổi xế chiều làm những chiếc tàu mô hình, giữ lại hình ảnh chiếc ghe bầu cho con cháu. Gọi là tàu mô hình, nhưng những chiếc ghe bầu, những chiếc tàu câu cá ngừ đại dương hiện đại… đều không thiếu một chi tiết nào. Cũng buồm mũi, buồm lòng, buồm ưng, cũng thắt đọt nhất, đọt nhì, cũng lèo ngọn, lèo trôn, dây óc giằng… đủ cả.

Ở tuổi 85, ông vẫn còn minh mẫn, “phẻ re” – nói theo kiểu dân làng biển. Ăn sóng, nói gió mới hơn 10 tuổi, ngược xuôi cùng những chuyến ghe bầu suốt hơn 20 năm, biển cho ông sức khỏe làm không ít người thèm thuồng. Ông đóng ghe bầu hay tàu câu cá ngừ đại dương, dù là ghe thật hay mô hình, đều thuộc lòng từng công đoạn, từng chi tiết. Ông làm với tất cả tấm lòng mà nghề biển đã cưu mang cả đời ông, không cần một bản vẽ kỹ thuật nào cả.

Đồng tiền ở quê còn chật vật, lão ngư dân Lương Thững vẫn chắt chiu cả chục triệu đồng cho mỗi chiếc ghe bầu mô hình dài tới 3-4 mét, ròng rã mấy tháng trời mới xong một chiếc. Đội tàu thuyền hơn chục chiếc lớn nhỏ của ông chỉ cần gắn động cơ vào là chạy rào rào, như những đoàn ghe bầu mà ông đã từng vào Nam ra Bắc. Khó nhất trong đóng ghe bầu, còn gọi là sa lái, tức thuyền buồm ngày xưa, là đóng dàn đà, xỏ và tính chiều cao, chiều rộng để con thuyền cân bằng mỗi khi gặp sóng to gió lớn. Nhiều tỉnh Nam Trung bộ bây giờ gần như không còn thợ đóng ghe bầu. Ông đã làm công việc của những nhà bảo tồn: để lại cho làng những mô hình ghe bầu một thời ngang dọc.

Những tháng ngày không còn lênh đênh trên biển, ông chỉ có hai điều say mê là đóng tàu mô hình và trồng sứ, loài hoa mà hễ cứ càng nhiều nắng gió từ biển thổi vào, chúng lại rực rỡ một cách lạ thường.

Những lúc rảnh rỗi, ông lại cùng mấy đứa cháu ngồi ngắm những con tàu mô hình hay đón bình minh trên làng biển Đông Tác. Có thể, sau này bọn trẻ sẽ xa làng, xa biển, đi đâu đó học hành rồi mưu sinh, không còn theo nghề ông cha một thuở. Nhưng ký ức về những làng biển miền Trung trong tuổi thơ chúng chắc mãi mãi là những hình ảnh đẹp. Vì trăm năm trước, ông bà, tổ tiên ở những làng biển này đã biết đóng những chiếc ghe bầu ngược xuôi trên biển. Trong hành trình mở biển cho vụ cá Nam mới, lão ngư dân Lương Thững như nghe trong gió biển thanh âm của câu hò Bá Trạo vọng về từ trăm năm trước:

         Ra tay bốn biển giữ gìn

       Phong ba đem lại thanh bình mới thôi...

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Vùng biển dã của ngư dân “chạy gió”

0
Nguyễn Vĩnh Nguyên Hầu hết ngư dân duyên hải miền Trung hễ nghe biển động là rầu, chỉ có ngư dân ở làng biển Sơn...

Biển ngàn đời, chợ cũng bao đời

0
Tư Miền Biển Khách du lịch đến Nha Trang có thể gặp những con đường mang tên Bến Cá, Hàng Cá, Bến Chợ ngay giữa...

Cây tỏi cô đơn

0
Hoàng Việt Hằng Có một người ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) ra Hà Nội mưu sinh mang theo cây tỏi một tép mà dân...

Lạc nghiệp với nghề đóng thúng chai

0
Nguyễn Vinh 30 năm nay, ở xóm Gò (Đông Hải, Phan Rang, Ninh Thuận) có ông Bảy Nam nổi tiếng với nghề làm thuyền thúng...

Nạo vạn nơi vùng biển địa đầu

0
Khánh Tường Người dân Trà Cổ ở địa đầu Tổ quốc gọi nghề cào ngao (nghêu) trên vùng biển giáp biên với Trung Quốc bằng...

Người không bán giấc mơ

0
Nam Thụ Gầy và đen như một nông dân chính gốc, khó ai nhìn ra anh là họa sĩ Trần Hùng, một giám đốc nghệ...

Kết nối