Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024

Lên “mây”… họp chợ

Chí Thịnh

Bên cạnh những ngôi chợ truyền thống tồn tại từ rất lâu, đến nay chợ đã có thêm nhiều hình thức hiện đại. Ngoài siêu thị còn có trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi; ngoài chợ chui xuống đất thì còn có chợ leo… lên “mây”. Nói ví von “chợ trên mây” để chỉ rằng bây giờ việc giao dịch mua bán hàng hóa đang ngày càng phát triển mạnh mẽ trên không gian mạng. Ở đó người ta “đi chợ” chỉ cần thông qua cái máy tính và những cú nhấp chuột…

Mô hình chợ trên mạng đã sớm manh nha cách đây khoảng 6-7 năm với sự hình thành các chủ đề (topic) mua bán trên một số diễn đàn. Các topic này trải qua thời gian đã “tiến hóa” thành các gian hàng thu nhỏ trên các diễn đàn; sau đó lại xuất hiện thêm các chợ rao vặt trực tuyến (online), giúp người tiêu dùng mua cái cần dùng, bán những món cần thanh lý. Bên cạnh các “chợ nhỏ”, tức chợ rao vặt dành cho người tiêu dùng, còn có “chợ lớn” dành cho các doanh nghiệp muốn mở thêm cửa hàng bán lẻ trên… “mây”.

Lướt nhanh qua các trang bán hàng trên Facebook, diễn đàn, chợ rao vặt… có thể thấy người ta buôn bán “thượng vàng hạ cám”. Từ quần áo thời trang, điện thoại di động, laptop… đến nhà đất, xe hơi, máy móc công nghiệp… đều có mặt ở các khu chợ trên mạng. Kể cả các món ăn thường ngày như thực phẩm tươi sống, hải sản, cá kho… ngày nay cũng lên mạng để chào bán, tiếp thị.

Mua bán online ngày nay đã trở nên đơn giản. Muốn bán điện thoại di động, pin sạc dự phòng, quần áo thời trang… chỉ cần lên diễn đàn mở gian hàng hoặc tham gia vào nhóm mua bán online nào đó trên Facebook là xong. Một gian hàng online sẽ không cần mặt bằng đẹp xấu, không tốn tiền thuê nhân viên bán hàng…

cho-tren-may

 Chợ không mặt bằng

Chị Diễm Trang, nhân viên của một công ty công nghệ đã vô tình trở thành chủ nhân một gian hàng bán sản phẩm thời trang trên mạng sau khi lên mạng thanh lý được một số quần áo thời trang. Thay vì kiếm mặt bằng mở cửa hàng, chị đặt mua các bộ quần áo thời trang, tự chụp hình bằng smartphone và đăng tải trên Diễn đàn 5giay. Trung bình mỗi tháng việc làm tay trái này cũng mang lại doanh thu 10-20 triệu đồng.

Xuất thân từ một diễn đàn, đến cuối năm 2005, 5giay.vn (trước đó là 5giay.com) được Công ty Nhật Nguyệt phát triển thành một website mua bán trực tuyến với hình thức C2C (Customer to Customer). Kể từ đó, 5giay.vn đã trở thành diễn đàn đầu tiên sử dụng nền tảng forum làm website mua bán online với slogan quen thuộc “5 giây cho mỗi lần thấy”.

Ông Lưu Thanh Phương, Giám đốc Công ty Nhật Nguyệt, Quản lý Diễn đàn 5giay.vn nhớ lại năm 2008, khi số lượng thành viên tăng nhanh, máy chủ thường xuyên bị quá tải do lượng truy cập tăng lên. Thế là ông phải rút ruột 35 cây vàng từ số vốn hơn 40 cây vàng để mua chiếc máy chủ vào hàng to nhất vào thời kỳ đó.

cloud-3-copy

Một số thành viên trên 5giay.vn chủ yếu đi săn lùng nguồn hàng được nhiều người thích, chụp ảnh, viết bài giới thiệu và post (đăng bài) trên diễn đàn. Sau đó, khi có người đặt mua thì đi giao hàng và thu tiền tận nhà. Hiện nay, có đến hàng ngàn thành viên trên 5giay.vn đang buôn bán online theo kiểu như vậy.

Bên cạnh 5giay.vn, còn có một số chợ online như chodientu.vn, vatgia.com, enbac.com… Đây là các chợ mua bán online dành cho cộng đồng cư dân mạng, những người chỉ thích “lướt web chọn hàng”. Các chợ online này phải đầu tư nhiều giai đoạn để có được con số hàng triệu thành viên, hàng chục ngàn gian hàng, giao dịch hàng chục tỉ đồng… như ngày nay.

Nhớ lại chín năm về trước, ông Nguyễn Ngọc Điệp, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vật giá Việt Nam (sở hữu trang vatgia.com) nói: “Chúng tôi đầu tư theo từng giai đoạn và đến giai đoạn 3 thì vatgia.com đưa ra chính sách các gian hàng trả tiền để cạnh tranh lên hàng đầu cho các kết quả tìm kiếm, danh mục, sản phẩm… Hàng ngày, vatgia.com có khoảng một triệu lượt truy cập, tổng trị giá giao dịch hàng chục tỉ đồng”.

Chị Mai Lan, chủ một gian hàng tạp hóa trên mạng, kể: “Ban đầu, do có người nhà ở Campuchia nên cuối tuần thường tranh thủ sang đó tìm mua xe đạp cũ về bán lấy lời. Dần dần buôn bán quen tay, có thêm nhiều khách hàng nên mở rộng mặt hàng, bán luôn cả mỹ phẩm, quần áo thời trang, gốm sứ, hàng đặc sản… trên Facebook. Tôi bán được hàng chủ yếu là nhờ vào mấy ngàn người bạn thân, đồng nghiệp, đối tác của công ty… trên mạng xã hội này!”.

Một số thành viên trên các diễn đàn, những người bán hàng trên Facebook hoặc các chợ rao vặt sau một thời gian kinh doanh khấm khá, lại mở thêm cửa hàng và website. Việc tăng quy mô kinh doanh giúp họ có thêm khách hàng mới.

Ông Hoàng Giang, chủ một trang web kinh doanh trực tuyến tại TPHCM, nói rằng kinh doanh online không bị lệ thuộc vào mặt bằng tốt hay xấu, cho dù người bán ở trong hẻm nhưng vẫn kiếm được khách hàng. “Lúc trước, do chưa làm tốt việc phát triển cửa hàng offline nên tôi đã dùng hình thức bán hàng online để học cách bán hàng, tìm hiểu khách hàng, huấn luyện cho nhân viên; giảm thiểu rủi ro. Nếu khi đó mở cửa hàng ngay lúc mới ra nghề buôn bán sẽ lỗ nhiều hơn so với trải qua một thời gian tập bán hàng trên mạng”, ông Giang kể.

Tương tự ông Giang, chủ nhân một trang web mua bán online khác cũng nhận xét: đối với một ngành hàng mới, nếu mở cửa hàng ngay lập tức thì muốn hòa vốn cũng khó; thường sẽ lỗ nhiều hơn (chi phí đầu tư ban đầu vào mặt bằng, nhân sự…) so với kinh doanh online. Sau thời gian làm online quen tay, có sẵn khách hàng, khi mở cửa hàng thì chỉ cần trong vòng một tháng đầu là hòa vốn, tháng sau đã có lãi.

Chị Thu Hiền, chuyên bán quần áo thời trang online trên Facebook và một số diễn đàn đã 3-4 năm nay, cho biết phải tập bán hàng online để kiếm khách hàng, học hỏi kinh nghiệm… Sau một thời gian, có đủ vốn, chị mới mạnh dạn mở cửa hàng để kinh doanh offline.

Chợ lớn dè chừng chợ nhỏ

Kinh doanh ở các chợ trên mạng, về cơ bản sẽ có hai nhóm đối tượng chính. Thứ nhất là nhóm gian hàng kinh doanh chuyên nghiệp, thường đã có trang web riêng; thứ hai là nhóm gian hàng kinh doanh nhỏ lẻ, bao gồm các cá nhân mua bán trên các diễn đàn, chợ rao vặt, không sở hữu trang web riêng.

Ông chủ một website kinh doanh máy tính và thiết bị điện tử tại TPHCM cho biết, từ lâu đã quen với việc bán hàng trên diễn đàn và một số chợ rao vặt. Bán hàng online theo kiểu bình dân này đơn giản. Hàng tháng chỉ cần bỏ tiền ra thuê vị trí tốt trên các diễn đàn, chợ rao vặt, viết bài chào bán sản phẩm, thường xuyên trả lời khách hàng là xong.

Trong khi đó, các công ty đang sở hữu hệ thống siêu thị, chuỗi bán lẻ quy mô lớn thường sẽ không chọn kênh bán hàng online trên các diễn đàn, chợ rao vặt. Họ chủ yếu bán hàng online thông qua trang web bán hàng của mình. Thậm chí, họ đang bị cạnh tranh bởi kiểu mở chợ không cần mặt bằng trên các diễn đàn, chợ rao vặt đang nở rộ như nấm trên mạng.

Ông Trần Anh Tú, Phó giám đốc Ban bán hàng online của siêu thị điện máy HC, nhận xét rằng các gian hàng kinh doanh nhỏ lẻ trên mạng do không tốn phí mở mặt bằng, thuê người bán, nên có khả năng giảm giá bán để cạnh tranh với các cửa hàng, siêu thị. “Một người bán ở trong một cái ngõ nhỏ xíu, chỉ cần mở gian hàng trên Facebook, bán các mặt hàng điện máy với giá thấp là có thể thu hút khách hàng”.

Không chỉ có các hoạt động kinh doanh trên diễn đàn, chợ rao vặt, mạng xã hội… mà hiện nay còn bắt đầu phát sinh một số hoạt động mua bán, quảng cáo, tiếp thị trên các ứng dụng OTT (nhắn tin, nghe gọi qua Internet) như Viber, Zalo, KakaoTalk…. Đã có một số gian hàng được tạo lập trên các ứng dụng OTT này nhằm mục đích tiếp thị, bán hàng.

Một số công ty quản lý chợ ảo trên mạng, sàn giao dịch thương mại điện tử cũng bắt đầu lo ngại khi nhìn thấy số lượng người bán hàng trên Facebook ngày càng gia tăng. Việc mở gian hàng (trang cá nhân hoặc fanpage) trên Facebook hoàn toàn miễn phí, hàng tháng họ cũng chẳng mất tiền “mặt bằng” cho ông chủ Facebook!

Tuy nhiên, ông Phan Quý Long, Trưởng phòng quản lý hàng hóa của sàn chodientu.vn, cho rằng Facebook chỉ là một kênh quảng cáo của người bán đến với người mua; Facebook không thể cung cấp đầy đủ các công cụ bán hàng như các sàn thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Ngọc Điệp, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vật giá Việt Nam, cũng cho rằng Facebook không tập trung cung cấp được nhiều tính năng, trải nghiệm về mua sắm. Chẳng hạn về hàng công nghệ, để so sánh giá và chọn người bán uy tín thì Facebook không làm được, cho nên đối tượng bán hàng công nghệ trên sàn thương mại điện tử không bị ảnh hưởng.

Người bán hàng online ngày nay tha hồ mà kinh doanh với nhiều kênh bán hàng khác nhau, “sở hụi” hàng tháng lại thấp. Có những ông chủ chuỗi cửa hàng bán lẻ cũng đi lên từ các gian hàng kinh doanh online trên các diễn đàn, trang web mua bán trực tuyến…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Những ngôi chợ độc đáo ở TPHCM

0
(SGTT) - Chợ vốn dĩ là hình ản quen thuộc của biết bao người, ấy vậy mà ở tại TPHCM vẫn có những ngôi...

Tấm lòng của chợ

0
Ánh Tuyết Ngày còn bé, đường đến trường của tôi phải qua một cái chợ. Đó chỉ là vài chục cái lều lụp xụp lợp...

Ngẫm giữa chợ mai cuối năm

0
Xuân Huy Năm nào cũng vậy, cứ khoảng một tháng trước tết Âm lịch là tụi bạn quê lại gọi điện thoại hoặc nhắn tin...

Dạo chợ trong lòng đất

0
Như Quỳnh Xu hướng phát triển đô thị đang đưa những ngôi chợ truyền thống vượt ra khỏi chức năng đơn thuần là mua bán...

Chợ… đèn pin

0
Phạm Đình Quát Ngày nào cũng vậy, cứ tầm 3-4 giờ sáng là con đường Quang Trung, đoạn đầu đường dẫn ra bờ sông Thạch...

Chợ trôi

0
Nguyễn Ngọc Tư Ghe nước đá sáng sớm nhắn vói hai bờ, bảo dân xóm Rạch khỏi chờ, Tám Lê sẽ không tới nữa. Chiếc...

Kết nối