Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Thư cuối năm gửi con gái

BS. Phan Trung Vân

Nếu đời người cũng có xuân hạ thu đông như bao năm tháng thì đây là bức thư cuối năm ba gửi cho con – một bác sĩ trẻ tuổi nghề và mới bắt đầu những ngày mùa xuân trong cuộc sống.

Cuối năm, trời Sài Gòn bỗng trở lạnh làm ba nhớ quê nhà. Mùa này Huế mình mưa và lạnh lắm. Nhớ đến ray rứt bụi tre đầu xóm, con lạch (ngoài mình gọi là con hói) uốn khúc quanh thôn, nhớ từng con đường cỏ mọc đầy vết chân trâu. Lâu lắm rồi, cả gia đình mình chưa về quê ăn tết và thăm viếng bà con, thắp vài nén nhang trên mộ phần tổ tiên, dòng họ. Ở tuổi đang chuẩn bị những ngày mùa đông của đời mình, ba bỗng thèm sống lại một cái tết ở làng quê nghèo, bên bà con thân thuộc mà gia đình mình đã có dịp về thăm, khi các con còn nhỏ.

Bây giờ con đã là bác sĩ, ba thật sự vui khi thấy con nhiều trăn trở về từng ca bệnh trong phiên trực. Bình tĩnh nghe con. Ai rồi cũng vậy thôi. Kỹ năng, kinh nghiệm kiến thức của thầy thuốc không thể có đầy trong một sớm, một chiều. Nếu có kiên trì và luôn hết lòng với công việc thì không gì là không thể. Là bác sĩ nhi khoa, con biết rồi, có em bé nào sinh ra mà biết đi, biết chạy ngay đâu. Phải tập bò, tập trườn, chập chững bước, tập đi té lên té xuống không biết bao nhiêu lần rồi mới chạy. Ba vui vì ngay những ngày còn trẻ, con đã biết quan tâm đến người khác. Điều quan trọng nhất đối với thầy thuốc là biết thương yêu, biết hy sinh cho người bệnh, không tính đến giàu nghèo.

bao-xuan--minh-hoa-bai-Thu-gui-con-gai

Viết đến đây, ba chợt nhớ, khi con mới học lớp 3, có lần đi học về, con chạy ngay vào nhà hỏi: “Ba ơi, ba làm phó giám đốc bệnh viện mà sao nhà mình nghèo vậy ba?”. Ba ngạc nhiên, ”nhà mình không giàu hơn ai nhưng chắc chắn rằng không thiếu ăn mà con?”. Con nói một mạch, nhà bạn con là khách sạn có đến mấy chục cái máy lạnh. Ba cười và không trả lời. Bây giờ, đã là thầy thuốc, con hiểu rồi, nghề thuốc chỉ được trọng vọng khi nào chúng ta có một tinh thần vị tha. Khi tìm hiểu để biết tại sao sinh viên y khoa chọn nghề thuốc, ba biết chỉ có một số ít trả lời học thuốc để tìm thỏa mãn tri thức, hoặc vì có một niềm tin và rất nhiều người chọn học y vì nghề đó đã danh giá lại kiếm được nhiều tiền. Nhiều người chỉ nhìn thấy bác sĩ đồng nghĩa với nhà lầu, xe hơi, tiền bạc... Rất nhiều người đã xem nghề thuốc như nghề đi buôn và sau khi học hành vất vả đến tàn phai nhan sắc mới giật được mảnh bằng thì dĩ nhiên có quyền được đền bù xứng đáng, phải được thụ hưởng! Người ta đi buôn là mua chỗ này rồi bán lại chỗ khác lấy lời.

Mục đích chính của nghề thuốc không phải là tiền tài hay lợi lộc. Người thầy thuốc khi săn sóc một người bệnh, cũng như thầy giáo khi giảng bài cho sinh viên, đều cố gắng hết sức mình chứ đâu có nghĩ tới thù lao nhiều hay ít? Con đừng bao giờ quên rằng, để trở thành một người thầy thuốc, ngoài nỗ lực của gia đình, cố gắng của bản thân, xã hội còn nghèo của Việt Nam vẫn phải chi cho mỗi sinh viên y khoa một số tiền khoảng 45 triệu đồng mỗi năm. Ba muốn nhắc con điều đó và lặp lại cho con nghe một câu mà thầy ba đã nói trong khi trao bằng bác sĩ: “Sở dĩ nghề thuốc suy đồi do một số các em, khi chọn nghề đó không vì thiên chức thật sự, mà chỉ vì một địa vị cao sang”.

Thiên chức, là một tiếng nói tự đáy lòng, nó thúc giục ta làm một việc nào đó, vì tình thương, không vụ lợi. Người thầy thuốc là người biết cúi xuống trước nỗi đau của đồng loại mà con! Và bất cứ ai biết cúi xuống thật thấp, người đó sẽ được mọi người nâng lên cao. Chọn nghề này, dĩ nhiên là để sinh sống, để nuôi gia đình, để hưởng một đời sống đầy đủ, tuy nhiên, con đừng bao giờ quan niệm nghề thuốc như một nghề để làm tiền, vì nếu con hành nghề đúng đắn, con không bao giờ túng thiếu nhưng hiếm khi con có thể giàu được.

Mới đây thôi, sau phiên trực, về nhà, con nhắc mãi về một ca sơ sinh, khó thở nặng, không hiểu bây giờ ra sao? Ba mừng cho con vì con đã bắt đầu hiểu rằng người bác sĩ không thể không băn khoăn lo lắng mỗi khi rời bệnh viện, nơi đó có những tính mạng đang bị đe dọa… Điều băn khoăn đó đôi khi còn ám ảnh trong bữa ăn, giấc ngủ của họ. Bây giờ, con hiểu rồi đó, con sẽ không còn hỏi ba như ngày xưa: “Khi ba làm phó giám đốc, ăn cơm ba còn cười nói chuyện với các con, mà sao từ khi làm giám đốc, bữa cơm nào ba cũng ít nói chuyện, chỉ đăm chiêu nhìn trần nhà?”.

Rồi sẽ có một ngày sau đêm trực thức trắng, giành giật, mong mỏi cứu sống một bệnh nhân quá nặng nhưng không thành công, con như người lính bại trận, lủi thủi về nhà, mặt mũi phờ phạc, thân xác rã rời, niềm tin sứt mẻ; chưa hết, sau lưng mình, có khi có đôi mắt oán hận nào đó nhìn theo và biết đâu còn kèm những lời nguyền rủa, lên án nặng nề? Đó chính là vinh nhục của nghề! Con nhớ nhé, đừng nản lòng nếu nhục nhiều hơn vinh. Con nên nghe điều này, không phải tất cả mọi người đều công bằng, tất cả mọi người đều tử tế, chân thật. Nhưng hãy tin rằng cứ mỗi một bất công ta gặp trên đời thì ở đâu đó sẽ có những điều tốt đẹp, những con người chân chính. Hiếm có ai mãi thành công trong suốt cuộc đời mình. Nếu phải thất bại, cứ xem đấy là những bài học kinh nghiệm nhớ đời. Hãy ghi nhớ và can đảm đứng lên từ thất bại. Phải biết cách mỉm cười khi buồn bã, hãy biết rằng không hề có sự xấu hổ nào trong những giọt nước mắt.

Chính thất bại làm chúng ta trưởng thành, cho chúng ta kinh nghiệm và mỗi kinh nghiệm của người thầy thuốc đều trả giá bằng mồ hôi, nước mắt và có khi bằng chính sinh mạng của người bệnh. Tuy nhiên, nghề thuốc cũng như với nhiều nghề khác, đừng tưởng rằng cứ nhiều tuổi nghề là có nhiều kinh nghiệm, nhiều từng trải, vì có những cái mà mình cho là kinh nghiệm, kỳ thực là những sai lầm chồng chất lên nhau. Những kinh nghiệm, những kiến thức đều là hành trang đáng quý nhưng chính thái độ sống của mỗi người mới là chìa khóa của cuộc sống. Nếu con không muốn sống khắc khổ, không sẵn sàng hy sinh, tốt hơn hết con nên tìm học một nghề khác, ngay từ bây giờ cũng chưa muộn. Người bệnh không phải là một món hàng và chúng ta cũng không phải là món hàng để cho người đời mang tiền ra mua chuộc. Chính người thầy thuốc, đem hiểu biết của mình ra để phục vụ, giúp đỡ người bệnh, chứ không phải người bệnh đem tiền bạc hay thế lực mà ban ơn cho người thầy thuốc.

Không có nghề nào cao đẹp và buồn bằng nghề thuốc, một nghề đòi hỏi nhiều bổn phận, nhưng chính trách nhiệm, tinh thần đó làm cho nghề chúng ta cao đẹp. Những trách nhiệm của người thầy thuốc ở vào thời đại này rất nặng nề. Chúng ta hiện đang sống trong một thời đại mà khoa học tiến quá mau, ngoài sức tưởng tượng của con người, “đã làm cho chúng ta trở thành những bậc thần thánh trước khi chúng ta xứng đáng làm người” (Jean Rostand). Được sống những giờ phút lo âu hồi hộp đó, con mới cảm nhận được tất cả cái cao đẹp của nghề.

Mới hôm qua thôi, con báo cho ba mẹ biết tết này con phải ở trong bệnh viện đến mấy ngày đêm. Ngày trước, ba mẹ cũng vậy thôi mà! Nghề thuốc đồng nghĩa với hy sinh, trong đó ngày và đêm của con sẽ là ngày và đêm của người bệnh. Đôi khi, con nên nhớ rằng, dù gieo tận tâm mà sẽ chỉ gặt bội bạc, con vẫn phải gạt bỏ hết những thú vui đầm ấm của gia đình, thì giờ nghỉ ngơi, và đừng lùi bước trước những nguy hiểm của nghề. Bởi, làm được điều đó, con sẽ được mọi người kính trọng. Tài năng và lương tâm chức nghiệp luôn đi liền nhau, nhưng giá trị nghề nghiệp phải đi đôi với giá trị đạo đức, vì dốt nát và lừa bịp đều đáng ghét như nhau con ạ!

Điều cuối cùng ba muốn nhắc, ngoài kiến thức chuyên môn, người thầy thuốc phải trau dồi văn hóa. Đối tượng của sự học là con người toàn diện. Ở vào thời buổi thế giới phẳng này, một nhà khoa học phải ham thích văn chương, nghệ thuật cũng như một nhà văn, không thể không biết tới khoa học. Người ít học thường hay tự phụ, còn những người càng học rộng lại càng khiêm tốn, như Leonard de Vinci từng nhận định: “Những bông lúa lép bao giờ cũng ngạo nghễ vươn đầu lên trời, trong khi những bông lúa vàng nặng trĩu hạt thì nằm rạp xuống đất".

Phải mở mang trí tuệ của thầy thuốc hơn là hài lòng sống gò bó trong khuôn khổ chật hẹp của y học. Một nhà bác học mà không phải là một nghệ sĩ chỉ là một nhà bác học tầm thường. Nhiều danh y thế giới, đều là người uyên thâm, mê sách, yêu nghệ thuật như Mondor, Jean Delay, P. V. Radot, Duhamel...Còn nữa, Han Suyin, Sommerset Maugham, Cronin, Tchekov, trước khi là nhà văn, đã từng làm nghề thuốc. Người thầy thuốc phải sống thực tiễn và sống theo thời đại. Trí tuệ phải được rèn luyện, trau dồi luôn, hợp nhân đạo.

Hình ảnh của một người thầy thuốc, là suốt đời tận tụy, hy sinh cho người bệnh, không ngại vất vả, nghỉ ngơi, giải trí, bữa ăn giấc ngủ thất thường, ngay đến những thú vui trong gia đình cũng không được tận hưởng, đã thế lại gặp nhiều bội bạc, hoặc có khi bị chính các bạn đồng nghiệp gièm pha, ghen ghét. Nhưng rất ít người thầy thuốc nào than phiền, vì đó là một nghề cao đẹp, mà những phiền muộn này chỉ làm bền chặt hơn mối dây liên lạc giữa người thầy thuốc với người bệnh, không phân biệt giàu sang hay nghèo hèn. Sống cho người thân yêu và cho nghề của mình, có lẽ đó là một cách thẳng thắn nhất để sống cho xã hội.

Ông nội vẫn thường dạy ba: “Nhất thế y, tam thế suy”. Người phương Đông xưa nay vốn tôn sư trọng đạo, coi đạo lý là cái gốc con người. Thầy thuốc thất đức, bịp bợm, phải trả giá bằng ba đời con cháu suy vi.

Ba mong con biết giữ mình.

Ba tin con, con gái của ba.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối