Chủ Nhật, Tháng Chín 15, 2024

Dạo chợ trong lòng đất

Như Quỳnh

Xu hướng phát triển đô thị đang đưa những ngôi chợ truyền thống vượt ra khỏi chức năng đơn thuần là mua bán hàng hóa, thay vào đó là những siêu thị hiện đại, những trung tâm mua sắm sang trọng được tích hợp với các dịch vụ vui chơi giải trí đa dạng. Trước viễn cảnh “đất chật người đông”, các khu chợ này không chỉ nằm trong các tòa nhà cao tầng, mà đang dần chui sâu xuống lòng đất.

Metro là gì hở mẹ?

Tan học, con bé về nhà cứ bắt mẹ giải thích cho bằng được metro là cái thứ gì. Với một đứa nhỏ vừa mới qua bậc tiểu học như nó, metro là một khái niệm nghe lạ tai, nên không hiểu. Mẹ nó cũng chẳng khá hơn, bởi chị chưa một lần được ra nước ngoài để trải nghiệm phương tiện di chuyển hiện đại này. Từ những gì đọc được trên báo chí, bà mẹ trẻ giải thích với cô con gái: “Metro là tuyến tàu điện dài như xe lửa, lúc uốn lượn trên cao, lúc chui sâu xuống lòng đất, đưa những người sống ở ngoại ô như mẹ con mình vào trung tâm thành phố, nơi sẽ có những tòa nhà cao tầng và cả trung tâm thương mại nằm dưới mặt đất đến 30-40 mét”.

Những gì bà mẹ trẻ này nói là viễn cảnh không xa của TPHCM. Tuyến metro đầu tiên đang được nhà đầu tư Nhật Bản thi công, và hiện khu trung tâm thành phố cũng đã được vây lại để xây dựng nhà ga đầu tiên tại khu vực Nhà hát thành phố. Metro không chỉ đem đến cho người dân thành phố một phương thức giao thông hiện đại giống như nhiều nước tiên tiến trên thế giới, mà còn mở ra hướng khai thác không gian ngầm kết hợp với trung tâm mua sắm.

Phối cảnh khu trung tâm thương mại dưới lòng đất ở trung tâm Sài Gòn.
Phối cảnh khu trung tâm thương mại dưới lòng đất ở trung tâm Sài Gòn.

Trong suốt chiều dài 20 ki-lô-mét của tuyến metro số 1, từ Suối Tiên (quận 9) đến chợ Bến Thành (quận 1) có tất cả 14 nhà ga, trong đó ba nhà ga ở khu trung tâm được nhiều người chú ý hơn, bởi chúng được thiết kế xây dựng trong lòng đất, một phần là để bảo vệ kiến trúc cảnh quan đô thị, một phần là để mở thêm không gian cho khu vực trung tâm thành phố đang ngày càng chật chội. Quy mô nhất có lẽ là không gian ngầm nhà ga trung tâm Bến Thành, nơi sẽ đón nhận bốn tuyến metro đổ về khu trung tâm và là nơi sẽ có các trung tâm mua sắm bao quanh nhà ga. Âm xuống 40 mét dưới trục đường Lê Lợi, đoạn kết nối giữa nhà ga trung tâm và nhà ga Nhà hát thành phố, được đề xuất nên xây dựng một khu mua sắm có diện tích khoảng 25.500 mét vuông. Và nếu tính luôn diện tích khu nhà ga trung tâm và khu mua sắm ngầm dọc đường Lê Lợi thì tổng diện tích ngầm ở khu vực trung tâm khoảng 45.000 mét vuông.

Theo ông Lê Khắc Huỳnh, Phó ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM, ý tưởng xây dựng khu mua sắm kết hợp với metro không chỉ tận dụng không gian ngầm còn mang tới các dịch vụ tiện nghi cho hành khách đi metro. Việc khai thác trung tâm thương mại, theo ông, sẽ góp phần đem lại lợi nhuận để bù đắp chi phí đầu tư các tuyến metro. Đây là mô hình mà nhiều nước trên thế giới đã triển khai thành công.

Đất chật người đông, ta chui xuống đất

Thực ra, việc khai thác không gian ngầm xây trung tâm thương mại đã được một số nhà đầu tư thực hiện trước đó. Một trong những dự án đầu tiên tại thành phố xây trung tâm thương mại dưới lòng đất là tòa nhà Vincom Đồng Khởi. Tọa lạc trên ba trục đường gồm Lê Thánh Tôn, Đồng Khởi và Lý Tự Trọng, Vincom Đồng Khởi là tổ hợp gồm trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn và căn hộ cao cấp. Tòa nhà cao 26 tầng, trong đó có sáu tầng hầm với diện tích hơn 7.000 mét vuông cung cấp các dịch vụ mua sắm, vui chơi giải trí, ăn uống, bên cạnh khu cao ốc văn phòng và khu căn hộ cao cấp cho thuê.

Nói đến khu mua sắm ngầm dưới đất không thể không nhắc đến tòa nhà Union Square. Tòa nhà được xây trên khu tứ giác Eden trước đây với bốn mặt đường gồm Lê Lợi, Đồng Khởi, Lê Thánh Tôn và đại lộ Nguyễn Huệ. Với sáu tầng hầm và chín tầng nổi, Union Square cũng là một tổ hợp có tổng diện tích khoảng 91.000 mét vuông, trong đó khu trung tâm thương mại chiếm ba tầng hầm và bốn tầng nổi với khoảng 38.000 mét vuông, khu khách sạn 5 sao và bãi đậu xe ngầm. Điểm đáng chú ý tại tòa nhà này là nó đã được thiết kế sẵn cửa nối ra nhà ga metro đang xây dựng. Nghĩa là khi tuyến metro hoàn thành, hành khách bước ra khỏi metro là có thể đi vào trung tâm thương mại này để mua sắm, và từ đó đi lên khu phố đi bộ Nguyễn Huệ bên trên.

Khu ẩm thực dưới tầng hầm tại Vincom Đồng Khởi. Ảnh: Thành Hoa
Khu ẩm thực dưới tầng hầm tại Vincom Đồng Khởi. Ảnh: Thành Hoa

Trong khi đó trên trục đường Lê Lợi, nhà đầu tư Keppel Land của Singapore cũng đang thi công giai đoạn hai dự án Saigon Center quy mô khá lớn, với hai tầng bán lẻ nằm dưới mặt đất. Theo kế hoạch, dự án này sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động từ quí 2-2016. Tương tự, tại khu vực ngã ba Cát Lái, quận 2, dự án chung cư cao cấp Cantavil Premier cũng đang khai thác toàn bộ tầng hầm làm siêu thị Big C, nơi bán hàng hóa nhu yếu phẩm hàng ngày. Còn những tầng bên trên là khu bán lẻ dành cho những ai có nhu cầu mua sắm hàng hóa cao cấp. Ngoài ra, một số dự án khác đang trong quá trình thiết kế xây dựng cũng không bỏ qua cơ hội khai thác không gian ngầm.

Không chỉ ở TPHCM, tại thành phố lớn như Hà Nội cũng đã có trung tâm thương mại quy mô lớn ngầm dưới đất, cụ thể là dự án Vincom Mega Mall nằm trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Đây được xem là đại trung tâm thương mại dưới lòng đất với diện tích lên đến 230.000 mét vuông. Khu phố dưới lòng đất này có cả không gian xanh, sân băng, công viên nước, khu ẩm thực và khu mua sắm có quy mô đến 600 gian hàng.

 Chợ của ngày mai

Nói về xu hướng trung tâm thương mại “chui xuống đất” hiện nay, ông Linson Lim, Tổng giám đốc Công ty Keppel Land Vietnam, cho biết dân số gia tăng, đất đai dần khan hiếm trong quá trình đô thị hóa đã làm nảy sinh nhu cầu khai thác không gian ngầm. Chi phí đầu tư ban đầu của trung tâm thương mại ngầm dưới đất cao hơn nhiều so với việc xây nổi bên trên. Một khi các công trình ngầm được kết nối sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người đi mua sắm sau này. Tại Singapore, tập đoàn này cũng đầu tư vào khu mua sắm Marina Bay Link Mall, khu bán lẻ rộng 18.000 mét vuông ngầm dưới chân dự án Marina Bay Financial Center, nơi kết nối với hệ thống giao thông ngầm rộng khắp đảo quốc này. Theo ông Lim, những ngôi chợ ngầm dưới đất không có những cảnh đẹp xung quanh như những tòa nhà cao tầng trên mặt đất; bù lại, người mua sắm không phải bận tâm nhiều tới thời tiết bên ngoài.

Thật vậy, trong những ngôi chợ ngầm đó, ánh đèn điện sáng ngày đêm nhiều khi làm người mua sắm quên mất thời gian. Những ai có dịp đến quốc gia Qatar ở khu vực Trung Đông thường không bỏ lỡ dịp tham quan khu đại trung tâm mua sắm Villaggio Mall nằm ở phía Tây thủ đô Doha. Khu chợ này có lối kiến trúc rất độc đáo, đó là trên trần nhà được vẽ cảnh bầu trời xanh biếc. Hiệu ứng ánh sáng đèn, được giấu khéo léo dưới các gờ bê tông, hắt lên ánh sáng dịu lan tỏa khắp trần nhà, khiến người đi mua sắm ngỡ mình đang đi dưới “bầu trời xanh” mát lạnh, trong khi bên ngoài là cái nắng gió sa mạc nóng đến rát mặt.

Với nhiều nước trên thế giới, những công trình ngầm dưới mặt đất đã quá quen thuộc, nhưng với Việt Nam, điều này vẫn còn quá mới ở các thành phố lớn. Giống như trên mặt đất, đường sá chạy dài tới đâu thì chợ cũng chạy theo tới đó, các tuyến giao thông ngầm hình thành chắc chắn sẽ kéo theo những khu chợ hiện đại mọc lên. Sau tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên, sáu tuyến metro khác tỏa ra các hướng của thành phố cũng đã nằm trong kế hoạch xây dựng, vấn đề còn lại là thời gian hoàn thành.

Những khu chợ hiện đại đang dần thay đổi thói quen mua sắm của nhiều người, nhất là những người trẻ tuổi. Bởi ở đó không đơn thuần chỉ là nơi mua bán hàng hóa, nó được tích hợp nhiều dịch vụ tiện ích phục vụ người đi mua sắm. Một gia đình trẻ có thể tới một khu chợ hiện đại để xem phim, chơi trò chơi, ăn uống rồi sau đó mua sắm thực phẩm cần thiết đem về nhà. Các khu chợ ngầm dưới đất đang được xây dựng theo xu hướng này, và viễn cảnh mua sắm đó đang dần trở thành hiện thực.

Hàng ngày, ngồi sau xe mẹ chở đi học, con bé đã hiểu ra những trụ bê tông lớn nằm dọc theo xa lộ Hà Nội mà các cô chú công nhân đang xây dựng là tuyến metro trong tương lai. Con bé bắt đầu tưởng tượng, một ngày nào đó, nó sẽ ra nhà ga số 10 gần nhà, bắt chuyến metro đi vào trung tâm thành phố để vui chơi và lang thang mua sắm ở các khu chợ trong lòng đất.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Những ngôi chợ độc đáo ở TPHCM

0
(SGTT) - Chợ vốn dĩ là hình ản quen thuộc của biết bao người, ấy vậy mà ở tại TPHCM vẫn có những ngôi...

Tấm lòng của chợ

0
Ánh Tuyết Ngày còn bé, đường đến trường của tôi phải qua một cái chợ. Đó chỉ là vài chục cái lều lụp xụp lợp...

Ngẫm giữa chợ mai cuối năm

0
Xuân Huy Năm nào cũng vậy, cứ khoảng một tháng trước tết Âm lịch là tụi bạn quê lại gọi điện thoại hoặc nhắn tin...

Lên “mây”… họp chợ

0
Chí Thịnh Bên cạnh những ngôi chợ truyền thống tồn tại từ rất lâu, đến nay chợ đã có thêm nhiều hình thức hiện đại....

Chợ… đèn pin

0
Phạm Đình Quát Ngày nào cũng vậy, cứ tầm 3-4 giờ sáng là con đường Quang Trung, đoạn đầu đường dẫn ra bờ sông Thạch...

Chợ trôi

0
Nguyễn Ngọc Tư Ghe nước đá sáng sớm nhắn vói hai bờ, bảo dân xóm Rạch khỏi chờ, Tám Lê sẽ không tới nữa. Chiếc...

Kết nối