Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024

Du lịch y tế: Thị trường tỉ đô la đang “chờ” được khai thác

(SGTT) - Tại Việt Nam, theo thống kê của ngành du lịch, loại hình du lịch nghỉ dưỡng kết hợp khám chữa bệnh được đánh giá giàu tiềm năng phát triển, có thể đạt doanh thu mỗi năm khoảng 2 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, du lịch y tế và chăm sóc sức khỏe tại nước ta vẫn chưa được khai thác tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có. Để khai phá thị trường này, các đơn vị cần có chiến lược xây dựng, quảng bá thương hiệu và khẳng định vị thế ngành y học của nước ta trên bản đồ du lịch y tế thế giới.

Hiện nay, du lịch y tế đang trở thành xu hướng phát triển tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có các nước ở châu Á như Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Malaysia… bởi du khách chỉ phải trả một chi phí tương đối nhưng có cơ hội vừa đi du lịch nước ngoài vừa được khám, điều trị bệnh.

Cần quảng bá hình ảnh du lịch y tế Việt ra thế giới

Trong khi nhiều người Việt Nam lựa chọn ra nước ngoài để khám và điều trị bệnh, số lượt người từ các nước lân cận trong khu vực sang Việt Nam chữa bệnh đang ngày càng tăng.

Theo báo cáo của Sở Du lịch TPHCM, số lượng khách du lịch đến Việt Nam khám chữa bệnh tăng dần đều qua các năm, doanh thu khoảng 2 tỉ đô la Mỹ/năm. Gần đây, trung bình mỗi năm có khoảng 300.000 khách nước ngoài đến Việt Nam khám chữa bệnh, trong đó 40% lượng khách tập trung tại TPHCM.

Mỗi năm, Bệnh viện Da liễu TPHCM đều tiếp nhận rất nhiều lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến làm đẹp, chăm sóc da. Ảnh: BVCC

Tuy nhiên, dù được đánh giá có nhiều tiềm năng trong việc cung cấp dịch vụ du lịch chữa bệnh ở Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng nhưng giữa ngành y tế và du lịch vẫn còn một số thách thức cản trở sự phát triển loại hình này.

Đầu tiên là vấn đề ngoại ngữ, “một số bác sĩ vẫn còn bị giới hạn khi giao tiếp bằng tiếng Anh với bệnh nhân nước ngoài. Dù các bác sĩ có thể đọc được những báo cáo chuyên ngành y khoa bằng tiếng Anh nhưng họ vẫn gặp khó khi giao tiếp vì không có môi trường để luyện tập mỗi ngày. Bởi không phải thời điểm nào đơn vị y tế cũng có bệnh nhân nước ngoài đến khám, chữa bệnh”, ông Hoàng Quốc Cường, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ nêu tại phiên thảo luận chuyên đề “Phát triển du lịch y tế Việt Nam – TPHCM” trong khuôn khổ du lịch quốc tế TPHCM lần thứ 17 diễn ra gần đây. Ông cũng cho rằng dù các bác sĩ được cung cấp những khoá đào tạo bằng tiếng Anh nhưng cho đến hiện tại vẫn chưa có nhiều hiệu quả bởi ngoại ngữ cần phải luyện tập mỗi ngày.

Cũng theo ông Rafi Kot, Nhà sáng lập và CEO của hệ thống phòng khám tư nhân Family Medical Practice Vietnam, tại Thái Lan, các bác sĩ đều có thể giao tiếp thành thạo bằng tiếng Anh với bệnh nhân nước ngoài. Do đó, Việt Nam muốn thu hút được nhiều khách nước ngoài đến du lịch kết hợp khám chữa bệnh, cần cải thiện được trình độ ngoại ngữ của nhân viên y tế thay vì phụ thuộc vào người phiên dịch.

“Vấn đề ngoại ngữ không chỉ riêng bác sĩ điều trị mà toàn bộ hệ thống y tế như y tá, điều dưỡng, người làm dịch vụ, những nhân viên làm việc tại các bệnh viện… cũng cần phải giao tiếp được bằng tiếng Anh đối với khách nước ngoài”, ông Rafi Kot nói và cho rằng các cơ sở giáo dục cần xem ngôn ngữ này là một trong những tiêu chuẩn đào tạo tại trường học. Bởi vấn đề giao tiếp đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Tiếng Anh được xem là một trong những ngôn ngữ quốc tế trong y khoa, đó là yếu tố mấu chốt khi muốn đưa du lịch y tế vươn xa ra các nước trên thế giới.

Ông Rafi Kot, Nhà sáng lập và CEO Family Medical Practice Vietnam (thứ 2, từ phải qua) tại phiên thảo luận chuyên đề “Phát triển du lịch y tế Việt Nam – TPHCM” trong khuôn khổ du lịch quốc tế TPHCM lần thứ 17 diễn ra vừa qua.

Vấn đề thứ hai là Việt Nam vẫn chưa được biết đến nhiều với vai trò là một điểm đến du lịch chữa bệnh. Do đó, hiện nhiều du khách có nhu cầu chăm sóc sức khỏe còn e ngại về vấn đề an toàn khi chọn Việt Nam làm điểm đến du lịch y tế. Ông Rafi Kot cho biết việc xây dựng niềm tin của bệnh nhân với bác sĩ là điều vô cùng quan trọng và quá trình này cần đòi hỏi nhiều thời gian. Khi bệnh nhân có niềm tin vào tay nghề cao của bác sĩ, họ sẽ cảm thấy an toàn và thoải mái khi đến Việt Nam chữa bệnh, đặc biệt chi phí khám chữa bệnh tại Việt Nam rẻ hơn Thái Lan nhiều.

Trước vấn đề này, đại diện Sở Y tế Cần Thơ cho rằng trong thời gian sắp tới, nước ta có thể tổ chức nhiều hội nghị y khoa mang tầm quốc tế với sự tham gia của các chuyên gia, bác sĩ đến từ nhiều nước khác khau, giúp họ biết được những giá trị tốt của nền y học Việt Nam đang có; từ đó xây dựng thương hiệu, khẳng định vị thế của nước ta trong bản đồ du lịch y tế.

Ngoài ra, ngành y tế cũng cần tạo ra môi trường bình đẳng trên toàn hệ thống, có bảng xếp hạng chất lượng bệnh viện mỗi năm để đánh giá dịch vụ khám, chữa bệnh tại đơn vị y tế, tăng thêm nhiều lựa chọn cho khách trong và ngoài nước, đại diện Sở Y tế Cần Thơ cho hay.

 “Điểm sáng” du lịch y tế tại TPHCM

Những năm trở lại đây, ngành y tế TPHCM đã đầu tư, đẩy mạnh phát triển các dịch vụ khám sức khỏe tổng quát, tầm soát các bệnh lý, thực hiện kỹ thuật y khoa chuyên sâu và y học cổ truyền. Điển hình như các thành tựu y học trong lĩnh vực hiếm muộn, thụ tinh trong ống nghiệm của Bệnh viện Từ Dũ.

Theo bác sĩ Hồng Công Danh, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, bệnh viện này là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam thực hiện thành công các ca hiếm muộn. Từ đó đến nay, bệnh viện đã có rất nhiều thành công trong lĩnh vực y khoa này. Hiện tại, đơn vị này đã tiến đến cao cấp hơn trong điều trị hiếm muộn, thụ tinh trong ống nghiệm như xét nghiệm sàng lọc di truyền y học, trữ mô buồng trứng…

Hiện có ba dịch vụ y tế khác được du khách rất quan tâm là khám sức khỏe tổng quát, tầm soát bệnh lý và thực hiện kỹ thuật chuyên sâu, y học cổ truyền.

“Chúng tôi rất tự tin về cơ sở vật chất để phục vụ khám, điều trị bệnh. Ngoài ra, bệnh viện cũng có đội ngũ y bác sĩ trình độ chuyên môn cao cùng với chi phí khám chữa bệnh hợp lý so với các địa phương khác và các quốc gia trong khu vực”, bác sĩ Danh cho biết.

Việt Nam được biết đến với thế mạnh là chữa hiếm muộn bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho tỷ lệ thành công cao với chi phí phù hợp so với các nước trong khu vực lân cận. Ảnh: Bệnh viện Từ Dũ

Bên cạnh đó, TPHCM đang có 131 bệnh viện công lập, bệnh viện tư nhân và bệnh viện thuộc bộ, ngành có khả năng tiếp nhận bệnh nhân – khách du lịch có nhu cầu chữa trị và chăm sóc sức khỏe như Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, Bệnh viện Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Y học cổ truyền, Viện Tim, Bệnh viện Pháp Việt, Bệnh viện Vinmec, Bệnh viện Gia An 115, Bệnh viện Quốc tế City, Bệnh viện Mắt Sài Gòn.

Để phát triển loại hình du lịch kết hợp chăm sóc sức khoẻ, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết ngành y tế thành phố đã xác định phát triển du lịch y tế là một trong những giải pháp cải thiện chất lượng dịch vụ, hiện đại hóa quy trình khám chữa bệnh. TPHCM cũng xác định sẽ hướng tới xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, phát triển một số lĩnh vực cao với mục tiêu sẽ đưa y tế thành phố trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực.

Thời gian sắp tới, TPHCM sẽ tổ chức xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch y tế để thu hút khách du lịch tại thị trường Campuchia và khảo sát, học tập kinh nghiệm phát triển các mô hình du lịch y tế tại Thái Lan. Sở Du lịch và Sở Y tế cũng sẽ phối hợp, hỗ trợ cơ sở y tế, doanh nghiệp du lịch hoàn thiện các gói sản phẩm du lịch y tế phù hợp với thị trường khách nội địa và quốc tế. Ngoài ra, các đơn vị cũng kết hợp để tổ chức xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch y tế để thu hút khách du lịch tại một số thị trường du lịch, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết.

Ngoài ra, với sản phẩm du lịch y tế, TPHCM sẽ tập trung vào thị phần du khách tầm trung và cao cấp nhằm tăng trải nghiệm, kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu khi kết hợp du lịch nghỉ dưỡng cùng với du lịch y tế. Do đó, việc kết hợp giữa du lịch và y tế kỳ vọng sẽ góp phần thu hút được nhiều du khách khai phá tiềm năng thị trường này.

Minh Thảo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối