Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024

Du lịch miền Trung giữa ngã ba đường

Khi các địa phương trong nước hăm hở công bố các phương án đón khách du lịch nội địa và quốc tế từ tháng 11 này thì tại miền Trung, các doanh nghiệp ngành du lịch đang nửa chuẩn bị sẵn sàng, nửa chọn án binh tiếp tục chờ đợi.

Sẵn sàng đón khách trở lại

Chị Phạm Thị Hải Nguyên, chủ Sea’Lavie Boutique Resort & Spa tại khu làng chài Tân Thành, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, vừa sửa sang xong cơ sở để phục vụ khách. Sân vườn được “làm mới” với nhiều điểm “check-in” để khách trải nghiệm, hòa mình với thiên nhiên.

Trong khuôn viên resort còn có cửa hàng chuyên bán các vật dụng thân thiện môi trường và sản phẩm tái chế. Hằng ngày, nhân viên vẫn đều đặn dự các lớp tập huấn cần thiết cho các tour trải nghiệm xanh ngay tại cơ sở.

Không chỉ Sea’Lavie mà những cơ sở khác tại khu làng chài Tân Thành như Santa Sea, Salt hay Vườn Tân Thành trong thời gian này đều có những sự chuẩn bị sản phẩm và dịch vụ hướng tới tiêu chí xanh dành cho du khách.

Trong khi đó, doanh nhân Phạm Vũ Dũng dự kiến sẽ mở cửa lại khách sạn Hội An Chic nằm giữa cánh đồng tại Hội An cuối tháng 12. “Khách sạn hai năm nay gần như không đón khách. Hơn hai tuần nay, chúng tôi tổng lực dọn dẹp để cuối tháng 11, Chic cơ bản ổn phần cứng và theo dõi tình hình để chạy vào cuối tháng 12”, anh Dũng nói và chia sẻ thêm rằng nhà hàng – café phía sau khách sạn Hội An Chic cũng như vườn rau kết hợp với nhà hàng và Café Kybimo của mình cũng đang được triển khai gấp rút để cuối năm hoạt động lại.

“Chúng tôi đang tuyển dụng mới một số vị trí quản lý cũng như phải tuyển dụng và đào tạo lại nhân viên mới”, anh Dũng tâm sự và cho biết hy vọng lúc đó độ phủ vắc-xin đạt tỷ lệ cao và có những hướng dẫn cụ thể để đón khách.

Theo ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, hiện nay một số doanh nghiệp tại Quảng Nam đang dọn dẹp, sửa chữa lại để có thể đón khách du lịch theo các giai đoạn được đề cập trong các phương án đón khách nội địa và quốc tế trong thời gian sắp tới. Đặc biệt, du lịch hướng đến kinh tế tuần hoàn và xanh, bền vững là điểm chung mà các doanh nghiệp du lịch tại địa phương miền Trung này đang vận hành.

Bên cạnh cơ sở lưu trú, một số doanh nghiệp du lịch lữ hành cũng đang có sự chuẩn bị cho sự quay trở lại.

Anh Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Công ty Omega Tours, những ngày này đang bận rộn sửa chữa và cho kiểm định đội xe du lịch của mình để chuẩn bị đón khách du lịch của mình.

“Đầu tư lại để hoạt động là điều bắt buộc”, anh Ngọc Anh nói và cho biết thêm công ty đầu tư phần mềm để áp dụng quản lý số cho nội bộ. Công ty sẽ tiếp cận, quản lý dữ liệu và làm việc với khách hàng qua ứng dụng.

Được biết, công ty Omega đang chuẩn bị để đón khách nước ngoài thí điểm vào các địa phương được Chính phủ phê duyệt, trong đó có Đà Nẵng và Quảng Nam. Một trong những đoàn khách đầu tiên có thể là khách Hàn Quốc đến Việt Nam chơi golf và hoạt động công vụ.

Trong khi đó, những công ty như Vietnam TravelMart hay Đà Nẵng Thanh Travel trong thời gian qua vẫn đón hàng ngàn khách (bao gồm nội địa và quốc tế) theo diện hồi hương và cách ly tại Quảng Nam và Đà Nẵng. Vì vậy, đây cũng là những doanh nghiệp có kinh nghiệm trong việc đón khách theo quy trình an toàn.

Du khách tại Hải Vân Quan – nối liền Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế. Ảnh: Nhân Tâm

Nhiều doanh nghiệp còn sự e dè

Tuy nhiên, vẫn còn đâu đó sự e dè từ một bộ phận các doanh nghiệp khác trong việc khôi phục lại hoạt động kinh doanh của mình để đón đầu mở cửa du lịch sắp tới. Những nguyên nhân được ghi nhận bao gồm, quy định tại các địa phương còn khắt khe và chưa đồng nhất, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và trước mắt là thời tiết còn khắc nghiệt (mưa bão, không khí lạnh…).

Trong hai năm vừa qua, khi dịch bùng phát tại Việt Nam, Khu du lịch sinh thái YesHue Eco tại huyện Nam Đông nhiều lần đóng, mở theo diễn biến của dịch cũng như mức độ kiểm soát của địa phương.

Qua năm 2021, khu du lịch này được đầu tư trở lại để phục vụ khách. Tuy nhiên, bà Lê Thị Kim Hằng, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ YesHue Eco, cho biết công ty buộc phải đóng cửa từ tháng 8 đến giờ chưa mở lại do dịch lại bùng phát và lo ngại mưa, bão.

“Chúng tôi dự định mở lại sau Tết (tháng 2-2022) và hy vọng thời điểm đó đã phủ vắc-xin”, bà Kim Hằng nói và chia sẻ hiện nay công ty hoạt động chủ yếu mảng sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm gia vị của Huế.

Tương tự, cơ sở Huế Lotus Homestay của bà Dương Thị Thúy Hằng trong hai năm qua cũng đóng, mở liên tục. Trước đợt bùng phát dịch lần thứ 4, cơ sở này còn đón nhiều đoàn khách tham quan, trải nghiệm và lưu trú. Tuy nhiên, trong những tháng qua, cơ sở này chỉ đón vài khách đến chơi vào cuối tuần.

“Trong thời điểm dịch bệnh, Huế Lotus cũng là nơi thư giãn cho một số gia đình vì không gian rộng yên bình và xa thành phố. Tuy nhiên, nếu dịch bùng phát trở lại nặng hơn thì chúng tôi sẽ tính đến phương án không đón khách nữa”, chị Thúy Hằng chia sẻ.

Khu du lịch sinh thái YesHue Eco và Huế Lotus Homestay là hai trong số các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Huế hoạt động trong các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và đang suy nghĩ làm sao để mở cửa trở lại.

Tại Đà Nẵng, anh Lê Trí Vũ, chủ nhà hàng đặc sản Hoàng Tín – nơi lâu nay đón nhiều nhóm khách du lịch đến Đà Nẵng để thưởng thức các món ăn đặc sản địa phương, hiện vẫn chưa có kế hoạch mở cửa lại kinh doanh sau khi đóng cửa trong nhiều tháng vì dịch bệnh.

Một số doanh nghiệp du lịch tại Đà Nẵng cũng chuyển kinh doanh sang các lĩnh vực khác như một hướng mới chờ ngày quay lại. Những cơ sở lưu trú lớn dọc biển Đà Nẵng như Furama, Premier Village, Pullman… vẫn chưa có kế hoạch mở cửa trở lại để đón khách vì nhiều nguyên nhân.

Cần một chính sách mở nhất quán

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, nói: “Doanh nghiệp kiệt sức rồi. Họ vẫn chưa thể quên những thiệt hại ở những đợt bùng dịch trước. Với lần trở lại này, họ buộc phải có những cân nhắc về độ lớn của thị trường, về doanh thu, nguồn khách và chi phí bỏ ra”.

Ngoài những nguyên nhân nêu trên, theo các doanh nghiệp du lịch, sự bất nhất trong các quy định phòng chống dịch và đón khách tại các địa phương cũng là một cản trở lớn khiến họ e dè trong việc mở cửa trở lại.

“Khách du lịch từ Sài Gòn đến Đà Nẵng, đi chơi và lưu trú tại Quảng Nam, nhưng khi quay trở lại sân bay Đà Nẵng để về lại Sài Gòn phải trả phí xét nghiệm và có thể bị cách ly nếu một trong những điểm đến có ca dương tính”, một doanh nhân du lịch (muốn giấu tên) lấy ví dụ và chia sẻ thêm hiện nay tỉnh Thừa Thiên Huế đã nâng mức cảnh báo dịch, hạn chế tập trung đông người. Điều này sẽ gây khó khăn trong thu hút khách du lịch trong thời điểm này, cho dù các địa phương hiện nay đa phần đều lên phương án đón khách du lịch.

Trao đổi với Kinh tế Sài Gòn, các doanh nghiệp du lịch miền Trung cho rằng, để xóa bớt tâm lý e dè từ doanh nghiệp và giúp họ an tâm phần nào để quay trở lại kinh doanh, chiến dịch phủ vắc-xin cho cả người lớn và trẻ em càng có sớm càng tốt và cần có một chính sách mở cửa du lịch nhất quán, có sự “thông suốt” giữa các địa phương trong quy định phòng chống dịch dành cho du khách.

Nhân Tâm

Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Nhiều người quan tâm



Cùng chủ đề