Với hơn nửa triệu người làm việc trong ngành du lịch ở Hồng Kông – từ các hãng lữ hành đến khách sạn, nhà hàng và cửa hàng bán lẻ – năm 2020 là một năm đầy lo âu và tuyệt vọng khi họ mất việc làm, bị giảm thu nhập. Nhưng khó khăn không làm nản lòng người dân xứ cảng thơm bởi họ nhận thức rõ ràng phải ứng biến hoặc là phá sản.
Đổi mới để sống còn
Simon Lee Siu-po, đồng giám đốc của khóa kinh doanh quốc tế và doanh nghiệp Trung Quốc tại Chinese University ở Hồng Kông cho rằng, sáng tạo đổi mới là chìa khóa để các doanh nghiệp hồi phục. Ông cho biết, các doanh nghiệp phải tìm cách để tăng chi tiêu nội địa và thu hút khách hàng một khi hoạt động du lịch bắt đầu trở lại. “Chúng ta không thể tiếp tục hoạt động như cũ và hy vọng tiền sẽ rơi xuống từ trên trời khi các khách du lịch từ đại lục trở lại”, Lee cho biết.
Số du khách đến Hồng Kông trong sáu tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 3,5 triệu lượt khách, giảm 90% từ con số 34,5 triệu lượt của cùng kỳ năm ngoái. Tình trạng này khiến tỷ lệ thất nghiệp trong các ngành du lịch và bán lẻ lên đến 10,7% trong quý 2 năm nay.
Với việc các hạn chế trong đi lại toàn cầu sẽ có thể không được sớm gỡ bỏ, Bộ trưởng Bộ Thương Mại Edward Yau Tang-wah nói rằng ngành du lịch của đặc khu cần phải tập trung phục vụ nhu cầu của 7,5 triệu cư dân của hòn đảo.
Ông đề nghị làm các tour khám phá “các viên ngọc tiềm ẩn” của Hong Kong như các loài bướm đa dạng trên đỉnh núi Victoria Peak hay cộng đồng dân cư đầy sinh động ở khu vực Thâm Thủy Bộ để khuyến khích mọi người “tái khám phá thành phố”.
Tái khám phá Hương Cảng
Hãng lữ hành Taiwan Good Travel chuyên các chuyến thăm quan du lịch thành phố và các tour khách đoàn đi nước ngoài. Vào đỉnh điểm, ba nhân viên toàn thời gian và 10 cộng tác viên của hãng điều hành hơn 100 chuyến xe buýt đầy khách mỗi tháng.
Khách Trung Quốc và nước ngoài không còn, Taiwan Good Travel buộc phải chuyển hướng. Từ cuối tháng 6 cho đến khi dịch tái phát vào giữa tháng 7, hãng đã tổ chức cho 10 nhóm khách khoảng 400 người. Một trong những tour trọn gói mới của công ty là đi thăm một xưởng sản xuất khẩu trang, thăm khu kiến trúc cổ và bảo tàng nghệ thuật đương đại ở khu Đại Quan thuộc quận Trung Tây. Giá một chuyến đi là 98 đô la Hồng Kông, khoảng 12 đô la Mỹ.
Giám đốc điều hành Timothy Chui Ting-pong nói không giống du khách nước ngoài thích các công viên giải trí và địa danh nổi tiếng, người Hồng Kông thích các tour đi vùng quê hay đến khu vực Tân Giới để hít thở khí trời và hòa quyện với thiên nhiên. “Một số người dân ở Tân Giới lại chưa đến thăm khu Đại Quan hay đỉnh Victoria Peak”, Timothy nói. Nhưng các tour mới lại không bù đắp thu nhập bị mất đi. “Có còn hơn không, nhưng đây không thể nào là giải pháp lâu dài được”, Timothy phát biểu.
Hướng dẫn viên du lịch dạy làm bánh trên mạng
Sau khi mất thu nhập hàng tháng 30.000 đô la Hồng Kông - gần 3.900 đô la Mỹ, Virginia Chan buộc phải thay đổi phương thức hoạt động. Các tour trước giờ của Chan là hộ tống những nhóm nhỏ khách quốc tế lẻ đến thưởng thức các món ăn nổi tiếng của Hồng Kông như dimsum, mì thịt bò và bánh bao nướng ở nhà hàng có sao Michelin.
Hiện cô Chan sử dụng kiến thức nghề bánh của mình để tổ chức các buổi học trực tuyến về cách làm bánh trứng với những từ tiếng Quảng Đông đơn giản, dĩ nhiên có tiếng Anh. Và đã có hơn 100 người từ Mỹ, Nhật Bản, Anh và Mexico tham gia vào và đã giúp cô thu về khoảng 1.000 đô la Mỹ chỉ trong ba tuần.
Trong tương lai, cô dự định sẽ thuê thêm các hướng dẫn viên nếu nhu cầu cho các lớp của cô tăng cao. “Những người ở các quốc gia bị giãn cách xã hội đang khao khát sự tương tác giữa con người với nhau”, Chan cho biết.
Hàng rong hay nhà hàng sang cũng lên mạng
Francis Fong Po-kiu, Chủ tịch Liên đoàn Công nghệ thông tin Hồng Kông cho biết, đại dịch đã khiến ngay cả các doanh nghiệp truyền thống chuyển sang thử nghiệm các công nghệ mới. Ông cho biết thêm, các quầy ẩm thực đường phố truyền thống (dai pai pong), hiện đã chuyển sang hợp tác với các nền tảng giao hàng trực tuyến, điều mà sẽ không thể nào khả thi trước đại dịch.
Nằm tại một góc nhỏ ở đường Canal Road East tại Vịnh Đồng La là Bean Mountain, một quầy hàng nhỏ chuyên bán đồ ăn nhẹ, đồ uống thảo mộc và chè truyền thống của Trung Quốc. Cửa hàng rộng 120m2 này luôn có hàng chục người xếp hàng để chờ trả 10 đô la Hồng Kông cho một chén chè, nổi tiếng vẫn là chí mà phủ - chè mè đen.
Wu Kwai-mu, chủ cửa hiệu nhỏ này, đã hợp tác với nền tảng đặt thức ẩm Deliveroo vào tháng 7 vì lo sợ cửa tiệm 17 năm của mình sẽ biến mất vì dịch Covid-19. Wu cho biết cô hoàn toàn không biết gì về công nghệ nhưng cô sẵn sàng thử nghiệm. “Tôi không muốn phải sa thải bốn nhân viên của mình, những người làm việc rất chăm chỉ và phải nuôi sống gia đình”, cô Wu thêm.
Với dịch vụ giao hàng vẫn chưa chính thức bắt đầu, doanh thu hàng ngày của cô trong nhiều tháng qua đã rớt xuống còn 3.000 đô la Hồng Kông, khoảng một phần tư so với trước đại dịch, trong khi Wu vẫn phải chi trả tiền thuê nhà hàng tháng khoảng 55.000 đô la Hồng Kông.
Chuỗi ẩm thực Lai Sun Dining có 19 cửa hàng ở đặc khu và nhiều hơn số đó ở Trung Quốc đại lục. Phó giám đốc điều hành Anthony Lau Chun-hon hy vọng có thể giữ lại được tất cả 550 nhân viên toàn thời gian tại Hồng Kông. Lai Sun Dining có nhiều nhà hàng Ý, Nhật, Trung Quốc và Pháp, với một số trong đó đã đạt tiêu chuẩn sao Michelin, đã giới thiệu nhiều dịch vụ phục vụ ẩm thực mới như cho phép những khách hàng thượng lưu được thuê các đầu bếp về tận nhà của họ.
Ricky Hồ - Lê Hiếu
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online