(SGTT) - Đến Chư Đang Ya những ngày cuối tháng 8, du khách sẽ được chiêm ngưỡng bức họa đồng quê rực rỡ sắc đỏ của hoa dong riềng. Tấm thảm đỏ trải đều từ chân núi đến đỉnh núi rực cả một góc trời.
- Gia Lai, tiếng gọi của đại ngàn
- Du lịch giữa mùa dịch: Ấn tượng với suối đá cổ làng Vân tại Gia Lai
- Hàng thông trăm tuổi thu hút lữ khách ở Gia Lai
Núi lửa Chư Đang Ya nằm cách xa trung tâm thành phố Pleiku, Gia Lai khoảng 30km về hướng Đông Bắc. Hiện nay, dưới chân núi Chư Đang Ya là nơi sinh sống của các bản làng đồng bào Jarai.
Chư Đang Ya theo tiếng Jarai có nghĩa là "củ gừng dại" được hình thành trên miệng núi lửa hình phễu đã tắt cách đây hàng triệu năm. Sau khi núi lửa ngừng hoạt động, nham thạch đã mang đến sự màu mỡ cho đất đỏ bazan thích hợp với dong riềng (củ chuối), khoai lang, mì...
Từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm là mùa mưa ở Tây Nguyên, cũng là mùa đồng bào Jarai trồng dong riềng để lấy tinh bột làm miến dong.
Mỗi cây cỏ là một vị thuốc. Dong riềng, ngoài tác dụng lấy tinh bột còn là một thần dược cho động mạch vành, an thần, viêm gan nhẹ... Hoa dong riềng cầm máu rất tốt, từ xưa người Jarai đã dùng hoa dong riềng cầm máu mỗi khi đi rừng.
Chư Đang Ya mỗi mùa đều có một nét độc đáo riêng. Trên độ cao 975m, mùa hoa dong riềng đỏ, du khách sẽ được cảm nhận bức họa đồng quê tuyệt đẹp, hít thở bầu không khí khiến lòng gác hết mọi lo toan thường nhật.
Phương Nga