Các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đã cùng chia sẻ ý kiến, quan điểm về việc thu hút đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông kết nối, các không gian bờ sông, không gian ngầm, kinh tế về đêm… để xây dựng, quy hoạch thành phố Thủ Đức (TPHCM) thành một đô thị hiện đại. Cả lãnh đạo, người dân và doanh nghiệp kỳ vọng thành phố Thủ Đức sẽ có đồ án quy hoạch chung mang tầm nhìn dài hạn.
- Thành phố Thủ Đức ra đời, dân được hưởng lợi gì?
- Chính thức công bố thành lập Thành phố Thủ Đức vào 31-12-2020
- Từ 1-3-2021 vận hành Thành phố Thủ Đức, xóa tên quận 2, 9, Thủ Đức
- Tiểu thương mong muốn chợ đầu mối Thủ Đức sớm mở cửa để kinh doanh trở lại
Đây là nội dung của buổi tọa đàm “Doanh nghiệp đóng góp ý tưởng triển khai nhiệm vụ quy hoạch chung thành phố Thủ Đức” do UBND TP Thủ Đức tổ chức vào ngày 5-3.
Kiến tạo không gian sáng tạo, phát triển bền vững
Theo ông Hoàng Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, với tầm nhìn phát triển thành phố trong tương lai, Thủ Đức sẽ trở thành trung tâm giao thương quốc tế, tập trung vào kinh tế tri thức, nghiên cứu khoa học, công nghệ; đồng thời còn là trung tâm du lịch, tài chính – thương mại, dịch vụ hậu cần (logistics) mang tầm quốc tế. Đặc biệt, hướng tới đô thị có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc hấp dẫn; phát triển hạ tầng đô thị thông minh, bền vững và thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu.
Ông Trương Minh Huy Vũ, Giám đốc khu Công nghệ phần mềm (thuộc Đại học Quốc gia TPHCM) cho rằng trong bối cảnh TPHCM đang từng bước phục hồi kinh tế, khởi động lại quy trình phục hồi hóa nhanh chóng sau đại dịch, việc quy hoạch thành phố Thủ Đức trở thành thành nhiệm vụ quan trọng trong việc kiến tạo nên những nền tảng mới cho cả Thủ Đức nói riêng và TPHCM nói chung.
Góp ý về xu hướng chuyển đổi số trong phát triển và quy hoạch hạ tầng của thành phố Thủ Đức, ông Vũ đề xuất TP nên đưa đồ án quy hoạch lên nền tảng vũ trụ ảo Metaverse, ứng dụng phục vụ quy hoạch và du lịch mà Hàn Quốc và Singapore đã áp dụng, để người dân và doanh nghiệp có thể tham gia góp ý một cách rộng rãi.
Theo bà Phạm Thị Huệ Linh, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia, Bộ Xây dựng: “Việc quy hoạch thành phố Thủ Đức cần đáp ứng được nhu cầu, định hướng tương lai và cả ngắn hạn. Đây là một yêu cầu tương đối khó. Chúng ta thường có những tầm nhìn xa, do đó thường bỏ qua những giải pháp ngắn hạn”.
“Trong đợt quy hoạch chung thành phố Thủ Đức sắp tới, không chỉ áp đặt những gì áp đặt mà mở ra không gian cho sự sáng tạo, nơi cộng đồng doanh nghiệp, người dân có thể phát huy ở mọi lúc, mọi nơi.
Đơn cử trên cùng một mảnh đất, chúng ta có thể phát triển, xây dựng với nhiều chức năng khác nhau tại mỗi thời điểm khác nhau. Từ quy hoạch chung đó sẽ lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết nhằm tạo công cụ khuyến khích sự phát triển”, bà Phạm Thị Huệ Linh nêu ý kiến.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch hiệp hội bất động sản TPHCM cũng cho rằng, đây là thời điểm thuận lợi để TP Thủ Đức quy hoạch, phát triển một cách bài bản trên nền tảng của 3 trụ cột gồm nhà nước, sức sáng tạo và sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp.
Ông cho rằng, TP Thủ Đức muốn thu hút các nhà đầu tư, tầm cỡ quốc tế phải đầu tư mạnh hạ tầng giao thông. Hiện TP Thủ Đức đã và đang được phê duyệt rất nhiều tuyến đường kết nối với trung tâm TPHCM cũng như các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương như tuyến Vành đai 2, Vành đai 3, cầu Cát Lái, tuyến Metro số 1. Khi hạ tầng giao thông phát triển, thành phố đồng thời sẽ thu hút được các nhà đầu tư lớn.
Theo ông Châu, nguồn ngân sách nhà nước dành cho các dự án hạ tầng đô thị chỉ là “vốn mồi”, nguồn vốn phát triển TP Thủ Đức chính là từ nguồn đóng góp của xã hội và cộng đồng doanh nghiệp.
Mời gọi doanh nghiệp cùng giải quyết các bài toán về quy hoạch, phát triển
Ông Hoàng Quốc Trường, Phó giám đốc VNPT TPHCM, đề xuất thành phố Thủ Đức nên tổ chức các sân chơi, tạo điều kiện để doanh nghiệp gặp gỡ, giới thiệu, hợp tác để từ đó có thể cùng nhau giải quyết các bài toán xây dựng thành phố.
“Bên có ý tưởng, bên có tiềm lực tài chính, bên có công nghệ, bên có hạ tầng, để cùng nhau giải quyết các bài toán của thành phố, đẩy nhanh việc thực hiện xây dựng thành công đô thị sáng tạo và nâng tầm chất lượng cuộc sống của người dân Thủ Đức”, ông Trường nói.
Đối với những khu vực trọng điểm có quy mô lớn hoặc có điều kiện xây dựng mới từ hạ tầng cơ sở đến công trình, thay vì chia nhỏ thành các dự án thành phần, thành phố nên lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược, hoặc liên doanh đầu tư có đủ năng lực và tiềm lực thực hiện, ông Jonathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG) góp ý tại tọa đàm.
“Nhà đầu tư cũng cần có cam kết đồng hành cùng thành phố để đầu tư các giải pháp hạ tầng, dự án và công trình theo tiến độ nhanh nhất, có giải pháp quản lý vận hành và có kết nối với hệ thống quản lý thông minh của thành phố.”
Được biết đến là thành phố kiểu mẫu “đô thị trong thành phố” đầu tiên của cả nước, Thủ Đức có vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với vùng tam giác TPHCM – Đồng Nai – Bà Rịa – Vũng Tàu.
Nơi đây còn là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, xa lộ Hà Nội, đường Phạm Văn Đồng – QL 1K, QL 52, QL 13, đường Vành đai 2… Dự báo vào năm 2040, nơi đây sẽ có khoảng 2.200.000 dân và gần 20.000 ha đất xây dựng đô thị.
Song song với việc quy hoạch, phát triển hạ tầng hướng đến đô thị hóa toàn diện, ông Jesse Boone, Giám đốc Phát triển hạ tầng của Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng sự hài hòa của việc bảo tồn, trùng tu các di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật hiện có tại TP Thủ Đức cũng là vấn đề cần được quan tâm.
Còn theo bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Phuc Khang Corporation, thành phố Thủ Đức cần quy hoạch theo hướng “đô thị xanh”, tạo dựng những cộng đồng xanh, lan tỏa những giá trị sống xanh, bảo vệ thiên nhiên và môi trường.
Làm thế nào để biến những di tích, kiến trúc nghệ thuật có giá trị lịch sử này trở thành nơi lưu giữ văn hóa, giảng dạy văn hóa, tài sản văn hóa truyền lại cho các thế hệ sau trong quá trình quy hoạch và phát triển TP Thủ Đức cũng là nỗi trăn trở của các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp khi tham gia góp ý cho đề án quy hoạch chung thành phố Thủ Đức định hướng đến năm 2040.
Phát biểu kết luận tọa đàm, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức cho biết, thành phố Thủ Đức sẽ tiếp thu các ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp đã đóng góp; nhiều ý kiến tâm huyết và quý báu cho phát triển, quy hoạch chung của thành phố Thủ Đức. Sắp tới, thành phố Thủ Đức sẽ tổ chức các hội thảo chuyên đề cho từng ngành nhằm nghe sâu hơn các góp ý của doanh nghiệp và chuyên gia.
“Làm sao để đồ án quy hoạch thành phố Thủ Đức khả thi nhất và cộng đồng doanh nghiệp sẵn sàng đồng hành cùng thành phố Thủ Đức để thực hiện quy hoạch này. Hiện nay, thành phố Thủ Đức đã được Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung đến năm 2040 với mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế tri thức, khoa học – công nghệ, tài chính quan trọng của TP Hồ Chí Minh và quốc gia”, ông Hoàng Tùng cho biết.
Thanh Diệu – Minh Thảo
Theo KTSG Online