Thứ Sáu, Tháng Chín 20, 2024

Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đối mặt nhiều thách thức trong năm 2024

(SGTT) – Các nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu được dự báo sẽ đối mặt với không ít thách thức trong năm 2024.

Cam kết gây chú ý của thỏa thuận COP28 – rằng các quốc gia sẽ nỗ lực “chuyển dịch khỏi nhiên liệu hóa thạch” – không đi kèm với thời hạn cụ thể. Nhưng một phần khác của thỏa thuận thì có. Theo đó, để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C, lượng phát thải khí nhà kính phải đạt đỉnh vào năm 2025, trước khi giảm 43% vào năm 2030.

Điều đó có nghĩa là đối với những nước phát thải khí nhà kính nhiều nhất, năm 2024 sẽ là bước ngoặt quan trọng cho quá trình chuyển đổi năng lượng. Kết quả của quá trình này sẽ quyết định thành công hoặc thất bại trong việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

Trong bối cảnh đó, 2024 được dự báo sẽ là một năm đầy thách thức cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, khi mà các điều kiện toàn cảnh của nền kinh tế toàn cầu – chiến tranh, chủ nghĩa dân tộc, lạm phát và lãi suất cao – có xu hướng ủng hộ hiện trạng sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Việc vượt qua những cơn gió ngược này sẽ đóng vai trò quyết định xem, những mục tiêu của COP28 liệu có vượt ngoài tầm với của thế giới hay không?

Những thách thức trong quá trình chuyển đổi năng lượng

Chiến tranh thương mại khí hậu toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục nóng lên. Năm tới sẽ là năm đầu tiên các nhà nhập khẩu sản phẩm công nghiệp như nhôm và phân bón ở châu Âu phải báo cáo lượng khí thải carbon từ hàng hóa mà họ mua về. Yêu cầu này sẽ gây áp lực lên các nhà cung cấp trên toàn thế giới, buộc họ đẩy nhanh quá trình khử carbon hoặc đối mặt với nguy cơ mất khả năng tiếp cận thị trường khi thuế quan biên giới carbon của Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực đầy đủ vào năm 2026.

Bên cạnh đó, các công ty và chính phủ phương Tây sẽ tiếp tục cố gắng làm suy yếu sự kiểm soát của Trung Quốc đối với chuỗi cung ứng các khoáng sản quan trọng và thiết bị năng lượng sạch. Điều này có thể đẩy giá cả tăng cao hơn trong thời gian tới, đặc biệt là khi Bắc Kinh cân nhắc trả đũa bằng các biện pháp hạn chế xuất khẩu.

Chi phí vay tăng cao trong năm qua đã khiến tính kinh tế của các dự án năng lượng tái tạo trở nên kém hấp dẫn hơn. Giá cổ phiếu của các công ty năng lượng sạch đã bị ảnh hưởng đáng kể trong năm 2023. Vào theo một dự báo mới công bố của ngân hàng SEB (Thụy Điển), đầu tư vào năng lượng sạch toàn cầu có thể giảm 9% trong năm tới.

Tuy vậy, vẫn có những điểm sáng tích cực. Công nghệ khí hậu đang thu hút tỷ trọng vốn ngày càng cao từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, cũng như các công ty phát thải cao, đang rất mong muốn tìm kiếm các giải pháp khử carbon. Công nghệ loại bỏ khí thải đã có một năm 2023 thành công, và có thể sẽ hướng tới một kết quả tích cực hơn trong năm 2024. Đầu tư vào các cơ sở sản xuất năng lượng sạch ở Mỹ đã tăng trưởng ổn định và xu hướng này có thể sẽ tiếp tục được duy trì trong năm tới.

Trên thị trường xe điện, kể từ ngày 1-1-2024, hầu hết các loại xe điện được bán ở Mỹ sẽ không còn đủ điều kiện nhận toàn bộ khoản tín dụng thuế 7.500 đô la như trong năm nay, khi các quy định loại trừ những linh kiện do Trung Quốc sản xuất trở nên nghiêm ngặt hơn.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất ô tô từ Mỹ cho tới châu Âu vẫn sẽ tiếp tục tham gia vào một cuộc chiến giảm giá kéo dài để bảo vệ thị phần của mình trước các mẫu xe điện giá rẻ từ Trung Quốc. Những đợt giảm giá này được kỳ vọng sẽ là động lực mạnh mẽ cho quá trình chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch, bởi quá trình điện khí hóa giao thông vận tải sẽ có ảnh hưởng lớn đến nhu cầu dầu mỏ.

Vấn đề tài chính cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Trong năm tới, vấn đề tài chính được dự báo sẽ tiếp tục chiếm vị trí trung tâm trong các cuộc đối thoại về khí hậu khi chi phí huy động vốn vẫn ở mức cao.

Trong khi đó, các nền kinh tế toàn cầu mới nổi sẽ tiếp tục yêu cầu dòng tiền tài trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng của họ.

Lý do cốt lõi khiến tài chính rất quan trọng đối với việc triển khai năng lượng sạch là để đáp ứng nhu cầu về chi phí trả trước cho cơ sở hạ tầng trong ngành.

Một vài yếu tố hiện đang khiến tình hình trở nên phức tạp. Đầu tiên, lãi suất cao hơn đã ảnh hưởng đến hiệu quả của các dự án, mà chỉ mới một năm trước vẫn còn đang hoạt động tốt. Và thứ hai, các nền kinh tế mới nổi đang phải chịu áp lực ngày càng tăng trong việc cắt giảm lượng khí thải nhưng trên thực tế lại không có đủ khả năng chi trả chi phí vay vốn để thực hiện điều đó.

Cam kết tài chính gần đây nhất, được đưa ra tại COP15 ở Copenhagen hồi năm 2009, kêu gọi các nước giàu cung cấp 100 tỉ đô la tài chính khí hậu hàng năm cho các nước đang phát triển kể từ năm 2020.

Các số liệu sơ bộ cho thấy, mục tiêu này có thể đã đạt được trong năm ngoái, nhưng chắc chắn không ai nghĩ rằng 100 tỉ đô la sẽ là đủ trong tương lai. Bởi lẽ, các chuyên gia ước tính các nước đang phát triển sẽ cần chi khoảng 1.000 tỉ đô la vào năm 2025 cho các khoản đầu tư chống biến đổi khí hậu, và tăng lên gần 2.400 tỉ đô la mỗi năm trong giai đoạn 2026-2030.

Những thách thức từ biến động chính trị

Những biến động chính trị trong năm 2024, đặc biệt là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cũng có thể ảnh hưởng lớn đến cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Trong trường hợp ứng cử viên hàng đầu Đảng Cộng hòa – ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ, liệu các chương trình chuyển đổi năng lượng trong dài hạn có bị phá vỡ bởi những chính sách nhằm đạt được lợi ích chính trị trong ngắn hạn?

Ông Donald Trump, người luôn bác bỏ những lo ngại về biến đổi khí hậu, mới đây cho biết nếu đắc cử, ông sẽ từ bỏ cam kết trị giá 3 tỉ đô la của Mỹ đối với một quỹ toàn cầu nhằm giúp các nước đang phát triển cắt giảm khí thải.

Đồng thời, ông Trump có thể không sẵn lòng hoặc không quan tâm đến việc tìm kiếm giải pháp lưỡng đảng để thúc đẩy các cải cách về môi trường. Ông cũng có thể từ bỏ hoặc đơn giản là không thực thi các quy định về khí thải thời chính quyền Biden; và thậm chí có thể rút nước Mỹ khỏi các thỏa thuận về khí hậu, hay thỏa thuận thương mại tập trung vào khí hậu với EU.

Song Thanh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Biến đổi khí hậu ở sông Mê Kông dưới góc nhìn...

0
(SGTT) - Cùng một dòng chảy nhưng điểm thú vị là sông Mê Kông khi đến từng quốc gia sẽ được đối xử và...

Biến đổi khí hậu ở sông Mêkông dưới góc nhìn của...

0
(SGTT) - Câu chuyện về biến đổi khí hậu trên lưu vực sông Mêkông có thể được bóc tách dưới nhiều lăng kính để...

Đầu tư gần 18.000 tỉ đồng để ứng phó biến đổi...

0
(SGTT) - Dự án MERIT-WB11 với nguồn vốn vay có trị giá 17.759 tỉ đồng từ Ngân hàng Thế giới sẽ hỗ trợ 10...

Sử dụng AI trong hoạt động dự báo thời tiết và...

0
(SGTT) - Bằng cách hợp lý hóa quy trình chuyển dữ liệu thời tiết và khí hậu thành thông tin đầu vào, trí tuệ...

ĐBSCL cần hàng ngàn tỉ đồng để khắc phục tình trạng...

0
(SGTT) - Thời gian gần đây, các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như Bến Tre, Trà Vinh, Cần Thơ, Bạc...

ADB dành 55% vốn cho các dự án chống biến đổi...

0
(SGTT) - Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự định sẽ phân bổ 55% nguồn tài chính cho các dự án chống biến...

Kết nối