Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024

Biến đổi khí hậu làm hại du lịch

Nhu cầu sinh hoạt của con người ngày càng có xu hướng tăng cùng với đà tăng dân số và biến đổi khí hậu là điều khó tránh khỏi. Bài viết sau đây cho thấy đôi điều về tác động đến du lịch của biến đổi khí hậu cũng như đề nghị một số biện pháp hạn chế các tác động xấu trong vấn đề này.

Ở Việt Nam, người ta đã nói nhiều đến tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) trong nhiều khía cạnh của đời sống con người. BĐKH không những ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động thường ngày của người dân qua các hiện tượng như nhiệt độ tăng cao hay sụt giảm bất thường, ngập lụt, triều cường v.v… mà còn tác động đến nhiều mặt của nền kinh tế, trong số đó có ngành công nghiệp du lịch vốn được đặt rất nhiều kỳ vọng ở Việt Nam.

Kỷ lục mới về nắng nóng ở Việt Nam

Đợt nắng nóng vừa qua khiến nhiệt độ ở Việt Nam tăng cao chưa từng thấy. “Kỷ lục” mới này cũng đã gây chú ý từ báo chí quốc tế.

Ví dụ như nhật báo Anh The Independent vừa đăng bài tường thuật nhiệt độ ở Việt Nam tăng lên mức kỷ lục. Báo này cho biết nhiệt độ ở tỉnh Thanh Hóa đo được 44,1 độ C vào đầu tháng 5, mức chưa từng có ở Việt Nam, vượt qua kỷ lục 43,4 độ C ghi nhận vào tháng 4 năm 2019.

Bài báo cũng cho biết cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không nên ra ngoài vào ban ngày. Các chuyên gia đã cảnh báo rằng khủng hoảng khí hậu khiến thời tiết trở nên tồi tệ hơn.

Bài báo dẫn lời một người địa phương cho hãng thông tấn AFP biết do nhiệt độ tăng cao, nông dân phải làm việc sớm hơn thường lệ. “Chúng tôi phải hoàn thành công việc trước 10 giờ sáng để tránh nhiệt độ nắng quá gắt”, người nông dân này nói.

Trong khi đó chuyên gia biến đổi khí hậu Nguyễn Ngọc Huy nói với AFP rằng kỷ lục nhiệt độ mới của Việt Nam khiến nhiều người lo ngại thêm về hiện tượng BĐKH và hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Theo ông Huy, kỷ lục này có thể sẽ bị phá vỡ nhiều lần nữa, nghĩa là mô hình khí hậu cực đoan đã được chứng minh là đúng.

Việt Nam không phải là quốc gia Đông Nam Á duy nhất chứng kiến nhiệt độ tăng mạnh. Một thành phố phía đông Myanmar ghi nhận nhiệt độ nắng nóng lên đến 43,8 độ C, trong khi nhiệt độ phía Tây tỉnh Mak của Thái Lan chạm ngưỡng 44,6 độ C, theo đài BBC.

Ở quốc gia láng giềng Lào, nhiệt độ tại thành phố Luang Prabang cũng tăng lên mức 43,5 độ C, vượt kỷ lục 42,7 độ C đo được vào tháng trước, theo hãng tin Mỹ CNN.

Kết quả nghiên cứu thực hiện năm 2022 của một nhóm chuyên gia tại Đại học Harvard và Đại học Washington cho thấy các mức tăng nhiệt độ nguy hiểm ở Bắc bán cầu có thể gây ảnh hưởng lên toàn thế giới với mức độ lớn hơn từ gấp ba đến 10 lần vào cuối thế kỷ này.

Thách thức BĐKH tác động đến du lịch…

Theo SmartDestination, một trang mạng chuyên về du lịch, ngành công nghiệp không khói phụ thuộc vào tình trạng ổn định của khí hậu hơn nhiều ngành kỹ nghệ khác. Khí hậu khắc nghiệt có ảnh hưởng trực tiếp đến các trải nghiệm của du khách và cơ sở hạ tầng du lịch, cũng như có thể gây thiệt hại kinh tế đáng kể cho các điểm du lịch và cư dân tại chỗ.

Ở khắp mọi nơi, từ vùng nhiệt đới gió mùa đến các miền tuyết phủ, khí hậu cực đoan là một mối đe dọa cho cả ngành du lịch.

Sự phát triển du lịch ở các địa điểm ấm áp như vùng biển Caribbean, đảo quốc Maldives hay quốc gia Trung Mỹ Costa Rica, đều bị đe dọa bởi hiện tượng trái đất nóng lên.

SmartDestination dẫn nguồn Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) cho biết mùa bão biển năm 2017 đã khiến vùng biển Caribbean mất hơn khoảng 820.000 khách du lịch so với dự báo khi không có bão biển. Nghĩa là khu vực này thất thu hơn 740 triệu đô la Mỹ doanh thu du lịch và mất hơn 11.000 việc làm.

Một ví dụ khác, năm năm qua, Costa Rica trải qua một đợt hạn hán kinh khủng nhất trong vòng 75 năm.

Tình hình ở đảo quốc Maldives còn trầm trọng hơn. Theo các báo cáo đáng tin cậy, nếu tốc độ nước biển dâng tiếp tục như hiện nay, 80% diện tích Maldives sẽ không thể là nơi người dân sinh sống sau không đầy 30 năm nữa (năm 2050).

Các chuyến du lịch (tour) và địa điểm du lịch nằm trong số những phân khúc của ngành công nghiệp không khói chịu ảnh hưởng xấu nhất của biến đổi khí hậu, đặc biệt là các hoạt động ngoài trời.

Ví dụ như tại Mỹ, nhiệt độ nóng hơn, hạn hán kéo dài, lượng tuyết rơi giảm sút và cháy rừng lan rộng đang làm thay đổi bức tranh hoạt động ngoài trời của ngành du lịch nước này.

Moab, thành phố lớn nhất bang Utah, Mỹ, vốn nổi tiếng nhờ môn xe đạp leo núi, đang phải vật lộn với hiện tượng nhiệt độ và nồng độ bụi trong không khí tăng cao. Số ngày có nhiệt độ và nồng độ bụi cao ở Moab nhiều hơn khiến du khách không thể thực hiện các chuyến leo núi bằng xe đạp họ ưa thích.

… và hành động để chống tác động của BĐKH lên du lịch

May thay, các quốc gia cũng đã ý thức đến tác hại khôn lường của BĐKH và đề ra biện pháp hạn chế. Một trong các đồng thuận quốc tế về BĐKH là Hội nghị Paris về biến đổi khí hậu (COP21).

Tuy nhiên, cũng không may là ngay cả khi toàn thế giới tuân thủ các cam kết do COP21 đề ra, nhân loại đã vượt quá điểm không thể đảo ngược (point of no return) trong vấn đề này, theo SmartDestination. Lý do là vì chúng ta đã tàn phá trái đất này nhiều đến nỗi trong tương lai gần, khí hậu cực đoan là không thể tránh được.

Nhưng cũng đừng quá bi quan. Ngành công nghiệp du lịch vẫn có thể làm nhiều chuyện giúp tình hình không trở nên tồi tệ hơn trong tương lai. Có thể kể một số việc sau đây.

Thứ nhất, giảm dấu chân carbon (carbon footprint).

SmartDestination trích số liệu Liên hợp quốc cho biết, chỉ riêng ngành công nghiệp du lịch đã “đóng góp” khoảng 5% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu (global greenhouse gas emissions). Vì vậy, người làm du lịch cũng đâu phải hoàn toàn vô can trong việc làm ra BĐKH phải không? Thống kê cho thấy, phần lớn lượng khí thải này là do phương tiện di chuyển khi người ta du lịch thải ra.

Để tạo ra sự thay đổi trong vấn đề này, các điểm đến du lịch cần đầu tư vào các phương tiện giao thông không thải carbon, như xe điện hay xe đạp. Cần khuyến khích du khách sử dụng phương tiện giao thông ở địa phương thay vì cứ leo lên máy bay thoải mái bất cứ lúc nào. Một khi đã đến một địa điểm du lịch, du khách nên dùng phương tiện giao thông công cộng tại chỗ.

Thứ hai, giúp sức cho các đảo quốc nhỏ và các quốc gia đang phát triển.

Dù cũng phải chịu trách nhiệm phần nào về hiện tượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu, các đảo quốc nhỏ và các quốc gia đang phát triển lại nằm trong số chịu ảnh hưởng xấu nhất của BĐKH.

Một trong những biện pháp giải quyết là thành lập quỹ quốc tế về “mất mát và thiệt hại (“loss and damage” funding facility) để giúp họ chống BĐKH. Đây cũng chính là đề nghị của các quốc gia vùng Caribbean tại COP27 diễn ra năm ngoái tại Ai Cập.

Thứ ba, giáo dục du khách và người dân địa phương

Tự thân du lịch đã có khả năng làm thay đổi tư duy của con người. Đi đó đi đây, gặp gỡ người dân sở tại và thiết lập mối quan hệ với họ có thể làm du khách nhận ra rằng BĐKH là một vấn đề toàn cầu, và, do đó, cần các nỗ lực toàn cầu.

Đội ngũ hướng dẫn viên du lịch nên được khuyến khích sử dụng tài kể chuyện của mình để nói cho du khách biết làm thế nào trở thành người du lịch lưu ý đến sinh thái.

Ngoài ra, các tổ chức quản lý nơi đến (Destination Management Organization – DMO) phải giáo dục các đơn vị cung cấp dịch vụ lữ hành địa phương về tác động của BĐKH lên ngành công nghiệp du lịch.

Thứ tư, đầu tư vào du lịch bền vững

DMO không những phải chịu trách nhiệm về thông tin và quảng bá cho nơi đến mà còn phải quan tâm đến việc làm sao biến nơi đó trở nên đáng sống hơn và đáng thăm viếng hơn, trong khi bảo vệ hành tinh này.

Tổ chức quản lý nơi đến có khả năng thực hiện các sáng kiến nhằm thích nghi và giảm thiểu ảnh hưởng của BĐKH, đồng thời thiết lập quan hệ đối tác với các nhóm bảo vệ môi trường để tăng cường hiệu quả của nỗ lực này.

Trong một số trường hợp, các tổ chức quản lý nơi đến có thể vận động hành lang hay dùng kỹ năng gây ảnh hưởng nhằm cải thiện ý thức người dân và khởi động các phong trào sống xanh.

Vỹ Du

Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối