Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024

Cùng nhìn lại những sự kiện ẩm thực đáng nhớ trong năm 2021

Ẩm thựcBạn cần biếtCùng nhìn lại những sự kiện ẩm thực đáng nhớ trong năm...
(SGTT) – Trải qua đợt giãn cách kéo dài gần nửa năm, sau du lịch, dường như ngành ẩm thực và thị trường F&B nói chung chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tuy nhiên, năm 2021 cũng là một năm đáng nhớ với những người yêu ẩm thực với nhiều sự thay đổi và thích ứng mới. Hãy cùng Sài Gòn Tiếp Thị điểm qua một số sự kiện ẩm thực nổi bật trong năm 2021 qua bài viết dưới đây. 

Trồng hành lá, tự nấu bún bò Huế, biết làm bánh mì, học cách trữ thực phẩm… là những “kỹ năng” mà những tín đồ ẩm thực và yêu bếp đã rèn luyện được qua mùa giãn cách kéo dài 4 tháng lịch sử. Và một số sự kiện khác đáng nhớ với giới ẩm thực năm 2021: đua nhau mở kênh Tik Tok ẩm thực – học nấu ăn từ nguyên liệu tại nhà; nhà hàng từ “0 sao” đến “5 sao” đóng gói giao món tận nơi; CEO chuỗi Stix bỏ trốn lừa đảo; bánh mì “trà xanh” Huynh Hoa…

Trồng hành, nấu bún bò, làm bánh mì

Thử trồng hành lá, nấu bún bò, làm bánh mì là những trào lưu nấu nướng xuất hiện trong mùa giãn cách xã hội từ tháng 6 đến tháng 8-2021. 

Hashtag (từ khóa) #tronghanh hiện đạt hơn 900.000 lượt tìm kiếm trên nền tảng Tik Tok, trở thành một sự kiện cực “hot” trong giới nghiện bếp núc mùa dịch. Hành lá là loại gia vị thông dụng, lúc bấy giờ trở nên “đắt xắt ra miếng”, thậm chí không thể mua được. Đợt bùng dịch lần thứ tư vào tháng 5 vừa qua là một sự kiện khiến việc cung cấp thực phẩm, đặc biệt là rau củ bị gián đoạn, khi các chợ đầu mối đều bị đóng cửa và thành phố “cấm cửa” xe liên tỉnh. 

Trên tất cả hội – nhóm ẩm thực, người người nhà nhà đua nhau chia sẻ thành quả cũng như cách trồng hành lá từ củ hành tím, gốc hành lá bằng nước hoặc đất. Nhiều người bày tỏ sự vui mừng khi có vài ngọn hành lá để ăn mì gói giữa lúc dịch và cũng bắt đầu yêu thích công việc trở thành “nông dân thành phố” tự cung tự cấp. Ngoài hành lá, cư dân mạng còn chia sẻ trồng rau thơm, các loại rau ăn lá tại nhà và truyền nhau cách trữ rau xanh để sử dụng trong mùa cách ly toàn xã hội. 

Trồng hành lá bằng củ hành tím trong nước được nhiều người thử nghiệm mùa cách ly xã hội. Ảnh minh họa.

Bún bò huế là món ăn quốc dân được “săn lùng” nhiều nhất mùa cách ly xã hội. Nhưng không vì khó khăn về việc giao – nhận thức ăn mà tín đồ ẩm thực bỏ cuộc, nhiều người tìm cách để nấu được bún bò tại gia để thưởng thức hàng ngày. Một số người còn tận dụng tay nghề của mình để bán bún bò trên mạng hoặc cho hàng xóm. 

Bánh mì cũng là “mặt hàng hiếm” khi các lò bánh mì và địa điểm ăn uống đều đóng cửa theo chỉ đạo phòng chống dịch của thành phố. Ngán mì gói, phở công nghiệp, tín đồ ẩm thực giờ đây phải dấn thân vào con đường “bơ đường bột sữa” để tự mình làm ra những chiếc bánh mì thơm ngon cho bữa sáng mùa dịch thêm phong phú. 

Học nấu ăn qua Tik Tok – cơn sốt món ngon từ cơm nguội

Mùa dịch ít hoạt động giải trí, tín đồ ẩm thực vẫn “đã mắt” với những video ẩm thực nhà làm mới nổi trên Tik Tok. Đặc điểm của các video này là thời lượng ngắn (thường dưới 6 phút); công thức đa dạng, dễ làm do những “đầu bếp tại gia” hướng dẫn theo nhiều phong cách riêng từ hài hước đến độc lạ. Những món ăn được hướng dẫn nấu từ Tik Tok cực kỳ đơn giản theo kiểu dã chiến: nguyên liệu dễ tìm hoặc thậm chí là từ món ăn thừa sau bữa ăn để sáng tạo món ăn ngon miệng.

Trong đó, phải kể đến cơn sốt món ngon từ cơm nguội đã làm mưa làm gió với nhiều phiên bản biến tấu độc đáo, hấp dẫn mà ai cũng có thể thử làm theo. Từ cơm nguội thừa, các tín đồ ẩm thực chế biến đa dạng các món từ ăn no đến ăn vặt ngon miệng: bánh gạo Hàn Quốc cơm nguội, cơm cháy mắm hành, cá viên chiên cơm nguội, snack cơm nguội, cơm nguội bọc trứng cút, bún – phở từ cơm nguội, bánh bò cơm nguội… Nếu mùa dịch năm 2020 rộ lên trào lưu cà phê bọt biển, bánh mì bơ tỏi, trứng bồng bềnh thì mùa dịch năm 2021 gọi tên món “hot trend” tokbokki cơm nguội từ các đầu bếp Việt Nam.

Bánh gạo làm từ cơm nguội là một món ăn hot mùa dịch trên Tik Tok. Ảnh Internet

Ngoài món ăn từ cơm nguội, cư dân mạng còn trổ tài sáng tạo với các món ăn từ khoai lang được cứu trợ; bánh cuốn với bánh tráng; bánh bèo từ bánh phồng tôm; bánh gạo phô mai từ bánh tráng….

Nhà hàng 5 sao – Buffet đóng gói giao tận nơi

Trong thời gian giãn cách toàn thành phố, nhiều nhà hàng hạng sang, buffet lẩu – nướng đã chuyển sang hình thức bán online – giao tận nơi để tiếp tục duy trì mùa dịch. Tín đồ ẩm thực có thể đặt hàng trực tiếp qua hotline của các nhà hàng để được phục vụ, thỏa cơn thèm ăn hàng hay mở tiệc tại gia.

Điểm nhấn của dịch vụ này là các món ăn được đóng gói đẹp, chắc chắn, đảm bảo vệ sinh và giữ nguyên chất lượng “chuẩn nhà hàng”, giúp thực khách có trải nghiệm tương tự đang ăn tại chỗ. Phải kể đến các món ăn đặc trưng từ thương hiệu pizza 4Ps nay cũng đã được biến hóa thành món ăn liền, đông lạnh như mì cua sốt kem cà chua – món ăn nổi tiếng của 4Ps và các loại pizza đặc biệt. Món ăn được đóng gói kỹ lưỡng, các thành phần món ăn được đóng riêng lẻ; có hướng dẫn cụ thể để làm nóng món ăn như mới, hương vị hấp dẫn, nóng sốt như thưởng thức tại nhà hàng. 

Các món ăn của 4Ps được đóng gói kỹ lưỡng theo kiểu thực phẩm đông lạnh, tiện dùng. Ảnh: Internet

Với các chuỗi Buffet – Lẩu, các nhà hàng sẽ đóng gói một kiện hàng lớn gồm tất cả món ăn kèm (thịt, rau, món tráng miệng, món ăn kèm) và nước lẩu. Song, phần ăn được giao về nhà sẽ có nhiều nguyên liệu được cắt giảm bớt để đảm bảo hương vị và độ tươi ngon khi giao đến tay thực khách. Các nhà hàng buffet còn “tinh ý” ra nhiều ưu đãi để giữ chân thực khách và hỗ trợ thực khách trong mùa dịch.

The Coffee House đóng cửa một số chi nhánh, CEO chuỗi cà phê Stix bỏ trốn

Có thể nói, các chuỗi đồ uống – cà phê, trà sữa gặp ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt dịch năm 2021 này. Không còn khách mua mang đi cũng chẳng còn khách đến uống tại quán, dịch vụ giao thức ăn quá tải khiến nhiều ông lớn ngành đồ uống cũng phải “lao đao” vì dịch. Sau khi kết thúc giãn cách, một số lượng lớn các quán nước phải đóng cửa, hoặc đổi chủ, đổi mô hình kinh doanh khác, thu nhỏ mặt bằng…

Đơn cử như chuỗi cà phê “quốc dân” The Coffee House cũng đã đóng cửa chi nhánh The Coffee House Signature tại vị trí đắc địa khu trung tâm vốn kinh doanh phát đạt, khiến nhiều “fan cứng” tiếc nuối. Tuy nhiên, đại diện The Coffee House chia sẻ với báo chí đã có kế hoạch thay đổi mô hình kinh doanh để phù hợp sau dịch. Thương hiệu này cũng đã ra mắt các sản phẩm cà phê hòa tan, cà phê lon uống liền kịp thời để duy trì việc kinh doanh. 

Chi nhánh The Coffee House signature phải đóng cửa do kinh doanh kém mùa dịch. Ảnh từ mạng xã hội

Trong khi đó, một số thương hiệu nổi tiếng khác lại chớp lấy cơ hội này để gia tăng lợi thế cạnh tranh bằng việc thay đổi diện mạo mới hoặc đổi mới menu, giá cả sản phẩm. Phải kể đến Cheese Coffee khi thương hiệu này ra mắt cửa hàng mới ở khu vực trung tâm với thiết kế sang trọng hơn, hiện đại hơn ngay sau giãn cách. Từ đó, với nhu cầu ăn – chơi sau dịch tăng cao, Cheese Coffee đã thu hút hàng trăm lượt khách hàng trẻ đến “check-in”. Hay như chuỗi Katinat đã bắt đầu tăng độ phủ sóng đến phân khúc khách hàng tầm trung, học sinh – sinh viên khi nhân rộng chi nhánh đến nhiều quận trong thành phố. Menu đồ uống tại các chi nhánh này cũng có mức giá phải chăng hơn, không gian đẹp phù hợp với giới trẻ và nhân viên văn phòng. 

Chi nhánh Cheese Coffee tại quận 1 có diện mạo mới với tông màu đen, kiến trúc cổ điển phương Tây thu hút giới trẻ. Ảnh: mạng xã hội

Bão Covid-19 vừa lắng xuống, nhiều chủ đầu tư đã choáng với thông tin CEO chuỗi cà phê Stix Coffee lừa gạt, “mất tích” với gần 200 tỉ đồng. Hậu giãn cách, tất cả chi nhánh của Stix Coffee và trụ sở công ty đều “bốc hơi” và chủ đầu tư mất trắng. Được biết đến là CEO trẻ tài năng, khởi nghiệp thành công, Đinh Công Đạt bị vạch trần đã lợi dụng danh tiếng, tạo dựng uy tín giả để thu hút nhà đầu tư. Hành vi của Đinh Công Đạt được cho là liên quan đến hình thức đa cấp, chiếm đoạt tài sản có tổ chức. Đến nay, vụ việc vẫn đang được điều tra làm rõ và vẫn chưa có thêm thông tin liên lạc nào về vị CEO này. 

Chủ đầu tư bức xúc vì bị CEO chuỗi Stix Coffee lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ảnh Zingnews.vn

Lùm xùm bánh mì “ô môi”

Chỉ cần nghe qua cụm từ này, ai cũng sẽ biết ngay vụ việc gây chấn động giới ẩm thực đầu tháng 12 vừa qua. Bánh mì Huỳnh Hoa (hay còn là Huynh Hoa) đã nổi tiếng lâu đời và được nhiều thực khách yêu thích. Tuy nhiên, họ bất ngờ tuyên bố tách riêng thành hai thương hiệu vì yếu tố tình cảm cá nhân. 

Hai bà chủ Huynh và Hoa cho biết mình không thể làm ăn chung được nữa vì có “người thứ 3” chen vào, cả hai quyết định ra riêng kinh doanh cơ sở bánh mì. Tiệm bánh mì “ô môi” tan rã, bà Huynh được bà Hoa giao cho số tiền 1,3 tỉ đồng. Sau đó, bà Huynh đã hợp tác làm ăn cùng với anh A (giấu tên) để tạo ra thương hiệu bánh mì mới của riêng mình là “Bánh mì ô môi bà Huynh”, còn bà Hoa vẫn nắm giữ thương hiệu cũ.

Hàng dài người dân xếp hàng mua bánh mì Huỳnh Hoa tối ngày 15-12. Ảnh: T.Tr

Tiệm bánh mì của bà Huynh ngay lập tức thu hút sự chú ý từ cộng đồng mạng vào ngày 15-12, tại quận 3, TPHCM. Không chỉ khiến công chúng tò mò bởi sự việc này. Nhiều người hào hứng đợi cả tiếng đồng hồ mua cho bằng được ổ bánh mì vì chưa bao giờ bánh mì Huỳnh Hoa lại giảm giá mạnh đến như vậy. Bánh mì bà Huynh khai trương trong ngày đầu tiên đã bán được hơn 2.000 ổ bánh mì. Với chương trình mua 1 tặng 1, giá một ổ là 58.000 đồng.

Giữa bão dư luận, tiệm Huỳnh Hoa chính gốc (do bà Hoa nắm giữ) cũng không chịu thua mà tiếp tục ra mắt bánh mì có màu trà xanh (ruột màu xanh lá) để cạnh tranh và giữ thương hiệu. Trận chiến “Huynh – Hoa” hiện vẫn chưa có hồi kết và vẫn có doanh thu cao ngất ngưởng mỗi ngày với sự hiếu kỳ của cộng đồng. 

Tiệm Huỳnh Hoa chính gốc (do bà Hoa nắm giữ) ra mắt bánh mì có màu trà xanh (ruột màu xanh lá) để cạnh tranh bánh mì bà Huynh. Ảnh: Internet

Yến Nhi 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Trưa nay ăn gì: Bữa trưa thơm lừng cùng diềm bò nướng rau củ

0
(SGTT) – Trong nhiều phong cách ẩm thực nướng, các món nướng của người Hàn Quốc luôn có những "tín đồ" riêng bởi sự đa dạng trong cách chế biến, nguồn nguyên liệu đặc sắc. Theo đó, diềm bò nướng rau củ là món ăn mà thực khách có...

Singapore thu hồi ba loại thực phẩm có xuất xứ từ Việt Nam

0
Cơ quan Quản lý Thực phẩm Singapore thông báo thu hồi một số thực phẩm có xuất xứ từ Việt Nam gồm nem cuốn hải sản Li Chuan (750g), dimsum tôm Bibigo Mandu (350g) và Mini Mandu. Tiệm bánh mì Việt và thói quen an toàn vệ sinh thực...

‘Giải nhiệt’ tại những dòng suối, thác nước gần Hà Nội dịp 30-4

0
(SGTT) - Những dòng suối, thác còn khá hoang sơ ở Hoà Bình, Tuyên Quang hay Thái Nguyên... là gợi ý để du khách "tránh nóng" trong kỳ nghỉ lễ 30-4 này. Lễ 30-4, ‘trốn nóng’ tại những dòng suối, thác nước gần TPHCM Hàng cây bàng lá nhỏ...