Thứ Ba, Tháng Năm 14, 2024

Có một Lung Ngọc Hoàng hoang sơ ở Hậu Giang

(SGTT) – Hậu Giang được cho là địa phương có nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch, nhất là với loại hình du lịch nông nghiệp – nông thôn.

Trình bày tham luận trong cuộc hội thảo “Chung tay làm du lịch nông nghiệp” do UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp với Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Saigon Times Group), Đài Phát thanh và Truyền hình Hậu Giang (HGTV) tổ chức hôm 8-7, ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty dịch vụ du lịch Vòng Tròn Việt, cho biết cũng như đa số các tỉnh, thành trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Hậu Giang có tài nguyên rất tốt để phát triển du lịch nông nghiệp – nông thôn.

Du lịch trải nghiệm

Một góc Lung Ngọc Hoàng. Ảnh: Trung Chánh.

Cụ thể, theo ông Huê một trong những tiềm năng sẵn có của Hậu Giang là có ruộng lúa, vườn cây ăn trái, đặc biệt là khu vực gần thành phố Cần Thơ – nơi có thị trường khách du lịch lớn. “Vùng trồng khóm ở Hỏa Lựu là một trong những sự khác biệt lớn, có thể đem đến sự trải nghiệm mới lạ cho khách châu Âu vì họ ăn loại trái này, nhưng chưa từng biết nơi trồng”, ông giải thích.

Theo ông Huê, các con kênh, rạch chảy qua tỉnh Hậu Giang cũng là tiềm năng, có thể biến thành nơi để phát triển du lịch, thể thao trên mặt nước, đồng thời cũng cung cấp tầm nhìn tốt cho các cơ sở lưu trú vùng quê như lodge, resort, bungalow, farmstay.

Với định hướng xây dựng Hậu Giang trở thành vùng sản xuất nông nghiệp sạch, ông Huê cho biết, địa phương không những là điểm đến của du lịch trải nghiệm về nuôi trồng, đánh bắt, mà còn gắn liền với thực phẩm tươi ngon, an toàn.

Lung Ngọc Hoàng – “nữ hoàng” về tour khám phá

Điểm nhấn đáng lưu ý nhất về tiềm năng du lịch của Hậu Giang, theo ông Huê, là Lung Ngọc Hoàng. “Đây là một điểm cộng hoàn hảo cho các chương trình kỳ nghỉ vùng quê ở địa phương trong tương lai gần, một món “hàng độc” mà chỉ Hậu Giang mới có”, ông nhấn mạnh. Ông Huê cho biết Lung Ngọc Hoàng nằm ngay ở trung tâm ĐBSCL, cho nên khi được mục sở thị nó khiến cả những người làm du lịch chuyên nghiệp cũng bất ngờ đến mức sững sờ về vẻ đẹp hoang sơ với một hệ động, thực vật đặc trưng vùng ngập nước, đó là các loài cá, bò sát, chim, cò, súng, sen và rừng tràm. “Nếu giữ kỹ vùng lõi và định hướng dành cho khách yêu thiên nhiên với các tour chèo xuồng điện, đi bộ hay xe đạp để tham quan, trải nghiệm hệ sinh thái rừng ngập nước ở đây, thì đây sẽ là nơi trải nghiệm của những chuyến đi tuyệt vời”, ông nhấn mạnh.

Theo ông, Lung Ngọc Hoàng phải là “nữ hoàng” của tour khám phá vùng quê ĐBSCL dành cho khách Âu- Mỹ, trong đó thời gian tham quan đẹp nhất ở khu bảo tồn này là mùa khô, hoàn toàn trùng hợp với mùa du lịch của khách quốc tế từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau.

Có cùng quan điểm với ông Huê, bà Nguyễn Thị Lý, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang, cho biết Hậu Giang là một trong những địa phương có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, có diện tích lớn về cây ăn trái, lúa và nguồn thủy sản phong phú. Trong đó, một số thương hiệu nông sản cũng đã góp mặt trên thị trường khu vực và cả nước, như Bưởi Năm Roi, cam sành Ngã Bảy, quýt đường Long Trị, khóm Cầu Đúc, cá thát lát, cá rô đồng… “Đây là những điều kiện rất tốt để Hậu Giang phát triển du lịch nông nghiệp”, bà Lý nhấn mạnh.

Đánh thức tiềm năng du lịch Hậu Giang

Tuy nhiên, để những tiềm năng du lịch của Hậu Giang nói riêng và các địa phương ĐBSCL nói chung được “đánh thức”, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp dẫn câu chuyện của Đồng Tháp như là một sự gợi ý cho Hậu Giang trong cách làm du lịch nông nghiệp, đó là ngoài việc “kích hoạt” ý thức cho người dân, bản thân người nông dân phải tự xác định một thái độ ham học hỏi, nhìn ra được giá trị làm du lịch và phải đam mê, kiên trì.

Một điểm đáng lưu ý nữa, theo ông Hoan, đó là phải có tính cộng đồng khi làm du lịch. “Tôi chứng kiến là từ du lịch, mà văn minh cộng đồng được nâng cao hơn, người dân đoàn kết với nhau hơn”, ông nói và cho rằng muốn vậy bản thân người làm du lịch phải biết chia sẻ. Khi đó, cộng đồng sẽ giúp quảng bá, đảm bảo an ninh trật tự và cộng đồng cùng chung tay giữ nét văn hóa, tạo ra làng quê có “nét văn hóa riêng” để du khách có thể cảm nhận được hoạt động của làng quê. Trong khi đó, về phía chính quyền, theo gợi ý của ông Hoan, đó là chính quyền phải “ra tay” thông qua việc đầu tư hạ tầng chung, truyền thông kết nối; thúc đẩy sự tham gia của ngành chuyên môn thông qua tư vấn, tập huấn.

Đoàn khảo sát Lung Ngọc Hoàng. Ảnh: Huỳnh Kim

Ông Stiermann Martin, Giám đốc Khu nghỉ dưỡng Ricefield Lodge, khi nói đến Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Lung Ngọc Hoàng – một địa danh được đánh giá là “nữ hoàng” tour khám phá vùng quê – đã gợi ý việc khai thác du lịch tại đây nên đi theo hướng chỉ sử dụng động cơ chạy bằng năng lượng tái tạo; phải tạo được sự yên tĩnh và không gây ảnh hưởng cho thiên nhiên; nên xây dựng một thương hiệu du lịch cho Hậu Giang dựa trên việc không sử dụng nhựa và không xả rác.

Ngoài ra, theo gợi ý của ông Martin, Hậu Giang cần xây dựng một trụ sở du lịch được trang bị đầy đủ điều kiện để phát triển du lịch, bao gồm trung tâm đào tạo về nông nghiệp hữu cơ; trung tâm đào tạo về du lịch sinh thái về nấu ăn và có thông tin du lịch ở Hậu Giang. “Dù bạn làm gì, hãy bảo vệ thiên nhiên”, ông Stiermann Martin gợi ý và đưa ra lời khuyên cố gắng tránh làm du lịch theo kiểu tràn lan, thay vào đó hãy làm có chọn lọc. “Làm ít, mà thu được nhiều”, ông nêu kinh nghiệm của bản thân.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng được thành lập theo Quyết định số 13/2002/QĐ-TTg ngày 14-1-2002 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 22/2011/QĐ-UBND ngày 20-6-2011 của UBND tỉnh Hậu Giang. Lung Ngọc Hoàng rộng trên 2.800 héc ta, bao gồm phân khu bảo vệ nghiêm ngặt trên 1.015 héc ta và phân khu phục hồi sinh thái trên 937 héc ta và phân khu hành chính dịch vụ trên 852 héc ta.Lung Ngọc Hoàng bảo tồn sinh cảnh tự nhiên tiêu biểu, độc đáo, đa dạng sinh học, là nơi cư trú của các loài sinh vật bản địa của hệ sinh thái đất ngập nước chuyển tiếp giữa phía Tây sông Hậu và Bán đảo Cà Mau. Về thực vật, các cánh rừng ngập nước trong Lung Ngọc Hoàng hiện có trên 330 loài, trong đó có 56 loài mới được phát hiện. Đây là nơi nghiên cứu khoa học, bảo vệ các thảm thực vật quý kết hợp phát triển du lịch sinh thái, tái tạo các mảng sinh cảnh trên vùng đất ngập nước hiếm hoi còn sót lại của ĐBSCL. Về động vật, Lung Ngọc Hoàng hiện có 206 loài, trong đó, có nhiều loài đang nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới, như rái cá lông mũi, rắn hổ mang và các loài quý hiếm như: Bạc má, cà cuốc, cò ốc, giang sen, cò lạo xám, ác là, dơi chó, rái móng, chồn mực, cáo mèo, càng đước, cua đinh, rùa vàng, ếch giun, cá còm…

Trung Chánh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Đi thuyền buồm ngắm cảnh đôi bờ sông Nile tại Aswan,...

0
(SGTT) – Đi thuyền buồm ngắm cảnh đôi bờ sông Nile là trải nghiệm được nhiều du khách yêu thích khi đến thành phố...

Bảy đóa sen ‘nở’ trên sông Hương mừng Đại lễ Phật...

0
(SGTT) - Ban Tổ chức Đại lễ Phật đản năm 2024 tỉnh Thừa Thiên Huế vừa hạ thủy bảy hoa sen giữa dòng sông...

Nhiều nước bắt đầu đánh thuế xe điện

0
(SGTT) - Các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu đang triển khai các loại thuế phí mới đối với xe điện. Động...

Dự kiến tháng 6 chọn xong nhà thầu trạm dừng cao...

0
(SGTT) - Theo kế hoạch, 8 trạm dừng trên cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 mở thầu vào...

Hơn 90.000 chứng chỉ ngoại ngữ cấp sai quy định của...

0
(SGTT) - Theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các chứng chỉ tiếng Anh Aptis và IELTS cấp sai quy...

Toàn cảnh depot Long Bình với góc nhìn từ trên cao

0
(SGTT) - Depot Long Bình nằm tại thành phố Thủ Đức, có diện tích trên 20 hec-ta. Đây là trung tâm điều khiển và...

Kết nối