Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024

Đầu bếp Lê Văn Siêng: “Tôi muốn sáng tạo món Việt theo phong cách mới”

(SGTT) - Dành tình yêu cho món ăn Việt từ những bữa cơm của mẹ, đầu bếp Lê Văn Siêng đã chọn gắn bó với công việc bếp núc từ năm 16 tuổi. Chàng trai này đã từng bước chinh phục nghề đầu bếp và hiện đang là bếp trưởng bếp Việt tại Lãnh sự quán Nam Phi tại TPHCM.

Đầu bếp Lê Văn Siêng.

Gặp gỡ đầu bếp Lê Văn Siêng trong vai trò giám khảo khách mời của cuộc thi Vào bếp cùng mẹ mùa hai, khó ai tin rằng vị bếp trưởng này đã bắt đầu giấc mơ nâng tầm món Việt từ vị trí phục vụ bàn. Mời độc giả Sài Gòn Tiếp Thị (SGTT) cùng chia sẻ với đầu bếp Lê Văn Siêng về “con đường ẩm thực” mà anh đã chọn.

SGTT: Xin chào đầu bếp Lê Văn Siêng, nhiều người nói thành công là một quá trình, vậy quá trình theo đuổi nghề bếp của anh đã bắt đầu thế nào?

- Đầu bếp Lê Văn Siêng: Năm 16 tuổi, tôi từ quê Bến Tre lên TPHCM tìm việc. Qua lời giới thiệu của một người quen, tôi được nhận vào làm phục vụ ở nhà hàng sân vườn tại Thủ Đức. Khi ấy, nhà hàng thuê được một vị đầu bếp rất có tiếng ở TPHCM đến làm việc, và đây cũng chính là người thầy đã dìu dắt tôi vào nghề.

Trong khoảng thời gian làm nhân viên phục vụ tại nhà hàng, khi được nghe những lời khen ngợi cũng như nhìn thấy được sự vui vẻ của khách sau khi thưởng thức các món ăn ngon, tôi chợt nghĩ, bản thân tôi cũng rất đam mê nấu ăn, gia đình cũng có truyền thống nấu ăn ngon, vậy tại sao mình không học làm bếp? Sau nhiều ngày suy nghĩ, tôi quyết định xin thầy cho làm việc trong bếp nhưng bị thầy từ chối vì lúc đó đã đủ nhân sự. Ba tháng sau, tôi bất ngờ được thầy đồng ý nhận vào bếp với công việc làm cá và lặt rau. Từ những công việc nhỏ nhặt ấy, thấy tôi nhanh nhẹn, thầy cho tôi đi theo học việc. Với sự tận tình của thầy, chỉ trong thời gian ngắn, tôi được tập làm quen với việc sử dụng chảo và nấu các món đơn giản. Năm đó, tôi 17 tuổi…

“Tay ngang” học làm bếp, chắc chắn anh đã trải qua nhiều khó khăn, vậy động lực nào giúp anh vượt qua những khó khăn đó để có ngày hôm nay?

- Không ai khác, mẹ tôi là động lực và là hậu phương vững chắc cho tôi thực hiện ước mơ và theo đuổi niềm đam mê. Mẹ là người thầy đầu tiên dạy tôi biết nêm nếm những món ăn đầu tiên trong đời.

Ngoài ra, niềm vui khi nấu nướng và sáng tạo các món ăn ngon để phục vụ thực khách cũng là động lực không nhỏ níu giữ tôi lại với nghề bếp. Khi thật lòng yêu một việc gì đó, bạn sẽ không thấy nhàm chán, dù công việc cứ lặp đi lặp lại hằng ngày. Tình yêu nghề bếp đã vực dậy tinh thần tôi trước những áp lực và khó khăn gặp phải khi làm nghề.

Anh lựa chọn xu hướng ẩm thực nào để theo đuổi?

- Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn, được thưởng thức những sản vật đồng quê Nam Bộ nên trong lòng luôn say mê món ăn Việt. Chính vì thế, tôi chọn bếp Việt làm tôn chỉ cho sự nghiệp của mình.

Và trong tâm thế của một đầu bếp chuyên món Việt, tôi luôn trăn trở làm sao để nâng tầm những món ăn quê hương trước bạn bè quốc tế. Tôi đang cố gắng mày mò, học hỏi nhiều cách để có thể sáng tạo phương thức kết hợp nguyên liệu món ăn tây – ta (trong nước) hoặc nguyên liệu ta nhưng có cách chế biến mới lạ, hiện đại…

Khi thật lòng yêu một việc gì đó, bạn sẽ không thấy nhàm chán, dù công việc cứ lặp đi lặp lại hằng ngày. Tình yêu nghề bếp đã vực dậy tinh thần tôi trước những áp lực và khó khăn gặp phải khi làm nghề.

Và cơ duyên nào dẫn dắt anh đến với công việc ở Lãnh sự quán Nam Phi?

- Năm 2016, một người bạn làm việc tại Lãnh sự quán Nam Phi đã giới thiệu và tạo điều kiện cho tôi được nấu những món ăn Việt Nam trong các bữa tiệc chiêu đãi các nhà ngoại giao quốc tế. Qua nhiều lần cộng tác như thế, những món ăn của tôi nhận được lời khen ngợi. Năm 2018, tôi chính thức được vào làm việc tại Lãnh sự.

Đây là nơi làm việc mà tôi tâm đắc nhất trong sự nghiệp của mình, là niềm vinh dự và niềm tự hào của tôi. Tại đây, tôi có thể được tự do sáng tạo món Việt theo phong cách hiện đại để giới thiệu đến bạn bè quốc tế.

Anh có thể chia sẻ cảm nhận của mình ở vai trò giám khảo khách mời cuộc thi Vào bếp cùng mẹ 2019?

- Vào bếp cùng mẹ là sân chơi ý nghĩa cho mẹ và bé trải nghiệm trong dịp hè. Qua cuộc thi, tôi muốn nhắn gửi đến các gia đình: bữa cơm gia đình là rất quan trọng và cần được chăm chút. Qua từng món ăn mới hiểu được tâm huyết và tình cảm người vợ, người mẹ dành cho gia đình. Đó cũng là điều tôi cảm nhận được ở mẹ và luôn nhớ đến mẹ trên từng bước đường thành công của mình.

Dưới đây là công thức món Chả cá trân châu (Trái vải nhồi cá thác lác) lạ miệng cho ngày hè do đầu bếp Lê Văn Siêng gợi ý, dành tặng bạn đọc SGTT.

Nguyên liệu

  • 10 trái vải vừa chín tới (lột vỏ, bỏ hạt)
  • 100g cá thác lác nạo
  • 5g hành tím băm
  • 200g bột chiên xù
  • 100g bột chiên giòn
  • Một quả trứng gà
  • 200g salad
  • Gia vị: 5g hạt nêm, 2g nước mắm, 4g đường, 2g tiêu xay.

Cách làm

  • Bước 1: Ướp cá thác lác cùng các gia vị trên rồi đánh cho dai, sau đó nhồi vào trong trái vải.
  • Bước 2: Pha bột chiên giòn với trứng gà và 30ml nước lọc, đánh đều tay để hỗn hợp đều bột.
  • Bước 3: Cho trái vải lăn qua bột chiên giòn và áo qua một lớp chiên xù.
  • Bước 4: Cho trái vải vào chiên trong chảo dầu nóng đến khi vàng đều. Sau đó vớt ra dĩa, ăn kèm cùng salad và tương xí muội.

Nhi Vũ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối