Thứ hai, Tháng mười hai 16, 2024

Chuyên gia UNDP Jonathan Pincus: các quốc gia đang phát triển chịu thiệt thòi trong lộ trình Net Zero

Áp lực của các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam trong lộ trình Net Zero là rất lớn khi nhìn từ khía cạnh vĩ mô. Những khó khăn này không chỉ đến từ việc phải huy động lượng vốn lớn mà còn là vấn đề tỷ giá, cán cân thanh toán và chuyển giao công nghệ.

Theo GS.TS Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế quốc tế cấp cao của UNDP, các quốc gia đang hành động nhanh hơn trong tiến trình Net Zero vì đã nhận thấy được vấn đề, đặc biệt là câu chuyện năng lượng. Ảnh: L.Vũ

Tại sự kiện Diễn đàn Kinh tế xanh 2023 với chủ đề “Net Zero – Đường đến phát triển bền vững” do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức ngày 18-8, GS.TS Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế quốc tế cấp cao của UNDP, đánh giá lộ trình Net Zero hiện nay chưa khả quan nên thế giới “cần phải nỗ lực hơn nữa”. Trong bối cảnh này, một điểm đáng chú ý nữa là các quốc gia phát triển sẽ gặp áp lực lớn hơn.

Xuất phát từ yêu cầu ngăn chặn nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 2°C, từ đó đòi hỏi phải cắt giảm 25-50% lượng khí thải nhà kính từ mức của năm 2019 vào năm 2030. Trong khi đó, các cam kết hiện tại của các quốc gia tính đến năm 2030 chỉ giảm 12% so với mức ước tính của năm 2019, và con số này là không đạt như mong muốn.

“Tín hiệu tích cực là các quốc gia đang ngày càng hành động nhanh hơn, vì đã nhận thấy được vấn đề, đặc biệt là trong câu chuyện năng lượng”, ông Pincus chia sẻ. Trong đó, Việt Nam được đánh giá là có nỗ lực rất đáng kể khi “sử dụng phần lớn GDP” để chuyển đổi từ việc sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo trong thời gian qua.

Trên thực tế, Việt Nam là một trong những quốc gia đưa ra cam kết về Net Zero vào năm 2050 tại diễn đàn COP26 (Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu). Trong nhóm 10 nước ASEAN, đã có 8 công bố mục tiêu quốc gia đạt được trong việc phát thải ròng khí nhà kính hoặc trung hòa carbon vào năm 2050, riêng Indonesia cam kết vào năm 2060, còn Phillipines không đưa ra cam kết Net Zero.

Thống kê cho thấy 130 quốc gia đã đặt mục tiêu đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, chiếm 90% lượng phát thải hiện tại. Trong khi đó, nhóm nước G20, hay còn gọi là nhóm nước giàu (và dĩ nhiên không có Việt Nam) sẽ chịu trách nhiệm giảm đến 75% khí thải nhà kính.

Thực tế cũng cho thấy các nước đang phát triển, hay nhóm “chưa giàu nhưng phải sạch”, gặp áp lực lớn trong lộ trình Net Zero.

Theo vị chuyên gia của UNDP, vấn đề đầu tiên là phải huy động được nguồn tài chính đáng kể từ ban đầu thì mới có thể triển khai quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp. Chẳng hạn như Việt Nam cần tới 60 tỉ đô la mỗi năm, và với thực tế hiện tại, để đầu tư vào năng lượng tái tạo thì cần vay vốn từ nước ngoài, và nếu vay thì sẽ phải đối mặt với câu chuyện tỷ giá, nợ công.

Điều này cũng dẫn tới một câu chuyện là khả năng hấp thụ vốn nước ngoài của các nước đang phát triển bị hạn chế vì lý do vĩ mô. “Thâm hụt tài khoản vãng lai gia tăng làm tăng áp lực lên tỷ giá hối đoái và lãi suất trong nước, khiến quá trình chuyển đổi năng lượng trở nên đắt đỏ hơn”, ông nói.

Với Việt Nam, ông đánh giá dù là một trong những nền kinh tế dẫn đầu về xuất khẩu, nhưng hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu lại thâm dụng nhập khẩu, dẫn đến thặng dư thương mại thu hẹp trong nhiều năm, thêm nữa tỷ trọng kiều hối trên GDP giảm, gây áp lực lên cán cân vãng lai.

Một yếu tố khác ảnh hưởng lớn quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải carbon thấp phụ thuộc lớn vào công nghệ. Tuy nhiên, câu chuyện căng thẳng địa chính trị sẽ cản trở việc chuyển giao công nghệ, vốn cần thiết để đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi toàn cầu với chi phí thấp hơn. “Các quốc gia chịu thiệt thòi nhất là các quốc gia đang phát triển vì đòi hỏi đầu tư cao nhưng căng thẳng địa chính trị sẽ cản trở”, ông nói.

Hiện nay, Trung Quốc được xem là nhà sản xuất linh kiện và thiết bị lĩnh vực năng lượng tái tạo rẻ nhất và quy mô lớn nhất. Trên thực tế, dựa trên sự kiểm soát của mình đối với các nguồn tài nguyên quan trọng, Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào việc xây dựng năng lực sản xuất tua-bin gió, năng lượng mặt trời, ô tô và linh kiện EV cũng như các linh kiện và thiết bị khác.

“Châu Âu và Bắc Mỹ sẽ phải lựa chọn giữa đáp ứng các mục tiêu về khí hậu và tách khỏi Trung Quốc – không chắc là họ có thể làm được cả hai”, ông bình luận.

Thỏa thuận Paris có tính ràng buộc pháp lý đối với 194 bên (193 quốc gia và Liên minh châu Âu). Cứ 5 năm một lần, mỗi quốc gia phải đệ trình kế hoạch hành động quốc gia về khí hậu cập nhật, được gọi là Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).Báo cáo nghiên cứu Chỉ số Net Zero các nền kinh tế năm 2022 của PwC, đo lường mức độ tiêu thụ năng lượng so với GDP và hàm lượng carbon của năng lượng đó, đánh giá Việt Nam là nền kinh tế phụ thuộc vào than đá và hiện còn cách khá xa so với đích đến trong lộ trình cân bằng giảm phát thải carbon, xếp chung nhóm với một số quốc gia như Bangladesh, Philippines, Pakistan.“Sự phát triển kinh tế của các nước này trong thập kỷ qua được thúc đẩy một phần bởi than đá và đây là những rủi ro lớn nhất khi quốc gia bị mắc kẹt giữa tài nguyên cạn kiệt và biến đổi khí hậu”, báo cáo đánh giá.Trong khi đó, nhóm các nền kinh tế khác được đánh giá tích cực hơn là “có tiến triển”, có thể kể đến Úc, Trung Quốc, Malaysia, New Zealand và Hàn Quốc và cả Thái Lan. Hầu hết các quốc gia này vẫn tạo ra nhiều khí thải carbon, nhưng đang duy trì động lực phát triển đầy hứa hẹn, có sự tiến bộ “đáng khích lệ về hướng đi và tốc độ”.

Dũng Nguyễn

Theo Kinh tế Sài Gòn Online 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối