Thứ tư, Tháng mười hai 11, 2024

Thị trường tín chỉ carbon: Tiềm năng không chỉ đến từ ‘rừng vàng biển bạc’

Trong lộ trình giảm phát thải ròng về mức 0 (Net Zero) đến năm 2050, nguồn tài chính bền vững cho quá trình này không chỉ đến từ khu vực công – tư mà còn đến từ thị trường tín chỉ carbon. Được đánh giá là có lợi thế lớn nhờ sở hữu “rừng vàng, biển bạc”, Việt Nam vẫn còn nhiều lĩnh vực khác có thể giúp mang đến doanh thu cho người bán và đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải chung cho nền kinh tế.
Cơ hội khai thác tín chỉ carbon tại Việt Nam hiện nay chủ yếu đến từ hoạt động trồng rừng. Ảnh minh họa: Duy Tiến

Cuộc dịch chuyển từ chỗ thừa sang chỗ thiếu

Trong mục tiêu chung hướng đến phát thải ròng về mức 0 vào năm 2050 (Net Zero), Việt Nam hiện xây dựng thị trường tín chỉ carbon, dự kiến thí điểm từ năm 2025, hoàn thiện khung pháp lý vào năm 2027 và vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon từ năm 2028. Từ khóa tín chỉ carbon cũng được nhắc đến ngày càng nhiều trên truyền thông, nhưng lộ trình đặt ra được các chuyên gia đánh giá là “rất tham vọng và rất thách thức”.

Cũng cần phân biệt rằng thị trường tín chỉ carbon hiện nay mà chính phủ muốn xây dựng mang yếu tố bắt buộc. Điều này nghĩa là các doanh nghiệp sẽ bị kiểm soát việc phát thải khí nhà kính, nếu xả thải nhiều hơn hạn ngạch đặt ra, anh có thể mua thêm tín chỉ carbon trên thị trường bắt buộc, hoặc một phần nhỏ từ thị trường tự nguyện để bù trừ.

Ngược lại, thị trường tín chỉ carbon tự nguyện đã hoạt động được một khoảng thời gian, nhưng hiện chủ yếu đến từ lâm nghiệp (rừng), do yếu tố lịch sử trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà chính chung của toàn cầu.

Trước đây, một trong những cơ chế được nhắc đến nhiều nhất là cơ chế phát triển sạch (CDM) sau khi Nghị định thư Kyoto ra đời. Nguyên lý chung là các nước đang phát triển sử dụng tài nguyên rừng, hấp thụ carbon, chuyển thành tín chỉ carbon bán cho nước “giàu” để bù đắp vào hạn ngạch mà quốc gia này thải ra nhiều.

Cơ chế đa quốc gia này đã thay đổi sau khi thế giới đạt thỏa thuận mới, cột mốc là Thỏa thuận Paris năm 2015 tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc. “Các nước giàu có trách nhiệm giảm phát thải mua tín chỉ từ nước nghèo, nhưng Thỏa thuận Paris thì chuyển sang nguyên lý NDC, tức các quốc gia cam kết tự nguyện. Không còn cơ chế cũ nữa nên ngay bây giờ bản thân các nước đang phát triển phải chạy đua giảm phát thải”, TS. Phạm Khánh Nam, Viện trưởng Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á (EEPSEA), Giám đốc Trung tâm Môi trường cho Phát triển Việt Nam (EfD-Vietnam), Đại học UEH, cho biết.

Theo số liệu trong bài viết của báo cáo Trung tâm con người và thiên nhiên (PanNature) số tháng 3-2023, tính đến tháng 11-2022, có tổng cộng 276 dự án CDM và gần 29,4 triệu tín chỉ carbon đã được ban hành từ các dự án tín chỉ carbon được phát triển theo cơ chế CDM tại Việt Nam. Ngoài CDM, Việt Nam cũng phát triển các dự án tín chỉ carbon theo các tiêu chuẩn quốc tế độc lập. Thống kê cho thấy có 32 dự án đăng ký theo Tiêu chuẩn Vàng (GS) và 27 dự án đăng ký theo tiêu chuẩn carbon được thẩm định (VCS) với số lượng tín chỉ được ban hành lần lượt là 5,7 triệu và 1,3 triệu tín chỉ.

Tiềm năng không chỉ có “rừng vàng, biển bạc”

Nhờ đặc thù tự nhiên, Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng lớn về carbon rừng với tổng diện tích rừng khoảng 14,7 triệu ha, độ che phủ rừng 42%. Ước tính con số hấp thụ carbon bình quân mỗi năm là khoảng 69,8 triệu tấn CO2.

Tuy nhiên, tiềm năng về rừng chưa đánh giá hết tổng thể nền kinh tế. Một lĩnh vực điển hình cần nhắc đến trong lĩnh vực tín chỉ carbon lại là nông nghiệp, lĩnh vực sản xuất có thế mạnh của Việt Nam.Theo báo cáo “Hướng tới chuyển đổi nông nghiệp xanh ở Việt Nam: chuyển sang mô hình lúa gạo carbon thấp” của World Bank, nông nghiệp là lĩnh vực phát thải cao thứ hai (chiếm 19% tổng lượng phát thải năm 2020), trong đó khoảng 48% lượng khí thải của ngành nông nghiệp và 75% lượng khí mê-tan đến từ lúa gạo.

Trong khi đó, việc áp dụng phương án canh tác carbon thấp hơn như 1M5R (phải sử dụng giống được chứng nhận; 5 Giảm gồm giảm tỷ lệ sử dụng giống, phân bón, thuốc trừ sâu, nước và thất thoát hậu thu hoạch) ước tính sẽ giúp giảm lượng phát thải khí nhà kính khoảng 26,6% vào vụ đông xuân và 29,9% vào vụ hè thu.

Nhưng chi phí cho việc chuyển đổi là cao cũng như đòi hỏi thời gian dài. Giá trị của thị trường carbon toàn cầu đạt gần 280 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020, nhưng các dự án phát thải liên quan đến nông nghiệp chỉ chiếm 1% tổng số tín chỉ carbon được cấp. Do đó, cũng theo báo cáo này, vai trò của thị trường carbon sẽ đóng góp rất quan trọng, đặc biệt nếu có sự tham gia mạnh mẽ của khu vực tư nhân.

Hiện nay, chính phủ Việt Nam có đề án xây dựng 1 triệu ha lúa chuyên canh phát triển bền vững tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, trong đó có mục tiêu “đóng gói” thành tín chỉ carbon. Một tập đoàn tư nhân là Lộc Trời cũng đang phát triển dự án sản xuất lúa carbon thấp nhằm hướng đến mục tiêu này.

“Việt Nam là một trong những quốc gia tiềm năng với các dự án chứng chỉ carbon, chẳng hạn như nông nghiệp có chuyển sang canh tác nông nghiệp carbon thấp, có rừng nhiều và đường bờ biển lớn. Ngoài ra, các dự án thu hồi, tái chế nylon, chai nhựa cũng có thể tạo ra tín chỉ nhựa. Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan trong nước chưa phát hành được mà phải theo tiêu chuẩn quốc tế”, ông Vũ Chí Công, Giám đốc ESG của Tập đoàn VinaCapital, chia sẻ.

Có rất nhiều dự án có thể thấy ngay về lợi ích giảm phát thải khí nhà kính, chẳng hạn như năng lượng tái tạo thay thế cho nhiệt điện, xe điện thay xe động cơ đốt trong, hay lĩnh vực xử lý rác thải.

Về nguyên lý, dự án nào giúp cắt giảm khí thải nhà kính thì đều có thể chuyển thành tín chỉ carbon. Hiện nay ở thị trường tự nguyện có nhiều dự án khác khá thú vị, chẳng hạn như tập đoàn tài chính Citi (Mỹ) cho biết đã hoàn tất thương vụ mua tín chỉ carbon tự nguyện đầu tiên (VCC) vào cuối tháng 5-2022.

Đây là dự án sản xuất và phân phối bếp cải tiến và máy lọc nước cho cộng đồng thu nhập thấp ở nông thôn Việt Nam. Dự án này khi đó hỗ trợ 5 triệu người sống trong các hộ gia đình trên có bếp nấu và máy lọc nước, giảm đáng kể lượng khí thải CO2 so với việc đun nấu bằng bếp than bếp củi vốn đang được sử dụng rộng rãi.

Thông tin cập nhật từ Ngân hàng Thế giới (World Bank) vào đầu năm nay cũng cho thấy đã huy động trái phiếu liên kết giảm phát thải trị giá 50 triệu đô la Mỹ có liên quan đến tín chỉ carbon tạo ra từ dự án “máy lọc nước cho trường học” này. Dự án kỳ vọng cung cấp nước sạch cho khoảng 2 triệu trẻ em và giảm khí nhà kính 3 triệu tấn CO2 trong vòng 5 năm. Trong thương vụ này, tập đoàn Citi đóng vai trò là bên thu xếp và cơ cấu vốn, cũng như đảm bảo việc mua lại các tín chỉ carbon tự nguyện.

Theo đại diện Citi, ở quy mô khu vực và trên toàn cầu, nhiều công ty đã tự nguyện giảm lượng khí thải bằng cách đầu tư vào công nghệ mới hoặc sử dụng bù đắp carbon. Các thị trường tín chỉ carbon có thể cung cấp một cầu nối để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng này.

“Với sự bùng nổ về nhu cầu tín chỉ carbon sau COP26, Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển thị trường carbon. Các công ty Việt Nam có thể tạo ra các khoản tín dụng carbon chất lượng cao và bán chúng trong khu vực và toàn cầu, giúp các công ty quốc tế hoàn thành các nghĩa vụ giảm phát thải carbon của họ”, đại diện Citi chia sẻ với KTSG Online.

Dũng Nguyễn

Theo Kinh tế Sài Gòn Online 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối