Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024

Tăng trưởng kinh tế dưới tác động của sản phẩm trí tuệ

Các nguyên thủ quốc gia toàn cầu không ngừng tìm kiếm các chính sách giúp kích cầu tăng trưởng kinh tế, tập trung vào đổi mới sáng tạo là một hướng đi vô cùng được ưu tiên. Điều này thể hiện rõ trong việc Liên minh châu Âu (EU) ra Chính sách phát triển thị trường kỹ thuật số hoặc Trung Quốc ban hành chính sách đổi mới sáng tạo trong kế hoạch năm năm mới nhất.

Có thể thấy các quốc gia trên toàn thế giới đang cố gắng xây dựng các chính sách công có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo. Theo đó, câu hỏi đặt ra là đổi mới sáng tạo đóng vai trò gì trong phương trình chung kích thích tăng trưởng kinh tế? Và tài sản trí tuệ (IP) đóng vai trò thế nào trong phương trình này?

Các chuyên gia kinh tế liên tục nhấn mạnh vai trò then chốt của đổi mới công nghệ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mô hình tăng trưởng kinh tế tân cổ điển của Robert Solow chứng minh rõ ràng rằng chất xúc tác chính của tăng trưởng kinh tế bền vững không chỉ đơn thuần là tích lũy lao động hay vốn. Tới nay, các chuyên gia Việt Nam hay chuyên gia chính sách công nước ngoài đều không còn có thể phủ nhận rằng tiến bộ công nghệ mới thực sự là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế.

Nhiều nghiên cứu ở các vùng lãnh thổ cho thấy, không giống như các yếu tố đầu vào khác, sự tiến bộ về công nghệ có thể mang lại hiệu ứng cấp số nhân đối với năng suất lao động và vốn. Một công trình nghiên cứu của Paul Romer chứa đựng lập luận này cũng đã nhận được vô vàn sự chú ý khi nhận giải Nobel kinh tế danh giá.

Hơn thế nữa, việc tập trung vào đổi mới sáng tạo không chỉ vì mục đích tăng trưởng kinh tế mà còn để giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia, phòng ngự thông tin mật, quản lý dân số, và chủ quyền công nghệ.

Tuy nhiên, vai trò của sở hữu trí tuệ trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo ít được làm rõ. Từ công trình ban đầu của Kenneth Arrow cho đến những bài viết mới nhất của Romer về các yếu tố thúc đẩy đổi mới, câu hỏi liệu sở hữu trí tuệ tạo điều kiện thuận lợi hay cản trở cho quá trình đổi mới sáng tạo ở một quốc gia vẫn chưa được trả lời và thường bị bỏ qua.

Trong nền kinh tế dựa trên tri thức nhưng bị thống trị bởi những gã khổng lồ nền tảng kỹ thuật số, việc giải quyết câu hỏi này là vô cùng quan trọng. Nó mang ý nghĩa tức thời và thiết thực cho các nhà hoạch định chính sách. Một vài thập kỷ trước, lao động và tài sản vốn hữu hình chiếm 80% giá trị thị trường theo số liệu của công ty S&P 500. Tuy nhiên, điều này hiện đã đảo ngược và khoảng gần 60% giá trị thị trường được quy cho tài sản vô hình.

Những tài sản vô hình này thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn như nhãn hiệu, bằng sáng chế, bản quyền, bí mật thương mại, mô hình kinh doanh mới lạ, tích lũy kỹ năng và ý tưởng… Bất kể dưới hình thức nào, cả cá nhân và doanh nghiệp đều có động lực để đổi mới sáng tạo nếu sự đổi mới và sáng tạo của họ mang lại lợi nhuận đầy hứa hẹn.

Tuy nhiên, nếu ý tưởng và phát minh dùng để thương mại hóa chính không được bảo vệ với một mức chi phí phù hợp với đa số công ty nhỏ lẻ bởi các tổ chức như các cục sở hữu trí tuệ, thì sự đổi mới sẽ bị giới hạn ở những công ty lớn, siêu lớn, hoặc công ty đa quốc gia. Bởi ở các công ty lớn, siêu lớn, hoặc công ty đa quốc gia các ý tưởng có thể được bảo vệ bởi các cơ chế khác như tích hợp dọc và các tập đoàn đầu tư liên tục vừa để phát triển tài sản trí tuệ vô hình và thiết kế kiểu dáng của nó, vừa để bảo vệ tài sản trí tuệ bằng cách thức tốn kém như kiện tụng hay sử dụng dịch vụ theo dõi hàng giả/hàng nhái (Counterfeit Watch Service).

Nếu không có sự bảo vệ của chính sách sở hữu trí tuệ công, đổi mới chỉ có thể tiếp cận được đối với các tổ chức lớn sở hữu các nguồn lực, điều nay tạo ra sự độc quyền không lành mạnh đồng thời tạo ra sự kích thích kinh tế không đủ lớn, thậm chí, còn phụ thuộc vào kế hoạch hay hành động hoặc tầm nhìn của các tổ chức này.

Đây là lý do tại sao các nhà kinh tế đã xác định sở hữu trí tuệ đi kèm với một chính sách công phù hợp, dễ tiếp cận, và một cơ chế bảo vệ hợp lý, đa dạng cho các nhà đổi mới sáng tạo là công cụ quan trọng cho “dân chủ hóa phát minh” ở Mỹ, giúp hoạt động phát minh trở nên khả thi về mặt kinh tế đối với tất cả mọi người.

Tầm quan trọng của việc nhận ra vai trò của sở hữu trí tuệ trong việc thúc đẩy đổi mới vượt ra ngoài chính sách trong nước và có ý nghĩa chính trị sâu rộng. Nếu Mỹ chọn áp dụng các chính sách cho phép các công ty, dù lớn hay nhỏ, dù mới hay lão làng, tích hợp sự đổi mới và nhận giúp đỡ cấp quốc gia cho sự đổi mới này, thì bất kỳ quốc gia nào khác cũng có thể học tập theo để có được lợi thế trong thúc đẩy nền kinh tế định hướng tri thức phát triển.

Thực tế, Trung Quốc đã học hỏi những chính sách công này rất nhanh. Các kế hoạch như Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035 đảm bảo các công ty lớn, tích hợp theo chiều dọc dẫn đầu chương trình đổi mới cho các công nghệ quan trọng trong tương lai.

Theo đó, chính sách công Việt Nam với định hướng chung là thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh mẽ cần hiểu rõ vai trò của sở hữu trí tuệ trong bối cảnh tiến tới nền kinh tế tri thức và đầu tư cho chính sách liên quan tới sở hữu trí tuệ một cách vừa chuyên sâu, với sự trợ giúp của các chuyên gia trong các ngành, và vừa tổng quan, với sự tham vấn của các chuyên gia kinh tế.

Hội đồng sửa đổi luật hoặc dự thảo luật cần có tích hợp của chuyên gia lập pháp, chuyên gia sở hữu trí tuệ, chuyên gia kinh tế, và chuyên gia ngành (ví dụ chuyên gia về công nghệ AI) để các chính sách luật có thể thực sự hữu ích, thực tế và giúp đỡ kích cầu kinh tế một cách rõ rệt.

Nguyễn Ngọc Trâm

Theo Kinh tế Sài Gòn Online 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối