Thứ năm, Tháng mười một 7, 2024

Điện ảnh và quyền sở hữu trí tuệ: không thể tách rời!

Điện ảnh là một trong các hoạt động giải trí phổ biến nhất và được ưa chuộng nhất trên thế giới. Tuy nhiên, nếu như điện ảnh đã trở thành một phần của cuộc sống chúng ta, thì ít người biết rằng, điện ảnh sẽ không thể phát triển nếu như không có quyền sở hữu trí tuệ.

Có thể nói rằng ngay cả sự ra đời của điện ảnh cũng gắn liền với quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Chúng ta đều biết rằng cách đây gần 130 năm, điện ảnh – nền nghệ thuật thứ 7 – đã ra đời, nhờ vào hai anh em nhà Lumière. Vào ngày 28-12-1895, tại Paris, anh em nhà Lumière (Auguste Marie Louis Nicolas Lumière và Louis Jean Lumière) đã tổ chức buổi chiếu phim công cộng bán vé đầu tiên trong lịch sử, tại phòng Salon Indien của quán Grand Café de Paris, trên đại lộ Capucines.

Trong buổi chiếu này, mười thước phim đã được trình chiếu, phục vụ cho 33 người xem. Nhưng chỉ vài tuần sau, phòng Salon Indien đã đón số lượng khách tới 2.500 người mỗi ngày.

Tuy nhiên, sự kiện quan trọng mang tính quyết định, dẫn đến buổi chiếu phim nói trên lại là vào đầu năm 1895. Đó chính là ngày 13-2-1895, ngày anh em nhà Lumière nộp hồ sơ đăng ký bằng sáng chế máy quay phim tại Pháp (bằng sáng chế mang số 245032 theo dữ liệu của Cơ quan quốc gia về quyền sở hữu công nghiệp Pháp). Máy quay phim (cinématographe) của anh em nhà Lumière là một thiết bị “ba trong một”, bao gồm máy quay, bộ phận in tráng và máy phóng hình.

Tất nhiên, điện ảnh ra đời không phải chỉ nhờ vào một sáng chế, mà nhờ vào sự kế thừa từ nhiều tiến bộ công nghệ khác nhau. Sáng chế được bảo hộ của anh em nhà Lumière là kết quả của công việc nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện những sáng chế đã có trước đó, đặc biệt là sáng chế của Thomas Edison (máy quay và chiếu phim đơn).

Việc đăng ký bằng sáng chế đối với máy quay phim là bước đệm khởi đầu cho anh em nhà Lumière, cho phép họ khai thác độc quyền kết quả sáng tạo của mình. Không có sự bảo hộ của quyền SHTT, ngành công nghiệp điện ảnh không thể phát triển như hiện nay.

Ngay từ khi mới ra đời, điện ảnh đã nhanh chóng trở thành một ngành công nghiệp “đẻ trứng vàng” và sự cạnh tranh giữa các nước phát triển trong lĩnh vực này ngày càng trở nên rõ rệt hơn.

Ngay từ cuối những năm 1920, một số quốc gia châu Âu đã áp dụng các biện pháp hạn chế đối với ngành điện ảnh Mỹ. Năm 1926, ngay cả trước sự ra đời của phim nói, một số chính trị gia đã đề xuất thông qua các quy định quốc tế liên quan tới điện ảnh dưới sự bảo trợ Hội Quốc liên, tiền thân của Liên hiệp quốc.

Năm 1946, điện ảnh cũng là ngành duy nhất được hưởng các “quy định đặc biệt” trong Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch (General Agreement on Tariffs and Trade, viết tắt là GATT) ký kết năm 1947 và về sau trở thành Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, Mỹ, cường quốc điện ảnh thế giới, còn lấy điều kiện mở cửa đối với điện ảnh Mỹ để giúp đỡ các nước châu Âu khôi phục kinh tế sau chiến tranh. Một số nước, như Pháp, còn áp dụng nguyên tắc “ngoại lệ văn hóa” nhằm bảo vệ nền công nghiệp điện ảnh nước nhà trước sự cạnh tranh của ngành điện ảnh các nước khác, tiêu biểu là Mỹ.

Có thể nói, trong một tác phẩm điện ảnh, quyền SHTT có thể xuất hiện ở bất cứ yếu tố nào, vào bất cứ giai đoạn sản xuất nào.

Quyền tác giả. Quyền tác giả là “xương sống” của ngành công nghiệp điện ảnh. Từ tác giả tác phẩm được chuyển thể, đến tác giả kịch bản, đạo diễn tới tác giả nhạc phim, diễn viên… đều được hưởng quyền tác giả (hoặc quyền liên quan tới quyền tác giả) cho phần việc sáng tạo của mình, bao gồm quyền tài sản và quyền nhân thân. Tuy nhiên, tùy vào hệ thống luật mà mức độ bảo hộ có thể khác nhau.

Ví dụ, Pháp quy định rất rõ trong luật về SHTT là quyền của tác giả được hưởng tác quyền tỷ lệ thuận với doanh thu, cũng như quyền nhân thân đặc biệt “quyền lực” – cho phép tác giả đảm bảo một sự tự do sáng tạo tương đối lớn đối với nhà sản xuất.

Tuy nhiên, theo luật của Mỹ thì các tác giả không có được vị trí “ưu ái” tương đương. Thay vì thế, các tác giả của Mỹ thường dựa vào sức mạnh của các hiệp hội như Hiệp hội Nhà biên kịch, Hiệp hội Diễn viên màn ảnh, Liên đoàn Nghệ sĩ truyền hình và phát thanh Mỹ… trong đàm phán với các nhà sản xuất.

Chính vì thế, chúng ta có thể thấy nền giải trí của Mỹ có thể bị “đóng băng” khi đàm phán giữa các hiệp hội này về hợp đồng với các hãng phim và dịch vụ phát trực tuyến đổ vỡ và các nhà biên kịch, diễn viên sẽ “đình công”, dẫn đến kết quả là người xem phải chờ lâu hơn dự kiến.

Đối với các diễn viên cũng thế. Nếu như luật một số nước công nhận vị thế “người biểu diễn” với những đặc quyền được luật định, thì ở một số nước khác, diễn viên là “người lao động”, nhà sản xuất là “chủ lao động”, vì thế quyền lợi luật định ít hơn rất nhiều, phụ thuộc vào khả năng đàm phán với nhà sản xuất.

Thương hiệu. Thương hiệu cũng đóng một vai trò quan trọng trong công nghiệp điện ảnh. Các hãng phim sử dụng thương hiệu không chỉ để phân biệt với các đối thủ cạnh tranh khác mà còn để khai thác tên tuổi qua việc kinh doanh hàng hóa, dịch vụ mang thương hiệu nổi tiếng của mình.

Không những thế, tên phim nổi tiếng, hay nhân vật phim nổi tiếng đều được đăng ký làm thương hiệu, như Mickey Mouse (được đăng ký thương hiệu từ năm 1928), Star Wars, Harry Potter, James Bond 007 chẳng hạn. Việc kinh doanh các sản phẩm phái sinh mang thương hiệu tới từ lĩnh vực điện ảnh cũng đem đến những khoản tiền khổng lồ cho chủ sở hữu thương hiệu.

Bằng sáng chế. Như đã nói ở trên, bằng sáng chế là công cụ đầu tiên đảm bảo cho anh em nhà Lumière khai thác hiệu quả sáng tạo máy quay phim. Trong ngành công nghiệp điện ảnh, bằng sáng chế chủ yếu là để bảo hộ những tiến bộ về mặt kỹ thuật trong việc sản xuất hoặc phân phối tác phẩm điện ảnh.

Thế giới điện ảnh từ khi ra đời đến giờ đã thay đổi nhiều nhờ vào tiến bộ công nghệ như technicolor (mang lại màu sắc cho phim), CGI (Computer-Generated Imagery (CGI) – công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính, cho phép tạo hiệu ứng đặc biệt trong phim…

Những sáng chế nói trên đều có thể bảo hộ bằng luật về bằng sáng chế. Các chuyên gia công nghệ còn dự đoán rằng trong tương lai trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ giúp sản xuất phim nhanh hơn, mà còn có thể tạo ra tương tác trực tiếp giữa người xem và người làm phim, cũng như tạo ra các hiệu ứng thị giác tuyệt vời, ấn tượng hơn.

Công nghiệp điện ảnh là ngành công nghiệp dựa vào sáng tạo – vì thế nó không thể tách rời với quyền SHTT. Không khó để có thể nhận ra rằng các cường quốc điện ảnh trên thế giới cũng là những quốc gia chú trọng đặc biệt nhất tới quyền SHTT, vì đây là vũ khí quan trọng nhất để đảm bảo kinh doanh, khai thác hiệu quả nền nghệ thuật thứ 7 này.

Lê Thiên Hương

Theo Kinh tế Sài Gòn Online 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Thế giới ảo, nỗi lo pháp lý thật

0
(SGTT) - Những năm gần đây, công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality, VR) đã phát triển vượt bậc và cho thấy khả năng...

Phim Việt nỗ lực ‘dò tìm’ thị trường quốc tế phù...

0
(SGTT) - Năm 2023, phim Việt đã xuất hiện ở các phòng vé nhiều quốc gia, đây không chỉ là dư địa kế tiếp...

Podcast: cần biết gì về quyền sở hữu trí tuệ?

0
Từ nhiều năm trở lại đây, chúng ta không còn xa lạ với podcast – những nội dung âm thanh dạng số mà người...

Sáu bộ phim Đan Mạch đoạt nhiều giải thưởng quốc tế...

0
(SGTT) – Kể từ đầu tháng Bảy, Tuần lễ phim Đan Mạch sẽ công chiếu sáu bộ phim đoạt nhiều giải thưởng quốc tế...

Kết nối